20 suất học bổng toàn phần theo diện hiệp định tại Ba Lan 2023

0

SSDH- Căn cứ Thông tư số 06/2016/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài; Căn cứ Thoả thuận giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Ba Lan về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo tuyển sinh đi học tại Ba Lan diện Hiệp Định năm 2023 như sau:

1. Thông tin chung về chương trình học

  • Số lượng học bổng và chế độ học bổng

– Số lượng học bổng: 20 suất cho công dân Việt Nam đi đào tạo tại Ba Lan theo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

– Chế độ học bổng: Chính phủ Ba Lan miễn học phí và phí nghiên cứu, bố trí chỗ ở phải trả tiền ở ký túc xá theo quy định của Chính phủ Ba Lan. Chính phủ Việt Nam cấp vé máy bay một lượt đi và về, phí đi đường, phí làm hộ chiếu, visa, bảo hiểm y tế và cấp bù sinh hoạt phí hàng tháng theo chế độ hiện hành đối với du học sinh học bổng Hiệp định tại Ba Lan.

  • Thời gian đào tạo và ngành học

– Chương trình đại học: từ 03 đến 04 năm học

– Chương trình thạc sĩ: 02 năm học

– Chương trình tiến sĩ: từ 03 đến 04 năm

(Chưa bao gồm 01 năm học dự bị tiếng Ba Lan)

Phía Ba Lan không tiếp nhận đào tạo các ngành liên quan đến Y, Dược, Nghệ thuật.

  • Ngôn ngữ học tập và yêu cầu về khóa học chuyên ngành

– Ngôn ngữ sử dụng trong quá trình học tập và nghiên cứu là tiếng Ba Lan. Ứng viên chưa từng học đại học hoặc sau đại học tại Ba Lan sẽ được bố trí học 01 năm dự bị tiếng Ba Lan trước khi vào học chuyên ngành. Sau đó ứng viên phải đạt kỳ thi sát hạch tiếng Ba Lan.

– Đối với khóa học chuyên ngành, ứng viên phải đạt kết quả kỳ thi đầu vào (tùy thuộc yêu cầu cụ thể của cơ sở đào tạo và chương trình học) mới được chính thức tiếp nhận vào học chuyên ngành. Nếu không đạt yêu cầu trong các kỳ thi này, ứng viên sẽ phải về nước và bồi hoàn toàn bộ kinh phí đào tạo cho nhà nước hoặc chuyển sang học theo diện tự túc kinh phí.

2. Đối tượng, điều kiện và hồ sơ dự sơ tuyển 

  •  Điều kiện chung

Ứng viên dự tuyển cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện chung sau đây:

– Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian đang bị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật;

– Đủ sức khỏe để học tập tại nước ngoài. Trường hợp bị phát hiện có bệnh, không đủ sức khỏe do giả mạo hồ sơ để đi học sẽ phải về nước và tự chịu mọi chi phí liên quan, kể cả vé máy bay và đền bù kinh phí cho nhà nước;

– Chưa đăng ký dự tuyển chương trình học bổng nào khác tại cùng thời điểm với thông báo này (từ khi thông báo có hiệu lực đến khi có kết quả sơ tuyển);

– Cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và trở về phục vụ tại cơ quan cử đi học hoặc theo yêu cầu của Nhà nước. Những người không hoàn thành chương trình đào tạo, tự bỏ học, bị buộc thôi học hoặc sau khi tốt nghiệp không trở về nước, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người được cấp học bổng phải đền bù kinh phí đào tạo theo quy định hiện hành;

– Ứng viên dự tuyển trình độ đại học phải đăng ký dự tuyển ngành học cùng  khối ngành với ngành đã trúng tuyển và đang học đại học ở Việt Nam hoặc ngành đã đoạt giải thưởng quốc tế, quốc gia; Ứng viên dự tuyển trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phải đăng ký dự tuyển ngành phù hợp với nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, địa phương cử đi học/phù hợp với vị trí việc làm, nhu cầu công tác của cơ quan hoặc ngành học đã tốt nghiệp ở trình độ đào tạo trước đó;

