SSDH – Kết quả kỳ thi NAPLAN cho thấy những học sinh có ba mẹ không học hết lớp 12 có tỷ lệ đạt điểm thấp hơn mức chuẩn tối thiểu toàn quốc cao hơn gấp 11 lần so với những học sinh khác.
Hình minh họa
Đây là số liệu được sử dụng cho nghiên cứu về thành tích học tập của học sinh theo trình độ giáo dục và nghề nghiệp của ba mẹ. Kết quả nghiên cứu cho thấy với những học sinh có cha mẹ được cấp bằng cử nhân, các loại văn bằng khác hoặc học hết lớp 12 trở lên thì không có sự chênh lệch đáng kể. Nhưng những học sinh có cha mẹ chỉ học hết lớp 11 trở xuống thì có số điểm trung bình thấp hơn đáng kể so với những học sinh khác.
Cụ thể, kết quả thi kỹ năng đọc của học sinh lớp 5 cho thấy tỷ lệ học sinh có cha mẹ học hết đại học trở lên bị điểm thấp hơn mức chuẩn tối thiểu chỉ là 1.3%, trong khi đó tỷ lệ này ở học sinh có cha mẹ không học hết trung học là 15.2%
. Mối quan hệ giữa kết quả học tập của học sinh với nghề nghiệp của cha mẹ cũng tương tự như mối quan hệ giữa kết quả học tập của học sinh với trình độ giáo dục của cha mẹ. Kết quả thi kỹ năng tính toán của học sinh lớp 9 cho thấy có 98% số học sinh có cha mẹ có nghề nghiệp chuyên môn đạt mức chuẩn tối thiểu quốc gia hoặc cao hơn, trong khi đó tỷ lệ này ở học sinh có cha mẹ không có nghề nghiệp chuyên môn là 81.2%.
Bài nghiên cứu cũng cảnh báo rằng số liệu về nghề nghiệp và trình độ giáo dục của các bậc cha mẹ không được áp dụng đối với tất cả các đối tượng học sinh. Tuy nhiên, xét trên phạm vi toàn bộ các tiểu bang và vùng lãnh thổ, cũng như các lĩnh vực thi của NAPLAN, một điều có thể thấy rõ là những học sinh “có cha mẹ không học cao và/hoặc không có việc làm ổn định thường gặp nhiều khó khăn hơn, cả trong việc đạt điểm chuẩn tối thiểu quốc gia hay ở trình độ cao hơn”.
Theo Viet Times