Sẵn sàng du học – Những điều thú vị và những lời khuyên của những người trong cuộc chia sẻ bao giờ cũng chân thực nhất. Bạn có ước muốn du học New Zealand, hãy sưu tầm những thông tin liên quan đến quốc gia này, SSDH tin rằng, mỗi kinh nghiệm là một bài học quý khi bạn bước chân ra khỏi vùng an toàn.
Bốn thạc sĩ công tác tại nhiều lĩnh vực đáng mơ ước hé lộ điều thú vị, đồng thời đưa ra lời khuyên hữu ích về du học tại xứ thiên đường mặt đất New Zealand. Đó là Chị Mai Thị Thanh Chung – Giảng viên Đại học Đà Nẵng, từng học thạc sĩ Tài chính tại Đại học Waikato; Chị Nguyễn Quỳnh Anh – Giám đốc Chiến lược Eurowindow, từng học Đại học Auckland; Chị Tâm Lê, từng học thạc sĩ Thương mại tại Đại học Otago; và Chị Hà Mai, cựu sinh viên ngành Quản trị, Đại học Massey. Mỗi chị sẽ tâm sự với chúng ta một khía cạnh mà các chị đã từng trải nghiệm, nào là từ chọn ngành, tìm chỗ ở, lo lắng về tài chính khi đi học ở xứ sở Kiwi.
“Tôi biết đến New Zealand qua bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn và The Hobbit nên cảm thấy mê mẩn đất nước này”, chị Mai Thị Thanh Chung, chia sẻ trong buổi giao lưu cựu du học sinh chương trình Thạc sĩ nhóm ngành Kinh doanh do Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) tổ chức.
Du học đúng thời điểm, chọn ngành thích hợp
Nói về quyết định chọn sang New Zealand học lên thạc sĩ, Chị Nguyễn Quỳnh Anh lưu ý nhiều đến thời điểm du học và việc chọn ngành. Chọn đúng ngành và du học vào thời điểm phù hợp sẽ giúp bạn tối đa hóa trải nghiệm, cũng như không lãng phí thời gian.
Khi lên kế hoạch du học, chị xác định điểm mạnh và con đường mình muốn gắn bó lâu dài. Sau đó, chị bắt tay tìm hiểu về du học, cân nhắc giữa các trường và quyết định chọn ĐH Auckland, New Zealand. Đây là đại học hàng đầu New Zealand, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh. Năm 2016, với suất học bổng chính phủ, chị sang xứ Kiwi, thực hiện ước mơ du học ấp ủ bấy lâu.
Vấn đề chọn trường, chọn ngành cũng được chị Tâm Lê cân nhắc rất kỹ. Theo chị, trước khi quyết định du học, người học cần xem xét mình muốn làm gì trong tương lai, có muốn thay đổi nghề nghiệp không, muốn tiếp tục làm việc hay chuyển hướng sang nghiên cứu, muốn cải thiện điều gì, kiến thức hay kỹ năng mềm…
Một điều không thể phủ nhận, nhiều cựu du học sinh lựa chọn New Zealand vì ấn tượng tốt với đất nước, con người, thiên nhiên nơi đây.
“Lựa chọn nơi học tập sinh sống hai năm, chúng ta không chỉ học từ trường mà còn học văn hóa. Tôi nhận thấy giá trị mình hướng tới giống điều New Zealand coi trọng – sự nhân văn”, chị Quỳnh Anh lý giải.
Tận dụng tối đa nguồn lực từ chương trình học
Sau khi lựa chọn được điểm đến phù hợp, du học sinh nên tận dụng tối đa nguồn lực từ chương trình học, để có thể nhận kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm quý giá trong thời gian học thạc sĩ ở xứ Kiwi.
Theo chị Thanh Chung, 6 tuần đầu tiên của chương trình học là thời điểm “vàng” quyết định bạn có theo kịp chương trình không, và cũng là thời gian khó khăn nhất với du học sinh. Để vượt qua, Thanh Chung tìm đến những người có chung hoàn cảnh để chia sẻ, động viên nhau cùng cố gắng.