– Chỉ được đăng ký 01 ngành học và không được tự ý thay đổi ngành học, cơ sở đào tạo sau khi đã đăng ký dự tuyển, trúng tuyển đi học;

– Chỉ được đăng ký dự tuyển trình độ đào tạo cao hơn trình độ đã có văn bằng;

– Đối với trường hợp tốt nghiệp đại học, thạc sĩ ở nước ngoài không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học hoặc tốt nghiệp các chương trình đào tạo phối hợp với nước ngoài tại Việt Nam cần có giấy chứng nhận văn bằng tương đương do Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp;

  • Không xét tuyển ứng viên thuộc các trường hợp sau:

– Đã từng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học ở nước ngoài nhưng không hoàn thành khóa học hoặc không thực hiện việc báo cáo tốt nghiệp theo quy định;

– Đang làm việc tại cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục nhưng trong hồ sơ dự tuyển không có văn bản của cơ quan trực tiếp quản lý đồng ý cử dự tuyển;

– Đã được cấp học bổng đi học đại học/sau đại học ở nước ngoài, hiện có các ràng buộc về nghĩa vụ, trách nhiệm hoặc thuộc diện đền bù kinh phí đào tạo;

– Đã được tuyển chọn đi học nước ngoài nhưng không đi học vì lý do cá nhân (thời hạn áp dụng là 02 năm kể từ ngày nộp đơn xin rút không đi học).

3.  Đối tượng và điều kiện cụ thể

  • Học bổng đại học 

– Sinh viên đại học năm thứ nhất của các đại học, học viện, trường đại học Việt Nam (hệ chính quy tập trung) có kết quả 03 năm học THPT, điểm xét tốt nghiệp THPT và học kỳ I năm thứ nhất đại học đạt từ 7,0 trở lên (theo thang điểm 10 hoặc tương đương);

– Học sinh đang học lớp 12 gồm các đối tượng: i) đã tham gia đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực và đoạt huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng; tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và đoạt các giải nhất, nhì, ba, có kết quả học tập ở bậc THPT đến hết học kỳ I năm học 2022-2023 đạt từ 7,0 trở lên (theo thang điểm 10 hoặc tương đương) và có kết quả trúng tuyển đại học năm 2023 khi làm thủ tục đi học.

  • Học bổng thạc sĩ 

– Người có trình độ đại học đạt loại khá trở lên, đang công tác tại các cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học (biên chế hoặc hợp đồng từ 12 tháng trở lên có đóng bảo hiểm xã hội), không quá 35 tuổi (tính đến 01/4/2023), có thời gian công tác tối thiểu 12 tháng kể từ khi có hợp đồng lao động đầu tiên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ dự tuyển.

– Sinh viên tốt nghiệp đại học trong thời gian từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/3/2023 với kết quả học tập đạt loại giỏi, chưa có quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động, có cam kết sau khi hoàn thành khóa học sẽ về nước làm việc theo yêu cầu của Nhà nước.

  • Học bổng tiến sĩ 

– Người có trình độ đại học đạt loại khá trở lên và điểm trung bình chung học tập bậc thạc sĩ đạt từ 7,0 trở lên (theo thang điểm 10 hoặc tương đương) đang công tác tại các cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học (biên chế hoặc hợp đồng loại dài hạn 12 tháng trở lên có đóng bảo hiểm xã hội), không quá 40 tuổi (tính đến 01/4/2023), có thời gian công tác tối thiểu 12 tháng kể từ khi có hợp đồng lao động đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ dự tuyển;

– Người có trình độ đại học đạt loại khá trở lên và tốt nghiệp thạc sĩ trong thời gian từ ngày 01/01/202 đến hết ngày 31/3/2023 tại Việt Nam có điểm trung bình chung học tập đạt từ 8,0 trở lên (theo thang điểm 10 hoặc tương đương) hoặc tại nước ngoài với kết quả học tập loại giỏi, không quá 35 tuổi (tính đến 01/4/2023), chưa có quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động, có cam kết sau khi hoàn thành khóa học sẽ về nước làm việc theo yêu cầu của Nhà nước.

