Những điều cần chú ý khi lên máy bay đi du học Nhật

0

SSDH – Nếu bạn đi du học thì chắc chắn phải đi máy bay (trừ khi bạn siêu giàu và đi bằng thuyền cho nó sang trọng) và việc này có thể khiến bạn bỡ ngỡ nếu lần đầu bạn ra nước ngoài. Bài viết này sẽ chia sẻ cùng bạn những kinh nghiệm khi lên máy bay du học Nhật Bản.

 

Cần chuẩn bị gì khi chuẩn bị lên máy bay đi du học Nhật:

 

Hãy in sẵn tờ giấy có ghi tên trường Nhật ngữ của bạn và tên bạn, để khi xuống họ tìm bạn dễ hơn. Việc này rất quan trọng để tránh bị lạc. Nếu bị lạc hãy tới Sảnh đến (Arrival). Bạn cũng nên ghi số điện thoại của trường hay người đón bạn để có gì còn nhờ gọi.

 

Những điều cần chú ý khi lên máy bay đi du học Nhật

 

Nên có túi nhỏ đeo vai đựng giấy tờ như hộ chiếu (passport), vé máy bay, Boarding Pass. Tránh nhét túi quần, túi áo vì có thể do cầm nhiều đồ mà đánh rơi hay nhét nhầm.

 

Có hai cách bay:

 

  • Bay trực tiếp: Chuyến bay trực tiếp tới nơi cần đến
  • Bay quá cảnh: Quá cảnh (transit) hay còn gọi là chuyển tiếp qua một sân bay trung gian

 

Để lên được máy bay bạn phải có:

 

  • Hộ chiếu còn thời hạn.
  • Visa của nước bạn đến du học còn thời hạn và vẫn sử dụng được.
  • Vé máy bay.

 

Visa (tức là “thị thực”) là “Giấy phép cho nhập cảnh” được Đại sứ quán hay Lãnh sự quán của nước bạn đến đóng vào hộ chiếu cho bạn khi bạn đến xin visa vào nước họ. Một số nước sẽ không cần visa, ví dụ người Việt Nam du học Singapore không cần visa mà chỉ cần hộ chiếu, khi nhập cảnh người ta sẽ đóng visa 30 ngày cho bạn ngay tại sân bay trước khi bạn bước ra ngoài. Đây là hiệp định “miễn thị thực” của các nước Đông Nam Á với nhau. Sang Nhật thì bạn cần xin visa, thường có loại nhiều lần (có thể vào Nhật nhiều lần trong thời hạn còn visa) hay loại một lần (dùng một lần là bị đóng dấu đã sử dụng, lần sau phải xin visa lại), giá loại nhiều lần thường mắc hơn.

 

Cần có mặt ở sân bay trước ít nhất 2 tiếng:

 

Bạn phải coi chừng mất thời gian hơn cần thiết ví dụ đợi taxi hay bị kẹt xe. Do đó, nên xuất phát sớm. Phải làm sao có mặt trước giờ bay ít nhất 2 tiếng, với hộ chiếu và vé máy bay trên tay.

 

Vé máy bay thường là một tờ giấy in hành trình bay, giờ bay và mã số của bạn trên đó. Một số hãng gửi email cho bạn, hay gửi file pdf và bạn tự in ra. Tuy nhiên, nếu bạn mua ở đại lý vé hay quầy vé của hãng máy bay thì bạn nhận được tờ giấy này hay tờ vé thực sự. Gần đây, việc dùng E-Ticket (tức là vé điện tử, gửi vào Email của bạn và bạn in ra) khá phổ biến thay cho vé truyền thống.

 

Vì sao cần có mặt sớm như vậy?

