Canada chống dịch kiểu gì và những điều cần biết dành cho người nước ngoài đến Canada.

0

SSDH – Canada, cũng như hầu hết những quốc gia khác trên thế giới, đã trải qua gần hai năm 2020-2021 kinh hoàng vì đại dịch Covid-19. Người chết, y tế quá tải, xã hội đảo lộn, kinh tế trì trệ đình đốn, mọi thứ sa sút không biết đến bao giờ mới mong hồi phục trở lại được.

canada chong dich kieu gi

Nhưng phải công tâm mà xét rằng, mọi cấp chính quyền ở Canada, từ thành phố, tỉnh bang đến liên bang, bất luận đảng phái nào, khuynh hướng chính trị nào, Bảo Thủ hay Tự Do, ly khai hay bất ly khai, bờ đông hay bờ tây, trong suốt hai năm qua thì tất cả họ đều đã chung tay, tận lực, gạt bỏ mọi khác biệt chính kiến, đảng phái để cùng thông qua những quyết sách chống dịch rất đúng đắn, khoa học, kịp thời, và tương đối hợp lòng dân.

Trong một chừng mực nào đó, có thể nói rằng Canada đã tương đối thành công qua hai năm chống dịch, dù với một cái giá phải trả quá đắt, là mức thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2021 gần 382 tỷ dollar cdn, tức gần 19% tổng giá trị sản phẩm kinh tế quốc dân toàn Canada. Đó là chưa kể con số hơn 26.6 ngàn sinh linh người dân Canada đã vĩnh viễn ra đi hai năm qua vì Covid-19, chiếm tỷ lệ 0.07% dân số (Dân số Canada là 37.59 triệu người, thống kê 2019).

>>Du học sinh và người nước ngoài tiêm vaccine COVID-19 ở Canada.

So sánh với các nước khác, xin ghi lại đây những khác biệt của Canada trong hai năm chống dịch. Xin nói rõ là tôi hoàn toàn không có ý chỉ trích bất kỳ ai bất kỳ chính phủ nào, chỉ muốn ghi lại đây những quan sát chủ quan (subjective observations), để lưu lại về sau cho riêng mình:

1. Canada không có chính sách truy vết tìm người bệnh. Canada không có khái niệm F0, F1, Fn.

2. Canada cấm tiết lộ danh tánh hành trình của người bệnh, vì đó là phạm luật riêng tư cá nhân.

3. Canada không có chính sách cách ly tập trung người bệnh, và chỉ dành giường bệnh, bệnh viện cho những trường hợp bệnh trở nặng, cần thở máy.

4. Canada không có chính sách test khu vực đại trà, mà chỉ có những cơ sở y tế test miễn phí riêng lẻ cho người có nhu cầu. Ai muốn test thì đến đó mà test, không bắt buộc ai cả.
4b. Canada cũng không có loại giấy tờ “giấy chứng nhận âm tính”.

5. Canada không có những cuộc chiến sặc mùi phe phái chính trị về cái vật dụng rẻ tiền thông dụng chả đáng gì, là chiếc khẩu trang. Chả có bà nghị Canada nào than rằng đeo khẩu trang ngộp như phòng hơi ngạt, cũng chả có ông quan chức nào nói rằng bắt ép dân đeo khẩu trang là vi hiến.

6. Các cấp chính quyền Canada không có những qui định chồng chéo, đối kháng nhau về những chuyện như mở cửa hay không mở cửa trường học, phong tỏa hay không phong tỏa một thành phố, hay một tỉnh bang nào đó.

7. Người đứng đầu cơ quan Canada’s Chief Public Health (tương đương với Dr. Fauci của Hoa Kỳ), là Dr. Theresa Tam, bà là một người châu Á di dân gốc Hong Kong. Bà này được ông cựu TT Canada thuộc đảng Bảo Thủ đặt lên vị trí mấy năm về trước, và được ông đương kiêm TT Canada thuộc đảng Tự Do trọng dụng. Bà này được cả hai phe cầm quyền và đối lập bảo vệ thoát khỏi mọi búa rìa chính trị, chỉ để bà ta chuyên tâm việc chuyên môn, góp phần hiến kế những quyết sách đúng đắn cho chính phủ về mặt phòng chống dịch bệnh.

8. Canada không phun thuốc sát khuẩn ngoài đường, chưa bao giờ làm vậy trong mùa dịch.

9. Canada có lúc lockdown cả thành phố, như mọi quốc gia khác
9b. Canada cũng có những “khu xanh, khu đỏ”. Tại những “khu đỏ”, tức khu vực có người nhiễm Covid-19 nhiều, thì y tế Canada ưu tiên chích vaccine cho toàn bộ dân cư khu vực đó trước.

