SSDH – Trong 10 năm hoạt động, Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation – VEF) đã trao học bổng cho 421 nghiên cứu sinh và xúc tiến các hoạt động trao đổi giáo dục giữa Việt Nam – Mỹ.
10 năm thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục
Được thành lập năm 2000, Quỹ VEF thiết lập các hoạt động trao đổi giáo dục giữa hai nước. Hàng năm Quốc hội Mỹ dành ngân sách 5 triệu USD cho các hoạt động của VEF cho tới năm 2018. Nhóm Nghiên cứu sinh VEF đầu tiên được tuyển chọn sang Mỹ học tập vào năm 2003. Năm 2013 đánh dấu kỉ niệm 10 năm VEF chính thức đi vào hoạt động.
Các ngành VEF cấp học bổng/tài trợ bao gồm khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, và y tế (bao gồm y tế công cộng và khoa học y tế).
Chương trình Học bổng là chương trình chính của VEF. Kể từ năm 2003 cho đến nay, Chương trình Học bổng VEF đã hỗ trợ 421 Nghiên cứu sinh Việt Nam theo học các chương trình sau đại học tại 84 trường đại học hàng đầu của Mỹ.
Ngoài Chương trình Học bổng, VEF còn triển khai hai chương trình dành cho những đối tượng khác bao gồm Chương trình Học giả và Chương trình Giáo sư Mỹ Giảng dạy tại Việt Nam. Chương trình Học giả dành cho những công dân Việt Nam đã có học vị tiến sĩ tham gia đào tạo sau tiến sĩ tại Mỹ trong thời gian từ 5 tháng đến 1 năm. Từ năm 2007 đến nay, có 38 tiến sĩ của Việt Nam đã tham gia chương trình sau tiến sĩ tại 30 trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng của Mỹ.
Chương trình Giáo sư Mỹ Giảng dạy tại Việt Nam là chương trình VEF cấp tài trợ cho các giáo sư Mỹ sang giảng dạy tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Mam từ một đến hai học kỳ bằng phương pháp giảng dạy trực tiếp tại Việt Nam hoặc qua cầu truyền hình từ Mỹ. Bắt đầu từ năm 2008, VEF đã cấp 26 suất tài trợ cho 21 giáo sư Mỹ giảng dạy tại 19 trường đại học Việt Nam.
Ngoài ra, VEF còn thực hiện các hoạt động nhằm tăng cường năng lực của VEF góp phần xây dựng mối quan hệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức chính phủ Việt Nam và Mỹ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các Nghiên cứu sinh và Học giả VEF khi trở về Việt Nam.
Các Nghiên cứu sinh và Học giả VEF năm học 2012 tham gia “Chương trình Định hướng trước khi lên đường” tại Đà Lạt, tháng 6 năm 2012
Ghi dấu trong lĩnh vực đào tạo nhân lực CLC
Trong mười năm qua (2003-2013), VEF đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện hai báo cáo nghiên cứu khoa học cấp quốc gia. Kỉ niệm dấu mốc 10 năm, Quỹ đã nhận được những lời động viên khích lệ từ các cơ quan chính phủ, các cơ quan, đơn vị, trường đại học, viện nghiên cứu của hai nước.
Theo GS. TS. Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam: “Chúng tôi cho rằng việc đào tạo sẽ giúp chúng ta hiểu biết lẫn nhau – là điều rất quan trọng. Mà hiểu biết của người học ở trình độ đại học, sau đại học, đặc biệt khi họ trở về làm giáo viên rất quan trọng. Sau đó họ còn thiết lập quan hệ nghiên cứu. Đó là mối quan hệ lâu dài. Cụ thể với VEF mười năm qua đã tiếp nhận sinh viên Việt Nam sang học, đa phần học ở trình độ tiến sĩ. Khi trở về họ làm ở nhiều lĩnh vực. Chúng tôi cho rằng đây là đội ngũ nòng cốt trình độ cao rất tốt.”
Các cựu Nghiên cứu sinh và Học giả VEF tham gia “Hội nghị thường niên” tại Đà Nẵng, tháng 8 năm 2012
TS. Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH & CN, Việt Nam nhận xét: “VEF đã giúp cho Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. VEF tập trung đào tạo trong lĩnh vực Việt Nam đang cần trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời VEF đã tiến hành nghiên cứu và có hai báo cáo rất quan trọng tư vấn cho Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi cho rằng đây là hướng đi đúng và hi vọng VEF tiếp tục giúp Việt Nam theo hướng này.”
Còn với TS. E. William Colglazier, Cố vấn Khoa học – Công nghệ cho Bộ trưởng, Bộ Ngoại giao Mỹ, “Trong khoảng thời gian mười năm, VEF đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Việt Nam thông qua hoạt động đào tạo giới trẻ trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế và thịnh vượng. Tôi rất ủng hộ những hoạt động của VEF và hi vọng Quỹ tiếp tục có nhiều hoạt động ý nghĩa như thế trong tương lai.”
Cùng với một Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam cũng đang bước sang những trang mới. Trong đó, Quỹ Giáo dục Việt Nam – VEF chính là một cầu nối cho những hoạt động hợp tác về khoa học, giáo dục cũng như văn hóa, góp phần quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia Mỹ và Việt Nam.
Hiện tại, các ứng viên có nguyện vọng xin Học bổng VEF cho năm học 2014 đã có thể nộp hồ sơ trực tuyến theo Quy trình A dành cho ứng viên chưa được nhận vào bất kỳ trường đại học nào của Mỹ. Thông tin về việc nộp đơn xin học bổng có thể được tìm thấy trên trang web của Quỹ Giáo dục Việt Nam: vef.gov |
Thục Uyên (SSDH) – Theo VietNamNet