Sẵn sàng du học – Thời gian gần đây đang nổi lên khá nhiều tranh luận về việc cha mẹ bỏ ra vài tỷ cho con đi du học liệu sẽ thu lại được gì? Khi học xong những gì con cái có được liệu có đáng với số tiền đã bỏ ra, rồi về nước các em đi làm lương trả được bao nhiêu sẽ thu hồi vốn? Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu đã đầu tư cho con người, hãy tính đến việc người đó đã thu được giá trị gì, đừng quá tính toán về câu chuyện lãi – lỗ.
Bài học đau thương từ cho con đi du học sai cách
Sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, bố mẹ luôn cố gắng chăm lo cho con cái có đời sống vật chất, tinh thần đủ đầy nhưng Bùi Đăng Linh, SN 1990, trú tại Trung Sơn Trầm, Sơn Tây, Hà Nội đã không ý thức về những may mắn mình có được. Do nghịch ngợm, lười biếng, Linh đã kết thân với đám bạn xấu và mải chơi, bê trễ học hành lúc nào bố mẹ cũng không hay biết.
Đến khi được nhà trường thông báo kết quả học, bố mẹ Linh mới ngã ngửa vì con trai có điểm số thấp, bỏ học triền miên, kiến thức trống rỗng… Hết lớp 12, dù biết con không thể học được, bố mẹ Linh đã nhắm mắt quyết tâm đầu tư cho con du học Singgapore, chuyên ngành Quản lý nhà hàng – khách sạn với mong muốn cuộc đời Linh sẽ bước sang trang mới.
Vậy nhưng Linh vẫn u mê, bỏ học giữa chừng và chuyện gì đến cũng đã đến… Linh ngày càng trượt sâu vào vực thẳm và phải ra tòa chịu án phạt 30 tháng tù cho hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Bản án khiến Linh và cả bố mẹ Linh không thể mãi nằm trong một giấc chiêm bao về sự trưởng thành của một con người khi ý thức tự lập, ý thức học tập và ý thức lao động không có.
Một bạn đọc tên H.M thì chia sẻ câu chuyện buồn của con gái mình. Số là con gái đã tốt nghiệp cao đẳng, đi làm được một năm, chị mới tích góp được chút đỉnh để đưa cháu đi Mỹ du học. Con tôi không mấy xuất sắc nên trước khi vào học trường nào đó cần học tiếng trước. Vậy là cháu mất một năm học tiếng ở xứ người, tính ra hết hơn một tỷ. Sang năm thứ hai, cháu vào học truyền thông tại một trường đại học ở Boston (Mỹ). Đến kỳ nghỉ hè, con chị về nước sau 2 năm xa nhà. Trong thời gian này, chị bảo cháu đi học làm móng để quay lại Mỹ, có thể tìm việc làm thêm dễ dàng hơn, bớt đi phần nào gánh nặng cho bố mẹ.
Khổ nỗi, đến năm thứ 3, cháu đòi về lấy chồng do kỳ nghỉ hè ở Việt Nam đã quen và có người yêu. Thậm chí, bị bố mẹ phản đối, cháu còn trốn về sống với người yêu. Chị M phát hiện ra và mọi chuyện may mắn yên ấm được đến khi cháu tốt nghiệp. Giờ con chị đã về nước, chưa xin việc ở đâu cả vì cháu bảo “con đang bị sốc văn hóa, chưa quen với cuộc sống hiện tại”. Nghĩ về số tiền mình đã bỏ ra cho con ăn học, chị quặn lòng vì xót. Chị than: “Biết thế này, tôi cứ để con làm công chức bình thường, tháng lương 5-7 triệu còn hơn”…
Cả gia đình ông Quân ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội thì xáo trộn hết cả lên khi cậu con trai đi du học châu Âu về nhất định không vào làm ở một công ty do bố nhắm trước mà lại đòi đi tu. “Vợ chồng tôi 7 năm nay phải “thắt lưng buộc bụng” để lo cho nó học nước ngoài, hết đại học rồi lên cao học, thế mà giờ xong nó phán một câu là không hợp ngành kinh doanh tính toán, chỉ muốn sống bình an theo nghiệp tu hành”, ông Quân kể. Khi bị bố thúc ép đi làm, cậu con trai còn phản đối quyết liệt bằng cách dọa tự tử. Bố mẹ đang phải cầu cứu nhà tâm lý để mong lay chuyển được ý định của con.
