SSDH – Khi nhớ lại quãng thời gian lúc mới sang Thụy Điển, tác giả đã phải mất ít lâu mới có thể hòa nhập được với các thói quen bản địa dưới đây.
Để giúp bạn rút ngắn quy trình hòa nhập, đây là 5 điều nên nhớ:
1. Gọi ai đó bằng tên
Người Thụy Điển có thói quen gọi người khác bằng tên, bất kể địa vị của họ là thế nào trong xã hội. Đối với sinh viên, bạn cũng có thể gọi giảng viên, giáo sư, người quản lý… bằng tên của họ. Tóm lại, điều này áp dụng với tất cả mọi người, trừ một vài trường hợp khi người đứng trước bạn là thành viên Hoàng tộc hay trong một số rất ít các trường hợp đặc biệt. Trên thực tế, các bạn du học sinh đến từ các nước châu Á thường rất khó khăn trong việc áp dụng thói quen này.
2. Hãy cởi giày ra
Khi vào nhà một người Thụy Điển, bạn hãy lịch sử cởi bỏ giày của mình. Thêm vào đó, một số nơi như phòng khám, phòng tập thể thao hay tập gym cũng yêu cầu khách cởi giày ra nên tốt nhất là bạn nên đọc kỹ dấu hiệu hướng dẫn khi bước vào một nơi nào đó. Tại một số nơi, chủ nhà sẽ để sẵn giày chuyên dụng (chuyên dùng để đi trong nhà) để khách khỏi cảm thấy bất tiện.
3. Xếp hàng nào
Người Thụy Điển rất nghiêm túc trong việc xếp hàng. Khi đi ngân hàng, mua thuốc hay đi bưu điện chẳng hạn, đừng quên lấy số xếp hàng. Hệ thống xếp hàng theo số này cũng dành cho các dịch vụ hỗ trợ sinh viên tại trường Đại học và nhiều nơi khác. Nói chung, nếu bạn chúa ghét bị ai đó cắt ngang khi đang xếp hàng thì đây là một hệ thống mà chắc rằng bạn cũng sẽ sớm yêu thích!
4. Phân loại rác
Hơn 99% hộ gia đình ở Thụy Điển đang áp dụng các chương trình phân loại rác. Họ có nhiều thùng rác khác nhau, giúp cho việc phân loại được dễ dàng (phân loại rác co thể phân hủy và rác không phân hủy): thùng rác dành cho đồ nhựa/giấy, dành cho các loại thủy tinh có màu/thủy tinh không màu, thùng dành cho các loại pin/bóng đèn… Thức ăn cũng được phân loại vào một thùng riêng để làm phân bón. Tóm lại, một trong những bài học đầu tiên trên đất Thụy Điển sẽ là học cách phân biệt các loại thùng rác.
Và một khi đi ăn ở đâu đó, bạn cũng phải tự làm sạch các khay đựng thức ăn của mình. Mô hình tự phục vụ này rất phổ biến ở trường học, tại các quán café và một số khách sạn, nhà hàng. Nếu không chắc nơi bạn đang đứng có áp dụng mô hình này không, hãy nhìn xung quanh hay hỏi các nhân viên nơi để khay thức ăn sau khi dùng bữa.
5. Quy luật “tuần”
Ở các trường học hay tại công sở, người Thụy Điển dùng “hệ thống tuần” (tính thời gian bằng tuần). Khi làm sinh viên, bạn sẽ phải làm quen với các tuần trong học kì để không bị trễ hạn. Các giảng viên thường sẽ nói “nộp bài luận vào tuần thứ 50” hay “hạn đăng kí tham dự sự kiện cho sinh viên sẽ rơi vào tuần 28”. Bản thân người viết từng “loăn quăn” một thời gian vì không biết tuần đầu tiên được bắt đầu tính vào thời điểm nào. Nhưng yên tâm đi, chỉ cần một thời gian làm quen thôi, rồi bạn sẽ không còn cần dùng tới điện thoại để “suy ra tuần” nữa!
Nguồn: Báo mới