SSDH – Nộp hồ sơ du học là một quá trình đòi hỏi bạn phải biết kiên nhẫn chờ đợi. Sẽ có lúc thất bại cũng như nhiều khi bế tắc. Nhưng đừng vội nản chí. Bài viết này hy vọng sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm cũng như động lực để tiếp tục nộp hồ sơ thực hiện hóa ước mơ du học của mình
Những thất bại đầu tiên
Một trong những sai lầm lớn của tôi trong quá trình apply học bổng là tôi chuẩn bị thi tiếng Anh khá muộn, sau khi ra trường khoảng 3-4 tháng. Chính vì thế, tôi không có nhiều thời gian tìm hiểu các học bổng khác nhau và định hướng đúng đắn cho mình.
Quả thực, sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi và 2 bạn cùng lớp tôi xin được suất đi học Thạc sĩ tại Hàn 2 năm. Tuy vậy, lúc đó tôi rất muốn du học châu Âu nên quyết tâm bỏ 1 năm để chuẩn bị hồ sơ các thứ.
Năm đầu tiên tôi apply, học bổng mà tôi hướng đến là Erasmus Mundus. Lúc đó tôi thi tiếng Anh, điểm rất kém, nên tôi cũng rất phân vân khi chọn các khóa học.
Cũng vì thời gian chuẩn bị ít quá nên chỉ có thể apply một vài học bổng khác nhau ở Đức và Italy. Thật đáng buồn là, tôi bị ” tạch” liên tiếp và đến tháng 5 thì tôi trắng tay, không đỗ bất cứ một nơi nào. Lúc đó tôi rất phân vân và rất buồn. Tôi suy sụp thật sự khi các bạn trong lớp (2 đứa đi USA và 1 đứa đi Thụy Sĩ) lên đường.
Tôi lại rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như sau khi tốt nghiệp: “Có nên ở lại làm việc 1 năm ở Việt Nam và apply tiếp???” Ý nghĩ đó cứ dai dẳng, đeo bám theo tôi mãi, cứ thế, cứ thế… Tôi đã gầy đi trông thấy (lúc đó tôi vẫn đang đi làm linh tinh, lương lậu chẳng ra đâu vào đâu nên cũng khá stress). Tuy nhiên, may mắn là tôi không bị một chút áp lực nào từ gia đình. Và rồi cuối cùng tôi cũng quyết định ở lại làm thêm 1 năm nữa và tiếp tục rải hồ sơ.
Tôi tự động viên mình: “2 năm trong cuộc đời cũng không đáng là bao nhiêu, còn làm Thạc sĩ 5 năm ở Hàn thì lại quá lâu và mệt!
Hãy quyết định thật đúng đắn khi phải xác định có nên dừng lại 1 năm để rải hồ sơ tiếp hay không?
Đứng lên, cầm hồ sơ du học và đi…rải!
Một năm thất bại cũng đã giúp tôi tích lũy rất nhiều kinh nghiệm từ các diễn đàn du học.
Tôi bắt đầu chiến dịch thi lại tiếng Anh, nhưng mà do đi làm nên cũng không tập trung. Tiếng Anh gà của tôi cộng với không đi học ở đâu nên điểm iBT không cao.
Tôi bắt đầu rà soát các nước có yêu cầu tiếng Anh thấp hơn như Đức, Pháp, Ý, Bỉ, Thụy Sỹ và Na Uy
Quá trình rải hồ sơ của tôi đã có rất nhiều may mắn và duyên may bất ngờ…
– Đầu tiên tôi tìm đến Đức: Tôi cố gắng liên hệ với trường để hỗ trợ xin học bổng DAAD (deadline 15.10) hoặc học bổng trường. Tuy nhiên, khó khăn mà tôi gặp phải là nhiều trường yêu cầu có tiếng Đức, và học bổng DAAD khá là “nhọc” đối với sinh viên apply trực tiếp từ Việt Nam.
– Tôi từ bỏ học bổng ở Đức và tìm hiểu học bổng Chính phủ Thụy Sỹ (học bổng này có deadline khá sớm. 31.10). Đến bây giờ, khi mọi người hỏi tại sao lại biết học bổng Chính phủ Thụy sỹ, tôi vẫn không hiểu tại sao? Đây là học bổng tôi được nhận đầu tiên, và cũng là học bổng duy nhất tôi nhận được, tính đến thời điểm này. Từ tháng 8, tôi đã bắt đầu tìm hiểu về học bổng này, liên hệ với trường và một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tôi có thể đỗ có lẽ là do tôi đã contact khá hiệu quả với trường ở Thụy Sỹ.
– Khi nộp hồ sơ học bổng trường ETH Zurich, tôi có chú ý thêm là trường này có thêm học bổng trường Excellence Scholarship & Opportunity Programme (ESOP) (deadline 15.12). Với hi vọng nếu trượt học bổng Chính phủ, tôi còn học bổng trường cứu cánh nên tôi đã nộp hồ sơ ngay, dù phải viết 1 proposal (định hướng du học) rất khoai.
– Sau đó, tôi tìm hiểu học bổng Eiffel (deadline 07.01) vì tôi đã có lần nào đó đọc được là có người từng được học bổng Eiffel dù không biết tiếng Pháp. Với mong muốn đó, tôi đã cố gắng liên lạc với các trường để họ gửi hồ sơ của tôi lên Eiffel. Dùng trang web về ranking của các trường và trang web của Campus France, tôi đã gửi email spam đến khoa Sinh học của khoảng 15 trường khác nhau. Khoảng 1 tháng sau, tôi nhận được email từ trường École normale supérieure – Paris muốn xem hồ sơ (CV, bảng điểm) của tôi.
