SSDH – Sau khi hoàn tất khóa học tại Úc và du học sinh quyết định quay về Việt Nam để lập nghiệp thì cần chuẩn bị những gì? Các thủ tục nào cần phải hoàn tất trước khi rời khỏi Úc? Tham khảo các thông tin trong bài viết sau đây.
Sinh viên du học Úc cần làm gì trước khi về nước?
Chuyện gì rồi cũng phải có hồi kết. Bạn đã hoàn tất khóa học, thị thực du học Úc của bạn sắp hết hạn và OSHC của bạn cũng vậy và bạn phải trở về quê hương. Vậy trước khi rời khỏi nước Úc, du học sinh cần chuẩn bị những gì?
Những lời khuyên trước khi rời khỏi nước Úc
1. Làm một chuyến du lịch vòng quanh nước Úc
Úc là một đất nước rộng lớn và đa dạng, do đó, có rất nhiều thứ để khám phá trước khi bay về nhà. Thậm chí nếu bạn chỉ có một vài tuần trước khi bạn rời khỏi, tại sao không đặt một chuyến bay đến một thành phố lân cận? Bạn có thể bay từ Melbourne để xem Nhà hát Opera Sydney hoặc từ các vùng nhiệt đới ấm áp của miền bắc Queensland đến khám phá thiên nhiên và con người vùng Nam Úc hoặc Lãnh thổ phía Bắc.
Những chuyến bay nội địa của Úc thường có mức giá rẻ vì vậy sẽ có nhiều lựa chọn phù hợp với ngân sách của bạn. Bạn cũng có thể tìm kiếm các tour du lịch có ưu đãi đặc biệt cho sinh viên du học Úc. Tốt nhất, hãy tìm hiểu về lãnh thổ Australia để tìm ra ý tưởng du lịch cho mình bạn nhé!
2. Hoàn tất các thủ tục hành chính
Những việc cần làm về mặt thủ tục như sao chép bảng điểm sinh viên, trả nợ cho trường Đại học (ví dụ phạt tiền thư viện),… Điều này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình xét tốt nghiệp của bạn được diễn ra nhanh chóng.
Nếu bạn đã ở nhà thuê, bạn cũng phải báo cho chủ nhà hoặc quản lý khu nhà của bạn rằng bạn sẽ di chuyển ra ngoài. Bạn cũng cần thanh toán hóa đơn điện, net, nước của tháng cuối cùng tại Úc và thông báo cho các tổ chức để ngừng cung cấp dịch vụ tiện ích.
Nếu bạn đã có một tài khoản ngân hàng Úc trong quá trình học tập hay để nhận học bổng du học Úc, bạn sẽ cần phải nói chuyện với ngân hàng của bạn và đóng tài khoản trước khi bạn rời khỏi. Ngoài ra còn có một số vấn đề về thuế nếu bạn từng đi làm thêm, và đã từng khai thuế thì hãyxem các trang web của Sở Thuế Úc để biết chi tiết.
Nếu bạn đã đủ điều kiện cho chương trình tiết kiệm hưu trí của chính phủ Úc, hưu bổng thì đừng quên làm đơn xin lấy tiền hưu bổng của mình (DASP) tại www.ato.gov.au
3. Thanh lý đồ đạc
Một thời gian dài học tập ở Úc chắc chắn bạn đã “tích trữ” không ít đồ và bạn không định ôm hết đống đồ ấy về Việt Nam đấy chứ? Hãy thanh lý bọn chúng đi nếu bạn không muốn bị ngập trong đồ đạc, quần áo và đồ gia dụng. Suy nghĩ về những gì bạn muốn gửi nhà và những gì có thể mua lại được từ số tiền bạn bán chúng. Đó cũng có thể là món tiền hữu ích để bạn mua vé máy bay đấy!
Hãy đăng tin trên các trang web mua bán trực tuyến hoặc quảng cáo trên các diễn đàn của trường Đại học. Nếu không, quyên góp đồ cũ cho các tổ chức từ thiện cũng là một ý hay.