10. Việc phong tỏa và dừng việc đi lại chủ yếu thông qua sự hô hào của chính phủ, kêu gọi sự tự giác của người dân, chứ không thông qua chốt chặn, cưỡng chế. Cũng có bắt phạt, nhưng rất hiếm.

11. Canada không cấm hay qui định giờ giấc nghiêm ngặt cho từng người dân đi mua thức ăn.
11b. Tuy vậy, nhiều siêu thị tại Canada lại tự phát ưu tiên khung giờ giấc thuận tiện trong ngày chỉ dành cho người cao niên đi chợ (vì họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội), hay cho người trong ngành y tế (như một cách tỏ lòng biết ơn sự hy sinh vất vả của ngành này)

12. Cái gì thuộc về ăn, uống, hút (không có chích!), thì đều được kể là thiết yếu ở Canada. Rượu bia thuốc lá là mặt hàng tiêu thụ khủng khiếp qua mùa dịch tại Canada. Một thứ cũng được tiêu thụ rất mạnh đầu mùa dịch tại Canada là yeast (men, để làm bánh mì) và bột làm bánh.

13. Không ai đói qua mùa dịch tại Canada. Phần lớn mọi người thì mập phì ra qua lockdown vì ăn rồi ngủ rồi ăn rồi lại ngủ rồi lại… ăn.

14. Cái gì thuộc về thuốc men y tế thì cũng được kể là thiết yếu tại Canada. Condom và băng vệ sinh cũng được tính là mặt hàng thiết yếu.

15. Cái gì không thiết yếu thì cũng có thể mua online trong lúc bị phong tỏa tại Canada, được ship tới nhà, dù cũng có khó khăn, chậm chạp đôi chút.

16. Cũng có những thứ vật giá leo thang trên trời qua mùa dịch tại Canada, có thể kể là gỗ xây dựng, tất cả mọi thứ có liên quan đến TDTT tại nhà, làm việc tại nhà, thị trường địa ốc, và đặc biệt là cottage (nhà nghỉ gia đình ở vùng quê, sông nước, v.v.)

17. Canada không cấm người dân đi bộ, đi tập thể dục ngoài trời trong suốt mùa phong tỏa, miễn sao mỗi người ra ngoài phải có khẩu trang, không tụ tập, và phải luôn cách nhau 2m giãn cách. Cũng có lúc Canada ra lệnh cấm ra ngoài đường, bắt phạt, nhưng chính lực lượng cảnh sát Canada đã bất tuân thượng lệnh, không đồng ý phạt người dân, nên lệnh cấm phải rút lại sau một thời gian ngắn.

18. Canada phát tiền cho dân thông qua computer, laptop, iPhone, tablet, chứ không phát tiền mặt, cũng không phát bằng cheque có chữ ký của ông Thủ Tướng, cũng không phát trên tivi. Mỗi người dân trong độ tuổi lao động tại Canada, nếu mất việc vì Covid-19, được hưởng $1,800 đến $2,000 cdn một tháng. Trợ cấp cho doanh nghiệp có những khoản riêng. Trợ cấp cho người già, tàn tật, trẻ em, lại có những khoản riêng khác nữa.

19. Suốt mùa dịch, Canada vẫn mở hoạt động giao thông công cộng trong thành phố (bus, subway), nhưng không mở cho giao thông xuyên tỉnh bang, tức ai ở tỉnh nào, ở yên tỉnh đó.

20. Suốt mùa dịch, bộ sậu lãnh đạo mọi cấp chính quyền của Canada, từ ông Thủ Tướng, ông Thủ Hiến đến ông Thị Trưởng chường mặt lên ti vi hầu như là mỗi ngày, công bố đủ thứ biện pháp giúp dân qua mùa dịch, thôi thì lớn nhỏ hằm bà lằng như bà già cắp rổ đi chợ mua rau, từ việc cho dân, doanh nghiệp, sinh viên mượn tiền đến việc hốt dân Canada còn lang thang trên thế giới về lại quý quốc, đến việc đặt mua vaccine và dự trữ máy thở. Chẳng nghe ai kêu gọi chống dịch như chống giặc, cũng chẳng nghe ai an ủi người dân là ráng đợi qua mùa hè nóng thì virus sẽ tự biến mất đi.

