SSDH – Cơ hội đi du học với các bạn trẻ ngày càng nhiều bằng con đường săn học bổng hay gia đình có điều kiện. Nhưng không ít bạn phải bỏ học giữ chừng trở về nước vì chuyện tưởng chừng như rất nhỏ: không thể sống tự lập vì vốn được gia đình quá bao bọc.
Nhiều bạn trẻ bị trầm cảm vì không vượt qua được cú sốc mang tên “tự lập” khi đi du học.
Bỏ học về nước, cậu học trò giỏi giam mình trong phòng
Đêm khuya, bà Vũ Cẩm Vân, Hội phó Hội quán các bà mẹ TPHCM nhận được cuộc gọi từ một người mẹ mà giọng mệt mỏi nghe được rõ qua điện thoại. Hơn một tiếng đồng hồ, người mẹ tâm sự hoàn cảnh bế tắc của mình về đứa con trai vốn là niềm tự hào của gia đình.
Chị kể, con trai rất giỏi, khi lên phổ thông gia đình đã đặt mục tiêu cho cháu đi du học để có cơ hội phát triển nên chị tạo hết điều kiện thời gian cho con học. Mọi sinh hoạt cá nhân đều có mẹ lo tận nơi, cháu không phải động tay động chân bất kỳ việc gì ngoài học.
Mong mỏi của vợ chồng chị được đền đáp khi học xong lớp 12 cùng là lúc cháu nhận được học bổng du học tại một trường ĐH có tiếng ở Mỹ trong niềm vui khôn xiết của bố mẹ. Họ đã tổ chức tiệc mừng, thông báo cho khắp bạn bè họ hàng ở quê tin vui của cháu. “Cháu nó học giỏi từ nhỏ, họ hàng đều đưa cháu ra làm gương cho con cái. Chúng tôi mãn nguyện về con và tin tưởng ở đất người, cháu sẽ còn thành công hơn nữa”.
Thế nhưng, chỉ sau khi sang Mỹ hơn một tháng, đứa con của chị đã bỏ học trở về nước vì không thích nghi nổi cuộc sống một mình nơi đất khách quê người khi không có mẹ bên cạnh. Khi không có mẹ, chàng trai 18 tuổi chẳng biết phải ăn thế nào, ngủ thế nào… chứ chưa nói đến những công việc to tát hơn.
Không thực hiện được mong mỏi, kỳ vọng của gia đình, lại xấu hổ với mọi người nên từ ngày về đã hơn nửa năm đứa con không rời khỏi phòng của mình nửa bước. Vợ chồng chị động viên con theo học tại một trường quốc tế trong nước nhưng đứa con không chịu vì cháu không muốn ra khỏi nhà, không muốn gặp gỡ ai.
“Thậm chí, mỗi lúc bố mẹ đi làm cháu còn nói bố mẹ khóa cửa người lại để không ai biết con ở trong nhà. Cháu nói, bố mẹ cứ xem như con đã chết rồi”, người mẹ nức nở. Con như vậy mà lâu nay cả gia đình chị rơi vào bế tắc.
Bà Vân cho hay, thậm chí đến khi gọi điện đến nhờ tư vấn, người mẹ vẫn không hiểu vì sao con mình ra nông nỗi đó, trong khi con cái nhà khác vẫn hoàn thành lớp này, lớp nọ ở nước ngoài.
Trường hợp khác về cô gái tên Lam, 19 tuổi, ở Q. Tân Bình (TPHCM) cũng có thời gian đi du học ở Anh chưa được hai tháng thì đòi bố mẹ qua đón về vì cô biết xoay xở thế nào để tự lo cho mình A đến Z khi mà đến gói mỳ tôm Lam cũng không biết cách pha.
Lúc mới qua, bố mẹ gửi Lam tại một nhà người quen để có người trông nom khi con xa nhà. Nhưng chỉ vài hôm ở nhờ, người quen này đã xin phép trả Lam lại cho bố mẹ bởi họ không thể chấp nhận cô gái đã gần 20 tuổi mà chẳng biết làm bất cứ việc gì. Hôm nào họ đi làm cả ngày, ở nhà không có gì ăn y như rằng Lam đành nhịn đói mà không biết cách vào bếp tự chế biến đồ ăn cho mình.
