SSDH – Học bổng hợp tác kinh tế và kỹ thuật Ấn Độ (ITEC) do Chính phủ Ấn Độ thực hiện. Hàng năm Việt Nam được cấp khoảng hơn 75 suất học bổng theo chương trình này. Tham gia ITEC, các học viên được đài thọ vé máy bay, tiền học phí, chi phí ăn ở, và sinh hoạt.
Các lĩnh vực trong học tập có chương trình ITEC gồm: Công nghệ thông tin, Tiếng Anh, Quản lý, Báo chí, Ngân hàng, Viễn thám, Quản lý và hoạch định giáo dục, Phát triển nông thôn, Đào tạo giáo viên, Quản lý lao động, Nghiên cứu dược và sư phạm dược, Thiết kế công cụ, Quản lý gia cầm, Kiểm soát chất lỏng, Nghiên cứu thống kê, Công nghiệp nhỏ, Quản lý vật liệu, Nghiên cứu dệt may, Phát triển nguồn nước….Về phía Việt Nam, Bộ GD&ĐT là cơ quan đầu mối cho chương trình này.
Đối tượng tham gia là cán bộ, nhân viên làm trong cơ quan Nhà nước, khu vực công và tư nhân, các trường đại học, các Phòng Thương mại và Công nghiệp; có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc; tuổi từ 25 – 45; chưa từng nhận học bổng/tham gia khóa đào tạo nào do Chính phủ Ấn Độ tài trợ và có sức khỏe tốt.
Yêu cầu tham gia học bổng là ứng viên phải có trình độ học vấn tương ứng với yêu cầu của Trường, Học viện cho khóa học đã chọn; phải có trình độ công tác/thành thạo tiếng Anh để theo học khóa đào tạo (Đại sứ quán Ấn Độ sẽ tổ chức kiểm tra/phỏng vấn để đánh giá trình độ tiếng Anh của ứng viên).
Hồ sơ tham gia học bổng phải được gửi đến Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội hoặc Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh ít nhất 3 tháng trước khi khóa học bắt đầu. (Hồ sơ được tiếp nhận và chuyển tiếp sang Đại sứ quán/ Tổng lãnh sự quán thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam). Quyết định trao học bổng là do Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa ra.
Khi hồ sơ đã được chấp nhận, Đại sứ quán Ấn Độ Hà Nội hoặc Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thông báo cho Bộ Giáo dục/Vụ/Cơ quan đầu mối có liên quan để thông báo cho ứng viên. Ứng viên được chọn phải tự nghiên cứu làm quen với điều kiện sống ở Ấn Độ và ở trường đã chọn thông qua website của trường đó.
Đông Đức – Theo Giáo dục