Học thạc sĩ tại Đức và những điều bạn chưa biết?

0

Sẵn sàng du học – Vậy là bạn muốn du học Đức? Mục những điều cần biết sẽ giúp bạn có những hiểu biết cơ bản nhất về du học. Nhưng nếu bạn muốn tìm hiểu toàn diện hơn về chặng đường du học thì không nên bỏ lỡ những bước tiếp theo. Những nội dung này sẽ giúp bạn chuẩn bị một cách tốt nhất cho hành trình du học Đức.

1. Bạn có đủ điều kiện theo học thạc sĩ tại Đức?

  • Tốt nghiệp hệ đại học với số tín chỉ tối thiểu là 180 hoặc 210 tùy theo yêu cầu khóa học.

(Việt Nam và Đức có hai hệ tính tín chỉ khách nhau nên thường hồ sơ của bạn sẽ được trường Đức tự chuyển đổi số tín chỉ khi xét. Nhưng nếu có thể xin được giấy chuyển đổi tín chỉ tương ứng từ trường Đại học Việt Nam luôn sẽ tốt hơn.)

  • Bằng IELTS tối thiểu đạt 6.0 – 7.0 nếu bạn theo học chương trình bằng tiếng Anh.
  • Chứng chỉ APS. Bạn phải tham gia phỏng vấn APS nhằm thẩm tra xem liệu bạn có đáp ứng được các điều kiện cơ bản để nhập học tại các trường Đại học của Đức hay không. Đồng thời, để thẩm tra về các chứng chỉ học tập mà sinh viên đó đã đạt được.
  • Bằng GMAT đối với một số khóa học về ngành quản trị và bằng GRE đối với một số khóa học về ngành kinh tế.
  • Kinh nghiệm làm việc ở một số khóa học về ngành quản trị

Ngoài ra, mỗi khóa học sẽ có thêm những yêu cầu phụ khác nhau. Cụ thể, một số khóa học Thạc sĩ yêu cầu phỏng vấn sau khi nộp đầy đủ hồ sơ. Một số khóa học có thể yêu cầu gửi thêm Bachelor Thesis hoặc Sample writing cho họ. Vì vậy, để biết rõ hơn về các yêu cầu phụ này, bạn nên tham khảo trực tiếp tại các chương trình học dành cho diện du học Thạc sĩ Đức trên website trường và thường xuyên cập nhật để chuẩn bị đầy đủ những gì cần cho việc xét tuyển.

2. Tìm kiếm khóa học phù hợp liệu có khó?

DAAD là trang thông tin rất lớn và có giá trị mà sinh viên quốc tế thường xuyên tìm kiếm khi muốn hiểu sâu hơn về du học Đức. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những chương trình học cả bằng tiếng Đức và tiếng Anh với nhiều cấp bậc khác nhau tại trang web này.

Ngoài ra, một nguồn thông tin dồi dào khác chính là website của trường. Sau khi đã tìm được chương trình học qua trang DAAD, bạn cũng nên kiểm tra lại một lần nữa thông qua trang web của trường để có thể nắm bắt được bất kỳ thay đổi mới nào về chương trình.

Nếu còn bất kỳ thông tin nào thắc mắc về khóa học, bạn có thể viết email gửi trực tiếp đến trường để được giải đáp. Bộ phận bên Đức thường hồi âm mail rất nhanh và rất tận tình.

3. Cần làm gì trong bước chuẩn bị hồ sơ?

Thông thường, đa số các trường sẽ nhận hồ sơ thông qua Uni-assist – tổ chức trung gian có nhiệm vụ xét duyệt hồ sơ đủ yêu cầu của thí sinh trước khi gửi tới các trường. Vì vậy hồ sơ được gửi đến Uni-assist phải thật đầy đủ, không được bỏ sót bất cứ giấy tờ nào. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số trường nhận hồ sơ trực tiếp mà không thông qua Uni-assist nên bạn phải kiểm tra lại thật cẩn thận trước khi nộp.

UCLA-Scholarship

Một số giấy tờ nên gửi kèm dù không có trong yêu cầu hồ sơ:

  • Giấy báo trúng tuyển kì thi đại học (bản dịch công chứng).
  • Giấy chứng nhận kinh nghiệm làm việc.
  • Giấy giải thích về hệ tín chỉ tại Việt Nam…

Một số giấy tờ cần đặc biệt đầu tư công sức:

  • Lý lịch cá nhân.
  • Thư giới thiệu.
  • Thư động lực.
  • Bảng điểm và APS.

4. Đức có học bổng cho bậc Thạc sĩ không?

Tất nhiên rồi. Thậm chí số lượng học bổng dành cho sinh viên quốc tế còn chiếm một phần không hề nhỏ bất kể bạn học ngành kỹ thuật, xã hội hay kinh tế… bạn đều hoàn toàn có thể ứng tuyển nếu tự tin vào khả năng của mình.

Để tìm kiếm học bổng, bạn có thể tiếp tục tìm đến trang DAAD. Những học bổng tìm thấy tại đây thường là học bổng từ các cơ quan, công ty hay tổ chức phi lợi nhuận. Ngoài ra bạn cũng có thể tìm kiếm thêm học bổng riêng của trường nếu đã tìm được chương trình và trường đại học ưng ý.

5. Sinh viên quốc tế thường ít được hỗ trợ hơn?

Đừng quên rằng Đức đang là một trong những điểm đến lý tưởng hàng đầu cho lựa chọn du học, chỉ đứng sau Anh và Mỹ. Vậy nếu không có những hỗ trợ thích hợp thì sao Đức có thể hấp dẫn đến vậy? Thậm chí Đức đã được BBC nhắc đến là đất nước mới vươn lên dẫn đầu (vượt qua Anh và Mỹ) về khía cạnh tạo cho sinh viên môi trường học tập quốc tế cũng như hỗ trợ sinh viên quốc tế một cách tối đa.

Những hoạt động, lễ hội tìm hiểu văn hóa đa quốc gia, giúp sinh viên tìm hiểu và hòa nhập với môi trường quốc tế thường xuyên được tổ chức ngay tại trường. Trong quá trình học bạn cũng luôn nhận được sự trợ giúp nhiệt tình của giáo viên phụ trách và văn phòng sinh viên bất cứ khi nào.

6. Tìm việc làm sau khi tốt nghiệp rất khó, đúng hay sai?

The-best-co-working-spaces-in-Europe

Sau khi tốt nghiệp tại một trường đại học Đức, tấm bằng Thạc sĩ mà bạn có trong tay sẽ được công nhận trên toàn thế giới. Với lợi thế về ngoại ngữ, kiến thức kết hợp cả lý thuyết và thực hành được học trong trường và kinh nghiệm sinh sống tại nước ngoài, bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm công việc ở Đức hay bất kỳ nước nào khác. Thông thường, không ít sinh viên quốc tế tận dụng tấm visa Schengen để tìm kiếm cơ hội việc làm tại những nước khác trong khối EU.

Hiện nay rất nhiều tập đoàn lớn của Đức như Marquardt, Mercedes-Benz, Bosch, Messer… cũng đã và đang có xu hướng đầu tư ồ ạt vào Việt Nam nên chính kinh nghiệm học tập và sinh sống tại Đức sẽ trở thành một điểm cộng cực lớn nếu bạn muốn về nước gây dựng sự nghiệp.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Amec

Share.

Leave A Reply