 

Vì không phải bạn làm thủ tục được ngay, để làm thủ tục bạn phải xếp hàng, có những hôm rất đông, nhất là những hôm dồn chuyến. Qua cổng an ninh cũng thế, có thể sẽ rất đông. Nếu không tới sớm có thể bạn sẽ xếp hàng quá cả thời gian bay và lỡ chuyến bay. Nếu có nguy cơ như vậy hãy bàn bạc với nhân viên quầy xin làm sớm.

 

Trình tự thủ tục ở sân bay bạn cần phải làm các việc:

 

Gửi hành lý ký gửi: Là hành lý bạn ký gửi và không xách lên máy bay (bạn chỉ được xách túi không quá 7kg lên máy bay), nếu bạn không mang hành lý ký gửi thì khỏi cần ký gửi, nhưng trường hợp này hiếm nếu bạn đi lần đầu và cần mang nhiều đồ.

 

Lấy vé lên máy bay, gọi là Boarding Pass, trên vé này ghi cổng (Gate) ra sân bay, giờ có mặt tại cổng (Gate), số ghế của bạn.

 

Đi qua cổng an ninh, quét hành lý xách tay ở cổng an ninh: Bạn chính thức VÀO TRONG sân bay.

 

Đến cổng lên máy bay (Gate) của bạn, đợi tới giờ được lên thì lên máy bay.

 

Khá đơn giản phải không? Nhưng nếu bạn đi lần đầu thì sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Biết nguyên lý của sân bay sẽ khiến bạn dễ hình dung hơn.

 

Gửi hành lý ký gửi và lấy vé lên máy bay Boarding Pass:

 

Việc đầu tiên khi đến sân bay (phải trước ít nhất 2 tiếng hoặc hơn!) là bạn tìm quầy làm thủ tục của mình để gửi hành lý ký gửi và lấy vé lên máy bay Boarding Pass. Chú ý là sân bay thường chia ra thành (thường là tầng khác nhau):

 

  • Nơi đến (Arrival): Là nơi mà các chuyến bay đến, bạn chỉ đến đây nếu đón người thân từ nước ngoài về thôi
  • Nơi đi (Departure): Là nơi làm thủ tục để bay đi, bạn phải đến đây

 

Ví dụ sân bay Tân Sơn Nhất thì lầu trệt là “Các chuyến bay đến”, ra đây để đón người thân, bạn bè về Việt Nam. Còn lầu ở trên mới là “Các chuyến bay đi” là nơi bạn làm thủ tục. Ở sân bay Narita (Tokyo) thì là 到着 / Arrival (Đến), 出発 / Departure (Đi).

 

Chữ kanji: 到着 Touchaku ĐÁO TRƯỚC, 出発 Shuppatsu XUẤT PHÁT.

 

Quầy làm thủ tục:

 

Thường có nhiều quầy, ví dụ đánh theo số (1, 2, 3, 4, …), hay đánh theo chữ (A, B, C, D, ….) hay cả hai (A1, A2, …, B1, B2,….), bạn phải tìm quầy của hãng hàng không mà bạn đi, ví dụ hãng ANA. Thường sân bay sẽ có bảng điện tử các chuyến bay đi và bay đến, với các chuyến đi thì họ sẽ ghi tên quầy làm thủ tục, ví dụ quầy 15 ~ 20 chẳng hạn. Bạn tìm đúng hãng bay của mình, kiểm tra lại số chuyến bay, nơi đến xem có đúng không (ví dụ ANA1234 Tokyo), nếu đúng thì nhào vào làm thủ tục.

 

Chú ý là có thể cùng một hãng, ví dụ JAL, nhưng có thể một số quầy làm cho chuyến bay đi Nagoya, một số quầy làm thủ tục đi Tokyo nên bạn phải kiểm tra số hiệu chuyến bay và đích đến trước rồi hãy nhào vào.

 

Số hiệu chuyến bay:

 

Chuyến bay bao giờ cũng có số hiệu để phân biệt với nhau, ví dụ JAL1234 chẳng hạn. Bạn cần nắm rõ số hiệu này cũng như đích đến của mình, ví dụ Tokyo, tránh việc cứ thấy JAL là nhào vào rồi phát hiện là máy bay này đi Kansai (Osaka).