Dọn dẹp đồ đạc là việc không thể quên trước khi rời khỏi Úc
4. Đặt vé máy bay
Trước khi đặt vé máy bay để trở về Việt Nam, du học sinh Úc nên nghiên cứu lựa chọn một cách cẩn thận. Có nhiều hãng hàng không cung cấp thêm số kg hành lý cho phép hoặc giảm giá tiền vận chuyển hành lý cho du học sinh Úc trở về nhà.
Bạn cũng sẽ phải hoàn tất các thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay nên cần đảm bảo rằng hộ chiếu của bạn là hợp lệ. Nếu bạn muốn gửi hàng hóa về nhà thì nên tham khảo các mức chi phí vận chuyển bằng hàng không hoặc tàu biển. Trước khi rời khỏi, đừng quên tạm biệt những người bạn đã giúp đỡ bạn trong thời gian du học Úc và đề nghị giữ liên lạc với họ.
5. Chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống ở Việt Nam
Cho dù bạn có hay về Việt Nam để thăm bạn bè và gia đình trong những ngày lễ, kỳ nghỉ thì việc bạn sinh sống một thời gian ở nước ngoài cũng sẽ làm bạn khó thích nghi khi quay trở lại. Vì việc học tập tại Úc giúp bạn tiếp thu thêm nhiều kiến thức và lối sống mới. Điều này sẽ làm bạn khó phù hợp với hoàn cảnh sống tại Việt Nam. Điều cần làm khi trở về là thật kiên nhẫn và học cách chấp nhận môi trường sống ở quê hương.
Tóm lại, du học sinh Úc cần làm gì khi chuẩn bị về nước?
Nếu bạn trở về nước sau khóa học, đây là danh sách việc làm, bạn nên xem xét:
-
Chuyển hàng hóa về nhà.
Từ nước ngoài trở về, tâm lý chung của các bạn sinh viên Việt Nam là muốn mua sắm quà cáp đặc biệt cho người thân trước khi về nhà, trong đó có rượu, sô cô la, nước hoa, xà phòng, đồ điện tử… Mua quà cũng là việc nên làm nhưng bạn cần thật sự thận trọng, đừng quá lạm dụng bởi đôi lúc chúng có thể gây khó khăn cho bạn khi hải quan kiểm tra hành lý.
-
Tham gia hội thảo
Đa số học viện đều có hội nghị về đề tài hồi hương. Những hội nghị này trình bày về những điều như làm sao bạn lấy kết quả thi và chứng chỉ, thu xếp chuyến đi, thông báo trước cho chủ nhà hay chủ nhân/người sử dụng lao động, chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai, và gia nhập hội cựu sinh viên cả ở tại Australia và tại xứ sở của bạn. Hãy hỏi nhân viên hỗ trợ sinh viên quốc tế để có thêm thông tin.
-
Đòi lại tiền thế chân từ nơi mà bạn thuê để ở
Khi chuyển nhà hoặc khi về nước, tùy theo điều kiện trong hợp đồng mà bạn phải báo trước cho chủ nhà hoặc trung tâm môi giới trước 1 đến 2 tháng. Nếu không báo trước mà chuyển đi hoặc chuyển đi ngay sau khi thông báo thì có thể tiền thuê nhà sẽ được trừ đi từ khoản tiền đặt cọc. Khi chuyển đi bạn sẽ cần gặp gỡ với chủ nhà hoặc nơi môi giới để xác định tình trạng nhà như có bị bẩn hay không và lấy lại tiền đặt cọc.
-
Tham gia vào các tổ chức cựu sinh viên du học Úc
Hội cựu sinh viên du học Úc sẽ giúp bạn về các cơ hội kinh doanh và việc làm cũng như duy trì mối liên lệ với người bạn đã từng học chung và làm bạn. Bạn có thể tìm và tham gia vào các hội cựu sinh viên ở cả Australia và khi về nhà dựa vào trường cụ thể, khóa học, hoặc những sinh viên khác từ nước bạn. Hầu hết các nhóm và câu lạc bộ hoạt động trực tuyến, vì thế rất dễ để trở thành một thành viên tích cực.
-
Chuyển tiền và xóa tài khoản
Đừng quên liên hệ với ngân hàng của bạn và thu xếp để xóa tài khoản và chuyển tiền trở về nước nhà. Bạn nên để nguyên tài khoản, đừng xóa trong ít nhất sáu tuần lễ sau khi bạn đã về nước phòng khi có bất kỳ khoản hoàn tiền nào đó như OSHC mà bạn có thể có quyền hưởng.