Chuyển vào ở ký túc xá của trường, Lam cũng càng chênh vênh vì từ trước đến nay cô đâu biết gì ngoài học. Đến việc bới tóc mỗi sáng mẹ cô cũng giành làm vì quá yêu con cũng như sợ con vất vả.
Khi bố mẹ không đồng ý cho về, Lam đòi chết. Cuối cùng họ phải đích thân sang đón con gái về. Việc trở về nước học với Lam và ngay cả gia đình cô là một áp lực vì họ luôn tự hào với mọi người mình đi du học ở nước ngoài.
Cần trang bị kỹ năng thích nghi
Những trường hợp như trên có lẽ không quá nhiều nhưng không phải là không có khi các bạn trẻ không thể tự chăm sóc được mình, không vượt qua được cuộc sống tự lập nên bỏ dở ước mơ học hành ở xứ người. Dù rằng họ học rất giỏi, có bạn ở trong nước đoạt thành tích này nọ nhưng khi đến môi trường quốc tế, đòi hỏi con người phát triển toàn diện thì các em bị “đánh bật” bởi không biết gì ngoài chữ viết và những con số.
Du học sinh Việt Nam tại Mỹ về nước tham gia tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm đi du học cho các trẻ.
Bà Vũ Cẩm Vân phân tích nguyên nhân là vì các em được bố mẹ lo lắng, bao bọc quá mức, tạo thành thói quen ỷ lại nên khi va chạm với môi trường đòi hỏi sự tự lập mà không được chuẩn bị về tâm lý các em sẽ bị “hụt” ngay lập tức . Vô hình chung, sự yêu thương, bao bọc của bố mẹ lại thành hại con.
Với những em khi trở về nước vẫn không dễ trở lại tâm lý bình thường bởi các em vừa trải qua một quãng thời gian bị sốc khi rời khỏi vòng tay của bố mẹ. Vốn đã yếu đuối lại thêm sự kỳ vọng của bố mẹ vào việc đi du học của mình, xem đó là niềm tự hào đã thành một áp lực đè nặng mà các em khó đối mặt, nhiều em còn bị trầm cảm.
“Nhiều bố mẹ luôn kỳ vọng con mình thành công nhưng lại quên trang bị cho con những kỹ năng và sự chuẩn bị tâm lý cần thiết. Vì thế dù học rất giỏi nhưng các em lại không có khả năng thích nghi, hòa nhập vào môi trường mới.”, bà Vân nhấn mạnh.
Bạn Nguyễn Thị Ngọc Phương, đang theo học tại trường ĐH Quinnipiac (bang Connecticut, Mỹ) chia sẻ cuộc sống một mình khi đi du học khác hẳn cuộc sống ở trong nước luôn có bố mẹ bên cạnh. Từ việc chăm sóc cá nhân, học hành, đi lại… sẽ không có ai đứng ra giúp bạn mà tự bản thân mỗi người sẽ phải tự lo cho mình.
“Thử hình dung xem, ở nhà đến bữa ăn là bố mẹ gọi xuống ngồi vào bàn, cái gì cũng đã có bố mẹ lo. Giờ đây khi bạn bệnh nằm đó có thể chẳng ai bên cạnh hết, mình sẽ phải tự đi mua thuốc, tự tìm đến bệnh viện”, Phương so sánh.
Phương đánh giá rằng, nhiều sinh viên Việt Nam khó thích với môi trường du học vì ở nhà họ được bố mẹ bao bọc, không được rèn luyện tính tự lập như bạn trẻ các nước khác. Theo Phương, trước khi đi du học, ngoài kiến thức về học tập, các bạn trẻ cần có những kỹ năng chăm sóc bản thân cũng như việc chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống tự lập không ít khó khăn. Khi được trang bị những kỹ năng tự tập cần thiết, các bạn trẻ Việt Nam sẽ dễ thành công hơn nhiều.
Theo: DanTri