SSDH – Quyết định đi du học sau khi đã tốt nghiệp cấp 3 và thậm chí khi đã nhận được kết quả trúng tuyển đại học ở Việt Nam nhưng vẫn muốn “lên đường” là một quyết định dũng cảm, cần thiết cũng như rất đáng trân trọng.
Là người thường xuyên nhận được những “chất vấn” về du học nên người viết cũng biết được những suy nghĩ, mong muốn với lựa chọn của các bạn trẻ ở tương lai gần. Chia sẻ chân tình với các bạn cũng nhiều, đưa ra những lời khuyên cho các bạn cũng không ít. Mặc dù đã chỉ dẫn tận tình thì vẫn luôn có những câu hỏi lặp lại, những suy nghĩ trùng lặp dù người đặt câu hỏi là hoàn toàn khác nhau.
Bên cạnh đó, tôi nhận thấy nhiều mong muốn của các bạn muốn đi du học có chút gì đó mạo hiểm, còn mơ hồ và thậm chí đơn giản nên muốn chia sẻ thêm về việc này.
1. Mong muốn được lên đường du học ngay lập tức:
Tuổi trẻ đã quyết và hành động ngay thì quá tuyệt vời. Nhưng, tất cả mọi việc đều cần phải có quy trình thực hiện và đi ra nước ngoài để du học cũng không là một ngoại lệ. Đó là việc phải học và thi ngoại ngữ để đạt được 1 trình độ theo quy định, phải chuẩn bị hồ sơ để xin thị thực (Visa), phải tham gia trả lời phỏng vấn,…Việc nào cũng cần thời gian để hoàn thành và thậm chí phụ thuộc vào lịch trình của nơi khác, tổ chức khác cũng như người khác.
Nhiều bạn muốn đi nhanh vì sợ ở nhà thì người thân thắc mắc, bạn bè chê cười vì ai cũng đã nhập học đại học còn bản thân lại chưa có gì chắc chắn, rõ ràng. Không những thế, các bạn còn muốn làm sao học thật nhanh để tốt nghiệp và đi làm. Vâng, điều này ai cũng muốn. Nhưng, để đạt được thì cần một nền tảng tốt, một sự chuẩn bị chu đáo và thời gian để làm việc này nên bắt đầu ngay từ khi còn ở Việt Nam. Nên học ngoại ngữ với một mục tiêu rõ ràng và nên chú ý cả sức khỏe để có thể “chống chọi” với những khó khăn về thời tiết khi ở nước ngoài. Thời gian hoàn tất các công việc cũng kéo dài cả năm, các bạn nhé!
2. Mong muốn làm thêm ngay khi sang nước ngoài:
Vâng, làm và nhận thù lao bằng chính sức lao động, bằng trí tuệ của mỗi người thì không có gì xấu. Nhưng, liệu có dễ dàng như vậy không khi mà mọi việc đều còn bỡ ngỡ, xa lạ trong những ngày mới sang? Làm thêm cũng có những “được” và “mất” và phải tuân thủ các quy định về làm thêm dành cho du học sinh.
Nhiều bạn đi du học tự túc và cho rằng gia đình cũng chỉ có thể hỗ trợ tài chính trong một năm đầu, những năm sau phải tự lo nên phải quan tâm chuyện này từ khi còn ở Việt Nam. Có thể nói, đây là một áp lực rất lớn và nếu sắp xếp, tính toán không kỹ thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học. Tài chính đóng một vai trò quan trong trong quá trình du học. Chính vì vậy, trước khi đi thì phải có xác nhận của ngân hàng về tài khoản dư, thậm chí là bị “phong tỏa” để người khác yên tâm rằng bạn không phải cố làm quá nhiều việc khác và kiếm tiền mà “quên” việc chính là học.
