SSDH – Một cựu du học sinh khóa Thạc sỹ về Đầu tư tài chính tại Anh đã chia sẻ kinh nghiệm trên con đường nghề nghiệp từ đầu bếp cho một quán ăn nhỏ tại Anh tới chuyên viên của Ngân hàng HSBC Việt Nam.
Trong những năm gần đây, số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam theo học tại các nước trên thế giới ngày một đông đảo. Ngoài một số bạn đi du học theo diện học bổng, phần lớn du học sinh đi theo diện tự túc, hoặc phải vay từ các nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ, công ty… Tài chính đã trở thành nỗi lo không chỉ của các bậc phụ huynh mà còn của các du học sinh ở nơi đất khách quê người. Vì vậy tìm việc làm thêm trong quá trình học để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt và vấn đề việc làm sau khi học xong là những mối quan tâm lớn nhất của hầu hết các bạn du học sinh.
Trong số các nước có đông du học sinh theo học, Anh Quốc thường được coi nơi có chi phi đắt đỏ nhất và có ít học bổng dành cho du học sinh. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh lại khá cao (xấp xỉ 7,9% trong năm 2010). Do vậy việc làm đối với người nước ngoài tại Anh (trong đó có du học sinh Việt Nam) thật sự khá khó khăn, bởi ngay chính người bản xứ cũng phải vất vả kiếm việc. Người dân cũng thường chuyển về các thành phố lớn như London, Manchester, Birmingham để kiếm việc làm. Vì thế sự cạnh tranh trong vấn đề việc làm tại các thành phố này cũng ngày một cao.
Chính phủ Anh chỉ cho phép du học sinh được đi làm thêm tối đa hai mươi tiếng một tuần. Do vậy, làm việc bán thời gian trong các quán ăn, nhà hàng, siêu thị, hoặc đi trông trẻ, dạy tiếng cho người nước ngoài thường là lựa chọn của phần đông các du học sinh. Tùy theo chương trình học và lịch lên lớp mà các bạn lựa chọn thời gian làm việc cho phù hợp. Tiền lương thường được tính theo giờ, trung bình từ 4 đến 7 bảng cho một giờ làm thêm. Tuy nhiên nếu may mắn bạn cũng có thể được trả tầm 10 bảng/giờ nếu làm cộng tác cho các công ty, trường học.
Để có thể kiếm được việc làm, du học sinh cần phải đăng kí Bảo hiểm quốc gia (National Insurance – NI), (tương tự mã số thuế cá nhân) để trích nộp một khoản tiền lương vào ngân khố quốc gia nhằm hỗ trợ cho y tế và thất nghiệp, hưu trí cũng như các lợi ích an sinh xã hội khác. Các trường đại học luôn có các phòng tư vấn giúp sinh viên có thể đăng kí được bảo hiểm này, hoặc du học sinh có thể liên hệ trực tiếp với DWP (Department for Work and Pensions) để lấy lịch hẹn phỏng vấn và xin số NI. Chi phí cho việc đăng kí này hoàn toàn miễn phí.
Các trang web giới thiệu việc làm hoặc văn phòng tư vấn việc làm tại các trường học và địa phương, hay các triển lãm về việc làm sẽ giúp du học sinh có thêm nhiều thông tin để tìm kiếm công việc dễ dàng hơn. Thông thường, du học sinh sẽ phải gửi CV cho các nhà tuyển dụng (kể cả cho các công việc như bán hàng hay bồi bàn) vì rất khó có thể gặp trực tiếp họ, do vậy muốn được nhà tuyển dụng để ý tới, bạn phải có được một CV “đẹp”, và một thư xin việc (Cover letter) nói được tại sao bạn lại phù hợp với công việc đó. Khi đã qua được vòng tuyển chọn hồ sơ, bạn sẽ được mời làm bài thi (đối với các công việc đòi hỏi chuyên môn) hoặc đi phỏng vấn. Để chuẩn bị thật tốt cho các phần này, du học sinh nên tham khảo kinh nghiệm của những ai đã từng làm công việc đó, cũng như luyện tập trước ở nhà.
