Du học Mỹ chọn trường top hay trường thường?

0

 

SSDH – Du học Mỹ chọn trường top hay trường thường. Câu trả lời thật khó, bạn ko tìm được đáp áp hãy xem bài viết này cùng chúng tôi. Hi vọng bạn sẽ tìm được hướng đi cho bản thân mình.

CHUYỆN THỨ NHẤT

Cách đây khoảng hơn một năm, mình được nhờ nói chuyện với một bạn muốn đi du học thạc sĩ Mỹ. Chưa kịp mở lời, bạn ấy đã phang vào mặt mình rằng: “Em muốn học Columbia (top 2 NU Mỹ) nhưng điểm GMAT của em có hơn 500 thôi, chị có cách nào không?” Mình ngẩn tò te. Sau một hồi trao đổi thì mình thẳng thắn nói rằng với sự cố gắng tối thiểu mà bạn ấy đã và đang bỏ ra thì Columbia là điều không thể. Chẳng ngờ bạn đó phật mình luôn: “Ôi tưởng thần thánh thế nào. Giờ có tiền là làm được tất, kể cả điểm có kém. Chị không làm được thì để em mang tiền đi chỗ khác.” … 5 GIÂY ĐỨNG HÌNH

CHUYỆN THỨ HAI

Bản thân mình vào một năm 200x cũng từng có học bổng trường top, cụ thể là MIT (top 2 NU Mỹ). Nhưng mà không may năm đó nhà mình phá sản và kinh tế khủng hoảng trầm trọng nên dù học bổng cao thì phần còn lại nhà mình vẫn không chống đỡ nổi. Lúc đó may mắn có một trường chìa tay ra cho mình, Troy – liên kết với Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ở Mỹ thì Troy chả rank riếc gì đâu nhưng mà trường được công nhận bởi Hội đồng Công nhận Giáo dục Đại học Mỹ (Council for Higher Education Accreditation). Vậy nên đây cũng là cơ hội để mình hoàn thành Đại học có công nhận trong thời gian ngắn nhất có thể để còn đi làm phụ giúp gia đình.

CHUYỆN THỨ BA

Trường bé đương nhiên là không có mấy môi trường cạnh tranh. Chúng bạn trượt đại học vào đây thì cũng kha khá nên ban đầu mình chỉ biết cắm mặt học phần mình. Có một giáo người Mỹ nói với mình rằng: “Jenny à, cô biết chương trình dễ hơn so với khả năng của em nên em cứ thử tự cạnh tranh với chính bản thân mình xem sao.” Mình cũng vì thế mà mỗi bài khóa lại cố gắng làm 10% tốt hơn bài trước, lâu dần cũng thành thói quen, mình vẫn luôn tự cố như vậy. Giáo này về sau trở thành giáo sư của Duke (Top 9 NU Mỹ) và vẫn luôn làm nguồn cảm hứng không ngừng nghỉ cho mình.

CHUYỆN THỨ TƯ

Lâu dần làm quen với nhiều bạn trong trường, minh phát hiện ra mình cũng chẳng phải tự mình cạnh tranh đâu. Về cuối chương trình năm ba, chương trình cũng khó kinh hoàng. Mấy môn hệ thống ngân hàng tiền tệ, kinh tế vĩ mô cho nhà quản lý hay tài chính bậc cao đều một đống tích phân vi phân nhìn chóng cả mặt. Mình phát hiện ra mình cày hộc máu trong các lớp đó, cuối cùng vẫn không bằng một bạn chả học gì cả kì, tối hôm trước đi tập hát xong bị ngộ độc thức ăn đi thi ngay sáng hôm sau. Chả lẽ đập đầu vào gối “tự vẫn” cho thấy mình đỡ ngu ngốc. Kết quả là trong một ngày chán chán mình và bạn ấy ngồi cùng bàn thi, cách một bạn ở giữa. Bọn mình làm xong đề sớm quá, tách bài của bạn ngồi giữa mỗi đứa mỗi nửa làm luôn. Nhiều năm sau này, bọn mình vẫn là bạn tốt, đứa nào của có “đế chế” riêng của mình. Troy cũng còn rất nhiều bạn khác mà cày xong ra dẹp một góc “giang sơn”, đến bây giờ mình vẫn còn giữ liên lạc. Cuối ngày mình nghĩ lại, ranking là một chuyện, nhưng sự cố gắng của tự thân mỗi cá nhân còn quan trọng hơn nhiều. Mặc cho cái mác liên kết hay trường làng, mình và rất nhiều bạn vẫn chọn cho bản thân một tương lai xuất sắc.

