Du học cho con nhà nghèo

0

Sẵn sàng du học – Bài viết là chia sẻ của tác giả Nguyễn Hiếu từ kinh nghiệm của bản thân vừa với tư cách là du học sinh vừa với tư cách là người xét tuyển đầu vào du học sinh của trường khi Hiếu còn làm chương trình đào tạo thạc sĩ ở Na Uy và hướng dẫn sinh viên là các du học sinh làm đồ án tốt nghiệp. Các bạn cùng đón xem.

du-hoc-cho-con-nha-ngheo

Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn là nhà mình không đủ điều kiện để cho con đi du học nước ngoài ở bậc đại học và luôn nói không dám mơ đến điều đó. Nếu con hết lớp 12 mà chưa đi du học được vì bất cứ điều gì – chưa đủ điểm tiếng anh, chưa thật xuất sắc để có học bổng… thì các mẹ vẫn cứ cho ước mơ du học của con một cơ hội nhé.

Sự thật là có nhiều người đều không có điều kiện để cho con đi du học tự túc và con họ cũng không phải là người quá tài năng với bề dày thành tích từ văn hóa, âm nhạc đến thể thao nhưng nhiều người họ vẫn thực hiện được ước mơ du học của mình. Theo trải nghiệm của Hiếu thì những người đó họ có ước mơ, niềm tin và sự kiên trì! Tất nhiên chuẩn bị đi du học là một hành trình dài và mình cần phải nhen nhóm càng sớm càng tốt và quan trọng bạn và con bạn nên chọn đúng nơi (để đi du học) và đúng thời điểm. 

Như trường hợp của Hiếu thì vì không có tiếng anh nên năm đầu đại học Hiếu đã để tuột mất cơ hội du học Úc. Thất bại đau đớn đó lại là bước khởi đầu và là động lực để Hiếu tiếp tục phấn đấu những năm học tiếp theo ở bậc đại học vì Hiếu luôn tin rằng “Cánh cửa này đóng lại cánh cửa khác sẽ mở ra” giống như câu tiếng anh Hiếu hay nói động viên học trò và bạn bè bây giờ là “April showers bring May flowers – Những cơn mưa rào tháng tư sẽ mang cho bạn những bông hoa vào tháng 5”. 

Sau nhiều nỗ lực và kiên trì thì 2 năm sau khi tốt nghiệp đại học Hiếu đã thực hiện được ước mơ của mình vào năm 2005. Bây giờ ngồi ngẫm lại thì Hiếu nghĩ du học muộn cũng không có quá nhiều bất lợi thay vào đó vẫn có những lợi thế vì sự trưởng thành của bản thân, tính chiến đấu cũng cao hơn và quan trọng là vẫn đạt được mục tiêu của bản thân.

Đi du học sớm ở bậc đại học có cái hay nhưng cũng có cái dở. Cái hay là các học sinh có thời gian dài (3-4 năm) để thích ứng vào cuộc sống và học tập ở nước ngoài. Được học chương trình thiết kế phù hợp và được giảng dạy bởi đội ngũ giảng viên có chất lượng. Nhưng có cái dở là con bạn có thể chưa đủ trưởng thành để phải gánh trên vai hai nhiệm vụ: học tốt và đi làm để trang trải cuộc sống (nếu không được học bổng cao và gia đình không có điều kiện kinh tế tốt).

Học đại học ở Châu âu và Mỹ, Canada rất nặng – đặc biệt là Mỹ. Mỗi môn học thì tuần nào cũng có bài tập và có hạn nộp rất rõ ràng. Mỗi một môn học khoảng 13-15 tuần thì thường có 10 tập bài tập (assignment set) + các bài thí nghiệm. Thường các trường sẽ có hệ thống trợ giảng để hướng dẫn cũng như chấm bài của sinh viên. Nên nếu sinh viên không nộp đúng thời hạn quy định là sẽ có vấn đề. Học nặng như vậy mà phải đi làm thêm quá nhiều sẽ làm cho sinh viên cảm thấy đuối và kết quả học tập sẽ không được như ý muốn. Hiếu luôn khuyên học trò của mình là chấp nhận sống cuộc sống khốn khó của tuổi học trò để phải làm ít thôi và đầu tư nhiều nhất vào học tập nếu được và hầu như các con đều thành công. 

