SSDH – Sốc văn hóa là gì? Vâng, đó là chính là sự pha trộn cảm xúc. Cảm giác mất mát, rối loạn, căng thẳng, lo lắng và bất lực do những thách thức từ môi trường văn hóa mới xung quanh và sự thiếu hụt của môi trường văn hóa quen thuộc.
Ảnh minh họa
Một số dấu hiệu của sốc văn hóa bao gồm:
- Bị cô lập, một mình, không thể kết bạn
- Không thể ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Cảm thấy phiền với mọi thứ và giận dữ, đặc biệt là người và văn hóa địa phương
- Thường bị đau cổ, vai, đau bao tử
- Không thể tập trung học hành
Đừng lo, đó chỉ là triệu chứng bình thường của việc đi từ nước này qua một nước khác. Hãy theo những chỉ dẫn dưới đây để đối phó với bênh này nhé.
1. Tìm một người thông thạo
Đây là mấu chốt sống còn để tồn tại ở một nền văn hóa khác, đặc biệt nếu người đó trở thành bạn thân lại càng tốt. Người thông thạo mọi thứ có thể giải thích những điều bạn không hiểu. Người đó giống như là một cuốn từ điển địa phương sống và cực kỳ quan trọng.
2. Tìm một người đồng hương
Thật tốt khi có ai đó đã từng trải qua những điều bạn đang phải đối mặt. Họ có thể giúp bạn một vài kinh nghiệm, cũng như chia sẻ khi bạn cần.
3. Tham gia các chương trình hướng dẫn của trường đại học
Làm quen với môi trường đại học, thành phố, đất nước nơi bạn đến sẽ rất hữu ích. Thường có những sự kiện xã hội được tổ chức riêng cho sinh viên quốc tế và đây chính là dịp tốt để bạn tìm kiếm những người ở mục 1 và 2.
4. Khám phá nền văn hóa mới mỗi ngày
Đừng chỉ chăm chăm đến những điều bi quan; hãy cố gắng tìm kiếm những điều tốt đẹp ở quanh bạn. Hãy nhớ là bạn sẽ nhớ nơi đó rất nhiều khi phải về nhà, thế nên hãy cố gắng tận hưởng những lễ hội, các món ăn đặc sản, vẻ đẹp thơ mộng của địa phương.
5. Tận hưởng việc tham quan đó đây
Dành thời gian để có những chuyến đi phượt thú vị. Ra ngoài và trải nghiệm những điều khó thấy khi mình ru rú trong phòng trọ.
6. Làm những điều quen thuộc
Học cách làm món ăn yêu thích và làm thường xuyên. Xem những bộ phim “tủ”; nghe những bài hát quen thuộc; tìm vài người để cùng đón tết âm lịch, trung thu ở nước ngoài.
7. Tập đi bộ
Vận động thường xuyên sẽ giúp tâm hồn bạn thư giãn, bớt cáu gắt và ít bị đau vặt hơn. Mỗi phút đi bộ sẽ làm bạn phát hiện thêm vài điều thú vị trong cuộc sống, chỗ bán thức ăn ngon hay trạm dừng xe buýt…
8. Viết nhật ký hay blog cá nhân
Không đâu có thể bày tỏ nỗi lòng hay như những trang bút ký. Sẽ không ai nhìn thấy ngoài bạn; bạn cũng có thể tự nhìn lại đoạn đường đã đi; cũng như những kinh nghiệm để sau này giúp đỡ các bạn mới sang kkhác.
9. Nhờ gửi một ít hương vị quê nhà
Có những món ăn hay quà vặt như sấu, tôm khô, cơm cháy khi sang Tây, Tàu bạn sẽ không thể tìm được. Hãy nhờ gia đình, bạn bè gửi sang; dù chỉ là một ít thôi nhưng cũng khiến bạn ấm lòng rất nhiều.
10. Dành thời gian tìm hiểu
Nếu bạn chưa tường tận về vùng đất mới; giờ hãy lên web, mua sách, xem phim địa phương, thậm chí là học ngôn ngữ. Lưu ý đối với ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, có thể sẽ khó trong thời gian đầu và nhiều khi mất 2 năm lạc lối.
Nguồn: Báo du học