Sẵn sàng du học – Đỗ Bảo Ngọc Vi, người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này đạt điểm ACT tuyệt đối cả 4 môn 36/36 (người Việt đạt 36 điểm nhờ làm tròn không hiếm) vừa trúng tuyển 5 trường đại học hàng đầu thế giới tại Mỹ. Và đặc biệt, em là học sinh Việt Nam hiếm hoi trong năm nay được ĐH Bown – một trong 8 trường Ivy League chấp nhận.
Hồ sơ ấn tượng của nữ sinh Việt tài năng
Tuy vậy, Ngọc Vi đã có quyết định bất ngờ khi từ chối trường đại học nằm trong khối Ivy League danh tiếng bởi sự đánh giá cao và chào đón nồng nhiệt từ hội đồng tuyển sinh ĐH Duke (Top 8 đại học quốc gia tốt nhất nước Mỹ – #8 NU) với học bổng 6 tỷ đồng.
Kết thúc mùa nộp đơn năm 2018, Ngọc Vi nhận kết quả đỗ 5 trường đại học tên tuổi gồm: Đại học Brown (1 trong 8 trường Ivy League), Đại học Duke (#8 NU), Đại học Johns Hopkins ( #10 NU, trường đại học nghiên cứu các sáng chế Y khoa đứng thứ 1 thế giới), Đại học Northwestern ( #11 NU) và Đại học Colgate (Top 12 đại học khai phóng tốt nhất nước Mỹ, # 12 LAC).
Đỗ Bảo Ngọc Vi xuất sắc được 5 trường đại học tên tuổi của Mỹ chào đón.
Tháng 4/2017, Ngọc Vi đã lập kỳ tích khi là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đạt điểm chuẩn hóa kỳ thi ACT tuyệt đối ở cả 4 môn 36/36 ngay ở lần thi đầu tiên (gồm 4 môn Đọc hiểu: 36, Anh văn: 36, Toán: 36, Khoa học: 36). Tỷ lệ học sinh trên toàn thế giới đạt được điểm tuyệt đối 4 môn ACT rất hiếm chỉ 0,108%. Cũng có một số người đạt điểm 36 ACT nhưng là do được làm tròn (Đối với ACT đạt 35,5 hoặc 35,75 điểm được làm tròn lên 36 điểm).
Đỗ Bảo Ngọc Vi sinh năm 2000, hiện là học sinh lớp 13/13, Trường quốc tế Anh BIS tại Hà Nội. Cô gái xinh xắn có khả năng tiếng Anh rất tốt, em đạt 118/120 điểm TOEFL. Vi có điểm học tập ấn tượng với 5/6 môn đạt điểm tuyệt đối (7/7) khi theo học chương trình Bằng Tú tài quốc tế (IB).
Lí do từ chối Brown chọn Duke?
Nói về quyết định từ chối Brown, Ngọc Vi thừa nhận đây là lựa chọn khá khó khăn với em. Đại học Brown (Hoa Kỳ) là một trong 8 trường thuộc khối Ivy League danh giá. Năm nay, tỷ lệ học sinh được nhận vào các trường thuộc khối Ivy rất thấp, chưa kể đến là một số trường trong khối Ivy năm nay không nhận một học sinh Việt Nam nào.
"Khi nộp hồ sơ vào Đại học Brown, em có tìm hiểu thì 5 năm nay, Brown hầu như không nhận học sinh đến từ các trường Việt Nam. Và vì em thích Emma Watson, người đóng vai phù thủy trong phim Harry Potter đang học tại Brown nên em nộp hồ sơ coi như thử thách bản thân.
Mặc dù Brown là trường đứng thứ 14 Đại học quốc gia Mỹ nhưng lại nằm trong khối 8 trường Ivy League, trường có khá nhiều chương trình thú vị và em thật sự ấn tượng với chương trình giảng dạy mở của trường (Open Curriculum), vì vậy nên em rất cân nhắc khi lựa chọn.
Tuy nhiên, Đại học Duke lại có điểm mạnh về nghiên cứu, lĩnh vực này em chưa có cơ hội làm ở trường cấp 3 và em muốn thử thách bản thân khi học ở đây. Ngoài ra, Duke là trường mà các giáo sư rất sát sao đến từng học sinh.
Ở những trường danh tiếng mà sinh viên không có mối quan hệ mật thiết với các giáo sư thì em không thích. Melinda Gates cũng là người mà em rất hâm mộ, là cựu học sinh của Duke. Vì vậy em đã lựa chọn Duke là trường mà em sẽ theo học trong 4 năm học tập tại Mỹ", Ngọc Vi tâm sự.
Ngọc Vi cho hay, cảm xúc của em mỗi khi nhận được thư mời nhập học của các trường là rất vui sướng, các nỗ lực của mình và quyết tâm vượt qua những thất bại khó khăn đã thành công, ước mơ được học ở những trường đại học danh giá của Mỹ đã thành sự thực.
Vi cho biết thêm, tiêu chí chọn trường để nộp hồ sơ của em là những trường đại học quốc gia (Natinonal Univeristies) vì họ tập trung nhiều vào từng học sinh.