Lúc Hiếu đi du học Canada Hiếu cũng làm như vậy, có 10 đồng thì gửi về quê hương 4 đồng còn lại 6 đồng để học tập và chỉ đi làm nhà hàng khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Do đó khi tốt nghiệp thạc sĩ điểm khá cao và có đến 4 bài báo quốc tế nên sau đó có học bổng nghiên cứu sinh tại McGill luôn nhưng Hiếu nhớ nhà nên về [Lãng xẹt quá – Nhưng như vậy mới đến Nauy chứ]. 

Xem thêm: Chiến lược chọn người giới thiệu săn học bổng 

du-hoc-con-nha-ngheo

Tuy vậy kết quả học đó đã giúp Hiếu đánh bại được 42 ứng cử viên trên toàn thế giới để đến Nauy vào năm 2009. Một điều khác nữa là như Hiếu thường thấy thì học bổng dành cho sinh viên bậc đại học không nhiều ở khối Châu âu vì họ thường miễn học phí rồi hoặc nếu có thì học phí cũng thấp và dễ chịu hơn. Các nước như Mỹ, Canada và Úc mức học phí cực cao nên họ có thể có nhiều nguồn thu để cấp học bổng cho sinh viên bậc đại học. Nhưng nếu tính trên tổng số sinh viên đầu vào thì lượng học bổng cũng tương đối khan hiếm. 

Chính vì vậy con bạn không có được học bổng (toàn phần hoặc bán toàn phần) ở bậc đại học để đi du học thì cũng là một điều hết sức bình thường và vẫn hãy tiếp tục hướng đến mục tiêu du học ở bậc thạc sỹ – bởi du học thực sự rất hữu ích trên nhiều phương diện. 

Vì học vất vả ở bậc đại học như vậy nên nếu muốn con đi du học ở bậc đại học thì bạn cũng nên xem xét chọn trường và nước phù hợp với con mình để con có thể học được nhiều nhất và phát huy được khả năng của bản thân. Hiếu thấy mọi người hay chọn Mỹ hay Úc chẳng hạn có lẽ vì các nước đó có số sinh viên Việt nam đông và họ làm quảng cáo mạnh đến thị trường Việt nam chứ đi du học thì khối Châu âu cũng có nhiều nơi chất lượng để học đấy ạ (Phần Lan, Đức, Hà Lan, Nauy, Thụy Điển….). 

Ban đầu Hiếu cũng như mọi người vậy chỉ ước ao đặt chân đến Mỹ hoặc Úc. Nhưng khi tìm hiểu thì Hiếu thấy kể cả một nước nhỏ như Nauy hay Phần Lan thôi thì cũng có nhiều cơ hội nếu học tốt. Bằng chứng là lứa sinh viên Việt nam sang đây ai chịu khó học thì sau khi tốt nghiệp đại học đều có việc làm (Hạn chế là sang học ở Nauy thì phải học bằng tiếng Nauy thôi và hiện Nauy cũng cắt giảm đáng kể số du học sinh). 

Nói về chất lượng giảng dạy thì như ở Nauy nếu bạn lên tận trường đại học ở Miền Bắc xa lắc xa lơ thì vẫn là những cuốn giáo trình xịn từ Mỹ trên giảng đường, vẫn là đội ngũ giáo sư mạnh (họ có nhiều dự án nghiên cứu lớn trên mọi mặt trận, họ có thể là đối tác với Đại Học Berkeley của Mỹ), vẫn có đủ những người giỏi từ Anh, Pháp, Mỹ, Ấn Độ và Việt nam đến để làm giáo sư. 

