Sẵn sàng du học – "The Red Turtle" là chuyến hành trình kỳ lạ được nuôi dưỡng từ tình yêu của chàng trai bị lạc giữa hoang đảo và “nàng tiên” rùa đến từ đại dương xanh.
Năm 2016, lần đầu tiên xưởng phim hoạt hình lừng danh của Châu Á Ghibli bắt tay với đạo diễn người Hà Lan Michael Dudok de Wit để cho ra mắt một sản phẩm văn hóa mang đậm tính triết lý nhân sinh sâu sắc mang tên The Red Turtle (Rùa Đỏ). Sự giao thoa giữa những giá trị nghệ thuật Á – Âu đã tạo nên một chuyến phiêu lưu lạ kỳ khi con người lạc giữa thiên nhiên để khám phá ra những định nghĩa về dòng đời, số phận và sự tồn tại của sự sống.
Michael Dudok de Wit là đạo diễn, họa sĩ nổi tiếng từng giành giải Oscar năm 2000 với phim ngắn kinh điển Cha Và Con Gái. Vẫn mang phong cách tối giản quen thuộc, sự im lặng không lời thoại cùng với chất nhạc cổ điển da diết, lắng đọng nhưng khi kết hợp với Ghibli, tác phẩm của vị đạo diễn đến từ phương Tây lại trở nên giàu cảm xúc hơn với những gam màu thiên nhiên đẹp đẽ, trữ tình và sống động.
Và sự kết hợp hoàn hảo này đã viết nên một câu chuyện cổ tích rất "đời". The Red Turtle kể về một chàng thủy thủ bị đắm tàu và trôi dạt tới đảo hoang. Để tồn tại, thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt và chống chọi với sự giận dữ của thiên nhiên, anh buộc phải học cách sinh tồn và nuôi hy vọng thoát khỏi chốn địa ngục trần gian. Khi anh dùng tre nứa đóng bè để trở về thì bị một con rùa đỏ phá tan. Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa rùa đỏ và chàng trai đã mở đầu cho một truyền thuyết ngọt ngào, nhiệm màu với những sắc thái của yêu thương.
Chàng thủy thủ – Hình ảnh về con người nhỏ bé với trái tim và linh hồn khao khát được sống, được yêu
Chàng trai lạc trên hoang đảo được khắc họa bằng nét vẽ đơn giản với điểm nhấn là đôi mắt hai dấu chấm. Chân dung của chàng rất giống với nhân vật Tintin của danh họa Hergé, với những nét đặc trưng mang đậm dấu ấn phương Tây. Hình ảnh con người được miêu tả bằng chất liệu màu tối giản, đơn sắc tạo cảm giác trống trải, cô đơn, lạc lõng giữa một thiên nhiên bao la, rộng lớn và hùng vĩ.
Chàng thủy thủ là hiện thân cho con người trong hoàn cảnh khốn cùng. Sợ hãi, bất lực, lẻ loi và cùng quẫn là những gì mà giới hạn cuối cùng của con người phải chịu đựng với sự cô đơn còn đáng sợ hơn cả cái chết. Nhưng khi đến bước đường cùng đó thì ý chí, sức mạnh vĩ đại trong mỗi người lại bùng lên "ngọn lửa" của niềm tin và nghị lực sống phi thường. Hình ảnh chàng trai dùng tre nứa để đóng bè, ấp ủ hy vọng trở về đất liền là dẫn chứng cho phẩm chất luôn vươn mình trong khó khăn, hoạn nạn của con người.
Thậm chí khi bị con rùa đỏ phá tan, chàng vẫn kiên trì đóng bè, vẫn nuôi dưỡng quyết tâm trở về quê hương. Mặc dù chàng trả thù lại chú rùa khi lật ngửa nó và đạp mai rùa xuống cát lúc nó lên bờ nhưng lòng tốt vẫn ngự trị trong trái tim người thủy thủ. Chàng ân hận và tìm đủ mọi cách để đưa rùa trở về biển. Chính sự lương thiện, khao khát mãnh liệt được sống và thoát khỏi nỗi cô đơn đã giúp chàng tìm thấy phép màu và vượt qua sự nghiệt ngã của số phận.
Con rùa đỏ – Hình ảnh kỳ diệu của thiên nhiên đậm tính triết lý văn hóa phương Đông
Thiên nhiên trong The Red Turtle mang đậm dấu ấn của Ghibli với nét vẽ mộc mạc, thi vị, giàu màu sắc và cảm xúc. Sắc xanh như ôm trọn lấy con người bé nhỏ từ đại dương sâu thẳm đến rừng tre nghiêng mình theo gió và màu đỏ trên mai rùa đã phá vỡ sự trống vắng, cô quạnh trong bức tranh chỉ đơn điệu hai mảng màu đen trắng.
