SSDH – Giáo dục Hoa Kỳ được xếp vào bậc nhất nhì thế giới bởi các trường đại học danh tiếng. Hệ thống các trường đại học Mỹ đa dạng và đồ sộ với hơn 4.000 trường đại học và cao đẳng. Trong quá trình tìm hiểu các trường, các bạn không khỏi bị ấn tượng bởi 1 số tên tuổi quen thuộc với những hình tượng quảng cáo khắp nơi. Nhưng điều khó khăn là làm sao các bạn có thể có 1 quyết định đúng về ngôi trường mình sẽ học. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra thông tin về hệ thống các trường ở Mỹ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn.
1. Nên chọn College hay University?
University và College khác nhau ở tính chất và quy mô của trường.
Liberal Arts College thường có từ 2.000 đến 3.000 sinh viên, trong khi đó, quy mô National University thường từ 4.000 đến vài chục nghìn sinh viên. Với University lớn, các bạn học sinh sẽ ít có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với thầy cô hơn vì rất nhiều lớp học được giảng dạy bởi trợ giảng ( thường là sinh viên cao học tại trường). Trong khi đó, tại College có tỷ lệ giáo sư quan tâm sinh viên trung bình là 1:10, rất thuận lợi cho sinh viên trao đổi với giáo sư.
“Liberal Arts College” thường chỉ tập trung đào tạo bậc đại học, không đào tạo cao học như các trường “National University”
Cũng không nên hiểu nhầm các trường “Liberal Arts” chỉ chuyên đào tạo nghệ thuật, vì thực tế, các trường này có chuyên ngành học đa dạng. Nhiều trường cũng có chương trình đào tạo kinh doanh hay kỹ thuật tốt và phù hợp với phần lớn sinh viên Việt Nam.
Do không hiểu rõ về khái niệm trên, nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn và hiểu sai lệch về giá trị bằng cấp của các College. Cũng chính sự nhầm lẫn này mà không ít các bạn học sinh Việt Nam đã mất đi cơ hội học bổng khi không apply vào các trường College mà chỉ nhằm vào các trường University.
2. Trường công lập hay dân lập?
Ở Việt Nam, những trường đại học hàng đầu đều là các trường công. Tuy nhiên, điều này lại không đúng với giáo dục Mỹ. Những trường dân lập tại đây thường có truyền thống lâu đời, chất lượng ngang hàng, thậm chí cao hơn trường công. Ngoài ra, một số trường còn được nhận được tài trợ về tài chính nhiều hơn nên cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo sư thường rất mạnh. 20 trường top của bảng xếp hạng USNews trên cả hạng mục National University và Liberal Arts College đều là các trường dân lập.
Tuy nhiên, học phí các trường dân lập cũng lớn hơn nhiều so với các trường công lập. Trung bình, chi phí học tập (đã bao gồm học phí và ăn ở) của các trường rơi vào khoảng 40.000 USD đến 60.000 USD so với mức 25.000 USD đến 40.000 USD của trường công lập.
Bù cho việc học phí cao, các trường dân lập lại có nguồn học bổng lớn và phong phú cho sinh viên quốc tế. Không ít các bạn học sinh Việt Nam đã nhận những học bổng và hỗ trợ tài chính toàn phần hoặc bán phần tại các trường này.
3. Khi nào chọn trường cao đẳng cộng đồng (Community College)?
Hệ cao đẳng cộng đồng – Community College là hệ học 2 năm, yêu cầu đầu vào không cao, thậm chí nhiều trường cũng cho phép học sinh chưa tốt nghiệp cấp 3 theo học. Sau 2 năm học cao đẳng, sinh viên có thể xin học tiếp tại các trường đại học 4 năm.
Điểm mạnh của các trường cao đẳng cộng đồng là đầu vào thấp và học phí vừa phải. Thế mạnh này đã đánh trúng vào tâm lý của người Việt, khi khả năng tài chính trở thành gánh nặng cho không ít gia đình.
Ở hệ đào tạo 4 năm (four year college)chỉ đào tạo cử nhân trở lên. Trong khi đó ở hệ đào tạo 2 năm (two year college) có 3 chương trình đào tạo:
- Transfer program (đào tạo kiến thức chính qui phục vụ cho chuyển trường) là đào tạo kiến thức chính quy 2 năm đầu của một sinh viên cần học cử nhân, nhưng học phí giá rẻ hơn nhiều lần so với four year college. Sau khi học 2 năm đầu kiến thức cơ bản của cử nhân, sinh viên xác định chuyên ngành mình chọn sẽ làm hồ sơ chuyển trường sang four year college để học tiếp cho hết cử nhân.
- Vocational training (đào tạo hướng nghiệp) là loại hình đào tạo chỉ 1 năm, không cấp bằng (degree) mà chỉ cấp giấy chứng nhận (cerfiticate).
- Academic training (đào tạo chuyên viên lành nghề) là chương trình đào tạo giống như cao đẳng dạy nghề như ở ta, chương trình chỉ dạy 2 năm về một nghề hữu dụng nào đó như: Computer Technician, electronic technician, accounting, nurse, marketing, business, etc… Những người này được cấp bằng (degree) như, AAS: Associate Applied Science hay bằng AS: associate of Science.
