Có nên vay tiền đi du học?

0

SSDH – Được học tập trong môi trường giáo dục tiên tiến là ước mơ của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ bản lĩnh “ẵm” học bổng. Trong trường hợp bạn muốn du học tự túc nhưng không đủ khả năng tài chính thì có nên không việc vay vốn ngân hàng?

 

Em muốn đi du học, dù đã rất cố gắng nhưng vẫn không kiếm được học bổng. Em dự tính sẽ đi học tự túc, nhưng điều kiện kinh tế của gia đình chỉ có thể chu cấp cho em trong vòng 2 năm, mà khóa học của em kéo dài 3,5 năm. Vậy, em có nên vay tiền ngân hàng đi học không? Mong các anh chị đi trước tư vấn giúp em? Em cảm ơn (Minh Quân, Cầu Giấy, Hà Nội).

 

24122012duhocanh1.jpg

 

Sau khi nhận được câu hỏi của bạn Minh Quân, Nhịp cầu Du học báo Dân trí đã kết nối với một số bạn là cựu du học sinh các nước để có sự tư vấn tốt nhất về việc “có nên không việc vay vốn đi du học?”.

 

Chia sẻ về vấn đề này bạn Hoàng Anh (cựu du học sinh Hà Lan) cho biết: Du học là ước mơ của rất nhiều người và cũng có rất nhiều cách để đi du học. Trong trường hợp bạn đã cố gắng hết mình mà vẫn không thể giành học bổng thì cũng có thể vay ngân hàng. Tuy nhiên, số tiền vay là bao nhiêu, cách thức vay thế nào và quan trọng nhất là lãi suất cho vay bao nhiêu phần trăm?
 
 
Nếu bạn vay một số tiền vừa phải, khoảng 300 – 400 trăm triệu với lãi suất ưu đãi khoảng 0,5 – 0,6%/tháng thì có thể chấp nhận được. Nếu lãi suất cao hơn và số tiền bạn muốn vay cũng lớn hơn thì bạn nên cân nhắc thật kỹ. Xác định vay tiền đi học cũng cần bạn phải có “bản lĩnh cao cường” đấy, vì nếu trong quá trình học bạn bị thôi học vì một lý do nào đó thì bạn và gia đình phải ôm đống nợ lớn.
 

Còn theo quan điểm của bạn Trúc Linh (cựu du học sinh trường NTU, Singapore) thì: Nên vay vốn hay không tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể như: Bạn định vay tiền đi học gì, trong bao lâu, phương án trả nợ thế nào?,… Mình cũng đã từng vay vốn đi học thạc sỹ tại Sing, tuy nhiên mình chỉ vay 50% thôi, vì mình được học bổng 50% và quan trọng là mình được Chính phủ Singapore cho vay rất ưu đãi, gần như không lãi suất. Thế nên, sau khi tốt nghiệp mình ở lại làm việc khoảng 2 năm là đủ tiền trả nợ và lúc này trong tay có tấm bằng thạc sỹ.

 

Ban đầu, mọi người ai cũng lo lắng cho mình, nói rằng như thế là mạo hiểm vì mới tý tuổi đầu đã rước một đống nợ vào thân. Thời gian đó, mình suy nghĩ rất nhiều, có lúc stress đấy, xong cuối cùng mình đã lên được một kế hoạch tỉ mỉ và thận trọng làm theo từng bước trong quá trình đi học. Cuối cùng mình cũng thành công, nhưng nếu bạn du học tự túc thì phải luôn nhớ trong đầu hai chữ “cần, kiệm” nhé!

 

Theo chia sẻ của cô Cẩm Vân, người đã có hai con đi du học tự túc thì, các bạn và các bậc phụ huynh nên tham khảo kỹ trước khi vay vốn cho con đi học. Thời điểm con tôi đi du học lãi suất ngân hàng tương đối phù hợp, tôi được vay 0.4 – 0.5%/tháng, hơn nữa số tiền tôi vay không nhiều, chỉ 1/3 chi phí trong quá trình học, số còn lại gia đình đã có sẵn vì thế cũng thuận tiện. Trong trường hợp bạn vay 100% chi phí của khóa học thì phải cân nhắc thật kỹ vì hiện nay lãi suất các ngân hàng cho vay tương đối cao, kể cả trong trường hợp được ưu đãi thì cũng không phù hợp lắm với những người đi học.

 

Ngoài ra, tại nhiều trường, học phí thường xuyên tăng 0 – 30% mỗi năm. Như vậy, ngoài tài sản thế chấp và khoản chi trả tiền mượn và lãi suất hàng tháng, gia đình phải chuẩn bị các phương án khác nếu giá trị đồng tiền của nước du học thay đổi và học phí gia tăng. Vay ngân hàng là chấp nhận mạo hiểm đối với những tài sản mang ra thế chấp và chịu rủi ro khi thị trường tiền tệ biến động.
 
 
Với những chia sẻ trên, chuyên mục Du học báo Dân trí mong rằng những ai có ý định đi du học tự túc bằng việc vay vốn có thêm thông tin tham khảo bổ ích để đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất.
 
 
Thục Uyên (SSDH) – Theo Dân Trí
Share.

Leave A Reply