Lúc ấy tôi mừng như bắt được vàng, vì trường ENS Paris là một trong số những trường tốt nhất ở Pháp, và điều đó cũng có nghĩa là cơ hội được học bổng Eiffel của tôi là khá cao. Tôi đã tinh ý gửi kèm motivation letter (tôi chỉnh sửa từ hồ sơ gửi học bổng Chính phủ Thụy Sỹ). Và rồi, duyên may đã đến, tôi được chấp nhận và họ đồng ý gửi hồ sơ lên Eiffel. Học bổng này là nhàn nhất, tôi không phải chuẩn bị gì cả, đợi đến 21.3 nhận kết quả.
– Tiếp theo, tôi tiếp tục nghiên cứu học bổng Eramus Mundus. Do điểm tiếng Anh của tôi không tốt, nên tôi đã chỉ chọn được 1 ngành là liên quan đến chuyên ngành của tôi. Tôi cố gắng rải thêm 2 hồ sơ ngành khác, có 1 chút liên quan đến ngành của tôi.
– Tuy nhiên, trong quá trình làm hồ sơ, tôi đã tìm hiểu thêm các trường thì tôi được biết là trường Đại học Copenhagen có 1 số suất học bổng trường (deadline 1.12) nên tôi đã gửi thêm 1 bộ hồ sơ cho kèm với học bổng EM (đối với học bổng trường này, tôi cũng apply trái ngành).
Tôi tiếp tục nghiên cứu học bổng HSP và VLIR (đều có deadline là 01.02).
– Đối với học bổng HSP, tôi thấy khá là khó khăn vì điểm tiếng Anh của tôi thấp, hơn nữa theo quy định mới, tôi đã tốt nghiệp quá 1 năm. Nhìn chung, các trường ở Hà Lan đều yêu cầu iBT ~92 hoặc IELST 6.5.
Thật may mắn, một ngày tôi lang thang ở trang web của trường Erasmus Rotterdam University, xin 1 cái Brochure của course mà tôi quan tâm. Một vài ngày sau, tôi nhận được email muốn xem hồ sơ, CV… các kiểu. Tôi gửi cho nó 1 bộ hồ sơ hoàn chỉnh, chỉ thiếu điểm iBT (nó không yêu cầu gửi hehe). Được khoảng 1 tuần thì nó bảo là muốn phỏng vấn để xem có được nhân học bổng không. Lúc này tôi mừng quá, bởi vì đây là một cơ hội tốt cho tôi và cũng là phỏng vấn thử (khi đó tôi sắp thi tiếng Anh ở Đại sứ quán Thụy Sỹ). Sau khi interview mấy ngày, thì tôi nhận được thư từ chối của trường và còn được hỏi là có muốn lấy nomination không? Thế là xong học bổng HSP.
– Hồ sơ số 9: Học bổng VLIR. Quy trình apply học bổng này mọi người chắc cũng biết hết rồi nên tôi không đề cập đây nữa.
Tôi đã định apply thêm 1 học bổng bên Ý nữa, để trọn bộ 10 hồ sơ, tuy nhiên, lúc đó, tôi nghĩ 9 bộ hồ sơ là khá nhiều và “đằng nào chả dính 1 học bổng”. Thật là một suy nghĩ sai lầm, vì nhìn lại, các học bổng mà tôi apply thì đều cạnh tranh khá ghê.
Vớt vát nhưng mỹ mãn
Trong tháng 2, tôi nhận được kết quả đầu tiên là tạch học bổng Erasmus Mundus. Trong 3 khóa EM, tôi chỉ được vào RL 1 khóa, mà cùng chuyên ngành của tôi.
Tiếp tục, tin xấu lại đến với học bổng trường ETH Zurich và Copenhagen
Lúc này, tôi cực kỳ hoang mang, bởi vì, tôi đã trượt 5 hồ sơ, chỉ còn 4 học bổng mà cả 4 học bổng này đều cạnh tranh rất ghê.
Tháng 3, tôi nhận được tin trượt học bổng Chính phủ Thụy Sỹ, chỉ được vào RL. Đây là học bổng mà tôi đầu tư nhất. Lúc đó, tôi chỉ còn hi vọng vào Eiffel, tuy nhiên, ít ngày sau đó tôi cũng nhận được tin buồn, tạch học bổng Eiffel.
Trong hoàn cảnh này, tôi phân vân giữa việc có nên tiếp tục theo học ở ETH Zurich hay không bởi vì trường ETHZ là một trường rất tốt. Tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về khả năng xin trợ lý nghiên cứu hoặc giáo viên thỉnh giảng, vừa học vừa làm. Thời gian này khoảng 2-3 tuần, khá là mệt mỏi, suy nghĩ nhiều.
Và cuối cùng, may mắn cũng mỉm cười với tôi, tôi được chuyển từ RL lên ML.Cuối cùng tôi cũng được học bổng Cính phủ Thụy Sỹ. Đây là học bổng tôi đầu tư nhất, học bổng tôi thích nhất và cũng là học bổng tôi apply đầu tiên.
Hi vọng khi đọc bài viết này, các bạn có thể có những quyết định thật đúng đắn khi phải xác định có nên dừng lại 1 năm để rải hồ sơ tiếp hay không.
Đông Đức (SSDH) – Theo Kênh tuyển sinh