 

Tuy nhiên, một chuyến bay có thể có 2 tên do 2 hãng hợp tác với nhau, ví dụ JAL và VNA hợp tác nhau thì nếu bạn mua vé từ JAL bạn sẽ nhận số hiệu chuyến bay là JALxyzt gì đó, còn mua của VNA thì lại là VNAabcd gì đó. Trên bảng điện tử có thể sẽ hiện hai tên chuyến bay cùng một giờ bay và cùng một quầy là vì vậy.

 

Khác nhau là gì? Nếu bạn mua vé JAL thì vé sẽ mắc hơn và bảo hiểm rủi ro sẽ cao hơn, nhìn chung là sang trọng hơn!

 

Ký gửi hành lý và lấy Boarding Pass:

 

Tại quầy làm thủ tục thì bạn đưa hộ chiếu và vé máy bay ra, nhân viên sẽ yêu cầu bạn cân hành lý gửi xem có quá cân hay không. Nếu không quá cân (hay quá ít) thì họ làm thủ tục nhận ký gửi hành lý cho bạn. Họ sẽ dán phiếu có mã số vào hành lý ký gửi của bạn và đưa cho bạn cuốn phiếu hay dán nó vào Boarding Pass của bạn. Hãy nhớ kiểm tra xem đích tới có đúng không, ví dụ sân bay Narita thường ghi là NRT- TOKYO.

 

Nếu bạn đi quá cảnh: Ví dụ bạn tới Narita, Tokyo nhưng lại quá cảnh ở sân bay Incheon, Seoul (Hàn Quốc), để cho rẻ hơn hay hết vé bay trực tiếp chẳng hạn, thì khi nhân viên máy bay hỏi hành lý gửi đến đâu bạn phải trả lời là “Tới Narita, Tokyo, Nhật Bản” chứ không phải là đến Incheon, Seoul nhé. Nếu bạn nói nhầm, hành lý của bạn sẽ tới Seoul và nằm ở đó mà không tới Tokyo cùng bạn. Bạn phải kiểm tra sẽ phiếu ký gửi có ghi đúng là NRT – TOKYO không, và nên xác nhận lại với nhân viên quầy. Bạn có thể thắc mắc là bạn đi Tokyo thì tại sao lại hỏi là gửi hành lý tới đâu? Việc này có lý do vì có thể một số người quá cảnh ở Seoul nhưng họ lại nhập cảnh vào Seoul chơi vài ngày rồi mới sang Tokyo. Nếu bạn ra khỏi sân bay ở Seoul thì bạn phải cầm hành lý ký gửi theo bên mình.

 

Nguyên tắc cần nhớ khi lên máy bay đi du học:

 

Nguyên tắc: KHÔNG BAO GIỜ để giấy tờ quan trọng hay đồ đạc quý giá trong hành lý ký gửi. Hãy xách tay theo người. Đồ đạc ký gửi có thể thất lạc, bị mở khóa, v.v… có rất nhiều rủi ro. Máy tính, điện thoại nếu được cũng nên đem theo người.

 

Bạn ngồi ghế nào?

 

Thường khi làm thủ tục thì nhân viên hỏi bạn ngồi “Ghế cửa sổ (Window Seat)” hay “Ghế lối đi” (Aisle Seat – đọc Ai-eol Seet không có “s”) (ghế gần hành lang giữa máy bay) hay “Ghế giữa” (Middle Seat). Nếu bạn đi máy bay lần đầu thì nên ngồi ghế gần cửa sổ để ngắm cảnh. Còn ngồi ghế lối đi thì đi WC tiện hơn nhiều, thoải mái hơn. Dở hơi nhất là ghế ngồi giữa, nhất là khi hai người hai bên đều quá khổ hay chẳng quen biết gì!

