10 bước chuẩn bị khi du học

0

Sẵn sàng du học – Ngoài chuẩn bị tài chính và lên lịch trình, du học sinh cần bảo vệ giấy tờ quan trọng, liên lạc trước với chủ nhà tương lai để du học an toàn.

ssdh-sinh-vien4

1. Chuẩn bị tài chính thật kỹ

Hãy chắc chắn là bạn đã tính toán kỹ các khoản chi phí phải trả trong thời gian du học. Chi phí này bao gồm cả những khoản có thể dự tính trước, như học phí, tiền sinh hoạt, tiền thuê nhà, tiền bảo hiểm… cho đến chi phí phát sinh, từ tiền khám bệnh khi ốm cho đến các thủ tục giấy tờ nếu có vấn đề về thị thực. Thường thì du học sinh sẽ phải trả nhiều tiền hơn đáng kể so với dự tính ban đầu. 

Bởi vậy hãy luôn chắc chắn bạn có khoản tiền đủ cho tối thiểu một vài tháng và tìm hiểu cách để gia đình gửi tiền sang hỗ trợ khi cần thiết. Việc gửi tiền quốc tế cũng sẽ yêu cầu một số thủ tục từ ngân hàng, du học sinh cùng gia đình nên chuẩn bị trước giấy tờ cần thiết. 

2. Chuẩn bị lịch trình

Mỗi du học sinh sẽ phải di chuyển bằng nhiều phương tiện, từ nhà đến sân bay, từ sân bay đến ký túc xá ở nước ngoài và ngược lại. Mỗi lượt như vậy đều cần tìm hiểu trước và ghi rõ lịch trình để tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí. 

Đặc biệt hơn, học sinh cũng nên lưu ý các địa chỉ liên lạc quan trọng như công an, đại sứ quán hay văn phòng trường để đề phòng trường hợp khẩn cấp như lạc đường, hay gặp tai nạn trong khi di chuyển.

3. Lựa chọn bảo hiểm

Tất cả du học sinh đều cần có bảo hiểm y tế khi du học. Nếu trường đại học của bạn hỗ trợ đăng ký bảo hiểm hay bạn đến một đất nước có bảo hiểm toàn dân, mọi chuyện sẽ vô cùng đơn giản. Trong trường hợp ngược lại, bạn phải tìm hiểu kỹ về bảo hiểm y tế trước khi xuất cảnh. 

Những yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn bảo hiểm gồm có chất lượng (bảo hiểm sẽ chi trả cho trường hợp nào, thời gian trung bình là bao lâu, đánh giá của những người từng sử dụng bảo hiểm đó thế nào…) và chi phí (bảo hiểm sẽ thu bao nhiêu tiền một tháng/năm, yêu cầu đóng tiền trước hay theo tháng).

4. Bảo vệ giấy tờ quan trọng

Du học sinh cần chuẩn bị đầy đủ tất cả giấy tờ quan trọng, ví dụ hộ chiếu, bảo hiểm, thẻ tín dụng và bản sao điện tử của tất cả giấy tờ này trước khi du học. Bản gốc và bản sao của giấy tờ nên được cất giữ ở những nơi khác nhau. 

Đồng thời, bạn nên chuẩn bị một bản sao giấy tờ gửi gia đình ở nhà trước, trong trường hợp có vấn đề phát sinh. 

5. Nghiên cứu thật kỹ về nơi bạn sẽ đến học

Việc nghiên cứu về nơi bạn sẽ đến học vừa là công việc tốn sức nhưng cũng là một trong những trải nghiệm thú vị nhất trong quá trình chuẩn bị trước khi đi học. Ngoài việc đọc trước một chút về lịch sử thành phố, về trường đại học sắp tới, bạn cũng có thể tìm hiểu một vài thứ thú vị hơn như quán cafe, nhà hàng gần trường đại học, hay hoạt động văn hóa, giải trí.

Đừng quên tìm hiểu một chút về các từ đơn giản của ngôn ngữ bản địa ở nơi bạn đến. Việc bạn có thể chào, hay nói cảm ơn bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của ai đó rất quan trọng trong quá trình kết bạn.

6. Chuẩn bị hành lý

Đầu tiên, bạn nên tìm hiểu trước kích thước, trọng lượng hành lý mà vé máy bay cho phép. Từ đó, bạn có thể suy nghĩ về việc bạn muốn mang gì khi du học.

Với những chuyến đi ngắn ngày, bạn chỉ nên mang gọn nhẹ đủ quần áo và đồ sinh hoạt cá nhân. Ngược lại, với chuyến đi dài ngày, bạn có thể cân nhắc mang những đồ đạc lưu niệm có ý nghĩa với bản thân, hay một vài quyển sách yêu thích.

Trước khi đóng hành lý, bạn cũng nên tham khảo vài cách giúp hành lý gọn gàng hơn, cách để đồ đạc không bị hỏng trong quá trình vận chuyển. Cuối cùng, trước khi đem ra sân bay, bạn nên đánh dấu hành lý bằng một bảng tên để dễ phân biệt. 

8. Chuẩn bị thuốc thang

Nếu bạn đang điều trị bệnh hay sử dụng kính áp tròng, nên chuẩn bị trước một lượng thuốc đầy đủ cho suốt chuyến du học của bạn. Trường hợp đi dài ngày, bạn cũng nên tìm hiểu cách để có thể mua thêm các loại thuốc hoặc sản phẩm y tế cần thiết ở đất nước sắp tới. 

9. Chuẩn bị thiết bị liên lạc

Du học sinh cần tìm hiểu phương thức giúp liên lạc khi đến một đất nước mới. Một số nước sẽ cho phép bạn mua sim điện thoại du lịch ở sân bay, trong khi một số nước sẽ không cung cấp sim  cho khách du lịch ngắn ngày.

Một giải pháp có thể là sử dụng chế độ roaming điện thoại của bạn từ nhà mạng ở quê nhà. Tuy nhiên, đây là giải pháp tương đối tốn kém, chỉ nên sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Du học sinh cũng nên lưu ý ở một số đất nước sẽ không có wifi miễn phí nơi công cộng. Điều này khiến nhu cầu sử dụng điện thoại cá nhân lớn hơn rất nhiều so với một số đất nước khác.

10. Liên lạc với chủ nhà tương lai

Trường hợp bạn là du học sinh tuổi vị thành niên, nhiều khả năng trường sẽ xếp cho bạn ở cùng với một gia đình bản xứ (host). Khi đó, bạn nên liên lạc với gia đình host trước khi đi, qua email hay điện thoại, để giới thiệu bản thân cũng như tìm hiểu thêm về gia đình mới trong thời gian du học.

Khi đến nơi, bạn cũng nên mang theo món quà nhỏ từ quê nhà để tặng gia đình host. Món quả có thể không có nhiều ý nghĩa vật chất, nhưng sẽ thể hiện sự quan tâm của bạn, cũng như gây ấn tượng tốt với gia đình mới của mình.

Nếu ở ký túc, hay thuê nhà riêng, việc liên lạc sớm trước khi bay cũng giúp bạn hạn chế những vấn đề phát sinh và có nhiều thời gian hơn để xử lý thủ tục. Một món quà nhỏ cũng sẽ có tác dụng tương tự, để lại thiện cảm với những người xung quanh. 

 Theo Vnexpress

Share.

Leave A Reply