Sẵn sàng du học – Văn Đinh Hồng Vũ (SN 1983) từng là người châu Á đầu tiên làm trợ lý tổng giám đốc của Maersk – tập đoàn vận tải và năng lượng có chi nhánh ở 136 quốc gia với 89 nghìn nhân viên.
Hồng Vũ cũng là trưởng dự án cấp cao cho Booz & Company – một trong bốn tập đoàn tư vấn đứng đầu nước Mỹ.
Đều là vị trí triệu người mơ, nhưng Vũ từ bỏ đi tìm đam mê, rồi khởi nghiệp để bây giờ cộng đồng khởi nghiệp và làng công nghệ thế giới biết đến ELSA.
Lớn lên trong gia đình có niềm tin mạnh mẽ giáo dục thay đổi tương lai cuộc sống mỗi người, Văn Đinh Hồng Vũ sớm ảnh hưởng.
Không chỉ xây dựng thành tích học tập “khủng” khi là nữ sinh ĐH Ngoại thương TP.HCM sử dụng thành thạo ba ngoại ngữ và liên tục tham gia Hội nghị Liên Hợp Quốc (Australia), Diễn đàn sinh viên kinh tế thế giới (Đức)…, niềm tin giáo dục thay đổi tương lai và thực hiện cải tiến giáo dục trở thành niềm đam mê cho Vũ xây dựng thương hiệu hiện nay.
Để "vẽ" hành trình đam mê đích thực, Vũ mất nhiều thời gian và dũng cảm từ bỏ sự nghiệp “trải đầy hoa hồng” tại các tập đoàn nổi danh trên thế giới, rẽ sang lối gập ghềnh chông gai.
Sau ba năm làm việc ở Đan Mạch, cô rời Maersk – tập đoàn vận tải và năng lượng có chi nhánh trải khắp 136 quốc gia với 89 nghìn nhân viên, dù đảm trách vị trí trợ lý Tổng giám đốc và có cơ hội ở những vị trí quan trọng khác.
Cố gắng làm việc cho những nấc thang thăng tiến không phải là hạnh phúc và thử thách trải nghiệm cô kiếm tìm.
“Lúc đó, tôi không biết niềm đam mê của mình là gì, nhưng tôi biết nếu tiếp tục ở lại Maersk sẽ quá thoải mái với bản thân và sẽ từ bỏ việc kiếm tìm đam mê thực sự trong cuộc sống”, Vũ nói.
Vũ chuyển đến Mỹ, tham gia chương trình MBA hai năm tại Stanford và theo học cao học ngành Quản trị kinh doanh. Cô vẫn luôn tự hỏi "điều gì thực sự quan trọng với bản thân", "thế nào tìm thấy sự can đảo theo đuổi đam mê”…
“Tôi nhận thấy chính cơ hội thụ hưởng nền giáo dục đẳng cấp tại Stanford đã thay đổi cuộc sống của bản thân và ước mơ đưa một phần hệ thống giáo dục tiên tiến trở về quê hương được đánh thức", Vũ bộc bạch.
Cô quyết tâm lấy bằng thạc sĩ giáo dục tại Trường Giáo dục Stanford để tiếp cận các tư tưởng giáo dục, triết lý giáo dục và có thể học hỏi các nhà giáo dục và giáo sư trong ngành.
Cũng chính đam mê cải tiến giáo dục đã thôi thúc Vũ rời vị trí trưởng dự án cấp cao cho Booz & Company – một trong bốn tập đoàn tư vấn đứng đầu nước Mỹ để khởi nghiệp với ứng dụng học nói tiếng Anh chuẩn bản xứ với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) Elsa.
Vũ kể ý tưởng này ấp ủ trong thời gian dài từ thực tế phát âm tiếng Anh không tốt của cô và nhiều du học sinh khác tại Mỹ. May mắn, cô nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của người bạn Mỹ chỉnh sửa chi li cách phát âm liên tục 6 tháng.
“Nhờ vậy, tôi nói tốt lên và dần trở tự nhiên khi giao tiếp tiếng Anh như khi giao tiếp tiếng Việt. Tôi mong muốn mọi người đều có người bạn nhiệt tình như tôi đã có. Sử dụng công nghệ để đưa ra những hỗ trợ tương tự như chuyên gia là điều phù hợp”.
Vũ quan sát công nghệ nhận diện giọng nói đã ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới, nhưng chưa ai ứng dụng vào việc dạy ngoại ngữ.