Về công nghệ thì họ có dàn thu tín hiệu vệ tinh phục vụ toàn thế giới và sinh viên của họ cũng đủ điều kiện và trí tuệ để chế tạo quả vệ tinh cubesat rồi mang sang Nga phóng vào quỹ đạo. Vì vậy nếu năng lực con bạn chưa được tốt thì vẫn có lựa chọn phù hợp chứ đừng dập tắt hy vọng du học nếu không xin được để đi du học Anh, Mỹ, Canada và Úc. 

Nên nhớ rằng bản thân người Mỹ cũng có câu – Không quan trọng bạn bắt đầu thế nào, bạn kết thúc ra sao mới là điều đáng nói (It’s not how you start, but how you finish). Có thể con bạn ban đầu đến một nước ít nổi tiếng hay một trường ít nổi tiếng để đi du học nhưng do chương trình học vừa phải, học phí thấp nên con có nhiều thời gian học và hoàn thành tốt khóa học rồi có một việc làm với mức lương mong muốn là hạnh phúc mà [Có thể Hiếu nghĩ đơn giản :)]. Như Hiếu chẳng hạn thì đã đến Mỹ (1 năm), Canada ( 2.5 năm), nhưng Hiếu vẫn chọn ở lại Nauy vì đơn giản là mình có một công việc như mình mong muốn rồi nên không nhìn sang đồi cỏ khác nữa . Trong số bạn bè của Hiếu thì có bạn bắt đầu bằng du học ở một trường không nổi tiếng ở Nhật Bản. Rồi sau đó sang Singapore làm ở bộ phận điều khiển luồng máy bay của sân bay quốc tế Changi. Và bây giờ đang ở Mỹ để làm việc rồi. 

Nếu xin học bổng ở bậc đại học khó, thì xin học bổng du học ở bậc thạc sĩ sẽ dễ hơn một chút bởi: 

  • Thường sinh viên bản ngữ ít người học lên thạc sĩ (vì không đủ tiêu chuẩn hoặc đơn giản là quá mệt mỏi sau khi học xong đại học).
  • Thường các phòng nghiên cứu thì giáo sư cũng có nguồn kinh phí để chi trả cho sinh viên làm trợ lý nghiên cứu. Ở thời điểm này thì con bạn khi tốt nghiệp đại học ở Việt nam nghĩa là đã có ít nhiều kiến thức chuyên môn để có thể tham gia vào quá trình nghiên cứu của thầy giáo nên đương nhiên thầy sẽ có nguồn tiền để chi trả học bổng. 
  • Du học ở bậc thạc sĩ thì con bạn đã đủ lớn, đủ trưởng thành, đủ quyết tâm và biết rõ được ngành học nào là phù hợp để lựa chọn. Bên cạnh đó kiến thức ở bậc đại học cũng giúp con bạn bắt đầu tham gia vào các hoạt động nghiên cứu. Nguồn học bổng dạng này có nhiều ở Hàn Quốc, Nhật, Canada và Mỹ. 

Những người bạn cũng như các học trò cũ của Hiếu đi du học ở bậc thạc sĩ cũng rất thành công – Có người thì làm giáo sư ở trường ở Nauy (3-4 người), có người làm ở Google Úc, có người làm bệnh viện quốc gia Quebec, Canada. Trong đó có một bạn đi học rất muộn, cậu ta đi làm 7-8 năm ở Việt nam rồi mới nghĩ quay lại đi học nhưng khi sang Canada du học bậc thạc sĩ đã có việc làm ngay khi chưa tốt nghiệp. Lý do là bởi cậu chuẩn bị rất kỹ, đủ trải nghiệm và kỹ năng mềm, học tập có định hướng và quyết tâm…Nói thêm là điểm đại học của cậu ở Việt nam cũng chỉ được trung bình 7.8 thôi ạ nhưng cậu cũng biết mình có điểm yếu đó nên chọn đến Quebec Canada cho có nhiều cơ hội (vì Quebec họ dùng thêm tiếng Pháp nên ít người cạnh tranh hơn).