Những điều bạn nên làm để hòa nhập khi trở về
1. Đừng kể nhiều về nước Úc
“Hãy nói thật ít về Australia!”. Minh Lễ, một cựu sinh viên cho biết trước ngày tốt nghiệp, bạn đã rất bất ngờ khi nhận được lời khuyên này từ chínhngôi trường mình du học, trong một buổi trao đổi kinh nghiệm du học Úc do trường tổ chức. Trong buổi gặp có cả những sinh viên từng tốt nghiệp tại Australia, đã trở về nước một thời gian, nay lại có dịp quay lại để tiếp tục học tập hoặc làm việc. Họ chia sẻ với các sinh viên sắp trở về Việt Nam về kinh nghiệm bản thân, về việc “tái hòa nhập cộng đồng”. “Hãy nói thật ít về đất nước mà mình vừa du học, về ngôi trường cũng như về nền giáo dục mà bạn vừa được hưởng”.
Các “tiền bối” giải thích điều này: Bạn là người có điều kiện đi xa, học tập và làm việc tại một nước tiên tiến nên trong suy nghĩ của những người “ở nhà” thì họ thiệt thòi hơn so với bạn. Nếu ngay khi trở về nước, bạn lại không ngừng kể về những điều tuyệt diệu vừa trải qua thì cũng tức là đang khơi gợi về những thiệt thòi của họ. Đứng về mặt tâm lí, thì vô hình trung bạn lại càng đẩy mình ra xa những người xung quanh. Vậy là để tránh bị cô lập hoặc ít nhất là cảm giác lạc lõng thì bạn phải tạm thời “quên” nước Australia trong câu chuyện của mình. Vấn đề của bạn ngay khi trở về nước là hòa nhập càng nhanh càng tốt chứ không phải làm một đại sứ quảng bá cho một phương trời xa lạ. Rồi dần dà với thời gian, khi đã thực sự được “đón nhận” trở lại trong vòng tay bạn bè và đồng nghiệp, bạn mới có thể từ từ nói về những điều tai nghe mắt thấy trong thời gian du học. Lời khuyên thoạt nghe có vẻ vô lý này đã phản ánh phần nào những khó khăn mà nhiều bạn trẻ gặp phải khi “tái hòa nhập cộng đồng” sau du học.
2. Đừng nghĩ mình đang ở Úc
Kết thúc thời gian du học Úc, khi về Việt Nam, chắc chắn bạn sẽ gặp phải những khác biệt so với nước bạn vừa trở về. Vì vậy, để tránh ánh nhìn không thiện cảm của những người xung quanh bạn hãy tập cách thích nghi với môi trường mới. Đừng lấy câu “bọn Tây làm như thế” để làm chuẩn mực cho những hành động thường ngày của mình hay chê bai người Việt. Văn hóa giữa các nước luôn có sự khác biệt và cần được tôn trọng. Vì vậy, hãy học cách làm quen với môi trường mới này.
3. Giữ liên lạc
Cách tốt nhất là thường xuyên giữ liên lạc với gia đình, bạn bè để cùng trao đổi thông tin và cập nhật các vấn đề của đời sống ở quê hương; đồng thời, giữ được mối liên hệ chặt chẽ với mọi người ở nhà để khi trở về không bị cảm giác lạc lõng. Nhưng cũng đừng nên “tái hòa nhập” 100%, xóa bỏ đi những thói quen văn minh mà bạn đã học hỏi được, bởi nếu thế thì bạn đi du học Úc để làm gì?!
Giữ liên lạc với những người bạn đã cùng du học Úc hoặc đã trở về Việt Nam. Họ có thể chia sẻ và thông cảm với bạn trong vấn đề này. Vì vậy, bạn sẽ cảm thấy được an ủi phần nào. Tuy nhiên, sau đó, bạn nên quay lại ngay với việc hòa nhập vào nền văn hóa của đất nước mình. Việc ủy mị, kể lể sẽ không giúp ích được cho bạn trong việc vượt qua cú sốc văn hóa khi trở về này.
Theo kenhtuyensinh.vn