SSDH – “Ngày càng nhiều người Mỹ, ngay cả những người có đủ tiền để trang trải cho việc học, cũng đang đặt câu hỏi, liệu học đại học có đáng một khoản đầu tư lớn như vậy hay không?” GS David Pickus, ĐH Bang Arizona, đặt câu hỏi.
LTS: Giáo dục Mỹ vẫn được coi là đứng đầu thế giới về chất lượng nhưng học phí cao đã khiến một bộ phận lớn sinh viên phải vay tiền để trang trải chi phí học hành. Điều này ảnh hưởng như thế nào tới những sinh viên Việt Nam khát khao tới Mỹ du học? GS David Pickus, giảng viên lịch sử trường ĐH bang Arizona, chia sẻ một vài tư vấn của ông cho sinh viên Việt Nam trong chuỗi bài viết riêng cho VietNamNet.
Bài 1: Giáo dục Mỹ: nợ, nợ nữa, nợ mãi…
Theo tôi thấy, các trường đại học của Mỹ vẫn là những trường tốt nhất thế giới, nhưng họ cũng đang phải trải qua giai đoạn đầy căng thẳng và cam go.
Các bạn ở Việt Nam có lẽ cũng nên nắm rõ về tình hình hiện nay. Bởi, nó sẽ không chỉ giúp các bạn có những quyết định phù hợp hơn khi lựa chọn học đại học tại Mỹ, mà còn chủ động hơn trước những biến động gần đây trên đất Mỹ, những biến động chắc chắn sẽ ảnh hưởng rộng hơn đến thế giới.
Các trường của Mỹ vẫn giữ được thế mạnh của mình.
Theo một nghiên cứu mới đây của Thượng Hải, Trung Quốc, trong số 100 trường đại học hàng đầu thế giới, có tới 50% là của Mỹ. Có thể cách xếp hạng các trường còn là điều đang tranh cãi, nhưng rõ ràng những nghiên cứu cơ bản của thế giới hiện nay phần lớn vẫn diễn ra trong các trường đại học của Mỹ.
Hơn nữa, Mỹ có hàng trăm trường đại học được trang bị mọi điều kiện cần thiết để đảm bảo tốt công tác đào tạo, nghĩa là họ có những giáo sư giỏi, cơ sở vật chất hiện đại cho phép sinh viên tiếp cận với đẩy đủ và đa dạng các kiến thức.
Nhưng cũng giống như các đế chế có lúc hưng lúc thịnh, không có lý do gì để cho rằng mọi thứ sẽ vĩnh viễn không thay đổi. Những gì được cho là tối ưu cho đến hôm nay có thể sẽ không còn duy trì được trong tương lai.
Lịch sử có thể chứng minh rõ hơn về bức tranh sống động này. Sức mạnh của các trường đại học Mỹ bắt nguồn từ giai đoạn sau chiến tranh thế giới thứ 2 năm 1945.
Trước kỷ nguyên đó, các trường đại học châu Âu chiếm thế thượng phong trong khi các trường của Mỹ yếu hơn và cũng ít ảnh hưởng hơn.
Tuy nhiên, các trường châu Âu đã dần tự đánh mất vị thế của mình trong kỷ nguyên đó, và sau năm 1945, các trường đại học của Mỹ vươn lên mạnh mẽ và phát triển nở rộ.
Đã thế, những trường này được hưởng hợi rất lớn từ hoạt động đầu tư cho giáo dục đại học của đại bộ phận dân chúng. Không chỉ chính phủ mà nhiều người giàu cũng đầu tư tiền vào phát triển đại học. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu hay ngay cả người nghèo cũng tiết kiệm rất nhiều tiền để học đại học.
Điều này làm nảy sinh nhiều vấn đề. Cho dù cả hệ thống có vẻ rất khỏe mạnh, nhưng giáo dục đại học ở Mỹ thực tế đang trở nên đắt đỏ hơn nhiều.
Học đại học tại trường có chi phí thấp nhất cũng vẫn phải ngốn khoảng 15.000 USD mỗi năm, và trường cao nhất có thể lên tới hơn 50.000 USD.
Như tôi đã nêu trong bài viết trước, rất nhiều sinh viên phải vay tiền để đi học. Từ đây lại đẻ ra nhiều vấn đề lớn về sau, khi trong thời kỳ suy thoái kinh tế, những sinh viên phải vay tiền trước đó không thể thanh trả hết nợ. Nhưng đó chỉ là một mảng nhỏ bức tranh rộng hơn.
Ngày càng nhiều người Mỹ, ngay cả những người có đủ tiền để trang trải cho việc học, cũng đang đặt câu hỏi, liệu học đại học có đáng một khoản đầu tư lớn như vậy hay không.
Họ có lý do để do dự. Tỷ lệ thất nghiệp đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học tương đối cao.
Hơn nữa, trong cơ chế hiện nay của Mỹ, các nghề như luật, y, kinh doanh… thường đòi hỏi không chỉ một bằng, mà phải 2 hay thậm chí nhiều hơn.
Do đó, khi sinh viên tốt nghiệp đại học gặp khó khăn trong việc tìm việc làm, họ sẽ trở lại trường để học lấy tấm bằng thứ hai hay thứ ba. Như vậy có nghĩa, họ sẽ phải vay nợ nhiều hơn nữa, và sự cạnh tranh trong các nghề như bác sĩ hay luật sư càng thêm phần gay gắt. Điều này lại đẩy thêm nhiều thanh niên quay trở lại trường học hơn nữa và chu kỳ cứ thế tiếp diễn.
