SSDH – Du học Mỹ ngành Y tá cần điều kiện gì?: Bạn muốn du học Mỹ ngành Y tá/ điều dưỡng? Bạn có thông tin cần thiết về nghề này? Bạn có biết du học Mỹ ngành Y tá cần những điều kiện gì? Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây để hiểu hơn về ngành Y tá tại Mỹ nhé.
1. Về trình độ chuyên môn của một y tá Mỹ:
Một y tá Mỹ nói chung phải qua một chương trình đào tạo 4 năm, tương đương với bằng cử nhân y khoa. Thực tế, vì tiêu chuẩn cao về tiếng Anh, toán và khoa học phổ thông, đa số các thí sinh dự tuyển vào ngành y tá phải học qua tại các trường cao đẳng cộng đồng (community college) 1-2 năm, mới vào được trường y tá. Như vậy, tóm lại, phải mất trung bình 5 năm mới học xong chương trình y tá ở Mỹ. Sau đó, phải thực tập hai năm, và phải thi để lấy bằng y tá ở cấp tiểu bang.
Như vậy, một y tá ở Mỹ có học vấn và trình độ chuyên môn như một bác sĩ ở Việt Nam, nhưng được đào tạo trong môi trường và điều kiện của Mỹ. Nói không ngoa, một y tá ở Mỹ có kiến thức vững vàng và khả năng sử dụng các phương tiện y khoa hiện đại hơn hẳn một bác sĩ ở Việt Nam.
Du học Mỹ ngành Y tá cần điều kiện gì?
Cần phải nói thêm điều này, bằng bác sĩ ở Việt Nam, dù là bác sĩ rất giỏi, không có giá trị ở Mỹ. Tôi có một người bạn, là bác sĩ trưởng khoa tại một bệnh viện lớn ở TP HCM. Anh đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình năm 1998. Khi đến Mỹ, anh cố gắng đi học lại y tá, nhưng chỉ được một năm anh bỏ học vì không theo nổi tiếng Anh. Sau đó, anh cố gắng đi học điều dưỡng, nhưng cũng bỏ luôn.
Gần như không có khả năng cho một bác sĩ ở Việt Nam có thể học lại thành công nghề nghiệp của mình. Một bác sĩ của Mỹ, ngoài chuyện phải là học sinh giỏi ở phổ thông, phải có bằng cử nhân sinh vật (mất 4-5 năm), sau đó nếu được xét vào trường Y, phải mất thêm trên 4 năm để lấy bằng tiến sĩ y khoa. Tốt nghiệp xong, phải thực tập hai năm và phải qua một kỳ thi của tiểu bang mới được cấp phép hành nghề y khoa, tức là bác sĩ.
2. Vai trò xã hội của một y tá Mỹ:
Khi mấy cháu gái của tôi đến Mỹ học, tôi khuyên nên cố gắng theo học y tá. Cha mẹ của các cháu vốn là bác sĩ ở Việt Nam phản đối kịch liệt. Họ chỉ muốn cháu hoặc là bác sĩ, hoặc là quản lý kinh doanh. Tất nhiên là không học bác sĩ được, vì thiếu khả năng về trình độ lẫn tiền bạc. Cuối cùng, các cháu tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh (Business Management), là ngành “hữu danh vô thực”, ngay cả người Mỹ cũng khó mà kiếm được việc làm với ngành này, đừng nói chi là sinh viên ngoại quốc. Đa số sinh việt Việt Nam đến Mỹ đều học ngành này: Business Administration hay Business Management – ai cũng muốn làm giám đốc cả? Vì thế sau khi học xong vẫn không thể kiếm ra việc làm ở Mỹ, phải về nước. Lúc này các anh chị tôi ở Việt Nam mới ân hận, nhưng đã muộn. Tóm lại, đa số người Việt Nam chúng ta hiểu hoàn toàn sai về nghề y tá ở Mỹ.