Cần thay đổi quan điểm về du học của cả cha mẹ và con cái
Tất nhiên, không phải trường hợp nào đi du học cũng nhận “quả đắng” như trên. Xuất thân từ một gia đình nghèo ở tỉnh Ninh Bình, Ngọc Trung quyết tâm tìm kiếm cơ hội đi học nước ngoài và qua tìm hiểu, Trung chọn nước Nhật. Nỗ lực của Trung đã được đền đáp, Trung xin được 50% học phí ở một trường thuộc tỉnh Oita, Nhật Bản.
Làm thế nào để có đủ 50% học phí còn lại và thêm cả sinh hoạt phí ở một đất nước vốn đắt đỏ như Nhật? Gia đình Trung đã phải dốc tiền tiết kiệm của mình, đồng thời vay nợ ngân hàng 300 triệu để có tiền cho Trung đi học. Ý thức được những khó khăn của gia đình, chưa một ngày nào Trung dám lơ là nhiệm vụ học tập. Đến thời điểm hiện tại, Trung đã trả được hết nợ cho gia đình và đang làm việc ở một trong 4 ngân hàng lớn nhất tại Nhật với mức lương tháng bằng cả năm gia đình em làm nông mới có được.
Việc đi du học tại các nước phát triển và thu được gì sau đó là câu hỏi không dễ trả lời, bởi nó khác nhau với từng trường hợp. Có một điều chắc chắn, trừ những bạn có học bổng toàn phần, còn lại, dù học tự túc hay học bổng bán phần thì số tiền gia đình phải bỏ ra cũng không hề nhỏ.
Tuy nhiên, một nhà giáo dục nổi tiếng đã quả quyết, nếu có một tài sản nào đó đáng để đầu tư nhất, thì đó chính là con người. Khi đã đầu tư cho con người, hãy tính đến việc người đó đã thu được giá trị gì, đừng quá tính toán về câu chuyện lãi lỗ. Bởi vì quần áo, nhà cửa, xe cộ rồi cũng sẽ cũ đi, song kiến thức, kỹ năng, giá trị văn hóa của một con người thì sẽ không hao mòn giá trị theo thời gian.
Giảng viên Khoa Khoa học giáo dục (Đại học Sư Phạm TPHCM) Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng,để tránh khoản đầu tư cho du học thành “công cốc”, phụ huynh và học sinh cần chuẩn bị nhiều thứ hơn là chỉ nhằm đạt được “bằng ngoại”.
Phải xác định rõ cạnh tranh diễn ra ở mọi nơi nên chuyện xin việc và ở lại xứ người không dễ. Ở trong nước, nhà tuyển dụng luôn cần người làm được việc ngay nên nếu du học sinh tích luỹ được kinh nghiệm qua các việc làm thêm hoặc thực tập thì là lợi thế. Nếu biết chấp nhận vị trí và lương vừa phải, làm vài năm để tích lũy kinh nghiệm, phần lớn các bạn sẽ nhanh chóng tiến xa.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần thay đổi quan điểm. Cho con đi du học trước hết là để con trải nghiệm môi trường mới, tích lũy kiến thức chuyên môn cập nhật và hàng loạt các kỹ năng nghề nghiệp lẫn kỹ năng mềm khác mà chương trình đào tạo trong nước chưa đáp ứng. Chuyện việc làm tốt và lương cao sẽ là kết quả tiếp theo nếu họ làm được các điều trên.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Pháp Luật