Sẵn sàng du học – Người viết bài này không nghĩ rằng ngôn ngữ và chữ viết quyết định sự hội nhập và thịnh vượng của một quốc gia.
LTS: Bàn về vấn đề đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam, nhà giáo Võ Xuân Quế đưa ra những phân tích để thấy rằng việc dùng một ngôn ngữ nào đó làm ngôn ngữ chính thức của quốc gia là một vấn đề hết sức hệ trọng, cần được nghiên cứu từ nhiều bình diện.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2018 diễn ra tại Đà Nẵng ngày 29/11/2018 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu:
“Để giải quyết câu chuyện toàn cầu, hiện vẫn còn điểm nghẽn là tiếng Anh. Xin Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của đất nước Việt Nam”.[1]
Sau khi ý kiến trên được đăng tải, một số người đã lên tiếng ủng hộ, trong đó có cả những người nghiên cứu ngôn ngữ, cho rằng “việc này trước sau gì cũng phải thực hiện.”[2]
Ý kiến trên không khỏi khiến người đọc có hai suy luận:
1. Nếu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ chính thức thứ hai thì Việt Nam sẽ hội nhập và phát triển?
Phải công nhận rằng, trên thế giới hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ được nhiều nước sử dụng làm ngôn ngữ chính thức nhất. Song có phải ngôn ngữ (ở đây là tiếng Anh) là yếu tố quyết định để một quốc gia hội nhập và phát triển hay không.
Trong tổng số 198 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới hiện nay, có 54 quốc gia có chủ quyền dùng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức và ngôn ngữ giảng dạy trong trường học.[3]
Trong số 54 quốc gia đó, châu Phi chiếm nhiều nhất (24), châu Úc và châu Đại dương (14), châu Mỹ (14), châu Á (4) và ít nhất là châu Âu (3).
Nhưng trên thực tế 24 nước châu Phi và nhiều nước châu Mỹ, châu Đại Dương dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức này không phát triển và thịnh vượng như các nước châu Âu, châu Á không dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. (xem bảng sau)
Trái lại không có nước nào trong số 24 quốc gia châu Phi kể trên lọt vào 50 quốc gia trong Danh sách quốc gia Thịnh vượng của Legatum Institute [4] hay Danh sách quốc gia Hạnh phúc của thế giới.[5]
Một số trong 24 quốc gia này còn nằm ở nhóm nước kém thịnh vượng nhất trong số 149 nước được khảo sát, chẳng hạn: Pakistan (136), Nigeria (129), Uganda (127), Sierra Leon (124) và Zimbabwe (118).
Và trong 10 nước đứng đầu danh sách thịnh vượng cũng chỉ có 4 nước dùng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức (New Zealand, Anh, Canada và Ireland).Mặt khác, trong 10 nước đứng đầu danh sách quốc gia hạnh phúc nói trên, chỉ 3 quốc gia có ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh (Canada, New Zealand và Australia).
Trong khi đó, các quốc gia Bắc Âu, Thụy Sĩ và Hà Lan có mặt trong cả hai danh sách không dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức.
Ý kiến trên khiến tôi nhớ đến quan điểm của Léon Vadermeersch mà trước đây giáo sư Cao Xuân Hạo từng dẫn lại:
“Sở dĩ các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hương Cảng, Đại Hàn, Singapore trở thành những con rồng được chính là vì họ vẫn dùng chữ Hán [6]. Chỉ còn một nước chưa thành rồng được: Việt Nam. Nước này đã bỏ mất chữ Hán.”.
Và giáo sư viết: “Dĩ nhiên, ta có thể không đồng ý với học giả này, nhưng khó lòng có thể nói rằng đó là một chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên.”[7]
Người viết bài này không nghĩ rằng ngôn ngữ và chữ viết quyết định sự hội nhập và thịnh vượng của một quốc gia.
