Sẵn sàng du học – Trong mọi bài kiểm tra, “thời gian” đóng vai trò là một trong những thử thách mà các sĩ tử phải vượt qua để đạt được số điểm mình muốn.
Đừng bao giờ chỉ xem xét một bài kiểm tra dựa trên nội dung của chúng. Những câu hỏi về toán học, văn học hay triết học mà bạn phải đối mặt không phải là tất cả những gì mà bạn cố gắng đưa ra đáp án. Một câu hỏi vô cùng quan trọng nữa mà bạn phải “hóa giải” chính là “quản lý thời gian”.
Hạn chế về thời gian có thể khiến bạn khó mà giữ được bình tĩnh và thế chủ động trong suốt quá trình làm bài. Để giúp bạn vượt qua nỗi sợ muôn thuở mang này, Sẵn Sàng Du Học xin được đưa ra 5 mẹo dưới đây, đảm bảo giúp bạn thành công vượt qua mọi loại bài thi:
“Xem đúng địa chỉ rồi hẵng hỏi đường”
Việc đầu tiên mà bạn cần làm khi cầm đề bài trên tay chính là đọc thật kĩ, chứ không phải hùng hục giải ngay. Chỉ cần một giây “nhìn gà hóa cuốc” cũng có thể bạn “sai một li đi một dặm” trong bài kiểm tra. Đặc biệt là các bài kiểm tra có nhiều số hoặc kí tự. Bên cạnh đó, đối với các bài kiểm tra yêu cầu viết luận, bạn cũng cần phân tích từng câu chữ trong đề để nắm được chính xác chủ để cũng như định hướng ẩn chứa trong cách diễn đạt của người ra đề. Việc đọc hoặc hiểu sai đề bài có thể khiến bạn phải quay lại sửa đáp án của mình và rõ ràng là nó sẽ ngốn của bạn không ít thời gian vô ích rồi.
Phần nào? Làm bao nhiêu lâu?
Sau khi đã nhận dạng được đề bài, bạn cần xác định bài thi sẽ được giải quyết theo trình tự nào và thời gian dành cho mỗi phần là bao nhiêu. Rõ ràng, cách đơn giản nhất là dành nhiều thời gian hơn cho những câu hỏi chiếm nhiều điểm hơn. Đồng thời dựa vào khả năng của bản thân mà bạn có thể ước lượng được thời gian mà mình sẽ phải tiêu tốn đối với từng dạng bài. Chính vì thế hãy luyện tập “chiêu thức” này từ khi còn đang ôn luyện nhé!
Bắt buộc phải có thời gian kiểm tra lại bài
Đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của vài phút kiểm tra lại bài lúc cuối giờ. Đôi khi hiện tượng “tay nhanh hơn não” có thể gây ra cho bạn những lỗi sau không tưởng và vô cùng ngớ ngẩn. Chính vì thế, kiểm tra lại bài trước khi nộp sẽ giúp bạn thoát ra khỏi dòng tư duy vội vàng trước đó và bình tĩnh lọc lại thông tin một lượt, phát hiện ra những lỗi sai không đáng có.
Thường thì bạn cần dành từ 2 đến 3 phút cho công việc này và hãy nhắc nhở bản thân về 2 phút quý giá đó ngay từ khi bắt đầu đặt bút nhé!
Bắt đầu với thế mạnh của bạn
Mặc dù có nhiều người học thích bắt đầu phần làm bài của mình bằng cách giải quyết ngay những câu khó. Nhưng đó không phải là một chiến lược thông minh. Bạn nên đọc đề một lượt và bắt tay ngay vào những câu “dễ” – hay chính xác hơn là quen thuộc và cách giải chúng được hình thành lập tức trong đầu bạn. Bạn sẽ cầm chắc những điểm đầu tiên ngay khi mới bắt đầu và điều đó cho phép bạn dành nhiều thời gian hơn cho các câu hỏi “khó nhằn” ở phía sau.
Đừng ra khỏi phòng thi sớm!
Điều này nghe có vẻ quá quen thuộc song việc ra khỏi phòng thi quá sớm có thể là lý do khiến bạn bỏ quên một câu hỏi hoặc mắc hàng loạt những lỗi cẩu thả. Kể cả khi bạn cảm thấy đặc biệt tự tin về chất lượng câu trả lời của mình thì cũng đừng ra khỏi phòng thi quá sớm. Hãy chắc chắn là bạn đã kiểm tra lại bài làm một vài lần cũng như đã điền đầy đủ, chính xác thông tin liên quan. Tận dụng mọi giây phút để hoàn thiện bài làm không bao giờ là thừa đâu nhé!
Người dịch: Ánh Dương (SSDH)