Sẵn sàng du học – Hội đồng thành phố Melbourne đã trở thành cơ quan chính quyền đầu tiên tại Úc cam kết hỗ trợ tài chính cho du học sinh trong bối cảnh lo ngại rằng họ đang bị bỏ rơi vì không đủ điều kiện nhận phúc lợi của chính phủ.
Mặc dù số tiền hỗ trợ cụ thể chưa được đặt ra nhưng các ủy viên hội đồng đã yêu cầu nhân viên phát triển các cách để hỗ trợ tài chính cho du học sinh – những người đã bị mất việc làm trong ngành bán lẻ và khách sạn do đại dịch Covid-19.
Họ cũng đã ủng hộ lời kêu gọi đóng góp của Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Úc để gây quỹ tài trợ cho du học sinh. Quỹ này có thể nhận sự đóng góp từ hội đồng, các cấp chính phủ, trường đại học và khu vực tư nhân khác.
Vào thứ Sáu, Thủ tướng Scott Morrison cho biết du học sinh và những người sở hữu visa khác "không bị giữ lại ở Úc".
"Nếu họ không thể tự giúp đỡ bản thân khi ở đây thì họ có thể quay trở về nước,” ông nói.
"Vào thời điểm này, Úc phải tập trung vào công dân và cư dân của mình để đảm bảo rằng chúng ta có thể tối đa hóa các hỗ trợ kinh tế mà chúng ta có."
Ngày hôm sau Bộ trưởng Di trú Alan Tudge cho biết du học sinh đã là một nhân tố đóng góp tuyệt vời cho Úc khi họ hỗ trợ việc làm của Úc.
"Chúng tôi muốn họ ở lại đây, nơi họ có thể tự hỗ trợ", ông nói.
Ông nói rằng chính phủ đã đưa ra các biện pháp linh hoạt để du học sinh tự hỗ trợ và họ đang tiếp tục làm việc với ngành giáo dục quốc tế về các thỏa thuận trong tương lai.
Ông Tudge cho biết du học sinh làm việc trong ngành chăm sóc người già như các y tá và trong các siêu thị lớn đã được tăng thêm số giờ làm mỗi 2 tuần để hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng này.
Vào tối thứ ba, hội đồng đã bỏ phiếu để yêu cầu nhân viên phát triển các biện pháp tiếp theo để hỗ trợ du học sinh về tài chính và hiện vật trong thời gian này.
“Trái ngược với báo cáo từ các cấp chính quyền khác, chúng tôi không chỉ chào đón du học sinh đến thành phố của chúng tôi mà chúng tôi còn hy vọng rằng họ vẫn ở đây, tại đất nước an toàn này với chúng tôi trong giai đoạn khó khăn và nguy hiểm này,” Uỷ viên Jackie Watts nói.
Bà nói rằng những phát biểu của Thủ tướng Chính phủ là “phản tác dụng rõ ràng ở một số mức độ.”
“Tình trạng báo động và sự lo lắng của các du học sinh ngày càng tăng và họ cần được trấn an rằng chính phủ coi trọng họ và đang nỗ lực bảo vệ cho sự an toàn của họ ở Melbourne,” Uỷ viên Jackie Watts cho biết.
Melbourne là nơi sinh sống của 200,000 du học sinh đến từ 170 quốc gia, trong đó có 52,000 du học sinh sinh sống hoặc học tập tại thành phố trung tâm.
Giáo dục du học là ngành có thu nhập xuất khẩu lớn nhất của bang, đóng góp 12 tỷ đô la cho nền kinh tế Victoria năm ngoái.
Du học sinh được phép làm việc tới 20 giờ một tuần nhưng nhiều người đã mất việc do lệnh phong toả vì Covid-19 và không đủ điều kiện để nhận phúc lợi của chính phủ hoặc các chương trình hỗ trợ mới của JobSeeker và JobKeeper.
Giám đốc điều hành của hiệp hội Phil Honeywood cho biết: “Đó là trong những cách tồi tệ để đối xử với những người đã đầu tư đáng kể vào nền kinh tế của chúng ta.”
Ngược lại, ông cho biết New Zealand đã cho phép du học sinh được tiếp cận với chương trình hỗ trợ JobKeeper của họ, cung cấp cho họ các dịch vụ y tế miễn phí và tự động gia hạn visa cho du học sinh cho đến tháng 12.
“So với các đất nước khác, chúng ta vô cùng yếu kém khi nói về tính nhân văn và sự hỗ trợ cho những người trẻ tuổi này.”
Ông nói rằng du học sinh không thể trở về nhà trong nhiều trường hợp vì các chuyến bay đến đất nước của họ đã bị cấm hoặc chi phí quá cao.
“Chúng ta sẽ đối mặt với tình huống khi các du học sinh phải lang thang trên các con phố trong vài tuần tới nếu không có bất kỳ sự hỗ trợ nào,” ông Honeywood phát biểu.
“Tôi muốn gửi lời chúc mừng khi Hội đồng thành phố Melbourne là chính quyền địa phương đầu tiên ở Úc đưa ra cam kết về vấn đề quan trọng này.”
Hội đồng cũng đồng ý thiết lập dịch vụ kiểm tra lý lịch miễn phí cho du học sinh, cung cấp các chương trình trực tuyến cho du học sinh và kết nối du học sinh bị ảnh hưởng bởi đại dịch với các công ty khởi nghiệp địa phương.
Uỷ viên Nicholas Reece tin rằng phát biểu cho rằng du học sinh nên trở về đất nước của họ là một “phát biểu sai lệch” và nó đã khiến các du học sinh vốn đang ở trong hoàn cảnh khó khăn càng trở nên lo lắng hơn.
“Những phát biểu sai lệch đó là một cú đấm vào vết thương của với các du học sinh ở Melbourne,” ông nói.
"Thành phố Melbourne là chính phủ đầu tiên ở Úc cam kết hỗ trợ cho một quỹ tài trợ cho du học sinh gặp khó khăn và chúng tôi đã yêu cầu các quan chức cho lời khuyên khẩn cấp về hình thức của biện pháp hỗ trợ này.
“Đây là một tuyên bố vô cùng chân thành, chúng tôi yêu mến các du học sinh, họ luôn được hoan nghênh và chúng tôi chào đón họ với vòng tay rộng mở.”
Nếu bạn hoặc bất cứ ai bạn biết cần hỗ trợ, hãy gọi Lifeline 131 114, hoặc beyondblue 1300 224 636.
Người dịch: Thuỳ Dương (SSDH)