Xem thêm: Các chương trình học bổng Đức 

Nói là xin học bổng ở bậc thạc sĩ thì dễ hơn chút so với bậc đại học, nhưng con bạn cũng cần phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng ở những năm đại học ở Việt nam. Thường thì Hiếu hay tư vấn cho con em bạn bè là những năm ở bậc đại học con nên tìm thầy hướng dẫn nào đó và làm nghiên cứu nghiêm túc và đích đến là phải có một bài báo nhỏ đăng trên hội nghị quốc tế hoặc một sản phẩm thử nghiệm đơn giản – dù nó như một món đồ chơi. 

Nếu có điểm học tốt cộng thêm bài báo được chấp nhận ở hội nghị quốc tế rồi thì con bạn có thể loại được rất nhiều ứng viên khác. Nếu có phỏng vấn thì những trải nghiệm, kinh nghiệm và kiến thức từ việc làm nghiên cứu và dự án đó sẽ là câu chuyện để con bạn thuyết phục nhà tuyển dụng hơn là những điểm số trong bảng điểm. 

Để có một bài báo nhỏ ở cấp độ hội nghị thì theo Hiếu là khó nhưng không phải là không thể. Quan trọng là giáo viên hướng dẫn dẫn dắt con bạn và con bạn chăm chỉ thôi. Thường như sinh viên Hiếu hướng dẫn thì nếu ai chăm chỉ thì khoảng 6 tháng – 8 tháng là có thể có một bài báo nho nhỏ để có thể tham dự hội nghị. Tất nhiên đây là giai đoạn đọc học cách làm nghiên cứu của học trò nên thầy giáo phải chịu trách nhiệm phần viết bài cho trò nhiều hơn và hướng dẫn nhiều hơn. Và chất lượng bài báo cũng chỉ ở mức tạm tạm thôi.

Sở dĩ bài báo được đánh giá hơn cả vì khi một bài báo gửi đi hội nghị quốc tế thì có khoảng 2- 5 người trong lĩnh vực đó đọc bài và phản biện. Nên nếu bài báo được chấp nhận nghĩa là chất lượng của nó cũng đạt được ở một mức độ chuẩn nào đó.

Nhiều mẹ cho con đi học lập trình hay lập trình app chẳng hạn thì hãy làm thành một sản phẩm nho nhỏ rồi up lên mạng hoặc drive. Dù sản phẩm của con rất thô sơ và ngô nghê nhưng đó lại là điều mà con bạn có mà người khác không có. Hơn nữa sản phẩm cụ thể của con bạn người khác có thể nhìn thấy và có thể trải nghiệm được sẽ gây ấn tượng và tạo nên dấu ấn riêng. Câu chuyện đằng sau một sản phẩm tí hon đó có thể là những đêm dài thức trắng chỉ để sửa một vài dòng lệnh do bản thân không cẩn thận nên mắc lỗi và một bài học rút ra để không lặp lại lỗi đó. Hoặc cũng có thể mô tả về việc hợp tác với các bạn trong nhóm để giải quyết vấn đề cũng là điều mà các nhà tuyển sinh đáng quan tâm. Chắc chắn khi tuyển sinh đầu vào bậc đại học (thậm chí bậc thạc sỹ), các nhà tuyển sinh không cần một sản phẩm hoàn hảo (nếu hoàn hảo thì cháu đã ở nhà làm startup rồi) cái họ cần là tư duy, là sự dấn thân và đam mê học hỏi. Bản thân Hiếu dạy cho sinh viên đại học cũng vậy, khi đến năm thứ 3 sắp ra trường là Hiếu rút ngắn lý thuyết lại và giúp sinh viên làm một đồ án môn học có tính thực tiễn để họ trải nghiệm bản thân và có niềm tin rằng mình có thể làm được để từ đó họ tự tin trả lời “Yes, I can” khi ngồi phỏng vấn việc làm.

Có một cái lợi nữa khi làm việc với giáo viên hướng dẫn để có bài báo hoặc một sản phẩm khoa học là thầy hướng dẫn hiểu rất rõ về học trò nên khi con bạn xin học bổng và cần thư giới thiệu thì thầy hướng dẫn sẽ cho con bạn một thư giới thiệu chân thực và có chất lượng.