CHUYỆN THỨ NĂM

Đại học xong, mình không nghĩ rằng mình sẽ đi học Thạc sĩ. Một phần vì anh người yêu lúc đó cũng bảo: “Con gái thôi học cao làm gì.” Mình cũng tặc lưỡi, tiền lúc đó kiếm như nước rồi thấy thực ra học lên cũng không hẳn là có giá trị. Sau khi bỏ người yêu, thì đi táng ngay 2 quả hình xăm to đoạch mà mình thích đã lâu, ôn thi GMAT năm ngày rồi xin học bổng Thạc sĩ 2 ngành Quản trị Kinh doanh chuyên sâu về Chuỗi cung ứng và Quan hệ Quốc tế. Tất nhiên là mình có kinh nghiệm làm việc rất sâu trong cả hai. Trong tâm trí mình lúc đó thực sự là muốn đi học để … “nghỉ dưỡng”. Vì tiền thì vẫn kiếm đâu cần bằng thạc sĩ đâu. Mình được học bổng toàn học phí cả hai ngành tại Columbia (Top 2 NU) và học bổng toàn phần MBA cả ăn ở tại một số trường trong top 100. Cậu lúc đó có gọi mình sang để nếu vẫn thích Columbia thì bàn xem dành tiền đi học. Mình với tâm lý phải tiết kiệm lâu ngày để phục hồi kinh tế gia đình, hồn nhiên đi trường top dưới.

CHUYỆN THỨ SÁU

Trường mình chọn là Texas Christian University – TCU (Top 83 NU). Ngoài lý do muốn nghỉ dưỡng không mất tiền ra thì có một vài lý do. Trường vẫn trong top 100 NU nghĩa là tiền quỹ sẽ nhiều. Tỉ lệ giảng viên với sinh viên siêu thấp, nghĩa là mình sẽ được chăm chút. Rank về việc làm cũng như thực tập của trường rất cao. Trường cũng có mạng lưới quan hệ doanh nghiệp rộng trong ngành chuỗi cung ứng nên không sợ thiếu việc làm để tiện thể trải nghiệm thêm. Tất nhiên mình vẫn giữ cửa mở với Columbia, đóng tiền giữ chỗ đàng hoàng nhưng với sinh hoạt phí và phí mở rộng quan hệ tại New York thì mình vẫn thấy rất cao hơn so với giá trị thu hồi của của chương trình. Lần lữa quan hệ với các giáo trong trường một hồi (ban đầu mình định bỏ Columbia luôn), cuối cùng mình được giải phỏng để học thành bán thời gian và một nửa trực tuyến bên Columbia cho ngành quan hệ quốc tế. Lay lắt đến tận một năm sau khi hoàn thành Thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh thì mới xong cái bằng đó, và phải tự đóng thêm một số kha khá vì không giữ đúng “hợp đồng” với trường.

CHUYỆN THỨ BẢY

Sau thạc sĩ mình vừa làm doanh nghiệp lớn học hỏi, rồi chốt lại quay về mở tiếp thêm doanh nghiệp mới. Kì thực thì kiến thức của Texas Christian được mình tận dụng nhiều hơn trong thời điểm này. Có lẽ vì nó đúng ngành mình dùng. Còn với kiến thức từ Columbia, mình thấy mình cũng có nền nã hơn về kĩ năng lãnh đạo và hoạt động chính trị, nhưng cái mình giữ được nhiều hơn là những mối quan hệ với những người trọng yếu mà mình dùng được cho việc mở rộng kinh doanh của mình.

CHUYỆN THỨ TÁM

Đến lúc mình quyết tâm đi làm Tiến sĩ. Vì mình chọn ngành chuỗi cung ứng, nên quan hệ mà mình vẫn giữ hàng năm với các giáo sư tại TCU trở nên rất mạnh. Phải nói thêm là TCU dù trường nhỏ nhưng riêng về ngành chuỗi cung ứng thì có 2 bác lão làng từ Michigan State (Top 1 nghiên cứu Chuỗi cung ứng) và MIT (Top 2 nghiên cứu Chuối cung ứng) về. Hai bác còn là Tổng biên tập của 1 báo trong danh sách Financial Times (FT50). Với tỉ lệ giảng viên sinh viên thấp như ở TCU, các bác nhớ mình tận mặt và vì thế thư giới thiệu là quan hệ ở tầm cá nhân, cộng với bài luận mà mình tự tin là khá xuất sắc của mình, nên mình được học bổng của Stanford (Top 6 NU), University of Tennessee (Top 103 NU, Top 3 nghiên cứu Chuỗi cung ứng). Cuối cùng mình vẫn chọn Top ngành thay vì top toàn tập. Lý do, trường nhỏ nhưng ngành ngách lớn, mình sẽ nhận được toàn bộ sự chú ý tập trung của các thầy cô, cộng với tiền quỹ nghiên cứu nữa. Còn cứ cho rằng mình đi Stanford, mình nghĩ sinh hoạt phí ở Cali thôi đủ rùng mình. Quỹ thì chắc chắn không thiếu, nhưng mình sẽ phải tranh đấu với một loạt “siêu sao” còn giỏi hơn mình để mà giành sự chú ý của thầy.

