Australia: Những thay đổi quan trọng về di trú từ ngày 01/7/2021

0

SSDH – Từ ngày 1/7 bắt đầu năm tài chính mới 2021-22, Úc thay đổi một số chính sách di trú nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong một số lĩnh vực trọng yếu và thúc đẩy kinh tế hậu Covid-19.

 

0013_australia-VISA-qpr-1

Chỉ tiêu nhập cư

Giới hạn số lượng di dân đến Úc vẫn duy trì ở mức 160.000 người trong năm tài chính 2021-22, riêng diện định cư tay nghề có 79.600 suất do chính phủ muốn tập trung giải quyết các hồ sơ xin visa bạn đời còn tồn đọng.

Bộ Nội vụ Úc cho biết chương trình định cư tay nghề sẽ tiếp tục tập trung vào những loại visa giúp thúc đẩy nền kinh tế Úc sau đại dịch Covid-19, ưu tiên sẽ dành cho những visa giúp tăng trưởng kinh tế, tạo ra việc làm và tăng đầu tư vào Úc.

Những chính sách mới của chương trình định cư Úc diện đầu tư kinh doanh

  • Xóa bỏ diện visa 132A, 132B và 188D.
  • Thay đổi yêu cầu về mức đầu tư, chứng minh tài sản và doanh thu đối với các visa khác.
  • Visa 188 sẽ có thời hạn 5 năm (thay vì 4 năm 3 tháng) để nhà đầu tư có thêm thời gian đạt yêu cầu để lên visa 888 định cư vĩnh viễn.
  • Các điều kiện không được đề cập sẽ được giữ nguyên.

1. Những thay đổi chi tiết với diện visa 188A:

  • Doanh thu công ty tại Việt Nam (của 1 hoặc 2 công ty gộp lại) mỗi năm phải đạt tối thiểu 750.000 AUD (2 trong 4 năm gần nhất).
  • Điều kiện về tổng giá trị tài sản (cá nhân và doanh nghiệp_cần đạt tối thiểu 1,5 triệu AUD.
  • Để xin lên visa 888A định cư vĩnh viễn nhà đầu tư cần sống ở Úc ít nhất 1 năm trong 3 năm trước ngày nộp đơn (trước đây luật yêu cầu ít nhất 1 năm trong 2 năm trước ngày nộp đơn).
  • Các điều kiện về kinh doanh và vận hành doanh nghiệp vẫn được giữ theo luật cũ.

2. Những thay đổi chi tiết với diện visa 188B:

  • Tổng giá trị tài sản cá nhân và doanh nghiệp đạt tối thiểu 2,5 triệu AUD.
  • Đầu tư tối thiểu 2,5 triệu AUD và có ý định thực sự duy trì khoản đầu tư theo thời hạn của visa vào các quỹ đầu tư với cấu trúc:
    1. Đầu tư tối thiểu 500.000 AUD vào các quỹ đầu tư mà các quỹ này chuyên đầu tư vào các công ty mạo hiểm và quỹ đầu tư tư nhân (Venture Capital & Private Equity Fund).
    2. Đầu tư tối thiểu 750.000 AUD vào các quỹ đầu tư mà các quỹ này chuyên đầu tư vào các công ty mới nổi trên sàn chứng khoán (Emerging Companies Fund).
    3. Đầu tư tối thiểu 1,25 triệu AUD vào các quỹ đầu tư mà các quỹ này chuyên đầu tư vào các quỹ đầu tư cân bằng (Balancing Investment Fund).
  • Có ý định cư trú thực sự ít nhất 2 năm tại tỉnh bang/ vùng lãnh thổ đã được nhận bảo lãnh.

3. Những thay đổi chi tiết với diện visa 188C:

  • Đầu tư tối thiểu 5 triệu AUD vào các quỹ đầu tư với cấu trúc như sau:
    1. Đầu tư tối thiểu 1 triệu AUD vào các quỹ đầu tư mà các quỹ này chuyên đầu tư vào các công ty mạo hiểm và quỹ đầu tư tư nhân (Venture Capital & Private Equity Fund).
    2. Đầu tư tối thiểu 1,5 triệu AUD vào các quỹ đầu tư mà các quỹ này chuyên đầu tư vào các công ty mới nổi trên sàn chứng khoán (Emerging Companies Fund).
    3. Đầu tư tối thiểu 2,5 triệu AUD vào các Quỹ đầu tư mà các quỹ này chuyên đầu tư vào các quỹ đầu tư cân bằng (Balancing Investment Fund).
  • Đương đơn phải chứng minh có ý định giữ khoản đầu tư theo thời hạn visa.

Chính phủ Úc sẽ chính thức mở cửa nộp hồ sơ vào ngày 19/7/2021.

Ưu tiên visa trong Đầu tư và Kinh doanh Sáng tạo

Trong năm tài chính 2020-21, số lượng visa dành cho chương trình Kinh doanh, Sáng tạo và Đầu tư đã tăng gần gấp đôi lên 13.500 suất, trong khi đó loại visa 858 (Tài năng Toàn cầu) tăng gấp ba lên 15.000 suất.

