Sẵn sàng du học – Vấn đề ngăn chặn “chảy máu chất xám” không còn mới mẻ ở nước ta. Về việc này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ về việc nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút, sử dụng có hiệu quả học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp.
Chỉ tính 3 năm gần đây, số lượng du học sinh Việt Nam tăng vọt và tập trung nhiều nhất ở Mỹ, Australia, Anh, Canada và Nhật Bản. Trong số đó, lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng năm thứ 16 liên tiếp. Trong năm học 2016 – 2017, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 6 trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Mỹ, với gần 22.500 sinh viên, tăng gần 5% so với năm học trước.
Phong trào du học của ta hiện nay, trong tổng số cả trăm ngàn các du học sinh, có đến 90% là du học tự túc. Tỉ lệ này cho thấy kế hoạch đi du học phần lớn là những định hướng cá nhân hay gia đình. Đó có lẽ là những hình thức “đầu tư kinh tế” mang tính cá nhân thông qua việc du học chứ không phải là một phương thức mở mang dân trí để phát triển đất nước xét theo góc nhìn vĩ mô. Trung bình mỗi năm, người Việt chi vài tỉ USD cho con em du học, con số gần tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu gạo hay tiền bán dầu thô. Nhiều gia đình phải bán cả nhà cửa, đất đai để có tiền lo cho tương lai con em mình. Đó là những cuộc “chảy máu chất xám” nếu như các du học sinh lựa chọn ở lại lập nghiệp tại đất nước đã đào tạo mình. Mặt khác, hầu hết các nước đang “bán chữ” đều có chính sách giữ lại các du học sinh giỏi để sử dụng cho các lĩnh vực kinh tế của mình. Bởi đa số các du học sinh khi đã tốt nghiệp thì đều là những con người khá trưởng thành về mặt kiến thức cũng như bản lĩnh, vì họ đã trải qua rất nhiều cuộc thử thách về mặt ý chí trong suốt quá trình du học.
Đa số các du học sinh khi nêu ra lý do để ở lại các nước phát triển mà họ đã du học là do “thiếu đất dụng võ” ở quê hương mình. Sự khác biệt về văn hoá nơi họ tiếp thu học thuật và “bản quán” cũng là một lý do khác. Nhiều du học sinh khi trở về đất nước sau một thời gian tìm việc đã lại tìm cách quay lại định cư ở nơi mình đã theo học. Và ngay cả khi họ có về nước đi nữa thì đa phần cũng lựa chọn đi làm việc cho các công ty, các tập đoàn đa quốc gia hơn là các cơ quan, công ty, tập đoàn trong nước…
Thật dễ để nhìn thấy những tác hại của việc người có trình độ, kỹ năng lao động cao ra nước ngoài sinh sống. Điều rõ ràng nhất là họ sẽ không sử dụng trình độ, kỹ năng đó của mình để giải quyết những vấn đề cấp bách tại nước nhà. Họ sẽ không thể truyền bá những kiến thức họ học được đến những người đang rất cần nó ở quê hương. Sống ở nước ngoài đồng nghĩa với việc họ sẽ đóng thuế ở nước ngoài, tiêu tiền ở nước ngoài, thúc đẩy nền kinh tế cho nước ngoài.
Một điều khá hiển nhiên là khi chúng ta không có kế hoạch để đưa đi ắt cũng chẳng có kế hoạch đón về các du học sinh. Không cần thiết là phải có những cuộc “dọn ổ” cho những nhân tài này, nhưng nếu chúng ta có những định hướng phát triển rõ ràng hơn về những lĩnh vực cần phát triển và đầu tư, kêu gọi các du học sinh về giúp đỡ đất nước thì chắc chắn sẽ có rất nhiều du học sinh sẽ quay về nước lập nghiệp.
Thay vì chê trách người tài không chịu về sau khi du học để xây dựng đất nước, chúng ta trước hết cần phải thay đổi định nghĩa về “người tài”. Phải làm sao để không phải cứ được giáo dục ở nước ngoài mới là người tài. Chỉ riêng năm 2017, Việt Nam có thêm hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp. Công sức dành để lôi kéo du học sinh trở về chẳng phải sẽ tốt hơn nếu được sử dụng để đào tạo cử nhân trong nước và lượng cử nhân ấy đều có việc làm, đóng góp cho đất nước?
Nhìn ở góc độ khác, hiện tượng “chảy máu chất xám” còn có một lợi ích khó có thể cân đo đong đếm được: truyền cảm hứng. Sự thành công của người Việt trên trường quốc tế là bằng chứng để các bạn trẻ thấy chúng ta đều có thể sánh vai với nhân tài khắp nơi. Họ là động lực để các bạn trẻ Việt Nam chủ động học hỏi, tìm kiếm cơ hội, nhận ra rằng mình không bị giới hạn bởi luỹ tre làng.
Trước tình trạng ngày càng nhiều học sinh, sinh viên đi du học tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới, cùng với các giải pháp, các đề án thiết thực, ngành giáo dục – đào tạo cũng khuyến khích các trường mở rộng quan hệ hợp tác, chọn lọc chương trình đào tạo phù hợp để cải thiện môi trường giáo dục hiện hành, tạo thêm cơ hội học tập hiệu quả cho học sinh, sinh viên của mình, tiến tới thu hút du học sinh nước ngoài.
Hơn hết là cần có nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút người tài, để họ có thêm hứng khởi để trở về nước làm việc là rất cần thiết.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Sức khỏe đời sống