Du học Anh sau Brexit: Nên hay không?

0

SSDH – Liên hiệp Anh quyết định rời Liên minh Châu Âu vào ngày 23/06 khi hơn 50% người dân bỏ phiếu cho Brexit, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các sinh viên đã, đang và sẽ du học ở vùng đất này. Một cuộc khảo sát nhanh của Hobsons cho kết quả rằng hơn 43% sinh viên cảm thấy “bị ảnh hưởng” hậu Brexit.

brexit

Hơn 43% sinh viên cảm thấy “bị ảnh hưởng” hậu Brexit – Nguồn Internet

Ở thời điểm hiện tại, câu hỏi “Brexit thật sự sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi gì của các sinh viên quốc tế và ảnh hưởng như thế nào?” vẫn bị bỏ ngỏ lời đáp. Tuy nhiên, dưới một lăng kính khác, vẫn có rất nhiều lý do chứng minh rằng Anh Quốc là một nơi tuyệt vời để sống, học tập và nghiên cứu. Ở một chừng mực nào đó Brexit cũng mang lại khá nhiều điểm cộng cho sinh viên tại đây.

Nước Anh luôn chào đón sinh viên quốc tế

Vương quốc Anh từ lâu luôn chào đón sinh viên quốc tế từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng hậu Brexit, hầu hết du học sinh đang rất hoang mang theo thống kê của Hobsons. Tuy nhiên các bạn cũng đừng lo vì hệ thống giáo dục bậc cao vẫn mời gọi sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Trước cuộc bỏ phiếu, 103 lãnh đạo các trường đại học đã ký một bức thư khẳng định sự ủng hộ của họ với tinh thần hợp tác hợp tác quốc tế trong giáo dục và giảng dạy. Sau khi trưng cầu dân ý, các trường đại học tại Anh cũng khẳng định lại lần nữa chính kiến của mình, gây áp lực lên chính phủ xem xét lại các mối quan hệ quốc tế cho các trường đại học, và “ưu tiên cơ hội học tập cho sinh viên quốc tế”. Hiệp hội Đại học châu Âu cũng đã tuyên bố cam kết “tiếp tục làm việc với các trường đại học của Anh”.

Trên 75% người trẻ trong độ tuổi 18­24 đã bỏ phiếu Giữ, và các cuộc điều tra cho thấy rằng đa số đều muốn nước Anh vẫn là một phần của EU. Trong đời sống đại học ở Anh,việc chia sẻ quan điểm, ý tưởng và văn hóa hình thành như một thói quen, cũng không ngạc nhiên các thành phố đại học lớn như London, Oxford, và Edinburgh đều bỏ phiếu ở lại. Điều này có nghĩa rằng khi bạn du học tại Vương quốc Anh, xung quanh bạn sẽ luôn hiện diện những người cùng quan điểm. Vì vậy, hãy đến Anh học tập và làm việc, bạn nhé!

Mối lo ngại về tài chính

Sự sụt giảm của đồng Bảng Anh chính là lợi ích tài chính trực tiếp của Brexit mang lại cho sinh viên quốc tế, đặc biệt là du học sinh Việt Nam. Tỷ giá hối đoái thấp giúp chúng ta nhận được nhiều bảng hơn khi quy đổi tiền. Đối với du học sinh tự trang trải học phí, đây quả là một tin cực kì tốt nếu chọn du học Anh trong năm nay!

chung-minh-tai-chinh-du-hoc

Mối lo ngại về tài chính – Nguồn Internet

Học tập và sinh hoạt tại Anh

Một trong những vấn đề chính khi Anh rời khỏi EU là việc đi lại giữa các vùng lãnh thổ. Từ trước đến nay, người dân liên minh Châu Âu có thể du học tại Vương quốc Anh mà không cần visa. Sau cuộc đàm phán điều này có thể thay đổi và trở thành vấn đề được dư luận quan tâm bậc nhất. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Donald Tusk, cho rằng Anh nên duy trì việc tự do đi lại với EU nếu muốn tiếp cận các thị trường thương mại. Cũng không loại trừ trường hợp Anh quốc sẽ áp dụng một số hình thức kiểm soát biên giới, có nghĩa là tất cả các sinh viên quốc tế đều phải xin thị thực khi du học tại một trường đại học Anh.

Mặc dù vẫn chưa chắc chắn nhưng có khả năng Anh quốc sẽ tiến hành đánh giá lại tất cả các loại thị thực. Hiện tại visa Tier 4 dành cho sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam, cũng đang trải qua quá trình thử nghiệm vài thay đổi. Đề án thí điểm quy trình xét thị thực dễ dàng hơn cho sinh viên quốc tế ngoài EU vào 4 trường Đại học. Quy trình này cho phép các trường tự kiểm tra hồ sơ sinh viên, và cho phép các bạn ở lại đến 6 tháng sau khi tốt nghiệp. Những quốc gia như Mỹ và New Zealand hiện có chính sách visa sau Đại học rất hấp dẫn và đề án thí điểm này cho thấy rằng UK đang tiến hành xem xét lại chính sách để thu hút nhiều sinh viên quốc tế hơn.

Nhiều cơ hội hơn cho du học sinh đến từ các nước ngoài EU

Sẽ hơi kỳ lạ khi nói rằng Brexit có thể mở ra nhiều cơ hội hơn cho các sinh viên quốc tế, nhưng điều này là hoàn toàn có thể trong một số trường hợp, đặc biệt là ở các trường đại học Scotland. Bởi vì sinh viên EU không phải trả học phí tại đây, trong khi đó một số trường đang quá tải vì số lượng đăng ký mỗi năm quá đông. Nếu học phí được đưa vào, số lượng sinh viên EU có thể sẽ giảm đi đáng kể. Điều này có nghĩa rằng các trường đại học uy tín như Glasgow School of Art hay University of St Andrews (nơi gặp nhau của Hoàng Tử William và Công nương Kate) sẽ có nhiều vị trí cho du học sinh chúng ta.

Thậm chí trên những vùng lãnh thổ còn lại của Vương quốc Anh, du học sinh quốc tế đã tốt nghiệp có thể tìm thấy nhiều cơ hội việc làm hơn, nếu sau cuộc đàm phán số lượng sinh viên EU đến UK giảm đi. Sẽ ít cạnh tranh hơn cho việc tìm trường lẫn tìm công việc hậu tốt nghiệp, cơ hội sinh viên quốc tế ngoài EU được các học viện và nhà tuyển dụng ưu tiên sẽ cao hơn.

Thái Hải (SSDH) – Theo thetreeacademy

Share.

Leave A Reply