Việc duy trì chế độ sinh hoạt đều đặn để tránh bị căng thẳng quá mức, giữ tinh thần tích cực và nhanh chóng tìm giải pháp hoặc trợ giúp để vượt qua khó khăn giúp Chung dần vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu.
Chị chia sẻ chương trình học tại ĐH Waikato kết hợp hài hòa giữa việc học tập và nghiên cứu. Nội dung các môn học cập nhật, phù hợp với thực tế. Các hội thảo về kỹ năng học tập được tổ chức thường xuyên. Giảng viên có cách thức đánh giá giúp người học phát triển tư duy phản biện. Nguồn lực của trường dồi dào phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên.
Hòa nhập với môi trường mới
“Trong môi trường thuận lợi như vậy, để học tập hiệu quả, các bạn cần giữ tâm thế chủ động trong học tập. Mình nghĩ 3 môn/ học kỳ là vừa đủ, đồng thời tập “nghĩ bằng tiếng Anh”, nâng cao khả năng viết, làm quen với tiếng Anh của người xứ kiwi”, chị Thanh Chung khuyên.
Ngoài ra, du học sinh cần chủ động trao đổi với giảng viên qua email, đặt lịch gặp, hoặc đến phòng làm việc của giáo sư trong giờ làm việc. Họ nên tập thói quen suy nghĩ phản biện và lưu ý vấn đề đạo văn, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động để hòa nhập cộng đồng.
Cùng quan điểm, chị Tâm Lê chia sẻ thêm các bí quyết để tận dụng tối đa nguồn lực từ môi trường học tập ở New Zealand, đặc biệt trong việc xây dựng mối quan hệ nếu bạn có kế hoạch làm việc ở đây sau khi tốt nghiệp.
Với các mối quan hệ xã hội, du học sinh có thể kết nối thông qua hoạt động tình nguyện. Trong giảng đường, nên dành thời gian xây dựng mối quan hệ với bạn học để cùng hỗ trợ nhau trong học tập, nghiên cứu.
Xây dựng mối quan hệ với bạn học sẽ có ích trong việc học tập và hỗ trợ kế hoạch làm việc sau này. Ảnh: NVCC
“Ngoài ra, người học nên tìm hiểu cách giảng viên đánh giá, chấm điểm và mượn tiểu luận tốt của sinh viên khóa trước để tham khảo cách làm bài”, chị Tâm Lê gợi ý.
Chị Hà Mai tư vấn về việc lựa chọn hình thức thuê chỗ ở khi du học tại New Zealand. Nếu bạn mong muốn ở nơi gần trường để thuận tiện cho việc học, hòa nhập với cộng đồng sinh viên quốc tế thì ký túc xá sẽ là lựa chọn phù hợp cho bạn trong những tháng đầu mới qua học. Với lựa chọn homestay ở cùng gia đình bản xứ, bạn sẽ dễ dàng thích nghi với văn hóa bản địa.
Một lựa chọn khác cũng rất được ưa chuộng vì tự do sinh hoạt là thuê nhà riêng cùng các bạn du học sinh khác. Mỗi lựa chọn sẽ có ưu điểm và mức chi phí khác nhau để người học cân nhắc tùy theo nhu cầu của mình.
Nhìn chung, New Zealand mang lại cho du học sinh môi trường thuận lợi để học bậc thạc sĩ. Ngoài học bổng chính phủ, họ có thể tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ trường mình định theo học.
Chia sẻ từ các cựu du học sinh giúp những người quan tâm chương trình thạc sĩ khối kinh doanh ở New Zealand có thêm cái nhìn đa chiều để chuẩn bị tốt nhất cho hành trình du học, đồng thời có trải nghiệm tuyệt vời khi học tập ở xứ thiên đường mặt đất.
Theo Zingnews