Ví dụ một sinh viên học viện công nghệ bưu chính viễn thông của Hiếu chẳng hạn. Khi cậu ta học ở bậc đại học ở Việt nam đã tham gia vào nhóm làm dự án nghiên cứu về thẻ thanh toán không dây (năm 2006) với Hiếu – Bây giờ các thẻ bank của các mẹ đang dùng có con chip là lúc đó nhóm sinh viên bọn mình muốn làm rồi. Mặc dù dự án đó thất bại và không được như ý muốn của cả thầy và trò nhưng quá trình làm việc đã giúp Hiếu biết nhiều hơn về học trò – từ tính cách đến tài năng và những điểm mạnh khác. Nên khi cậu xin học bổng ở Canada 2 lần thì cả 2 lần Hiếu đều viết thư giới thiệu và cậu đều được chấp nhận [Giờ đang là chuyên gia xử lý ảnh y tế cho Bệnh viện Quốc gia tại Quebec Canada].

18-09-2018-du-hoc-uc-giet-giac-mo-1

Thời của Hiếu thì không nghĩ được việc sẽ đăng bài báo quốc tế hay làm dự án đâu vì lúc đó tiếng anh chưa tốt và không có thông tin như bây giờ (có thể nhiều mẹ trong này cũng không nghĩ tới điều đó). Nhưng thời đó Hiếu được một cô giáo sư quý vì đi học cũng chăm ngoan . Đặc biệt là khi Hiếu thi học bổng để đi du học có thi môn của cô và được 9/10 và 9.5/10 môn toán rồi hên đứng đầu bảng trên tổng số 450 ứng viên nên cô biết và để ý. Lúc Hiếu xin thư giới thiệu của cô đi xin đi du học thì cô dùng những con số biết nói đó làm câu chuyện về Hiếu nên lúc đó Hiếu được nhận vào học ở cả Đức và Canada (Hiếu không chọn Mỹ vì lười học GRE – Nhưng cuối cùng Hiếu cũng đến Mỹ một cách dễ chịu hơn sau này). Cá nhân Hiếu khi làm xét tuyển sinh cho bên Nauy thì nếu điểm hơi thấp một chút nhưng có bài báo và có thư giới thiệu tốt thì thường Hiếu sẽ đề nghị nhận sinh viên đó.

Đối với Châu âu và Mỹ thì thư giới thiệu hết sức quan trọng đối với nhà tuyển dụng việc làm cũng như tuyển sinh cho trường học. Thường những đứa học trò mà Hiếu hướng dẫn chúng đều xin Hiếu làm người giới thiệu. Và thực sự trước khi quyết định lựa chọn ứng viên nhà tuyển dụng luôn gọi điện (ở Nauy) hoặc viết thư (những nước khác) cho Hiếu để hỏi về ứng viên. Câu hỏi thường thấy của họ là – Bạn biết ứng viên đó qua hoàn cảnh nào? Ứng viên đó xử lý tình huống khó khăn như thế nào? Ứng viên đó có dễ làm việc chung không? Đánh giá chung thì ứng viên đó thuộc top mấy trong nhóm sinh viên mà bạn đã làm việc?

Hiếu sẽ không nhận lời làm người giới thiệu đối với sinh viên mà Hiếu ít tiếp xúc bởi vì để trả lời những câu hỏi trên một cách chân thực cần phải người thật việc thật không bịa được. Thế nên gắn bó với một người thầy hướng dẫn ở bậc đại học để thầy trả lời những câu hỏi trên một cách chân thành là điều rất có lợi để con bạn đánh bại những ứng viên khác. 

