Hai anh em gốc Việt vượt khó để vào đại học Mỹ

0

SSDH – Cha qua đời, mẹ bị bệnh thần kinh, gia cảnh túng thiếu, nhưng hai anh em Jonny và George Huỳnh đã biến giấc mơ Mỹ trở thành hiện thực khi cùng đỗ vào những trường đại học hàng đầu quốc gia.

 Jonny%20và%20George%20Huỳnh.jpg

Anh em George Huỳnh (trái) và Jonny Huỳnh. Ảnh: Boston Globe

 

Câu chuyện về giấc mơ Mỹ của hai anh em Jonny Huỳnh và George Huỳnh được Billy Baker, phóng viên của tờ Boston Globe khám phá ra từ năm 2011, khi thực hiện một series bài viết trên chuyến xe buýt số 19. Anh chọn tuyến xe này vì nó đi qua nhiều cộng đồng dân cư của thành phố Boston, bang Massachusetts.

 

Cha của hai cậu bé, ông David Huỳnh, di cư từ Việt Nam sang Mỹ và bị rối loạn về tâm thần. Mẹ của họ, bà Nhung Bùi, đã kết hôn với David, người lớn hơn bà 4 tuổi, dưới sức ép của gia đình nhằm di cư sang Mỹ dễ dàng hơn.

 

Tuy nhiên, bất chấp hứa hẹn về “những cọc tiền từ trên trời rơi xuống”, hai vợ chồng Nhung và David đã phải vật lộn để tồn tại sau khi họ đặt chân đến Boston năm 1992.

 

Hai cậu con trai và một cô con gái của họ đều sinh ra ở khu phố ổ chuột Dorchester, nơi 42% trẻ em sống trong đói nghèo và 85% chỉ còn cha hoặc mẹ. Họ sống trong một ngôi nhà nơi từng là nhà kho, với thu nhập mỗi tháng 1.257 USD, là tổng giá trị các món trợ cấp.

 

Bà Nhung không nói được tiếng Anh, trong khi các con thì chỉ bập bẹ được rất ít tiếng Việt. Bà vừa phải chống chọi với bệnh thần kinh, vừa phải chịu đựng sự hành hạ của chồng, trước khi ông David bỏ nhà đi. Năm 2008, người cha của ba đứa con đã nhảy cầu tự vẫn.

 

Học là cách duy nhất

 

Bất chấp cuộc sống khó khăn và thiếu thốn sự quan tâm của cha mẹ, Jonny và George vẫn không từ bỏ đam mê học tập. Hai anh em đều muốn có một cuộc sống tốt hơn và cả hai tin rằng họ chỉ có thể đạt được điều đó bằng cách học thật giỏi. Đó là việc duy nhất nằm trong khả năng của hai anh em.

 

Từ năm lớp 7, hai cậu bé đều đặn bắt xe buýt số 19 đến trường Boston Latin, trường công đầu tiên và lâu đời nhất ở Mỹ, nơi Tổng thống thứ hai của Mỹ John Adams và Benjamin Franklin, một trong những người lập quốc, từng theo học.

 

Hai anh em đều học rất giỏi và thuộc nhóm đứng đầu lớp. Chính điều này đã khiến Baker chú ý đến hai em. Ngoài giờ học, hai cậu bé còn đi làm gia sư cho những đứa trẻ gốc Việt trong khu vực.

 

“Tôi bắt đầu quan tâm sâu hơn đến các cậu bé. Tôi cảm thấy chúng cần tôi, nhưng hóa ra tôi cần chúng hơn”, Baker nói. Ngoài việc nói về thành tích học tập xuất sắc ở trường, Baker còn vẽ nên chân dung hai cậu bé như bao thiếu niên bình thường khác, với những cảm xúc của tuổi mới lớn.

 

“Cháu ghen tỵ quá”, Jonny nói với Baker khi nhìn thấy chiếc áo khoác North Face mà nhiều bạn bè trong lớp đang mặc. “Nhưng cháu chỉ ghen tỵ thế thôi, vì cháu còn phải làm việc vì những điều cơ bản hơn. Đó là lựa chọn duy nhất của cháu”.

 

Baker trở thành người cố vấn cho hai anh em, ở bên họ và cố gắng khỏa lấp những rạn nứt trong cuộc đời họ bằng những việc nhỏ nhoi. Anh mua những món quà hoặc những chiếc vé dự tiệc cho hai cậu bé. Baker cũng hỗ trợ hai anh em trong việc học và động viên họ đạt đến mục tiêu cao nhất mà cậu có thể.

 

Câu chuyện về Baker và hai cậu bé họ Huỳnh cách đây hai năm nhận được rất nhiều sự chia sẻ từ các độc giả. Anh thậm chí đã mất hàng tuần để trả lời những email bày tỏ sự cảm thông với hai anh em gốc Việt.

 

Và bây giờ, gần hai năm kể từ ngày ấy, Baker một lần nữa khiến mạng xã hội Twitter xao động khi thông báo George, 17 tuổi, đã được nhận vào học tại đại học Yale, một trong những ngôi trường lâu đời nhất của nước Mỹ.

 

“Khoảng sau 5h chiều thứ hai, điện thoại tôi có tin nhắn mới: cháu đỗ rồi. Tôi đang ngồi trong phòng tin tức và mừng phát khóc”, Baker kể. Anh tiết lộ sau đó đã đưa cậu bé đi ăn một bữa no nê để chúc mừng.

 Jonny%20và%20George%20Huỳnh2.jpg

Tweet của Baker sau khi biết George đã đỗ vào trường đại học Yale. Ảnh: Boston Globe

 

Mùa thu vừa rồi, Jonny, 19 tuổi, cũng đã trở thành một tân sinh viên của đại học danh giá Massachusetts Amherst. Khi đó, Baker đã mang một chiếc tủ lạnh đến ký túc xá của Jonny tặng cậu.

 

“Những cậu bé này là minh chứng gần gũi nhất mà tôi gặp về thứ mà chúng ta gọi là giấc mơ Mỹ”, Baker nói.

 

“Tôi tự hào được là một nhân chứng của câu chuyện này. Một điều gì đó thật khó tin đã xảy ra”, anh nói thêm. “Nhìn những đứa trẻ thành công từ hai bàn tay trắng là điều đặc biệt nhất mà tôi từng được chứng kiến với tư cách một phóng viên. Đúng thế, cháu đã làm được, chàng trai”.

 

Đông Đức (SSDH) – Theo VNE

Share.

Leave A Reply