SSDH – “Với nhiều người, một cô gái xương thủy tinh vượt đại dương du học là chuyện cổ tích. Nhưng hãy tin, chính bạn là người tạo ra câu chuyện của đời mình”, Nguyễn Phương Anh viết.
Trong một thế giới mà mọi người luôn khuyến khích bạn “hãy là chính mình”, nhưng đôi khi ta lại thấy tự ti về bản thân, thật khó có thể sống thật với những gì vốn có. Đối với những người khuyết tật, điều đó có lẽ còn khó hơn gấp bội.
Khuôn viên Đại học Curtin, nơi Phương Anh đang theo học.
Bạn và tôi, nếu tìm được hướng đi cho riêng mình và tự tạo nên động lực để phấn đấu, chắc chắn phải trải qua nhiều thử thách và cần biết nắm bắt cơ hội nữa.
Đối với tôi, hành trình tìm đến thành phố Perth học đại học và coi nơi đây như ngôi nhà thứ hai đã và đang biến nhiều ước mơ tưởng chừng viển vông trở thành sự thật.
Chỉ trong vài nốt nhạc, thành phố thuộc phía Tây Australia đã chiếm trọn trái tim của cô gái mới đến. Bên cạnh sự sẵn sàng của cơ sở vật chất dành cho người khuyết tật, con người nơi đây khiến tôi yêu mến.
Dù cô gái khuyết tật vụng về hay lăn bánh xe qua chân của ai đó hoặc va vào người khác cả chục lần một ngày, tôi biết họ không để ý tới những điều ấy, mà quan tâm năng lực của tôi.
Tiệc Halloween đầu tiên với những người bạn mới.
Còn tuyệt vời hơn khi tôi được gặp những người bạn có chung hoàn cảnh, học cách sống độc lập của họ và sẻ chia sự đồng cảm mỗi khi nhớ gia đình.
Tại đây, tôi được kết bạn với những người có chung lý tưởng, không phải bởi họ cảm thấy thương cảm hay có nghĩa vụ phải đối xử tốt với người khuyết tật. Thời gian qua sống và học tập tại Perth, tuy vẫn chưa lâu, nhưng có thể chắc chắn một điều, đây sẽ là những năm tháng đẹp và đáng nhớ nhất.
Tất cả những điều tích cực đó làm tăng sự tự tin của một tân sinh viên trong việc phấn đấu để đạt những mục tiêu và ước mơ của bản thân.
Đối với nhiều người, đây thực sự là câu chuyện cổ tích khi một cô gái xương thủy tinh vượt đại dương sang học tập tại nước ngoài. Nhưng hãy tin bạn chính là người tạo ra câu chuyện của cuộc đời mình và quyết định xem nó sẽ đi theo hướng nào.
“Nơi tôi sống chỉ cách nhà chị Prue ít phút. Chị ấy thật hài hước và là một luật sư giỏi. Chị ấy cũng sống chung với bệnh xương thủy tinh”, Phương Anh chia sẻ.
Sau vô số lần thử nghiệm và thất bại, tôi nhận ra rằng, đây chính là con đường dành cho mình. Đây là nơi tôi thấy được hình ảnh của mình trong tương lai, bởi con người ta đạt được thành công chính nhờ sự phấn đấu của họ, chứ không phải bởi may mắn hay được đối xử đặc biệt. Họ đã phải đi một con đường khó khăn hơn những người khác.
Gửi tới tất cả những anh chị em khuyết tật của tôi, bạn chính là người quyết định hạnh phúc của cuộc đời mình. Dù dự định của bạn là gì, không học đại học, mở công ty hay du học Australia, chơi nhạc cụ hoặc trở thành nhà thiết kế thời trang, hãy quyết tâm thực hiện.
Tháng 10/2015, Nguyễn Phương Anh sang Australia du học với học bổng toàn phần của Đại học Curtin. Cô gái xương thủy tinh giàu nghị lực là một trong những thí sinh xuất sắc đạt số điểm IELTS 8.0.
Phương Anh cũng là giọng ca ấn tượng tại cuộc thi Vietnam’s Got Talent mùa đầu tiên, đồng thời là gương mặt được UNICEF lựa chọn tham dự Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về người khuyết tật năm 2013.
Hiện Phương Anh học năm nhất ngành Truyền thông. Cô cũng được bầu chọn là Đại sứ Sinh viên quốc tế của trường.
Nguồn: Zing