4. Quy trình dự tuyển

Ứng viên dự tuyển cần tiến hành nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Cục Hợp tác quốc tế và Cục trao đổi học thuật quốc gia Ba Lan (NAWA), đồng thời nộp hồ sơ giấy bằng tiếng Việt đến Cục Hợp tác quốc tế.

  • Nộp hồ sơ trực tuyến (online) tại cổng thông tin điện tử của Cục Hợp tác quốc tế 

Ứng viên phải quét (scan) lưu lại toàn bộ hồ sơ bằng tiếng Việt sang các files định dạng PDF (mỗi loại tài liệu quét thành 01 file riêng dung lượng không quá 1 MB) để đăng ký trực tuyến. Thời hạn đăng ký online trên cổng thông tin đến hết ngày 31/3/2023.

  • Nộp hồ sơ trực tuyến (online) tại cổng thông tin điện tử Cục trao đổi học thuật quốc gia Ba Lan 

Sau vòng sơ tuyển, ứng viên phải tự đăng ký trên hệ thống điện tử của Cục trao đổi học thuật quốc gia Ba Lan. Thời hạn đăng ký online trên cổng thông tin điện tử phía Ba Lan đến 15h00 ngày 31/5/2023 (theo giờ Ba Lan).

  • Nộp hồ sơ giấy bằng tiếng Việt

– Ứng viên chuyển 01 bộ hồ sơ giấy chính thức bằng tiếng Việt bằng thư chuyển phát nhanh bảo đảm tới Cục Hợp tác quốc tế – Bộ Giáo dục và Đào tạo, 35 Đại Cồ Việt, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

– Hồ sơ cần đựng trong túi hồ sơ kích thước 25cm × 34cm, mặt ngoài ghi đầy đủ thông tin chi tiết theo phụ lục quy định đối với hồ sơ dự tuyển học bổng diện Hiệp định đi Ba Lan năm 2023.

– Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đủ các giấy tờ quy định ở trên, được nộp trong thời hạn quy định của Thông báo tuyển sinh (bao gồm cả hồ sơ online và hồ sơ giấy bằng tiếng Việt). Hồ sơ nộp muộn sẽ chỉ được xem xét xử lý nếu vẫn còn chỉ tiêu học bổng sau khi đã xét tuyển hồ sơ ứng viên nộp đúng hạn và phía Ba Lan thống nhất việc thực hiện xét tuyển bổ sung. Người khai hồ sơ dự tuyển không đúng và người xác nhận sai sẽ bị xử lý theo pháp luật. Bộ Giáo dục và Đào tạo không trả lại hồ sơ trong bất kỳ trường hợp nào.

5. Quy trình xét tuyển

  • Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ xem xét ứng viên dự tuyển có hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định và căn cứ các tiêu chí tuyển chọn sẽ sơ tuyển ứng viên để đề cử với phía Ba Lan.
  • Ứng viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cử được Chính phủ Ba Lan duyệt cấp học bổng mới thuộc diện trúng tuyển và sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Hợp tác quốc tế) thông báo, hướng dẫn và giải quyết thủ tục liên quan tiếp theo để đi học tại Ba Lan trong tháng 10/2023. Những trường hợp được phía Ba Lan tiếp nhận không thuộc chương trình này, hoặc thuộc chương trình này nhưng không đáp ứng đầy đủ quy định tuyển chọn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không dự tuyển qua Bộ Giáo dục và Đào tạo theo thông báo tuyển sinh đã được ban hành sẽ không được cấp bù chế độ học bổng của Chính phủ Việt Nam.
  • Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ quan tạo điều kiện thuận lợi cho ứng viên có đủ điều kiện cần thiết được tham gia dự tuyển đúng thời hạn quy định.

6. Thời gian nhận hồ sơ 

Hồ sơ giấy bằng tiếng Việt phải được chuyển đến Cục Hợp tác quốc tế hạn cuối cùng ngày 31/3/2023 (tính theo dấu bưu điện chuyển hồ sơ đến Cục Hợp tác quốc tế và thời gian hoàn thành đăng ký online).

SSDH (Nguồn: Ivolunteervietnam)

Share.

Leave A Reply