Ở Mỹ, chẳng hạn tại tiểu bang California, một y tá vừa ra nghề đã có mức lương khởi đầu 45.000 USD – cao hơn hẳn một kỹ sư điện toán. Sau khi hành nghề vài năm, mức lương trung bình của một y tá khoảng 60.000 USD, cộng với nhiều phụ cấp khác như bảo hiểm sức khỏe, lương hưu, bảo hiểm nghề nghiệp…
Điều đặc biệt là không hề có chuyện thất nghiệp đối với ngành y tá. Về phương diện gia đình, có một y tá là sự đảm bảo cho một đời sống ổn định ở mức tương đối khá giả. Nghề y tá vừa có thu nhập cao, ổn định, lại là một nghề “hot” nhất ở Mỹ, nên rất được trọng vọng. Đó cũng là nghề nghiệp có thể nói là dễ dàng nhất cho một sinh viên ngoại quốc được phép ở lại làm việc tại Mỹ. Và tất nhiên, về lâu dài, có thể chuyển qua thường trú nhân. Một nghề nghiệp với những đặc điểm thuận tiện như vậy, nhưng đa số người Việt Nam chúng ta lại không quan tâm và đánh giá sai, thật đáng tiếc!
3. Những phẩm chất cần có của một Y tá
Yêu nghề, có y đức, và tinh thần trách nhiệm cao: vì công việc rất vất vả với khối lượng công việc lớn và là công việc liên quan đến sinh mạng của bệnh nhân, bất kì một sai lầm nào cũng để lại hậu quả khó lường. Do đó, đây là một phẩm chất không thể thiếu để giúp họ đủ tự tin và vững vàng với nghề
Có kiến thức tổng quát về y học và dược học: Phải có kiến thức y học tổng quát vì vậy cần có thói quen đọc tài liệu chuyên ngành Dược và các sản phẩm ngành Dược ra đời liên tục, thay tên, thêm bớt thành phần; các ứng dụng kỹ thuật mới như nội soi lazer, phác đồ điều trị mới, kết quả nghiên cứu mới,…
Kỹ năng thuần thục: đây là một đòi hỏi quan trọng. Các Y tá điều dưỡng cần thực hiện chính xác và đầy đủ các kỹ năng chăm sóc như: tiêm, truyền dịch, thay băng, sơ cứu vết thương, sử dụng trang thiết bị y tế, ghi bệnh án,…
Ân cần: cần tận tình, đồng cảm, và chia sẻ đau đớn với người bệnh cũng như luôn luôn động viên, an ủi.
Tính mềm mỏng và có nguyên tắc: Y tá đồng thời còn là “một nhà tâm lý” có khả năng xem xét, đánh giá tinh thần người bệnh trong mỗi giai đoạn. Đồng thời, họ phải có nguyên tắc: không kỳ thị và có ác cảm với bệnh nhân.
Khả năng lãnh đạo: Y tá có thể tiến lên vị trí trợ lý Y tá trưởng hay Y tá trưởng, và trợ lý giám đốc, giám đốc và phó chủ tịch. Vị trí quản trị ngày càng đòi hỏi bằng tốt nghiệp hay bằng cao học về quản trị dịch vụ sức khỏe và y tế. Ngoài ra, cũng cần phải có khả năng lãnh đạo, kỹ năng đàm phán và có óc suy xét.
Du học Mỹ: Làm sao để đăng ký vào các trường Y tá tại Mỹ?
Mỗi một địa phương, khu vực, có cơ sở hoặc trường đào tạo y tá riêng, với những tiêu chuẩn đầu vào có vài đặc điểm riêng. Do đó, theo tôi, có hai cách để tìm hiểu cơ hội đăng ký vào các trường y tá.
- Thứ nhất, các em đang học tại các đại học cộng đồng nào đó, thì xin gặp trực tiếp chuyên viên hướng dẫn giáo dục (counselors) để tham khảo họ về trường học và các bước chuẩn bị đăng ký vào trường.
- Cách thứ hai, có thể tìm trên internet. Chỉ cần search chữ “Nurse School”, sau đó tìm các địa chỉ thuận tiện cho hoàn cảnh của mình. Tìm hiểu thêm tư cách của trường này bằng cách xác định từ thông tin của các hiệp hội giáo dục và y khoa của Mỹ. Cũng như tìm hiểu điều kiện tiêu chuẩn vào học trên mỗi website của trường, hoặc có thể điện thoại nói chuyện trực tiếp với họ.
Các sinh viên Việt nam muốn học y tá ở Mỹ phải chuẩn bị khả năng tiếng Anh thật tốt. Thông thường, yêu cầu về Anh văn khi bước vào trường y tá cao hơn đối với một đại học về các ngành thương mại hoặc kỹ thuật, tức là điểm TOEFL khoảng 200 (computer-base) hay 500 (paper-base).
Y tá cũng được chia làm nhiều loại:
CNA – Certified Nurse assistant (Phụ tá nhân viên điều dưỡng): vị trí này yêu cầu học khoảng 6 tháng, lương thấp nhưng không cần trách nhiệm cao.
