Cảnh báo Những cú Điện thoại lừa đảo và Lý do không dùng tên đệm khi sang Mỹ

0

SSDH – Rất nhiều bạn chưa sang Mỹ vẫn luôn nghĩ nước Mỹ rất màu hồng và nhiều tiến bộ. Mình công nhận điểm này ở khoản đào tạo và công nghệ. Tuy nhiên riêng vụ điện thoại lừa đảo ở Mỹ thì kinh khủng hơn Việt Nam khá nhiều.

Ngay ngày hôm nay, mình đang tập thể dục thì nhận được điện thoại từ số được đăng kí là Immigration Department (mà bên lừa đảo dùng cách nào đó để hiện số chính thức của ICE – đơn vị phụ trách trục xuất người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ luôn):
  • Điện thoại: Chị có phải là Jenny Hoang? (giọng cực kì không giống Mỹ chuẩn)
  • Mình: Phải
  • Điện thoại: Chị đã vi phạm luật nhập cư Mỹ. Sứ quán Mỹ gửi chát mời chị hầu tòa vì số đăng kí ngoại lai (Alien Registration) của chị không hợp lệ.
  • Mình: Xin lỗi nhầm số.
Mình cúp máy thì thấy số đó gọi lại gần như ngay lập tức và lại hỏi mình có phải Jenny Hoang không và lặp lại bài ca mình phạm luật kia:
  • Mình: Làm sao tôi biết anh thực sự từ Văn phòng của chính phủ?
  • Điện thoại: Tôi có thể chứng minh. Chị có đang ở gần máy tính không (Đây là động thái để bạn vào trang web rồi đưa hết thông tin cho họ)
  • Mình: Lúc nãy anh nói tên đầy đủ của tôi là gì?
  • Điện thoại: Chị Jenny Hoang
  • Mình: Tôi có dùng tên đó nhưng đó không phải tên đầy đủ của tôi.
Mình quả thực dùng tên Jenny Hoang của mình nhiều đến mức bạn người Mỹ, thầy cô giáo, thậm chí gia đình chồng khả năng cao là không nhớ tên thật của mình. Nếu bạn là Việt Nam ở Mỹ thì hầu hết cũng chỉ nhớ là Trang chứ không nhớ tên đệm. Trong khi đó, toàn bộ giấy tờ nhập cư, với trường, hay với ngân hàng là tên thật. Vì vậy, nếu thật là chính phủ gọi thì họ phải có tên đầy đủ của mình.
Sau cuộc gọi mình lập tức lên Google và tìm “Why do ICE call me?” – Tại sao bên Trục xuất gọi tôi? Và không ngạc nhiên lắm mình tìm được đường dẫn cảnh báo lừa đảo như trong bài up.
NÓI THẲNG RA SINH VIÊN QUỐC TẾ TẠI MỸ RẤT DỄ BỊ LỪA:
Đây không phải lần đầu tiên mình bị gọi như vậy. Có một lần liên quan đến thuế và một lần liên quan đến bằng lái thì phải. Bọn lừa đảo tại Mỹ chủ yếu tìm cách đánh vào lòng tham hoặc nỗi sợ. Với sinh viên quốc tế, sợ nhất là ai đó gọi điện kêu mình làm sai luật gì đó hoặc sắp bị trục xuất. Vậy nên đây là đối tượng khả quan với bên lừa đảo tiền và “danh tính”.
Vậy nên, mình có một số lưu ý như sau:
  • Mỹ nếu là chính phủ thật thì họ không gọi điện đâu mà họ gửi thư qua đường bưu điện.
  • Trước khi bạn đưa thông tin qua điện thoại cho bất cứ ai, bạn nên cúp máy và tra Google xem có phải lừa đảo không đã. Kể cả số điện thoại là rất chính thống nhưng giờ công nghệ lừa đảo cũng ảo lắm.
  • Việt Nam hay có đoạn phải có đầy đủ họ tên cả tên đệm. Bên này không cần tên đệm, mà tốt nhất là chọn một số tên khác dùng đặc biệt cho giao dịch mạng. Như mình đã nói mình chỉ cần hỏi lại một câu “Tên đầy đủ” của mình mà bên kia ấm ớ là kiểm tra lại được luôn. Vậy nên ngoài những thứ có dính 1 tí pháp lý, mình không bao giờ dùng tên thật cũng như tên đầy đủ, kể cả phòng khám bác sĩ.
Túm cái quần lại là mình thì kinh qua cái này nhiều lần rồi, nhưng mà mình cứ nghĩ mẹ mình hoặc mấy em bé lơ ngơ mới sang, nghe không ra cái giọng chắc chắn không phải Mỹ của nó chắc “vãi linh hồn” thật.
SSDH (tác giả Jenny Hoang)
Share.

Leave A Reply