Trong cuốn sách “Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty” (2012) các tác giả Daron Acemoglu và James Robinson đã chứng minh rằng các thể chế kinh tế và chính trị là tác nhân quan trọng nhất khiến các quốc gia trở nên giàu có hay nghèo đói.[8]
2. Việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam phải chăng chỉ cần “Thủ tướng công bố”?
Trước hết, không hiểu khái niệm “ngôn ngữ thứ 2” ở đây được người đề xuất cũng như những người ủng hộ hiểu như thế nào?
Theo cách hiểu phổ biến, ngôn ngữ chính thức là ngôn ngữ có địa vị pháp lý đặc biệt, được dùng trong các hoạt động nhà nước (hành chính, luật pháp, giáo dục…).
Ngôn ngữ chính thức thường được ghi trong hiến pháp hoặc luật ngôn ngữ của quốc gia.
Mặc dù cũng có trường hợp được mặc nhiên công nhận trên thực tế song không ghi trong hiến pháp và luật, như trường hợp tiếng Anh ở Mỹ, Anh và Australia.
Như vậy, nếu tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam, nó sẽ được sử dụng song hành cùng với tiếng Việt và Việt Nam sẽ là quốc gia song ngữ, như kiểu Phần Lan với tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển là hai ngôn ngữ chính thức, hay như một số quốc gia khác?
Trong lịch sử của mình, Việt Nam đã từng dùng ngôn ngữ (tiếng, chữ) Hán, Pháp như ngôn ngữ chính thức.
Sau năm 1945 “tiếng Việt vươn lên vị thế của ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức của Việt Nam.
Từ đây, tiếng Việt được sử dụng ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của người Việt Nam, từ công văn, giấy tờ hành chính ở trung ương và địa phương đến giáo dục, văn hóa và khoa học, từ công sở, trường học đến toà án, quân đội đều sử dụng tiếng Việt”.[9]
Và chúng ta từng tự hào rằng khác với nhiều nước thuộc địa ở châu Phi, sau khi giành được độc lập Việt Nam đã đưa tiếng Việt vào trong giáo dục từ cơ sở đến đại học thay cho tiếng Pháp.
Cách đây 5 năm, Hiến pháp sửa đổi của nước ta có ghi ở Điều 5, điểm 3 rằng “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình.”[10]
Việc lấy một ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của người dân trong nước làm ngôn ngữ chính thức thường chỉ xảy ra trước đây, khi các quốc gia vừa thoát khỏi chế độ thuộc địa, nếu không cũng gắn với vấn đề chính trị như trường hợp Đài Loan hiện nay.
Thực hiện chính sách song ngữ trong một quốc gia không hề đơn giản và hết sức tốn kém, ngay cả với các nước nhỏ mà ngôn ngữ chính thức là tiếng mẹ đẻ của người dân trong nước như trường hợp Phần Lan.
Vì vậy, để đưa một ngôn ngữ nào đó thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia không chỉ một ai đó quyết định được, mà cần phải có sự nghiên cứu khảo sát của các cơ quan chuyên môn và cuối cùng phải được sự chuẩn y của cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội, như giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có nói.
Tuy nhiên, hình như giáo sư Thuyết lại coi tiếng Anh là ngoại ngữ khi nói rằng: “bởi việc học ngoại ngữ phải được các em học sinh, sinh viên chủ động tiếp cận, thầy cô giáo chỉ có vai trò hướng dẫn những bước cơ bản” (xem chú thích 2).
Tác giả trong bài viết ở chú thích này còn viết: “Chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương bổ sung thêm vai trò quan trọng của ngoại ngữ, đó là không chỉ tiếng Anh, trẻ có thể học nhiều thứ tiếng khác nữa như Ý, Pháp, Tây Ban Nha…”.