CHUYỆN THỨ CHÍN

Có lần mình và một người bạn thuộc mức cận thiên tài ngồi đàm đạo. Lúc đó đã là sau khi mình học Thạc sĩ. Bạn ấy có học bổng toàn phần từ hồi cấp 3 để đi Mỹ. Lên đại học cũng học 1 trường IVY League trong Top 10. Mặc dù cân 2 chuyên ngành chính (majors) và 3 chuyên ngành phụ (minors) mà bạn ấy vẫn giữ điểm phẩy 4.0. Nhưng thế cũng không quan trọng bằng việc bạn ấy giữ từng đó việc mà vẫn có thể ra ngoài đi chơi, đàm đạo, mở rộng quan hệ khắp nơi. Buồn cười nhất là lúc bạn ấy xin thư giới thiệu ở trường để đi học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, bạn ấy bị các thầy chố mắt nhìn vì là một trong những đứa lẻ loi ở trường đó đi học Thạc sĩ chứ không phải thẳng lên Tiến sĩ. Mà trong những trường bị bạn ấy từ chối cho Thạc sĩ có cả Harvard và MIT. Điều này khá giống với câu Nguyễn Hà Dương mới nói gần đây: “Tôi chọn Harvard chứ không phải Harvard chọn tôi.”

CHUYỆN THỨ MƯỜI

Tiếp nối câu chuyện với người bạn cận thiên tài của mình. Bọn mình tình cờ đều nhận được yêu cầu hỗ trợ một số sinh viên trường top về cách viết luận trên lớp, có những ca điểm SAT sát trần, luận vào trường cũng được chau chuốt nhưng đến lúc vào trường rồi, khi phải viết luận “tư duy phản biện” liên tục thì đuối và điểm không được như mong muốn. Chán nản và bỏ cuộc. Trong những ca nặng nhất mà bọn mình từng xử lý, có một ca mà bạn sinh viên đó có cả giải quốc tế mà vẫn bị “sốc nhiệt” đến mức nguyên một kì không lên lớp, không liên lạc với gia đình. Kết quả là bọn mình phải sang tận nơi. Đúng lúc đó thì bạn ấy đã bị trường gọi lên kỉ luật rồi (nhưng bạn ấy vẫn không lên). Bọn mình phải phá khóa vào phòng và lên trường biện hộ cho bạn ấy về vấn đề sức khỏe tâm lý thì bạn ấy mới được bảo lưu. Cuối cùng, bạn ấy về Việt Nam điều trị tâm lý mất hơn năm và sang Sing học, cứ cuối tuần thì bay về nhà một lần cho đỡ choáng.

Những câu chuyện như bạn kể trên, rất đáng tiếc là không phải hi hữu, cũng không phải chỉ ở trường top, trường thường cũng có. Tuy nhiên ở trường top thì áp lực căng thẳng hơn nên những trường hợp này được nhìn thấy thường xuyên hơn. Ở trong nhóm mình biết chắc có ít nhất một người học Stanford ra và người đó chắc chắn có thể làm chứng rằng Stanford có bệnh viện điều trị tâm thần và có một phần trăm lớn bệnh nhân trong đó chính là sinh viên học ở Stanford.

CHUYỆN THỨ MƯỜI MỘT

Lan man một hồi thì mình và bạn mình đều có rất nhiều bạn nhỏ hỏi với câu cửa miệng là: “Em muốn vào Stanford, Harvard, Yale, Cornell, NYU, và các trường tương tự. Mình với bạn mình luôn luôn hỏi lại: “Ủa, vậy cái trường đó phù hợp gì với mục tiêu lâu dài của em, 10 năm nữa, 20 năm nữa nó sẽ có ý nghĩa gì?” Thế nhưng chắc chỉ 1 trong 100 người trả lời được. Thực ra với mình và bạn mình, dù hoàn cảnh và trình độ khá khác nhau, đều đồng ý rằng cái quan trọng nhất không phải là top hay không top, mà là nó có phù hợp với mục đích lâu dài của mình không. Cái ý “mình chọn trường chứ trường không chọn mình” chính là ý nghĩa như vậy. Nếu trường chỉ là 1 mảnh rất nhỏ trong mục tiêu cả đời người của sinh viên, thì tự nhiên trường sẽ thấy sinh viên xứng đáng và chọn lại sinh viên.