3. Mong muốn dịch vụ tư vấn làm tất cả:
Tham gia các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, trang bị ngoại ngữ, kỹ năng cần thiết trước khi đi du học thì không có gì sai. Có “cầu” thì tất nhiên phải có “cung” và đã là dịch vụ thì công ty hay cá nhân nào cũng giới thiệu, quảng cáo một cách triệt để cũng như cho rằng rất hoàn hảo. Nhưng, chi phí cho những dịch vụ này không hề rẻ và nhiều bạn vẫn có những khó khăn nhất định về tài chính. Vậy tại sao ta không tự tìm hiểu và thực hiện để giảm bớt chi phí?
Hơn thế, dù có là “dịch vụ trọn gói” đi nữa thì chính các bạn cũng phải ký vào các bản hợp đồng từ thuê nhà đến bảo hiểm. Và nếu ngay từ đầu, các bạn đã “giao phó” cho dịch vụ thì sau này các bạn sẽ lúng túng rất nhiều khi phải tự thực hiện từ việc tìm nhà thuê, gia hạn hợp đồng thuê phòng hay đơn giản là chia sẻ lại cho người quen, bạn bè những kinh nghiệm. Nếu không thực hiện việc đơn giản thì những việc lớn hơn sẽ rất khó để thực hiện mà du học thì có biết bao nhiêu khó khăn đang chờ. Không những vậy, các bạn đã mất đi một cơ hội để có thể biết thêm nhiều điều. Dù nó không phải là kỹ năng hay kiến thức chuyên môn nhưng chỉ có làm mới có thêm trải nghiệm.
4. Mong muốn học 1 ngành hoàn toàn giống như ở Việt Nam:
Điều này không sai vì với các bạn đã thi đậu đại học vào 1 ngành nào đó ở Việt Nam thì các bạn cũng đã có những mong muốn được học, được nghiên cứu ở ngành này. Nhưng, chương trình đào tạo cùng một ngành ở các trường khác nhau trong một nước đã khác nhau. Cho nên, không thể có được sự giống nhau hoàn toàn về ngành học, chương trình học giữa Việt Nam và nước ngoài như các bạn mong muốn đâu nhé.
Thay vì cố đi tìm điều đó thì nên chấp nhận ngành gần với ngành yêu thích. Quan trọng nhất là kiến thức, kỹ năng được học trong chương trình đào tạo cũng như quá trình thực tập để có thể dễ dàng hơn trong việc xin việc sau khi tốt nghiệp. Nên chú ý đến “chuẩn đầu ra” của ngành học mà trường công bố hơn là đi tìm sự giống nhau ở 2 nền giáo dục khác nhau.
5. Mong muốn học ở thủ đô hoặc các thành phố lớn:
Mong muốn này cũng rất chính đáng vì ai lại không muốn được dễ dàng, thuận tiện hơn trong đi lại, có thể tham gia được nhiều sự kiện lễ hội, văn hóa. Và hơn nữa là dễ tìm được một việc để làm thêm như mong muốn của các bạn.
Nhưng, thuê phòng ở những nơi này rất khó và giá thuê phòng cũng cao, chi tiêu hàng tháng cũng cao hơn các thành phố ít “nổi tiếng”. Bên cạnh đó, nhiều người khác cũng giống như bạn là muốn học ở các trường trong những thành phố lớn. Như vậy, tỉ lệ “chọi” sẽ rất cao và nếu không cân nhắc sức học của bạn thì rất khó vào dự bị đại học hay học cao học ở những nơi này. Ngoài ra, khi đi xin việc, nhà tuyển dụng ở nước ngoài sẽ không đánh giá bạn qua việc bạn đã tốt nghiệp trường nào mà đánh giá qua kiến thức, kỹ năng của bạn.
Du học là một quyết định quan trọng trong vài quyết định quan trọng của một người. Vì nó quan trọng nên rất cần đến những suy nghĩ thấu đáo của cá nhân cũng như những góp ý từ người đi trước. Từ mong muốn đến hiện thực và đạt được kết quả như mong đợi là 1 quá trình rất dài, nhiều thử thách, chông gai. Hoàn toàn không đơn giản là “xách ba lô lên và đi” đâu nhé các bạn!
Nguồn: Dân Trí