Cách làm này cũng phù hợp với ai có con đang du học bậc đại học ở nước ngoài hoặc đang học cấp ba ở Việt nam và chuẩn bị hồ sơ xin du học đấy ạ vì con bạn có một câu chuyện cụ thể về học tập và khả năng vượt qua thử thách để đi đến thành công để kể cho người tuyển sinh và thuyết phục họ. Bởi cốt lõi tuyển sinh của các trường là chọn các sinh viên có khả năng hoàn thành được nhiệm vụ học tập để giữ uy tín cho trường và có thể nhận được ngân sách nhà nước cấp trên số sinh viên ra trường. Bản thân Hiếu cũng cần phải dùng cách như này để xin việc làm để sang Nauy (giáo sư Canada giới thiệu) và sau này xin việc làm ở Nauy thì Hiếu có 2 giáo sư làm người giới thiệu. Một giáo sư thì khi nhà tuyển dụng hỏi thì ông nói – Tuyển nó đi không có mất người tốt . Hoặc giáo sư khác thì lúc nào cũng dặn là – cứ cho tên tôi vào danh sách người giới thiệu nhé tôi sẽ nói tốt nhất có thể! Vì có hai người giới thiệu như vậy nên trên chiến trường nào Hiếu cũng cho tên họ vào.

Nói tóm lại thì nếu con bạn có chuẩn bị tốt để du học từ sớm ở bậc đại học là tốt. Khi đi du học cũng nên chọn nơi học phù hợp với năng lực và điều kiện để phát triển bản thân là tốt nhất chứ không nhất thiết phải du học Mỹ hoặc Úc hay những trường ĐH nổi tiếng trên thế giới (Nếu được thì quá tốt). Trường hợp nếu con chưa kịp chuẩn bị để đi du học ở bậc đại học thì có thể lập kế hoạch để đi du học ở bậc thạc sĩ cũng vẫn có thể cán đích thành công bởi – Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome (All Roads Lead to Rome). 

Dù du học ở bậc nào thì việc có nghiên cứu nho nhỏ (kết quả là một bài báo hoặc một sản phẩm đơn giản như một món đồ chơi cũng được) để vừa có một câu chuyện cụ thể để thuyết phục cán bộ tuyển sinh của các trường vừa có một người thầy làm người giới thiệu hiểu về điểm mạnh của mình làm cho hồ sơ của con mạnh lên và đạt được mục tiêu – đi du học. 

Xin chia sẻ thêm là những du học sinh từ nước khác đến Nauy và làm học trò của Hiếu thì họ cũng có những khó khăn về tài chính và không thể đi du học sớm được. Nhưng họ đều có ước mơ và họ cũng chọn nước nhỏ và phù hợp như Nauy ( yêu cầu đầu thấp và chi phí học tập thấp) để cán đích thành công.

Làm cha mẹ việc học hành của con mình không làm thay được nhưng hãy cùng vun đắp ước mơ du học của con nếu bạn và con bạn muốn điều đó. Việc này đôi khi đơn giản chỉ là câu chuyện về một gương anh/chị đi du học thành công để con học theo, là một lời động viên và một niềm tin rằng con sẽ làm được điều đó hoặc sẽ tuyệt vời nếu bạn tìm cho con một người dẫn đường có tâm và có kinh nghiệm.

Điều này khá đúng với trường hợp của Hiếu! Mẹ của Hiếu chỉ là cô giáo dạy cấp 1 ở vùng quê xa tít của Hòa Bình nơi mà sau một cơn mưa to thì bùn ngập đến lưng ống chân (thời Hiếu còn nhỏ). Mẹ không dạy Hiếu được dù là các bài toán lớp 5 thời xưa. Nhưng khi Hiếu lên lớp 8 thì mẹ gọi Hiếu và nói “Con chơi bao nhiêu năm rồi giờ lên lớp 8 phải học để sau này còn đi học [ý là học lấy cái nghề mà kiếm sống chứ đừng ở nhà làm ruộng như bọn bạn]. Mẹ tin con học được. Bây giờ mặc quần áo vào mẹ mang chai mật ong vào nhờ thầy kèm môn toán để năm sau thi xuống trường chuyên của huyện”. Gặp được thầy, thầy không chỉ dạy toán mà còn hun đúc những ước mơ lớn hơn, thầy vạch ra những khúc cua quyết định để Hiếu từng bước đạt được những cột mốc nhỏ để khi lớn lên Hiếu thực hiện được ước mơ của bản thân là được ĐI DU HỌC DÙ MÌNH LÀ CON NHÀ NGHÈO!

SSDH  team

Share.

Leave A Reply