 

Vào sân bay qua cổng an ninh:

 

Sau thủ tục ký gửi hành lý và nhận cuống phiếu ký gửi cùng Boarding Pass thì bạn đã có Boarding Pass để lên máy bay. Lúc này là lúc bạn chia tay gia đình, bạn bè để thực sự đi vào trong sân bay qua cổng an ninh. Người nhà bạn sẽ không được vào, trừ khi họ cũng vào để đi máy bay. Cổng an ninh là nơi quét kim loại, quét hành lý xách tay để đảm bào không có gì nguy hiểm được mang theo như dao, súng, chất nổ.

 

  • Nếu có điện thoại, máy tính xách tay: Hãy bỏ vào rổ riêng cho chạy qua máy quét, nên tắt nguồn máy tính trước đó.
  • Chất lỏng, dao kéo, vật nhọn: Sẽ bị tịch thu hết hay bị bắt bỏ lại.

 

Trên Boarding Pass ghi gì?

 

Vé lên máy bay Boarding Pass sẽ ghi cổng (Gate) bạn lên máy bay, giờ lên máy bay (Boarding Time), thường là trước giờ bay khoảng 30 – 40 phút, số ghế của bạn.

 

Một sân bay thường có nhiều cổng (Gate), ví dụ Narita có hơn 80 cổng. Tuy nhiên, các sân bay nhỏ có thể chỉ có vài cổng, hoặc là chỉ 1 cổng. Một cổng cũng thường dùng để lên nhiều chuyến bay, theo thời gian bay mỗi chuyến. Nên nếu bạn tới sớm mà chưa tới giờ mở cổng lên chuyến bay của bạn thì bạn cũng không lên được.

 

Nếu bạn vẫn cố tình lên? Nhân viên tại Gate sẽ cản bạn lại, nếu nhân viên này cũng không kiểm tra kỹ thì bạn có thể vẫn lên được nhưng không tới đích mà bạn đến mà có thi bay thẳng qua Dubai. Vì thế hãy kiểm tra số hiệu chuyến bay và giờ bay tại Gate trước khi đi vào.

 

Nếu bạn đi quá cảnh: Thường bạn sẽ nhận được hai tấm Boarding Pass khi làm thủ tục bay, một cho sân bay bạn đang có mặt, hai là cho sân bay quá cảnh. Ở sân bay quá cảnh bạn không ra ngoài sân bay nên không cần làm thủ tục gì, chỉ cần tới Gate tương ứng chờ chuyến bay của bạn thôi. Chú ý đừng ngủ quên, vì thường là phải đợi một vài giờ đồng hồ, và sân bay mát mẻ rất dễ ngủ. Tốt nhất là ngồi ngay tại Gate mà bạn sẽ lên máy bay.

 

Khi đã lên máy bay:

 

Bạn có nghĩa vụ tắt điện thoại khi máy bay sắp cất cánh hay đang bay vì lý do là sóng điện từ ảnh hưởng đến máy bay. Nếu không, có thể bạn gặp rắc rối với an ninh máy bay hay thậm chí bị phạt tiền. Tốt nhất là tắt nguồn, tháo pin vì một số loại smart phone tự động bật khi chuyển vùng (zone), ngày xưa mình bị như vậy. Với lại nếu bạn hẹn báo thức thì một số điện thoại đang tắt bỗng bật dậy kêu tít tít. Không hay ho lắm!

 

Trên máy bay đừng cố táy máy mở cửa máy bay, việc này rất nguy hiểm có thể khiến máy bay chao đảo. Đừng cố đục lỗ để xem ngoài trời có lạnh không. Ngoài trời khi đang bay rất lạnh (âm nhiều độ) và không khí rất loãng, nếu máy bay bị rò thì áp suất sẽ hạ và thiếu ô-xy ngay, nên không cần phải thử làm gì cho mất công. Máy bay vẫn ấm là do có hệ thống điều hòa nhiệt độ mà thôi.