“Nếu làm được chuyện này thì tầm ảnh hưởng sẽ rất lớn cho cộng đồng người học tiếng Anh trên thế giới, là lý do tôi bắt tay nghiên cứu công nghệ này và xây dựng ELSA”, Vũ bộc bạch.
Giá trị niềm tin sáng tạo
Bắt tay làm Elsa với Vũ – người làm về giáo dục "như mò kim đáy bể", từ việc kiếm tìm và thuyết phục các chuyên gia công nghệ đồng hành, tư vấn. Nhân tài trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và nhận diện giọng nói như “lá mùa thu”, rất khan hiếm lại chỉ có một số “người khổng lồ” như Microsoft, Google, Apple mới đủ nguồn lực chiêu mộ.
Vũ cho hay chuyên gia hàng đầu về công nghệ nhận diện giọng nói được cô gọi là “thầy” từ chối lời mời của các tập đoàn lớn lại đồng hành với Elsa vì “lúc đó thầy thấy em rất tuyệt vọng, cần được giúp đỡ”.
Thêm nữa, lĩnh vực nhận diện giọng nói vốn là mảnh đất những “người khổng lồ” đã mất gần chục năm nghiên cứu, phát triển các công nghệ.
“Tôi không thể bắt đầu từ con số 0 và bỏ từng ấy thời gian để tạo ra một sản phẩm chỉ làm tốt hơn những cái hiện có, nhất là khi đội ngũ nhỏ thiếu nhân lực, chi phí. Phải làm một sản phẩm sáng tạo thật sự, khác với những cách thông thường, trong thời gian ngắn hơn, khoảng 3 năm”, Vũ quả quyết.
Thời gian đầu, Vũ sử dụng thành quả công nghệ đã có bằng cách sử dụng API của Google để phát triển ELSA. Công nghệ nhận diện giọng nói của Google lại chấp nhận độ sai số rất lớn, nghĩa là người nói sai thì công nghệ vẫn hiểu và thực hiện mệnh lệnh, rất thuận lợi cho cuộc sống, nhưng trở ngại cho việc học ngôn ngữ.
Vũ cho biết điều duy nhất Elsa sử dụng là khả năng nhận diện các từ mà bạn nói “không giống” với tiếng Anh bản xứ. Đồng thời, đội ngũ Elsa phải xây dựng lại thuật toán mới hoàn toàn, thu thập rất nhiều dữ liệu để tạo ra khả năng độc quyền là nhận diện lỗi sai và hướng dẫn sửa từng âm tiết của ELSA hiện nay.
“Khó khăn rất nhiều, biết bao lần thay đổi chỉnh sửa, cập nhật rồi lại thay đổi, đôi lúc nản nhưng bỏ cuộc thì không. Tôi và các cộng sự luôn tin rằng sản phẩm của mình sẽ được đón nhận rộng rãi”, Vũ chia sẻ.
Gọi thành công 12 triệu USD vốn đầu tư
Co-founder & CEO của Elsa Văn Đinh Hồng Vũ khẳng định: “Các nhà đầu tư trên thế giới, đặc biệt ở thung lũng Silicon có rất nhiều tiền và liên tục kiếm tìm những ý tưởng cùng những đội ngũ tuyệt vời để đầu tư. Thách thức không ở việc tiếp cận tiền mà cần chứng minh cho nhà đầu tư thấy ý tưởng, sản phẩm của đội là phù hợp”.
Ngay từ những ngày đầu, Vũ và Elsa đã thu hút được các nhà đầu tư bằng sản phẩm có công nghệ độc đáo, giải quyết thách thức trong thị rộng lớn với hơn 1,5 tỷ người học ngôn ngữ, cùng đội ngũ tốt.
Mới đây, Elsa đã “lọt vào mắt xanh” Gradient Ventures – quỹ mạo hiểm chuyên đầu tư vào Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) của Google và gọi thành công 7 triệu USDvốn đầu tư trong vòng Series A tại Silicon Valley.
“ELSA mang đến giải pháp học ngôn ngữ vui nhộn, hiệu quả cho nhu cầu học tiếng Anh trên toàn cầu. Giải pháp này mang tới một sự khác biệt trong cuộc sống và công việc của người học, để họ tự tin nắm bắt những cơ hội tốt hơn.
Chúng tôi rất ấn tượng với công nghệ và đội ngũ này, đặc biệt với sự phát triển nhanh chóng của họ trong thời gian vừa qua, và háo hức đón chờ những thành công tiếp theo của ELSA”, ông Zachary Bratun-Glennon, Partner tại Gradient Ventures, chia sẻ.