Nên nhớ, một trong những lý do khiến học đại học ở Mỹ trở nên tốn kém là việc các trường không ngừng phình to và mở thêm nhiều chương trình đào tạo mới.
Dù hầu hết người Mỹ không muốn phải chịu chi phí học hành quá cao, nhưng họ sẽ còn thất vọng hơn nếu các trường giảm tải hay không cung cấp đa dạng các môn học nữa. Bên cạnh đó, một phần học phí các trường đại học thu sẽ được dùng để hỗ trợ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, không thể tự lo toàn bộ các chi phí. Nếu các trường hạ học phí nhiều, họ sẽ buộc phải cắt bỏ các chương trình học bổng vốn là cứu cánh cho các sinh viên nghèo.
Trong khi đó, chi phí học hành chỉ cũng là một phần câu chuyện. Các trường cũng có trách nhiệm phải cung cấp các kiến thức tiên tiến nhất.
Tuy nhiên, chi phí nghiên cứu cơ bản luôn tăng và tài trợ của chính phủ lại đang có xu hướng giảm. Tôi mới nghe điều này khi nói chuyện với một bà bạn giáo sư vật lý học tại Học viện Công nghệ California, một trong những trường đỉnh nhất của Mỹ về nghiên cứu khoa học.
Vị sao sư này sinh ở Đài Loan, nhưng chuyển đến sống tại Mỹ vì có nhiều cơ hội được học và làm khoa học hơn. Nhưng hiện tại, bà nói với tôi rằng bà gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài trợ cho nghiên cứu của bà, trong khi các bạn đồng nghiệp ở Trung Quốc lại đang được đầu tư rất lớn các trang thiết bị mới. Có lẽ, một ngày nào đó, bà ấy sẽ lại rời khỏi nước Mỹ.
Trong khi nước Mỹ có những trường đại học chất lượng rất tốt, thì nhiều sinh viên Mỹ, ngay cả những người đang học tại các trường danh tiếng, lại không chịu học hành đến nơi đến chốn trong thời gian còn ngồi trên giảng đưởng. |
Tuy nhiên, cho dù có cấp thêm nhiều tiền hơn cho những người như vị giáo sư này cũng không thể giải quyết được một vấn đề nữa, lớn hơn. Trong khi nước Mỹ có những trường đại học chất lượng rất tốt, thì nhiều sinh viên Mỹ, ngay cả những người đang học tại các trường danh tiếng, lại không chịu học hành đến nơi đến chốn trong thời gian còn ngồi trên giảng đưởng.
Lý do giải thích cho điều này rất phức tạp và chủ yếu liên quan đến cách thức giới trẻ lớn lên trong xã hội Mỹ.
Các trường cần lượng học viên lớn để thu quỹ tài trợ cho công việc cũng như nghiên cứu của các giáo sư ưu tú của mình.
Kết quả là, dù học không muốn nói công khai, nhưng các trường cũng thừa nhận sẽ chẳng được lợi gì nếu đánh trượt quá nhiều sinh viên, hay làm cho những môn học cơ bản trở nên khó nhằn với sinh viên.
Hậu quả là, ở hầu hết các trường đều có lượng lớn sinh viên không thực sự học tập chăm chỉ hay không chịu đào sâu nghiên cứu, nhưng họ vẫn có thể tốt nghiệp với tấm bằng trung bình.
Nhưng khi ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp hạng này và thấy rằng tấm bằng của mình chẳng có mấy giá trị và khi ngay cả những sinh viên giỏi cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm một công việc như ý và có thu nhập tương đối, cũng là lúc hệ thống bắt đầu xuất hiện những rạn nứt và trở nên thiếu vững chắc.
Có thể chúng ta đang sống trong giai đoạn rạn nứt đó. Vậy những người Việt Nam có nhu cầu đi học tại Mỹ nên tính toán thế nào?
Trước hết, tôi phải nhấn mạnh rằng không có lý do gì để một sinh viên Việt Nam cảm thấy mất động lực theo học tại các trường đại học Mỹ.
Sự rạn nứt của hệ thống giáo dục này, nếu xảy ra sẽ không quá nhanh và các trường vẫn có tiềm lực rất lớn và vẫn có thể cung cấp những chương trình đào tạo rất tốt.
Tuy nhiên, tình trạng hiện nay chính là lúc thích hợp để các bạn sinh viên Việt Nam cân nhắc kỹ lưỡng hơn về mục tiêu của mình, và chỉ đi học đại học và chấp nhận mức học phí cao tại Mỹ nếu đã có một kế hoạch đâu ra đấy.
Thứ hai, như tôi đã nói trong nhiều bài viết, các bạn trẻ Việt Nam nên lường trước sự bất ổn trong xã hội Mỹ. Các vấn đề thảo luận trên đây có lẽ sẽ khó giải quyết nếu không xảy ra một cuộc xung đột xã hội nào đó, ở dạng này hay dạng khác.
Cuối cùng, xin hãy nhớ, đây cũng là một cơ hội tốt cho các bạn.
Không có lý do gì mà bất kỳ quốc gia nào có thể duy trì mãi mãi là số một về giáo dục đại học.
Khi các trường đại học Mỹ cần thời gian để giải quyết vấn đề nội bội của mình, có lẽ cũng là lúc, các trường đại học Đông Á cần vươn lên và thậm chí chiếm lấy vị trí dẫn đầu thế giới.
Theo Vietnamnet