SSDH – Theo báo cáo mới nhất cùng về cuộc điều tra của Ủy ban thường trực liên tịch Di trú, Chính phủ Australia cân nhắc việc thay đổi điều kiện việc làm sau tốt nghiệp cho những sinh viên thiếu kĩ năng tại các khóa đào tạo nghề hoặc top 10% sinh viên xuất sắc toàn quốc đạt hạng First Class Honors.
Bản báo cáo đã đưa ra những khuyến nghị dưới đây:
Yêu cầu về kinh nghiệm làm việc đối với sinh viên tốt nghiệp nên được giảm từ 3 năm xuống còn 2 năm theo diện visa 186 (Employer Nomination Scheme – Định cư Úc diện tay nghề Doanh nghiệp chỉ định). Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ tiếng Anh đạt chuẩn cũng nên được cân nhắc điều tương tự để bù đắp cho lực lượng lao động thiếu tay nghề của đất nước.
Bộ Nội vụ nên thay đổi “điều kiện thị thực theo dòng ngắn hạn của visa TSS – Temporary Skills Shortage”, cung cấp thêm các phương thức khác giúp cho những người nhập cư tạm thời trở thành công dân vĩnh viễn. Ngoài ra, “mọi visa do doanh nghiệp chỉ định cần cung cấp thêm lựa chọn để trở thành công dân vĩnh viễn”.
Bản báo cáo xuất hiện vào thời điểm Australia đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về lực lượng lao động có tay nghề ở nhiều lĩnh vực. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái, Australia đã mất hơn nửa triệu dân cư trú tạm thời.
[Tham khảo: Australia tái mở cửa các chương trình định cư năm 2021-2022]
Phil Honeywood, giám đốc điều hành Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Australia đã rất hoan nghênh “những phát hiện được nhiều bên thừa nhận của Ủy ban thường trực liên tịch Di trú”.
Ông giải thích: “Australia trước nay luôn phụ thuộc vào chương trình di trú để lấp đầy khoảng trống về sự thiếu hụt kĩ năng cũng như đảm bảo sự đa dạng văn hóa trong cộng đồng. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, các chính sách đóng cửa Fortress Australia hiện đang làm giảm khả năng cạnh tranh của chúng ta so với các nước cũng phụ thuộc nhiều vào chương trình định cư diện tay nghề. Chúng ta đã chứng kiến tổng thống Biden cung cấp các phương thức xử lý nhanh vấn đề nhập cư cho sinh viên nước ngoài đăng ký khóa học liên quan đến STEM tại các trường đại học Mỹ”.
“Báo cáo của Ủy ban thường trực đã đề xuất một con đường ngắn hơn giúp cho các sinh viên tốt nghiệp người nước ngoài có đủ điều kiện xin visa diện tay nghề; điều này khiến cho Australia trở thành địa điểm du học thu hút hơn đối với sinh viên quốc tế. Tương tự, Ủy ban cũng đã đúng khi xác định sự cần thiết của việc miễn lệ phí visa và mở rộng khung thời gian làm việc cho những sinh viên tốt nghiệp hiện không thể trở lại Australia để hưởng nốt quyền lợi của mình,” ông cho biết.
Chủ tịch Ủy ban – nghị sĩ Julian Leeser cho rằng “sự thiếu hụt lực lượng lao động nhập cư có tay nghề cùng với tỉ lệ thất nghiệp kỉ lục đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt kĩ năng nghiêm trọng ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Australia”.
[Tham khảo: Tại sao du học trở thành đường dễ dàng định cư?]
Ngoài ra, chính phủ cũng nên cân nhắc gia hạn thị thực dài hơn 3 năm nhằm giúp sinh viên tốt nghiệp tìm được công việc phù hợp và phát triển “kế hoạch lực lượng lao động trong nước năng động”.
“Hội đồng Kĩ năng nghề Quốc gia nên phát triển một hệ thống nhận biết nghề nghiệp và kĩ năng cho chương trình định cư diện tay nghề sau khi tham vấn các ngành công nghiệp để thay thế ANZSCO. Hệ thống mới này nên linh hoạt hơn để thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động đang lên”, báo cáo cho biết.
Báo cáo cũng đưa ra đề xuất rằng Bộ Nội vụ nên cải thiện dịch vụ khách hàng của chương trình định cư diện tay nghề cũng như các quá trình đăng ký visa.
Trong một tin tức rất được hoan nghênh dành cho các trường đại học trên khắp xứ sở kangaroo, Ủy ban khuyến nghị rằng các trường đại học nên được miễn thuế Skilling Australia Fund để tài trợ cho người sử dụng lao động.
[Tham khảo: Australia: Tổng hợp số liệu visa và hỗ trợ sinh viên tháng 6/2021]
Catriona Jackson, giám đốc điều hành Universities Australia, cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ việc đơn giản hóa hệ thống, tạo động lực cho nhân tài ở lại Úc cũng như miễn thuế Skilling Australia Fund Levy cho các trường đại học. Đặc biệt, chúng tôi vô cùng mong đợi được thấy các sinh viên tài năng có thêm nhiều lí do để ở lại Australia. Đây rõ ràng là lực lượng lao động sẽ mang lại đóng góp to lớn cho nền kinh tế của đất nước”.
Vào tháng 5 năm nay, Viện Grattan đã cho thấy một góc nhìn mở về sự thay đổi mô hình cần thiết trong chiến lược định cư có tay nghề của Australia. Viện cũng đã nhấn mạnh mối tương quan giữa triển vọng kinh tế lâu dài của Australia với việc thu hút người nhập cư có tay nghề cao nhằm tạo ra một lực lượng lao động chất lượng khi mà dân số đất nước đang già hóa.
Người dịch: Thu Huyền (SSSH)