Đối với công việc làm thêm ít chuyên môn, tất cả các sinh viên đều có thể tìm được. Tuy nhiên đối với một công việc chuyên môn mang tính chất lâu dài, các nhà tuyển dụng thường lựa chọn những ứng viên có thời gian học tập và sinh sống lâu tại Anh. Ngoài ra, du học sinh châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc sẽ dễ kiếm được việc làm hơn du học sinh từ các nước khác trên thế giới. Vì các quốc gia đó có nhiều công ty, văn phòng đại diện tại Anh nên du học sinh của họ sẽ có lợi thế hơn rất nhiều.
Tôi từng là một du học sinh theo học Thạc sỹ về Đầu tư tài chính tại Anh. Khóa học của tôi chỉ kéo dài 1 năm nên thời gian để làm thêm không có nhiều vì phải tập trung cho việc học. Do hai kỳ học của tôi bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 6, rồi có 3 tháng hè tự học để hoàn thành luận văn, cho nên tôi đã tranh thủ kiếm việc làm thêm trong thời gian này. Tôi làm đầu bếp cho nhà hàng bán thức ăn nhanh kiểu Nhật (Wasabi), so với làm việc tại các quán ăn khác, công việc của tôi đỡ nặng nhọc và được trả cao hơn. Có một lời khuyên nhỏ dành cho các bạn muốn làm việc tại nhà hàng là nên xin việc tại các hệ thống nhà hàng bán thức ăn nhanh hay chuỗi các quán café như Starbucks, Wagamama, KFC, Wasabi, Mc Donald’s… vì chế độ làm việc và tiền lương ở đây sẽ tốt hơn so với các nơi khác.
Tuy nhiên, vì muốn có được một công việc thật tốt sau khi tốt nghiệp, trong quá trình học, tôi vẫn luôn tự tìm việc trên mạng, đăng kí nộp hồ sơ tại các công ty, ngân hàng và tham gia vào các hội chợ việc làm do trường đại học hay các công ty tuyển dụng tổ chức. Ngoài trang web tuyển dụng chính thức của các công ty đó, tôi đã đăng kí thêm một số website khác như Prospects, Efinancialcareer, Monster, và tham gia vào mạng lưới của The GRB, Milkround Graduate, … đây là một số website tuyển dụng tin cậy cho sinh viên. Tôi cũng thường xuyên tự luyện thi bằng cách đăng kí làm thành viên của SHL – một tổ chức chuyên cung cấp các bài thi kiểm tra năng lực tính toán cũng như khả năng suy luận logic (numerical and verbal reasoning tests), một phần thi không thể thiếu trong quá trình tuyển chọn ứng viên của các nhà tuyển dụng, đặc biệt là cho các công việc liên quan tới tài chính – ngân hàng.
Tôi đã may mắn khi được một số công ty mời đến phỏng vấn, và trong quá trình phỏng vấn tôi nhận thấy họ rất quan tâm tới việc mình phải chứng tỏ được năng lực cũng như nói lên được tại sao lại phù hợp với công việc đó. Do vậy, để gây được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, các bạn nên tìm hiểu thật kỹ về công ty và về công việc mình ứng tuyển. Khi đi phỏng vấn bạn nên đến sớm và trong quá trình phỏng vấn nên thể hiện sự tự tin của mình về công việc đó.
Sau một thời gian chuẩn bị kiến thức cũng như tìm kiếm các cơ hội việc làm, tôi đã thành công trong việc tìm được một công việc phù hợp với mình. Hiện tại tôi đang làm việc cho HSBC Việt Nam và thực sự tất cả những kinh nghiệm xin việc trong thời gian học tập tại Anh đã giúp ích được rất nhiều cho tôi khi trở về Việt Nam.
Chúc các bạn du học sinh sẽ thành công trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp với mình.
Nguồn: Megastudy