SSDH – Nếu bạn là một trong số những kiểu người nêu ở dưới đây, thì tốt hơn hết là hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định đi du học.
“Con nhà lính, tính nhà quan”
Chuyện những du học sinh đi học phải sống cực khổ, làm chui kiếm sống, ngủ gật trên lớp do đi làm khuya không phải là điều gì xa lạ. Tại sao họ lại khổ thế?
Không có sự chuẩn bị về tài chính mà đi du học giống như một người đi du lịch bình dân nhưng chọn ở khách sạn 5 sao và kêu đắt vậy. Đã là du học sinh thì phải đi làm thêm nhưng làm thêm một cách cực khổ, đến mức thiếu ngủ, học bài không được thì lỗi là ở bạn.
Đa phần những người than cơ cực thường là những người hầu như không bao giờ tìm hiểu về vấn đề tài chính trước khi đi. Có những gia đình sắp gửi con đến một quốc gia xa lạ, cách Việt Nam hàng chục ngàn cây số nhưng lại không tìm hiểu rõ chi phí ăn như thế nào, không hề biết xứ mình đến có đồ gì rẻ, đồ gì là đắt. Họ chỉ gọi chung chung cái nơi mình đến là “nước ngoài”.
Những du học sinh sống thoải mái nhất ở nơi đất khách một số là nhờ tài chính gia đình mạnh, còn lại đều phải lên kế hoạch kỹ lưỡng. Trong khi một số người như bị lạc lối và lên mạng hỏi những câu rất chung chung như: “Xin mọi người cho biết sống ở Úc so với ở Anh có mắc hơn không?” thì những người khác đã lên các trên web chuyên về so sánh chi phí sinh sống, đi lại… ở Sydney và Liverpool. Đó là thứ tạo nên sự khác biệt giữa người du học thành công và người sống khổ sở ở xứ người.
Bạn có quyền nuôi nấng ước mơ du học cho dù sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh không mấy khá giả. Nhưng dù thế nào thì tài chính vẫn là vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi tới quyết định du học.
“Tóc vàng hoe” về tất cả mọi thứ
Nếu không có đủ kiên nhẫn để đọc và tìm hiểu những thông tin cơ bản nhất về nơi mình tới, thì tốt nhất đừng đi du học. Dù cùng ở Mỹ nhưng California khác hoàn toàn Texas từ vấn đề việc làm, lương tối thiểu cho tới đồ ăn. Lyon thì rất khác Paris về mặt văn hóa dù cùng thuộc đất Pháp.
Do không tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng về tinh thần để thích nghi ở nơi ở mới hậu quả là nhiều người du học sinh qua đến nơi cảm thấy lạc lõng, cảm thấy không gần gũi với người bản địa. Lâu dần họ tự cô lập mình, chỉ chơi với nhóm người Việt Nam, không tiếp xúc mấy với người địa phương. Đó là lý do tại sao nhiều người đi du học nhiều năm nhưng vẫn không rành văn hóa người bản địa, không cảm thấy thuộc về nơi này và tâm trạng buồn rầu.
Ngoài ra có một số bạn đánh giá thấp về những khó khăn sẽ gặp lúc đi du học, không tính toán kỹ về lối sống, sinh hoạt nên lúc qua đến nơi thì cảm thấy đuối khi gặp vấn đề. Có người thích đi du học nhưng chỉ biết đến những cái hào nhoáng, những cái bề ngoài mà bỏ qua những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của mình như đồ ăn, các chi phí thuê nhà, đi lại. Có người từng rất hào hứng đi du học, rồi sang đúng 1 tuần thì về vì kêu ăn uống không hợp, sống không hợp.
Cứ đi học đã, việc đi làm tính sau!
Có những người đi du học xong thì rất vất vả do không kiếm được việc làm ở nơi đó, một số trốn lại để bám trụ, số khác đành ngậm ngùi bỏ về. Mỗi quốc gia có một yêu cầu riêng cho ngành nghề được cấp thị thực. Nếu bạn muốn được ở lại, bạn phải học đúng ngành nghề họ cần.
Hiện nay đa số du học sinh Việt Nam qua nước ngoài học toàn học các ngành họ học được chứ không phải ngành quốc gia đó cần, dẫn tới hệ quả tất yếu là thất nghiệp sau khi ra trường. Ví dụ như ở Úc đang rất cần nhân lực về khoa học máy tính, công nghệ thông tin, kỹ sư, thì người Việt qua học phần lớn là học tài chính, kế toán, quản trị doanh nghiệp, những ngành dễ học và phổ biến. Hậu quả là rất nhiều người chật vật để ở lại Úc hoặc phải dùng những biện pháp bất hợp pháp để được ở lại. Đối với những ai mong kiếm việc làm nhưng đành phải về nước, do chính sách hay là do ngành học của bạn bị dư thừa, thực là lãng phí thời gian, công sức.
Bạn đi du học vì bố mẹ thích vậy
Đây là nguyên nhân rất rất lớn dẫn đến sự khổ sở của du học sinh. Rất nhiều người trẻ khi đi nước ngoài học là đi theo ý phụ huynh, đi vì bạn của bố mẹ cũng có con đi, hoặc vì các bậc phụ huynh muốn con cái “đổi đời”.
Hậu quả là họ không thực sự bỏ công sức để tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ, cả về mặt tài chính lẫn tâm lý trước khi đi. Tệ hơn là có gia đình bắt con đi du học dù con cái không muốn hoặc không suy xét về năng lực của con, mà cứ ép con mình đi với suy nghĩ ngây ngô rằng: “Qua đó ở môi trường tốt hơn nó sẽ tốt hơn. Cho nó tự lập.” Hậu quả của việc này là đứa trẻ bỏ bê việc học, hoặc do thiếu sự chăm sóc gia đình mà bị trầm cảm, phát triển tâm lý lệch lạc.
Ngoài ra do ỷ lại vào bố mẹ nên khi đi ra nước ngoài gặp chuyện khó khăn, người học sẽ rất khó xử lý tình huống và rất vất vả, như nhà ở không ưng ý phải chuyển nhà, đổi trường, bị bệnh do không hợp khí hậu.
Vậy nếu bạn không thực lòng mong muốn, thì hãy mạnh dạn nói “không” ngay cả khi bố mẹ nài ép.
Theo: Kênh 14