Tuy nhiên những con số này có thể thay đổi trong năm tài chính 2021-22 vì số lượng những visa này có thể được điều chỉnh linh động do hiện không có gì chắc chắn trong các điều kiện về kinh tế, y tế, và tình hình biên giới.

Ngoài ra, kể từ ngày 1/7/2021 tổng số loại visa của chương trình này sẽ giảm từ 9 xuống còn 4 loại.

Sẽ có bài kiểm tra về doanh thu và tài sản của doanh nhân đối với loại visa 188B với yêu cầu vốn đầu tư 2,5 triệu đô so với 1,5 triệu đô trước đây.

Visa đoàn tụ gia đình

Hiện tại số lượng visa này vẫn là 77.300 suất. Chính phủ Úc cho phép đương đơn nộp hồ sơ trong khi vẫn đang ở Úc vì những hạn chế đi lại do Covid19. Điều này được cho là sẽ giúp giảm thời gian xét duyệt hồ sơ.

Theo những thay đổi mới, quy trình nộp hồ sơ visa bạn đời sẽ được chia làm 2 bước: bước 1 yêu cầu người bảo lãnh tại Úc phải nộp hồ sơ để được chấp thuận là người bảo lãnh, bước 2 là khi người bạn đời nộp hồ sơ xin visa.

Một thay đổi đáng chú ý khác là người xin visa vợ chồng hay hôn phối có thể sẽ bị kiểm tra tiếng Anh để được xét duyệt, áp dụng đồng thời cho cả người bảo lãnh và người được bảo lãnh.

Visa nông nghiệp dành cho các nước ASEAN

Loại visa mới này sẽ có mặt vào cuối năm nay và sẽ áp dụng cho 10 nước Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cambodia, Brunei, Myanmar, Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia.

Thoả thuận này được đưa ra sau khi hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Úc và Anh cho phép du khách Anh sẽ không phải làm việc tại một nông trại Úc trong 88 ngày để gia hạn visa lao động kết hợp kỳ nghỉ (visa 462).

Bộ trưởng Thương mại David Littleproud nói rằng quyết định này sẽ khiến lực lượng lao động thời vụ bị thiếu hụt 10.000 người – con số này sẽ được thay thế bằng loại visa nông nghiệp ASEAN nói trên.

Bổ sung Danh sách Tay nghề ưu tiên

Bộ trưởng Di trú Alex Hawke cho biết 22 ngành nghề đã được bổ sung vào Danh sách Tay nghề Định cư Ưu tiên (PMSOL) nhằm thu hút những người lao động có tay nghề đến Úc để hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế hậu Covid-19.

Danh sách PMSOL mới bao gồm 41 ngành nghề, trong đó có cả những ngành nghề như kế toán, kỹ sư, kỹ sư phát triển phần mềm, đầu bếp…

Tăng lệ phí nộp đơn xin quốc tịch Úc

Lệ phí đăng ký thi quốc tịch Úc sẽ tăng từ 285 đô lên 490 đô từ ngày 1/7 nhằm bù đắp chi phí xử lý các bộ hồ sơ ngày càng phức tạp.

Những người nộp đơn xin nhập quốc tịch theo dòng dõi hoặc trong các tình huống khác cũng sẽ phải trả lệ phí nhiều hơn đáng kể; cũng như những người muốn từ bỏ, tiếp tục hoặc xin bằng chứng về quốc tịch Úc.

Đây là thay đổi đầu tiên đối với lệ phí nộp đơn xin quốc tịch Úc kể từ năm 2016.

Di dân phải đợi 4 năm mới được nhận trợ cấp xã hội

Bắt đầu từ 1/1/2022, chính sách “Thời gian chờ đợi 4 năm đối với di dân mới” sẽ áp dụng cho bất cứ ai được cấp thường trú nhân Úc từ ngày này

Theo đó tất cả các loại visa đều phải chờ đợi 4 năm mới có thể được nhận các trợ cấp như JobSeeker, Austudy hoặc tài trợ người trẻ thất nghiệp.

Trước đây, thời gian chờ và loại trợ cấp nào được nhận của di dân mới sẽ tùy thuộc vào loại visa và hoàn cảnh của di dân đó. Ví dụ thường trú nhân sẽ nhận trợ cấp Family Tax Benefit B ngay lập tức nếu đủ điều kiện; một số loại yêu cầu 2 năm chờ như trợ cấp người chăm sóc (carer), trợ cấp nghỉ sinh (parental leave) và trợ cấp Family Tax Benefit A…

Với chính sách chờ mới này chính phủ Úc cho biết sẽ tiết kiệm được khoản tiền lên tới 671 triệu đô trong vòng 5 năm.

SSDH (theo datvangchauuc)

Share.

Leave A Reply