Bên cạnh đó, Monk’s Hill Ventures và SOSV, các quỹ đầu tư chiến lược của ELSA từ vòng trước cũng tiếp tục rót vốn đầu tư trong vòng này, khẳng định sự công nhận về công nghệ, đội ngũ, và niềm tin vào tiềm năng trở thành “Kỳ Lân” của ELSA. Đến nay, ELSA đã gọi vốn thành công 12 triệu đô la Mỹ thông qua các lần gọi vốn tại Silicon Valley và châu Á.
Hiện tại, Elsa Speak là ứng dụng gần như duy nhất, chuyên cho việc học phát âm. Với công nghệ ngày càng tiên tiến và dữ liệu phát âm của người dùng ngày càng lớn, khả năng nhận diện giọng nói và phát hiện lỗi sai của Elsa ngày càng chuẩn xác hơn.
Văn Đinh Hồng Vũ cho biết Elsa đã đạt tăng trưởng bùng nổ trong năm 2018 với lượng học viên tăng 350% so với năm 2017. Dòng vốn mới sẽ tiếp tục chiêu mộ các kỹ sư và nhà khoa học máy tính trong lĩnh vực AI; khai phá thêm nhiều thị trường mới như Nhật Bản, Indonesia và Ấn Độ.
Cuối năm 2019, Elsa sẽ giới thiệu các tính năng mới, thúc đẩy việc học tập theo cộng đồng và xây dựng các tính năng trí tuệ nhân tạo tiên tiến hơn, để đánh giá và luyện các yếu tố nói khác như nhịp điệu (rhythm) và ngữ điệu nói (intonation), giúp toàn diện hơn phần nói của người học.
Hướng về Việt Nam
Trên hành trình đam mê của mình, Văn Đinh Hồng Vũ còn có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về quê hương. Vũ chia sẻ một trong những động lực lớn nhất khi xây dựng ELSA là giúp người Việt Nam nói tiếng Anh lưu loát và tự tin, và mở ra những cơ hội mới trong cuộc đời.
Elsa đã phát động chương trình “Thầy cô Việt dạy tiếng Anh hay” để giúp người Việt nâng cao trình độ tiếng Anh ngay từ trong trường học. Chương trình đã tài trợ các tài khoản Elsa Pro cho giáo viên tiếng Anh trên cả nước và cho ra đời chức năng Teacher Dashboard (Bảng quản lý lớp học) giúp các giáo viên theo dõi tự động tiến độ và kết quả của học sinh.
Vũ chia sẻ đến nay, Việt Nam vẫn là thị trường phát triển nhanh nhất của Elsa. Cụ thể, Elsa đã tăng trưởng kinh doanh 400% tại Việt Nam trong năm 2018 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng cao vào năm 2019.
Cùng việc phát triển giao diện thân thiện, nội dung cập nhật với các chủ đề thiết thực đời sống hàng ngày, Elsa đã phát triển thêm nhiều tính năng. Trong đó, Elsa mới đưa thêm tính năng dịch nghĩa tiếng Việt cho người dùng Việt tiện sử dụng.
Trước khi xây dựng được Elsa, Văn Đinh Hồng Vũ đã thành lập Quỹ Vietseeds “chắp cánh” ước mơ cho học sinh nghèo Việt Nam vào đại học, như cách đền đáp và lan toả sự tử tế cô nhận được từ những ngày mới nhập học Đại học Stanford từ một cựu sinh viên người Việt khác.
Đến nay, Vietseeds đã hoạt động được 8 năm và hỗ trợ tiền học, một phần chi phí sinh hoạt cho hơn 350 trường hợp. Với Vũ, thành tựu lớn nhất của quỹ là các bạn trẻ nhận được học bổng đều đạt được kết quả học tập tốt. Nhiều bạn có kết quả đứng đầu khoa, xin được học bổng đi du học nước ngoài và gặt hái một số phần thưởng trong nước, quốc tế.
Bên cạnh việc trao học bổng hỗ trợ tài chính cho các em, Vietseeds còn tổ chức các khoá kỹ năng mềm, có giáo viên hướng dẫn các bạn để giúp các bạn nâng cao kỹ năng của mình.
Văn Đinh Hồng Vũ và Elsa được Forbes nhắc đến trong danh sách 4 công ty sử dụng Trí tuệ nhân tạo thay đổi thế giới, và lọt vào top 5 các ứng dụng A.I hàng đầu hiện nay sánh hàng cùng với Cortana của Microsoft và Google Allo của Google.
Với những thành tích nổi bật, Vũ đã vinh dự trở thành một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018.
Thái Hải (SSDH) – Theo Zing News