SSDH – Hàng năm các trường đại học thường đưa ra các kì trao học bổng nhằm hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Với các bạn du học sinh thì đây là cơ hội tốt để có thêm một khoản tiền hỗ trợ việc ăn học của mình tại nước ngoài.
Dưới đây là cách thức soạn thảo một lá thư xin học bổng hỗ trợ tài chính mà các bạn du học sinh nên tham khảo.
1. Hệ thống các thông tin chi tiết cần có về học bổng mà bạn đang nhắm tới: Những thông tin này rất đầy đủ trong các thông báo của nhà trường.
2. Vạch ra dàn bài và viết nháp: Bạn cần có một bố cục thư hợp lý với phần mở bài nhất quán với những đoạn còn lại.
3. Tập trung nêu bật các mục tiêu học tập và sự nghiệp hiện tại của bản thân ngay trong đoạn đầu: Hãy viết vắn tắt về các mối quan tâm trong lĩnh vực hiện tại bạn đang học tập và lý do tại sao bạn cần tiếp tục chương trình học này.
4. Đưa ra các hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt cộng đồng và các thành tích đạt được nhằm minh hoạ cho các thế mạnh và khả năng lãnh đạo của bạn, bao gồm cả các thành tích học tập như thủ khoa toàn khoá, chủ tịch câu lạc bộ sinh viên hoặc tốt nghiệp loại xuất sắc.
5. Nêu các lý do xin học bổng trong đoạn 3: Đi trực tiếp vào vấn đề và đưa ra các lý do tại sao bạn xứng đáng được nhận học bổng này. Hãy chú trọng vào việc bạn sẽ sử dụng món tiền như thế nào nếu được nhận học bổng chứ không phải lý do bạn cần tiền (để chi trả tiền thuê nhà, mua sách và dụng cụ học tập, học gia sư….)
6. Chứng minh bạn xứng đáng được nhận học bổng và sẽ sử dụng số tiền đó một cách thông minh: Hãy nhắc lại các mục tiêu học tập và sự nghiệp của bản thân và việc món tiền học bổng đó sẽ giúp bạn đạt được những mục tiêu trên. Nhấn mạnh các khả năng và thế mạnh bạn có trong học tập.
7. Trình bày nguyện vọng được nhận học bổng một lần nữa ở đoạn cuối. Lưu ý không nên lặp từ.
8. Nhấn mạnh rằng bạn là một ứng viên xứng đáng. Hãy chỉ cho họ thấy việc trao học bổng cho bạn là một khoản đầu tư xứng đáng ở cuối thư.
9. Trình bày thư trong khoảng 1 – 2 trang giấy: sử dụng cỡ chữ 12, cách dòng đơn và cách đoạn đôi. Dùng giấy chất lượng tốt để viết thư nếu bạn muốn gửi thư qua đường bưu điện.
10. Đọc, rà soát thư thật nhiều lần để tìm lỗi đánh máy, lỗi trình bày và cấu trúc thư. Hãy lưu ý cả cách dùng dấu câu. Hãy chỉnh sửa thật cẩn thận sao cho bức thư hoàn thiện nhất có thể.
Phạm Huyền (SSDH) – Theo WikiHow