Sẵn sàng du học – Có nhiều bạn ứng viên khi nộp đơn ứng tuyển du học nhưng vì một vài lý lo mà giấc mơ học tập tại nước ngoài không thành hiện thực được. Trong những trường hợp đó bạn không nên quá gây áp lực lên chính bản thân mình.
Chúng ta vẫn nói đến những cơ hội du học, vẫn luôn nói đến những lợi ích không phải bàn cãi nếu có cơ hội được đặt chân đến những vùng đất mới – có cơ hội được tiếp nhận những kiến thức mới, gặp gỡ những người bạn mới trong những nền văn hóa khác biệt. Nhưng dường như, “hậu trường” phía sau của câu chuyện du học thì không phải ai cũng biết. Đó là những hi vọng, những áp lực dồn nén mà các bạn trẻ phải đối diện, thậm chí đến một giới hạn nào đó vượt ngưỡng – những hành động gây ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí tính mạng có thể xảy ra.
Đây là một vấn đề không mới, nhưng khi chưa thật sự sâu sắc hiểu rõ về nó, vô tình bạn xem đây là con đường duy nhất và tự tạo ra cho mình những áp lực trên mức cần thiết. Để rồi khi không đạt được kết quả như mong muốn, những câu chuyện đáng tiếc phía sau có thể xảy ra…
Không phải ai đi du học cũng học hỏi, khám phá được cả “chân trời” kiến thức
Đối với nhiều bạn học sinh cơ hội được học tập tại nước ngoài đồng nghĩa với việc trình độ ngoại ngữ của bạn sẽ được lên một tầm cao mới, sẽ có điều kiện thực hành nền giáo dục tại các quốc gia phát triển… Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là du học sinh nào về nước cũng trang bị cho mình một lượng kiến thức nhất định hay nổi trội hơn hẳn những bạn được đào tạo trong nước. Chúng ta phải rõ ràng với nhau điều này, thu lượm được ít hay nhiều kiến thức không phải do điểm đến học tập của bạn quyết định tất cả, còn phải xem bản thân bạn cố gắng, học hỏi và thích nghi như thế nào.
Thực tế vẫn có những sinh viên mang “mác” du học nhưng khi đi vào thực tế công việc lại không đáp ứng được những điều mà nhà tuyển dụng đưa ra. Và chắc gì, du học về trình độ hơn hẳn những bạn “ở nhà”? Bạn vẫn thấy đó thôi, rất nhiều sinh viên trong nước ngoại ngữ tốt, kỹ năng và kiến thức không thua kém ai, họ vẫn hoàn thành tốt những công việc mình làm. Vậy mới nói, không quan trọng là bạn đi du học hay học tập trong nước, cốt yếu là bạn học được những gì, bạn có thật sự phấn đấu vì mục tiêu mình đặt ra.
Trong một buổi tư vấn du học Nhật, GS Yuichi Kondo đến từ Đại học APU, đã khiến cho nhiều bạn băn khoăn khi kể có trường hợp du học sinh Việt Nam bị công ty tư vấn du học lừa sang Nhật Bản. Nhiều công ty tư vấn du…
Chẳng có gì đảm bảo: đi du học về bạn sẽ không thất nghiệp
Bằng cấp nước ngoài có thể là một lợi thế trong thị trường việc làm với mức lương cao. Nhưng nếu nghĩ tấm bằng nước ngoài là “tấm vé” để tránh thất nghiệp thì hẳn bạn đã nhầm. Tin tôi đi, nếu bạn du học nhưng không chịu học thì ngay việc lấy được bằng cũng là vấn đề khó khăn chứ chưa nói đến xin việc. Tất nhiên không thể phủ nhận những lợi ích của việc đi du học như: Kinh nghiệm sống và học tập ở nước ngoài, am hiểu một nền văn hóa khác và thành thạo một ngoại ngữ sẽ giúp bạn nổi bật giữa những ứng viên khác. Hay sự tự tin năng động của môi trường học tập tiên tiến sẽ giúp bạn dễ dàng hòa nhập với môi trường làm việc chuyên nghiệp ở các công ty quốc tế khi ra trường.
Nhưng không đi du học không có nghĩa là bạn mất đi những cơ hội đó. Quan trọng vẫn là tư duy chủ động. Bạn sẽ cần chủ động trong mọi việc, từ học tập đến đời sống sinh hoạt của bản thân và phải luôn luôn học hỏi, nâng tầm giá trị của mình. Chỉ như thế, thì dù học tập ở đâu bạn vẫn ngày ngày làm phong phú thêm kho tàng tri thức của mình, từ lối sống, văn hóa, con người không chỉ ở nơi chúng ta đang theo học mà cả nhiều nước trên thế giới. Và cũng chỉ như thế bạn mới có “tấm vé” tránh thất nghiệp chứ không phải tấm bằng được đào tạo ở nước ngoài!
Mỹ là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển bật nhất thế giới. Không những thế, nền giáo dục ở đây là thu hút rất nhiều du học sinh vì chương trình đào tạo không những giúp sinh viên tiếp cận sát với thực tế mà bằng…
Cuối cùng dù học ở đâu “chìa khóa” thành công vẫn do nỗ lực và sự ham học hỏi
Có rất nhiều lý do để các bạn sinh viên đưa ra chọn lựa cho việc du học cũng như điểm đến du học phù hợp với bản thân và chuyên ngành của mình. Bạn nên cân nhắc tất cả các lựa chọn cũng như yêu cầu riêng của bản thân. Tuy nhiên, đừng quên một điều quan trọng nhất và luôn được ưu tiên số một khi quyết định đi du học đó là: Chất lượng đào tạo và trải nghiệm học tập. Không nên vì một vài lý do bên ngoài tác động như: theo xu hướng, lựa chọn may rủi… mà vội vàng quyết định du học cho bằng được. Những điều này sẽ dẫn đến hệ quả là một số bạn sinh viên cảm thấy thất vọng về những lựa chọn du học của mình sau khi đã tham gia học tập.
Dù là học trong nước hay nước ngoài, thì đây chỉ là bước đầu tiên trong cả một giai đoạn học tập sắp tới của bạn. Đừng quá đặt nặng vấn đề có được đi du học hay không. Bạn hãy cứ phấn đấu tìm cho mình một cơ hội được học tập tại nước ngoài, nhưng nếu chưa có đủ may mắn, chưa có đủ điều kiện đi thì đó cũng không phải dấu chấm hết cho con đường học tập, vẫn có những cơ hội khác mở ra. Không được đi du học không có nghĩa cánh cửa cơ hội khép lại, đừng tạo áp lực quá lớn cho bản thân. Học tập trong nước nhưng luôn cầu tiến, luôn nỗ lực hết mình và đề ra những mục tiêu để hướng tới, bạn vẫn sẽ chạm đến thành công như thường!
Thái Hải (SSDH) – Theo Du học Online tổng hợp