Con rùa đỏ chính là hiện thân cho nét văn hóa Á Đông truyền thống, biểu tượng cho sự bền vững và lâu dài. Con rùa hóa thành cô gái với mái tóc đỏ rực rỡ; gam màu ấm nóng như thể hiện sự ấm áp, dịu dàng của người phụ nữ, đó là món quà mà thiên nhiên ban tặng để thắp sáng niềm hy vọng trong cuộc đời bất hạnh của chàng trai. Tại sao rùa đỏ lại phá tan chiếc bè của chàng thủy thủ? Tại sao rùa đỏ lại hóa thành cô gái và đến bên bầu bạn, trở thành tri kỷ với chàng? Vì rùa đỏ là thiên nhiên.
Thiên nhiên dữ dằn, thử thách con người để họ trưởng thành, mạnh mẽ hơn và dịu dàng, ban phát hạnh phúc khi nhận được yêu thương, sự đồng cảm và chia sẻ. Thiên nhiên luôn cho đi và nhận lại như quy luật của tạo hóa. Sau cơn bão giông, vạn vật sẽ hiền hòa trở lại và sự sống sẽ nảy mầm, khai sinh ra những niềm tin, hạnh phúc mới.
Chàng thủy thủ và "nàng tiên" rùa – Hình ảnh về tình yêu và hạnh phúc giản đơn trong mối quan hệ hài hòa giữa thiên nhiên và con người
Con rùa đỏ hóa thành "nàng tiên", gặp gỡ chàng trai và hai người cùng nhau chung sống, xây dựng nên một mái ấm hạnh phúc – có lẽ đây chính là cái đích duy nhất mà đời người hướng đến. Chúng ta sinh ra, lớn lên, đấu tranh với sự khắc nghiệt tàn nhẫn của xã hội, của đời thường cũng chỉ với mục đích là có được hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì? Là làm được những điều mình yêu thích? Là gặp gỡ người mình yêu thương, sống một cuộc đời an ổn, yên bình, hững hờ chờ đợi tháng ngày trôi đi?
Sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên qua mối tình đơn sơ mà hạnh phúc của chàng thủy thủ và nàng tiên rùa đã tạo nên một câu chuyện kỳ lạ. Sự liên kết đó khiến khán giả phải suy tư, ám ảnh bởi mong ước, cái đích đến cuối cùng của cuộc đời. Chúng ta sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi, lạc lõng giữa vũ trụ bao la, chúng ta luôn khao khát được yêu, được đồng cảm và có ai đó ở bên cạnh sẻ chia, giúp đỡ khi gặp khó khăn.
"Nàng tiên" rùa là thật hay chỉ là một ảo ảnh? Người xem trăn trở, băn khoăn tự hỏi về điều đó. Dù "nàng" là thật hay là ảo ảnh thì "nàng" chính là hy vọng, ước mơ để con người tin vào, tiếp thêm sức mạnh để tồn tại. "Nàng" tựa như một giấc mơ cổ tích, một phép nhiệm màu kỳ diệu cần cho cuộc sống lo toan, bộn bề những đau thương này.
80 phút của "The Red Turtle": Khoảng thời gian để chiêm nghiệm về con người, thiên nhiên, sự sống và thời gian
Với thời lượng 80 phút, The Red Turtle được đánh giá là "dài". Với một cốt truyện như vậy, việc tóm tắt trong một đoạn phim ngắn, súc tích có thể sẽ được tạo ấn tượng tốt hơn, giống như những tuyệt tác phim ngắn trước đó của Michael Dudok de Wit. Thế nhưng 80 phút trong phim chính là quãng đời của một con người, từ khi sinh ra trưởng thành, vấp ngã, vượt qua khó khăn, nếm trải hạnh phúc và khổ đau rồi chết đi. Đó là một vòng luân hồi của tự nhiên, lặp đi lặp lại và không bao giờ dừng lại. 80 phút ấy là đủ cho một đời người, đủ để khiến bất cứ ai thưởng thức bộ phim sẽ phải khắc khoải, trăn trở và suy nghĩ về sự sống của chính mình.
80 phút của The Red Turtle được dựng lên bằng sự nỗ lực, trí tưởng tượng và đam mê của những con người làm nghệ thuật trong vòng mười năm. Một tác phẩm điện ảnh nói về triết lý nhân sinh khi con người chung sống với thiên nhiên, được miêu tả bằng những thước phim thơ mộng và cảm động. Một chuyện tình huyền thoại được khắc họa từ những nét vẽ dung dị, giàu xúc cảm với nhịp phim nhẹ nhàng, lắng đọng trong không gian gắn kết vạn vật, tỏa sáng những sắc màu, âm thanh của tạo hóa.
Con người là sinh linh bé nhỏ trong vũ trụ bao la, huyền bí; chúng ta tồn tại và biến mất như quy luật sinh tồn của sự sống. Nhưng điều chúng ta làm, trí tưởng tượng và tình yêu ngự trị trong trái tim con người sẽ không bao giờ biến mất, những điều quý giá sẽ luôn bất diệt, sống mãi trong dòng chảy của thời gian. The Red Turtle cũng vậy, một tuyệt tác thì sẽ mãi ngự trị trong lòng khán giả nhờ những điều đẹp đẽ mà nghệ thuật mang đến cho thời đại hiện nay, khi mà đời sống tinh thần đang bị xâm chiếm bởi kỹ xảo và ngôn tình.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14