Trong thư thông báo kết quả, hội đồng tuyển sinh Đại học Duke viết rằng “hồ sơ của em là một trong những hồ sơ gây ấn tượng nhất và được lựa chọn để cấp học bổng danh giá của trường”.
Với Duke, ngày công bố kết quả tuyển sinh là ngày 31/3/2018, nhưng từ ngày 15/3 Ngọc Vi đã nhận được thư của trường lựa chọn em trúng tuyển trong số hơn 37.300 hồ sơ vì sự xuất sắc. Ở Duke, Vi không xin hỗ trợ tài chính nhưng em được nhà trường cấp học bổng 6 tỷ đồng chào đón dựa trên thành tích học tập xuất sắc (merit scholarship).
Đối với Đại học Colgate, em được trường cho học bổng trị giá 63.000 USD/ năm.
Vi chuyển sang học trường quốc tế từ năm lớp 7 và có ước mơ du học từ đó. Ở đây, hệ thống học tập không giống các trường Việt Nam nên em sẽ không có khả năng thi được vào các trường Đại học ở trong nước.
“Trong hành trình đó, em may mắn gặp chị Bích Diệp (cựu sinh viên ĐH Stanford) sát cánh trong thời gian ôn luyện ACT và chia sẻ kinh nghiệm chinh phục những trường đại học danh giá của Mỹ.
Trong quá trình chuẩn bị nộp hồ sơ, em trân trọng nhất là mẹ em, vì có những lúc em thất bại, điểm SAT không cao như mong muốn, mẹ vẫn tin tưởng và động viên em. Nhưng khi đạt được điểm ACT cao thì mẹ lại bảo em không được kiêu ngạo.
Em cũng có những thầy cô giáo rất giỏi dạy cả kiến thức và bài học làm người đã theo em suốt chặng đường 12 năm học phổ thông. Em nghĩ đây là điểm mạnh lớn nhất của em, vì xung quanh em có rất nhiều người giúp đỡ, dạy dỗ để em có được thành công bước đầu như thế này”, Vi kể.
Nữ sinh tài năng cũng thầm cảm ơn những thất bại. Vi từng thi SAT nhiều lần, tâm trạng khi thi SAT không tốt vì em học hệ của Anh. SAT là thi chuẩn hóa của hệ thống Mỹ, nên em không quen thuộc với SAT. Nhưng sau đó em quyết tâm để vươn lên, tự thử thách bản thân thi lại ACT một lần và đạt được điểm tuyệt đối.
Theo Ngọc Vi, các nhà tuyển sinh sẽ đánh giá toàn bộ hồ sơ của học sinh; gồm: điểm thi chuẩn hóa (SAT/ ACT, TOEFL), hoạt động ngoại khóa, điểm số trong quá trình học tập và bài luận.
“Bài luận của em viết về tầm quan trọng của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Em không có cơ hội được sống trong thời kỳ chiến tranh, chỉ được nghe ông bà kể chuyện và đọc các tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam. Một trong những tiểu thuyết em rất ấn tượng là “Nỗi buồn chiến tranh” của tác giả Bảo Ninh, đó chính là tác phẩm làm cảm hứng cho em viết bài luận chính”, Vi nói.
Đưa giống cá mú heo từ Indonesia về Rạch Vẹm
Ngoài thời gian học tập, Vi thích chơi đàn guitar, vẽ, tập kick-boxing… Em từng đến châu Phi, Tanzania để hỗ trợ xây trường, trồng cây với các bạn học sinh quốc tế trong hệ thống Trường quốc tế Anh trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, dự án đáng nhớ nhất với Ngọc Vi lại là một hoạt động hỗ trợ cộng đồng ở làng chài Rạch Vẹm, Phú Quốc nhằm đưa giống cá mú heo từ Indonesia về đây giúp dân chài cải thiện đời sống.
Làng chài nằm biệt lập với trung tâm thị trấn, nữ sinh Hà thành phải vượt qua cánh rừng đường đất bùn lầy lội trơn trượt mùa mưa mới đến được.
“Một lần khi em ra Làng Chài và dự định trở về trong đêm để ngày mai ra Hà Nội đi học, mưa suốt không ngừng, ở bè cá không có điện lưới. Cứ đến tối 6h mới có điện khi trạm phát điện nhỏ chạy bằng dầu diesel cho dân cư làng chài và sẽ cắt điện vào 11h tối.
Em thấy rất thú vị vì cuộc sống dân làng chài rất đơn giản và trong khó khăn, họ vẫn tìm được những cách để làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn”, cô bạn nhớ lại.
Từ những trải nghiệm gắn với môi trường sống, Ngọc Vi dự định theo đuổi ngành khoa học Môi trường (Environmental Science) và Tâm lý học (Psychology) tại ĐH Duke. “Lúc đầu em không biết em thích môi trường. Nhưng sau khi đi phượt, đi cắm trại, em phát hiện ra mình thích học về môi trường”, Vi chia sẻ.
Trong vòng phỏng vấn 15 phút với hội đồng tuyển sinh, Ngọc Vi đã thể hiện sự quyết tâm hành động để biến mục tiêu, ước mơ thành hiện thực của em. Sau khi tốt nghiệp, em mong muốn sẽ làm một việc gì đó để cải thiện ô nhiễm môi trường ở Việt Nam.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Dân Trí