Hai năm trước đây, có người đã kêu gọi “cần chấm dứt tình trạng đơn ngữ ở Việt Nam” và đề xuất chính sách tam ngữ Việt-Anh-Hán. [11]
Ông viết “Nếu như, Việt Nam có một chính sách tam ngữ, thì văn hóa xã hội Việt Nam sẽ có một đời sống mới. Bởi, tăng cường ngôn ngữ toàn dân là nâng cao sức kháng thể, sức tự cường của toàn dân tộc”.
Tôi không hiểu lô-gic của hai câu trong đoạn trích này là gì?
Ông còn viết thêm “cần chấm dứt càng sớm càng tốt tình trạng đơn ngữ ở Việt Nam. Điều đó có nghĩa là bên cạnh tiếng mẹ đẻ, người Việt buộc phải biết sử dụng ít nhất một ngoại ngữ đủ để sử dụng trong đời sống xã hội và giao tiếp với thế giới.”
Khái niệm “ngoại ngữ” mà tác giả muốn nói đến ở đây chắc là tiếng Anh và tiếng Trung!
Như vậy có thể thấy các tác giả được dẫn ở trên đã mâu thuẫn, nhầm lẫn giữa ngôn ngữ chính thức và ngoại ngữ, đúng như hai tác giả của bài viết “Chúng ta đang nhầm lẫn giữa ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ” [12] đã nêu ra.
Tóm lại, việc dùng một ngôn ngữ nào đó làm ngôn ngữ chính thức của quốc gia là một vấn đề hết sức hệ trọng, cần được nghiên cứu từ nhiều bình diện, trong đó cần có ý kiến của các nhà ngôn ngữ học, nhất là những người nghiên cứu chính sách ngôn ngữ.
Theo thiển ý của mình, tôi nghĩ ở Việt Nam chỉ cần một ngôn ngữ chính thức là tiếng Việt, “ngôn ngữ quốc gia” và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số khác cũng được khuyến khích và tạo điều kiện sử dụng, như được ghi trong Hiến pháp.
Còn các ngôn ngữ (nước ngoài) khác chỉ được coi là ngoại ngữ. Vấn đề là cần dạy và học ngoại ngữ như thế nào để người dân biết sử dụng tốt chúng, nhất là tiếng Anh, trong thời đại ngày nay.
Đây là vấn đề cốt yếu mà một số quốc gia trên thế giới đã làm tốt, nhất là các nước Bắc Âu, song bài này không đề cập đến.
Tài liệu tham khảo:
- [1] https://vov.vn/xa-hoi/de-nghi-thu-tuong-som-cong-nhan-tieng-anh-la-ngon-ngu-thu-2-845260.vov
- [2]https://vtc.vn/de-xuat-tieng-anh-la-ngon-ngu-thu-hai-gs-nguyen-minh-thuyet-viec-nay-truoc-sau-cung-phai-thuc-hien-d442568.html?fbclid=IwAR1y_UhWPr7XMzYi0g4hL2_o_XggbiVrhZNP1ag5GQiF5_jcWiynV_5jUf0149826.htm
- [3] https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_territorial_entities_where_English_is_an_official_language
- [4] https://www.prosperity.com/rankings
- [5] https://www.weforum.org/agenda/2018/03/these-are-the-happiest-countries-in-the-world/
- [6] Ở đây có sự nhầm lẫn khi coi chữ viết ghi âm Hangul của Hàn Quốc cùng loại hình với chữ Hán, chữ Nhật.
- [7] Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt, Văn Việt và người Việt, Nhà xuất bản Trẻ (in lần thứ 3) 2003, tr.102
- [8] https://tuoitre.vn/tai-sao-cac-quoc-gia-that-bai-549967.htm
- [9] http://ngonngu.net/index.php?m=print&p=172
- [10] https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/toan-van-hien-phap-nuoc-chxhcn-viet-nam-201311281149826.htm
- [11] http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Can-som-cham-dut-tinh-trang-don-ngu-o-Viet-Nam-9999)
- [12]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chung-ta-dang-nham-lan-giua-ngon-ngu-thu-2-va-ngoai-ngu-post193572.gd
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Giáo Dục