 

Máy bay có thể bay qua bão, áp thấp, mây, v.v… nên có thể hơi chao đảo hay tự nhiên hụt xuống, nhưng nhìn chung là hiếm và đi máy bay khá an toàn.

 

Nếu có bất thường như bị hạ áp suất thì mặt nạ ô-xy sẽ tự bung ra trước mặt hành khách và bạn chỉ cần đeo vào là thở được. Nếu có trục trặc máy bay sẽ hạ cánh xuống biển và bạn thoát ra bằng cầu phao. Lúc này phải đi chân không (tháo giày) và không mang theo hành lý. Dưới ghế là áo phao, giúp bạn nổi, có đèn báo cấp cứu trên áo nữa.

 

Đại khái là thế, nhưng thường cả bao giờ đụng tới. Tuy nhiên bạn nên biết để thấy là máy bay trang bị an toàn hơn xe cộ trên mặt đất nhiều. Quan trọng là bạn phải cài dây an toàn thường xuyên.

 

Trên máy bay thường phục vụ ăn uống và cấm hút thuốc. Hút thuốc có thể gây báo động và bị phạt tiền.

 

Hiện tượng đau tai:

 

Lúc máy bay cất cánh, đang bay, hạ cánh thì áp suất thay đổi lớn thường khiến đau tai. Bạn có thể nuốt hơi, nhai kẹo cao su để giảm bớt. Nên mang kẹo cao su theo. Các máy bay cũ kỹ có thể hiện tượng này khá nặng. Tuy nhiên chưa thấy vấn đề nghiêm trọng bao giờ (các máy bay cũ thường khá đau màng nhĩ đấy!).

 

Khi du học sinh đã đặt chân tới Nhật Bản:

 

Ví dụ tới Narita, Tokyo: Bạn phải làm thủ tục hải quan để vào Nhật, thường là chụp ảnh, lấy vân tay, tất cả đều tự động hết. Chụp ảnh là do máy camera ngay tại quầy chụp, bạn không cần làm gì, lấy vân tay cũng là máy quang tự động, chỉ cần ấn hai ngón trỏ lên là được, không bị bẩn tay. Ấn vào là nó tự chụp thôi.

 

Trước đó bạn phải điền phiếu nhập cảnh (thường được phát trên máy bay hay có thể tới sân bay rồi lấy), ghi thông tin ví dụ tên chuyến bay của bạn, ngày nhập cảnh, v.v…

 

Sau khi xong thủ tục hải quan thì bạn ra ngoài, nhớ LẤY HÀNH LÝ KÝ GỬI. Để lấy hành lý ký gửi bạn xem bảng điện tử hoặc bảng hướng dẫn xem chuyến bay của bạn được đưa hành lý ở băng chuyền nào, tới đó và băng chuyền chuyển hành lý chạy vòng vòng, thấy thì lấy ra.

 

Ra Sảnh đến (Arrival):

 

Sau khi lấy xong hành lý thì bạn bước ra, nơi bước ra là sảnh Nơi đến / Arrival. Trường Nhật ngữ của bạn thường đợi bạn ở đây với tờ giấy hay tấm bảng có ghi tên bạn (hay tên nhiều bạn). Họ sẽ đưa bạn về ký túc xá bằng tàu điện hay xe buýt.

 

Các rủi ro khi lên máy bay du học Nhật Bản:

 

  • Ra sân bay mà quên hộ chiếu hay quên vé máy bay
  • Nhét hộ chiếu vào hành lý ký gửi sau khi làm thủ tục xong (sẽ không lên được máy bay)
  • Đánh mất hộ chiếu hay Boarding Pass: Ví dụ quá cảnh ở một sân bay và đánh rơi ở đó
  • Mất hành lý ký gửi: Ít xảy ra, nếu có bạn được bồi thường.

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Yurika

 

Share.

Leave A Reply