4. Thứ hạng các trường ở Mỹ
Thứ hạng trên các bảng xếp hạng chung , ví dụ như Best University/Best Colleges, Tuy nhiên, bạn không nên quá coi trọng tiêu chí này, mặc dù đúng là có những khác biệt rõ rệt về nhiều mặt giữa hai trường cách nhau 20-30 bậc. Nếu bạn cho rằng chỉ có trường thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chung mới đáng học/mới có chất lượng tốt, bạn cần cân nhắc thêm những điều sau đây:
- Ở Mỹ có đến gần 4000 trường đại học, vì vậy những trường có thứ hạng lớn hơn 100 một chút vẫn có chất lượng tốt và đáng theo học.
- Những trường có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chung có thể không cung cấp chương trình học bạn muốn . Ví dụ, bạn muốn theo hướng nghiên cứu lĩnh vực hàn lâm như kinh tế hoặc tâm lí học, những trường đầu bảng xếp hạng như Harvard, Princeton có thể sẽ phù hợp.Nhưng nếu bạn muốn vừa học vừa có làm để tích lũy kinh nghiệm làm việc, những trường có chương trình Co-op như Drexel (trường này không phải là trường top trong bảng xếp hạng Ivy League) sẽ là môi trường tốt.
- Độ phù hợp giữa bạn và trường cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác của trường và của bạn . Nếu bạn có học lực bình thường ở Việt Nam nhưng muốn vào được những trường đứng đầu bảng xếp hạng chung, bạn có cho rằng bạn có khả năng hiểu được (chứ đừng nói là học được hay là học tốt) chương trình học cực khó của những trường đấy không?
- Chất lượng trường đại học không quyết định hoàn toàn sự thành công của bạn khi ở trường và sau khi đi làm, vì sự nỗ lực của bản thân bạn cũng có vai trò quan trọng không kém. Nhiều người học trường thứ hạng không cao nhưng vẫn thành công khi ra đời.
- Một số lượng không nhỏ trường đại học ở Mỹ cho rằng những trải nghiệm về giáo dục không phải là điều có thể cân đo đong đếm được, vì vậy họ đã thể hiện sự không đồng tình với các bảng xếp hạng chung, và không cung cấp thông tin về trường họ. Vì thế, rất nhiều trường có chất lượng giáo dục tốt nhưng không nằm trong top 100.
5. Căn cứ để chọn trường an toàn nhất?
Sau khi đã hiểu rõ hệ thống và thứ hạng các trường của Mỹ, phu huynh và các bạn học sinh nên dựa vào những yếu tố sau của cá nhân mình để có lựa chọn trường đúng đắn nhất:
Khả năng ngoại ngữ của cá nhân đi du học đủ hay không?
Tối thiểu cho college là 550 điểm on paper tương đương với iBT là 79-80 điểm. Nếu muốn lấy học bổng phải hơn hoặc bằng 95 điểm Toefl iBT. (Lưu ý: Hiện nay có rất nhiều trường ở Mỹ chấp nhận điểm IELTS tương ứng)
Khả năng học tập của cá nhân:
Được thể hiện thông qua điểm trung bình ( GPA: Grade Point Average ), điểm thi nhập học đại học ( SAT: Scholastic Admission Test hay ACT: American College Test ) có thể lấy học bổng hay không? Nếu bạn muốn học sau đại học thì bạn cần cân nhắc điểm GRE/ GMAT của mình ở mức nào.
Hoàn cảnh kinh tế đủ để học đại học hay không? Ngân sách dành cho việc đi du học ở Mỹ?
Chiến lược học tập đại học ngắn hay dài?
Trong chiến lược học tập có 2 loại chiến lược cho các bạn học sinh là chiến lược ngắn hạn và chiến lược dài hạn. Trong chiến lược ngắn hạn là đáp ứng cho việc học xong cử nhân và ra đi làm ngay có hiệu quả, mà gia đình và bản thân du học sinh chưa đủ khả năng đáp ứng học thêm sau đại học. Còn chiến lược dài hạn là chiến lược dành cho gia đình và du học sinh có thể tiếp tục học sau đại học với tấm bằng MSc, MA, PhD hay MD, v.v… rồi mới đi làm.
Your good feeling – Cảm giác
Hãy tin ở chính mình. Nếu bạn thích 1 trường nào đó, hãy biết các giữ niềm tin ấy. Ngược lại, nếu bạn thấy có gì không ổn, hãy thôi ngay, cho dù đó là 1 trường có danh tiếng, được báo chí suốt ngày ca ngợi. Chọn trường là lựa chọn của riêng bạn. Nếu được, hãy đến tham trường trước khi quyết định, xem bạn có thích nó không? Điều này sẽ giúp cho quyết định của bạn sáng suốt hơn.
Mong là bạn sẽ có quyết định đúng đắn cho riêng mình. Chúc bạn may mắn!!!
Nguồn: Scholarshipplanet