20. Sau một thời gian rồi thì người dân Canada cũng phát chán với mấy cái “bản mặt” “Thủ, thủ, thị” đó, không thèm bật ti vi nữa, nhưng họ không nhận ra một dụng ý mà mấy ông chính trị gia đó đã đạt được: Yên lòng dân. Lòng dân Canada nói chung suốt mùa dịch cũng bức bối, giận dữ, nhưng không mấy người oán giận chính phủ, vì biết rằng chính phủ đã tận lực với dân, minh bạch, công bằng, bất kể cầm quyền hay đối lập.
20b. Tại tỉnh bang Ontario có quan chức nọ đi chơi, bay sang mấy đảo Caribean (chắc vì quá nghiện golf?), bị báo chí phanh phui, nên chưa bay về lại mà đã bị ông Thủ Hiến buộc phải từ chức, để làm gương, vì thuộc cấp của chính ông ta mà vi phạm lệnh phong toả.

21. Canada cũng có những lúc dịch bùng phát cực điểm, người chết rất nhiều trong các khu dưỡng lão, nhà bệnh. Nhưng Canada không có cảnh quá tải lò thiêu, cũng ít quá tải bệnh viện.

22. Có lẽ Canada làm được điều này (ít quá tải bệnh viện) là nhờ công lớn của chính sách san phẳng đường cong (đỉnh dịch) của chính phủ được người dân đồng lòng ủng hộ và làm theo.

23. Có lẽ phần nữa là nhờ chính sách đúng đắn của chính phủ Canada (biết nghe lời các cố vấn y tế) là cho 80% người bệnh nhẹ chữa trị tại nhà, chỉ dành toàn lực y tế cho số 20% trở nặng cần nhập viện, nên số lượng máy thở có lúc gần như quá tải, nhưng chưa bao giờ Canada thật sự khủng hoảng máy thở hay máy oxy (ventilator/ concentrator).
23b. Nếu người nhà của bạn dính Covid-19, phải tự cách ly ở nhà, thì bạn cũng được chính phủ Canada trợ cấp tiền thất nghiệp, trong thời gian ở nhà lo nuôi người thân của bạn. Đây là nói về những người vẫn còn ra ngoài đi làm suốt mùa dịch, bao gồm lực lượng y tế, cảnh sát, các hãng xưởng sản xuất quan trọng, và dân ngành xây dựng (tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn thì dân xây dựng cũng bị bắt ở nhà luôn). Những người làm việc tại nhà (work-from-home) thì lẽ đương nhiên là không được hưởng một đồng trợ cấp nào từ chính phủ Canada.

24. Số người tử vong tại Canada vì Covid-19, tuy vậy, cũng tương đối nhiều (26.6 ngàn người), có lẽ vì tháp dân số tương đối già của Canada.

25. Canada không có tiêu chuẩn cán bộ, chính trị gia được chích vaccine trước, vì đối với y tế Canada thì thành phần này có rủi ro nhiễm bệnh và chết thấp hơn rất nhiều lần so với người già, người có bệnh nền, và nhân viên y tế. Mấy hạng người sau được ưu tiên chích trước mọi chính trị gia.

26. Hai ông “Thủ, thủ”, tức Thủ Hiến (đầu tỉnh) và Thủ Tướng (đầu Canada) cũng phải đợi gần 2, 3 tháng sau khi Canada bắt đầu có vaccine, thì mới tới lượt mình chích, vì theo đúng qui định ưu tiên của Y Tế Canada về độ tuổi.

27. Hai ông này cũng không có quyền lựa chọn vaccine

28. Canada cũng có thành phần antivaxx, nhưng cũng không nhiều,
28b. Canada có tỷ lệ toàn dân được chích ngừa Covid-19 cao nhất hiện nay trong khối G20.

29. Vaccine ở Canada miễn phí, nhưng không mua được, cũng không mang về nhà dùng riêng được. Hổng ai cho mượn, xin, vay vaccine ở Canada, nhưng đồng đều ai cũng có 2 mũi chích.

30. Hiện nay, chính phủ Canada đang lo chuẩn bị đối phó với “làn sóng thứ 4” của đại dịch, sắp sửa tới, dù số người nhiễm mới hiện nay vẫn còn thấp, nhưng sẽ có đà tăng nhanh. Chỉ hy vọng “sóng” kỳ này yếu hơn mấy kỳ “sóng” trước, cho dân Canada đỡ khổ chút xíu, chứ thật ra thì ai cũng mệt mỏi quá rồi!!!

SSDH Team (theo tác giả David Huynh)

Share.

Leave A Reply