Canada – Siêu cường giáo dục

0

Sẵn sàng du học – Đúng 150 năm kỷ niệm lập quốc, Canada – nước rộng thứ hai thế giới trở thành siêu cường giáo dục. Nó không tình cờ mà, theo lời của Nhà Phật, do đất nước 35 triệu dân này đã kiên trì tích duyên, gieo nhân thiện gặt quả lành.

Ottawa-Canada

Canada – Siêu cường giáo dục – Nguồn Internet 

Lâu nay, hễ nhắc đến các nền giáo dục hàng đầu người ta thường kể đến Singapore và Hàn Quốc của Châu Á hay Phần Lan và Na Uy của Bắc Âu luôn kiêu hãnh không thể bị soán ngôi. Vậy mà Canada bất ngờ vào nhóm 10 nước tiên phong về toán, khoa học, và văn hóa đọc. Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) nổi tiếng của Tổ chức Phát triển & Hợp tác Kinh tế (OECD) còn thừa nhận thiếu niên Canada được giáo dục tốt nhất, vượt xa láng giềng Mỹ và các lân bang bên kia đại dương như Anh, Pháp.

Ở bậc đại học, Canada cũng đứng đầu tỷ lệ người đang công tác có học vấn cao nhất, chiếm 55%, so với tỷ lệ bình quân các nước OECD 35%. Họ còn có ba tỉnh (Alberta, British Columbia, và Quebec) sánh ngang hai cường quốc khoa học hàng đầu là Singapore và Nhật Bản.

Trái khoáy ở chỗ cách tổ chức xã hội Canada thoạt nhìn có vẻ “vô chính phủ”. Họ có một hệ thống giáo dục không hề thống nhất như các cường quốc truyền thống. Có bao nhiêu tỉnh gần như có bấy nhiêu hệ và triết lý giáo dục. Họ còn có một chính quyền trung ương “mờ nhạt và đôi khi không có vai trò gì”, theo OECD. Đã thế, tỷ lệ học sinh nhập cư cao khác thường so với các nước khác.

Tuy nhiên, các địa phương với quyền rất lớn lại đồng lòng một nguyên tắc luôn đảm bảo cơ hội đến trường ngang nhau cho mọi cư dân, không phân biệt ở lâu hay mới đến, “ma cũ” hay “ma mới”. Nhờ thế, học sinh các gia đình mới nhập cư đạt kết quả cao hơn hẳn các bạn bản địa; khác biệt về thành tích của học sinh nhà giàu với nhà nghèo thấp hơn nhiều so với các nước công nghiệp. Tương tự, khác biệt về địa vị kinh tế-xã hội trong khoa học chỉ 9% trong khi ở Singapore là 17% và Pháp 20%.

Bức tranh Canada rất gần tư tưởng “kiêm tương ái giao tương lợi” (thương nhau để cùng có lợi) của triết gia Mặc Tử cách đây 2.500 năm. Mặc Gia cho rằng xã hội tiến bộ phải dựa trên tiêu chuẩn hiền tài thay vì quan hệ thân thuộc, họ hàng. Ông chủ trương yêu thương rộng khắp, không phân biệt thứ bậc, giai cấp, không thù ghét oán giận nhau. Hoằng dương quan điểm ấy, Canada vốn chưa phải nền kinh tế hàng đầu đang được tiên lượng soán ngôi Mỹ để bá chủ thế giới chứ không phải Trung Quốc như nhiều người nghĩ.

Share.

Leave A Reply