LVN – Licensed vocational nurse: Loại này làm việc dưới sự giám sát của registered nurse và thao tác trong nghề bị hạn chế rất nhiều. Chương trình học khoảng 1 năm, lương tương đương với thợ hàn, thợ tiện.
RN – Reigistered nurse: Loại này làm dưới sự giám sát của bác sĩ nhưng rất cần trí linh hoạt minh mẫn nếu bạn làm ở trong phòng cấp cứu hay là phòng ngoại chẩn ngoài giờ. Mất khoảng 2 năm để học những môn yêu cầu (requirement), sau đó thêm 2 năm trong chương trình chuyên môn. Lương tương đương với kỹ sư.
BSN (RN – 4 năm): cũng không khác nhiều so với RN 2 năm ngoài thời gian học dài hơn. Nếu bạn muốn làm y tá trong các trường tiểu học, hay trung học hoặc là y tá lo về sức khoẻ cộng đồng (public health nurse) thì họ cần bằng cấp 4 năm.
Ngoài ra, để chính thức hành nghề y tá ở Mỹ, bạn phải vượt qua kỳ thi NCLEX
Tuy khan hiếm như thế, nhưng không phải bất cứ ai học xong và cầm trong tay mảnh bằng y tá là có thể hành nghề được. Nước Mỹ cần nhiều y tá mà họ gọi là Registered Nurse (RN) tạm dịch: Y tá được hành nghề (đã đăng ký), tức những người đã tốt nghiệp một trường đào tạo y tá và đã vượt qua kỳ thi của Hội đồng quốc gia phụ trách Thi cấp giấy phép hành nghề (NCLEX). Không vượt qua kỳ thi của NCLEX thì dù có bằng y tá trong tay cũng không được hành nghề. Kỳ thi của NCLEX cũng tương tự như các kỳ thi TOEFL (thi trắc nghiệm tiếng Anh) tổ chức khắp nơi trên thế giới nhưng theo một tiêu chuẩn chung.
Đầu năm 2006, chỉ có 3 nơi ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ được phép tổ chức thi NCLEX cho y tá là London (Anh), Seoul (Hàn Quốc) và Hồng Kông. Mới đây thêm 6 nước và vùng lãnh thổ: Canada, Mexico, Ấn Độ, Đức, Nhật và Đài Loan. Với y tá các nước, ngoài những nơi được tổ chức thi NCLEX nói trên, họ phải bay tới Hoa Kỳ để dự kỳ thi NCLEX tốn kém và còn phải vượt qua thủ tục nhập cảnh nước Mỹ.
Các công ty, tổ chức nào dự kiến xuất khẩu lao động Việt Nam qua Mỹ cần lưu ý đến những kỳ thi tương tự như NCLEX nói trên. Hầu hết những ngành nghề của Mỹ đều phải thi lấy chứng chỉ hành nghề rồi mới được làm việc.
Nhu cầu việc làm và mức lương ngành Y tá/Điều dưỡng tại Mỹ
Mỹ hiện thiếu rất nhiều lao động có kỹ năng (skilled labourer), trong đó có Điều dưỡng với khoảng 100.000 vị trí còn trống, dự kiến nhu cầu điều dưỡng sẽ tăng lên 260.000 vị trí cho đến năm 2025. Sự thiếu hụt các Điều dưỡng viên ngày càng trầm trọng buộc các bệnh viện và các cơ sở y tế ở Mỹ phải thuê mướn nhân viên từ nước ngoài. Đầu năm 2006, chính quyền Mỹ đã sửa đổi Luật Di trú, tháo bỏ giới hạn số Điều dưỡng nước ngoài mà các bệnh viện ở Mỹ có thể thuê mướn, mở ra nhiều cơ hội để Điều dưỡng viên các nước có thể đến Mỹ làm việc và sinh sống.
Mức lương của các Điều dưỡng viên tại Mỹ tương đối cao với mức lương tối thiểu vào khoảng 45.000 USD/năm. Điều dưỡng viên chăm sóc trẻ sơ sinh có mức lương trung bình vào khoảng 100.000 USD/năm (theo Salary.com). Lương bình quân của các Điều dưỡng gây mê có khi lên tới 147.000 USD/năm, nhóm 10% có mức lương cao nhất được trả khoảng 200.000 USD/năm (theo PayScale.com).
Theo kenhtuyensinh.vn