TỪ KINH NGHIỆM VỚI NHỮNG TRƯỜNG CẢ TOP CẢ KHÔNG CỦA MÌNH VÀ BẠN MÌNH…

Trường top có lợi thế về quan hệ với doanh nghiệp với những nhân vật con ông cháu cha hoặc sớm sẽ có tiền và có máu mặt trên các lĩnh vực. Vì vậy, nếu các bạn muốn vào đây, các bạn phải đủ năng lực và năng động để không chỉ học mà còn giao du với những người này, tạo lợi thế cho mình sau này.
Học hành tại những trường top thường sẽ nặng hơn và cạnh tranh hơn. Một giáo sư gần đây nói với mình: “Ở Harvard, dù chúng ta không dạy sinh viên thì hầu hết sinh viên trong đó đều có động lực nhưng ở một trường bình thường, nếu chúng ta không quan tâm đến sinh viên thì nhiều khi sinh viên truội luôn.” Vậy nên thực sự mà nói, nếu bạn muốn trường top hẳn thì tự bạn phải tạo động lực cho chính mình thì mới có thể cạnh tranh nổi vì các giáo sẽ không cầm tay chỉ việc đâu. Những bạn bị sốc mà mình đã kể, không phải không giỏi mà là không thể tự tạo động lực cho mình để học tập trong một môi trường ít sự chú ý cá nhân hơn.
Tuy nhiên với những trường rank thấp quá thì không chắc thầy cô đã quan tâm đến sinh viên tận tình đâu. Vậy nên cứ nên là trường rank vừa phải tốt hơn.

TẠI SAO MÌNH KHÔNG ƯU TIÊN CHỌN TRƯỜNG TOP

Đôi khi mình nghĩ cũng oai lắm, có các mác học một trường nào đó sẽ được thiên hạ đánh giá cao hơn. Thế nhưng qua nhiều năm, mình lại chỉ thấy quan trọng nhất là bản thân mình muốn gì và trường top có phù hợp với mình hay không. Học vì oai thì thực sự không đáng.

Mình rất nhiều lần từ chối trường top rồi xin học bổng ở bậc học cao hơn, kết quả là vẫn có trường top khác nhận mình. Cho thấy rằng không hẳn học trường top thì mới đi được trường top. Cái các trường top nhìn vào là một tư duy phản biện tốt, một ý chí kiên định, và những thành quả xác thực cho ý chí đó. Và khi có những thứ này thì bạn chọn trường chứ trường không chọn bạn. Có lần mình xem video của vợ chồng chị Elaine Phuong, cả hai đang làm giáo sư tại một trường nghiên cứu Mỹ. Anh chị nói rằng hồ sơ từ trường top thì cũng được nhìn đến trước, nhưng nếu thấy điểm phẩy mà dưới 3.2 thì chẳng bằng lấy một bạn 4.0 trường khác.

Với mình, mình lựa chọn trường nhỏ hơn nhưng vẫn cân bằng ranking và các điều kiện về giáo cũng như quan hệ. Mình không cần trường top toàn tập để làm tốt việc mình làm, nên cái gì cứ đỡ tốn nhất thì mình đầu tư. Chuỗi cung ứng là một trong những ngành ngách mà trường top ngành toàn không biết bói ở đâu ra. Điều kiện đầu vào không quá khó nhưng mạng lưới quan hệ rất rộng, nên mình thấy nó phù hợp với mình hơn. Một lần nữa, mình không phải chạy đua với toàn siêu sao mà tự các thầy mang quỹ nghiên cứu đến cho mình

Mới gần đây mình mới có 2 thư mời nhận việc là Giáo sư dự khuyết (Job offer for Assistant Professor). Một trường trong top 10 và một trường chỉ là top 100. Điều đáng ngạc nhiên là trường top 100 trả cho mình gấp rưỡi trường top 10 để làm giáo sư dự khuyết. Nếu mình thích “thương hiệu” có lẽ trường top 10 luôn tốt hơn nhưng mình vẫn luôn không phải người như vậy. Vậy nên cái mình muốn nói là chưa chắc trường top của top đã có hết những giáo sư giỏi đâu, những trường bớt top hơn, đôi khi cũng có đấy. Mình cũng gặp không ít giáo như thế, nếu các bạn đọc kĩ lại những câu chuyện bên trên thì có thể tìm thấy rất nhiều người như thế.

SSDH (tác giả Jenny Hoang)

Share.

Comments are closed.