Du học, coi chừng không được công nhận bằng cấp

0

Sẵn sàng du học – Tốt nghiệp các chương trình du học ngắn ngày hoặc đào tạo từ xa, nhiều người ngã ngửa khi bằng cấp của mình không được công nhận.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa – phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết thời gian qua nhiều người gửi hồ sơ đến bộ đề nghị công nhận văn bằng cấp ở nước ngoài. Tuy nhiên, rất nhiều trong số đó không được công nhận tại Việt Nam.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nghĩa nói học tập ở nước ngoài cần lưu ý tới xu hướng thương mại hóa trong giáo dục ở nhiều nước. Bên cạnh những trường chất lượng cao cũng có những trường tổ chức đào tạo theo kiểu "bán bằng" (diploma mill).

Các chuyên gia giáo dục đã cảnh báo điều này. Và việc tổ chức đào tạo của nhiều trường ở nước ngoài qua các chương trình liên kết cũng không được chất lượng như tại chính quốc.

* Ông có thể nói rõ hơn việc nhiều văn bằng nước ngoài không được công nhận tại Việt Nam?

– Thực tế có nhiều văn bằng nước ngoài gửi đến bộ đề nghị công nhận, nhất là bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy nhiên sau khi thẩm định, chúng tôi nhận thấy các văn bằng này không đủ điều kiện để được công nhận tại Việt Nam.

Do bằng không được chính quốc gia quản lý cơ sở đào tạo công nhận; thực hiện tuyển sinh sai với hệ thống giáo dục đại học của quốc gia đó (ví dụ từ bằng cao đẳng học 01 năm để lấy bằng thạc sĩ); chương trình đào tạo từ xa, ngắn ngày với điều kiện đầu vào và đánh giá đầu ra không đảm bảo chất lượng có số lượng người học lấy bằng không hề nhỏ.

Khi công nhận văn bằng, bộ phải xem xét các vấn đề: kiểm tra cơ sở đào tạo nước ngoài và chất lượng chương trình đào tạo; đã được kiểm định hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục ở nước đó cho phép đào tạo và cấp bằng chưa.

Về cơ bản, văn bằng của các nước châu Âu có thông tin về chương trình rất minh bạch do có phụ lục đi kèm nên việc công nhận tương đối thuận lợi. Tuy nhiên ở một số nước, thông tin ghi trên văn bằng không đầy đủ.

Việc tiếp cận với dữ liệu văn bằng các trường đã cấp tương đối khó khăn nên việc công nhận cũng gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Ảnh: T.L.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Ảnh: T.L.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Ảnh: T.L.

* Bộ GD-ĐT có động thái nào để kiểm soát chất lượng các chương trình liên kết? Và làm thế nào để người học biết và lựa chọn các chương trình đào tạo chất lượng, thưa ông?

– Trước thực tế đa dạng về chất lượng của các văn bằng nước ngoài, từ năm 1998, Luật giáo dục đã quy định về công nhận văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp.

Bên cạnh đó, nghị định của Chính phủ cũng quy định chi tiết hướng dẫn một số điều của Luật giáo dục đưa ra điều kiện cơ bản để văn bằng của trường ở nước ngoài cấp được công nhận tại Việt Nam.

Để người dân có đủ thông tin lựa chọn các chương trình có chất lượng, Bộ GD-ĐT đang từng bước đưa lên cổng thông tin chất lượng các chương trình nước ngoài như: danh sách các trường, các chương trình được kiểm định; đường dẫn tới trang thông tin của các tổ chức kiểm định hoặc cơ quan quản lý giáo dục ở nước ngoài; các quy định về đào tạo và hệ thống văn bằng của nước ngoài để người dân tham khảo khi chọn trường, ngành.

* Trước tình hình chất lượng văn bằng thật giả lẫn lộn như hiện nay, ông nói gì với các công dân Việt Nam muốn theo học chương trình quốc tế?

– Khi có dự định đi du học tự túc, cần phải nghiên cứu kỹ về chất lượng của trường, ngành mình sẽ đăng ký học trên cơ sở thông tin từ các tổ chức kiểm định, tổ chức xếp hạng có uy tín; hoặc thông tin từ cơ quan quản lý giáo dục (đối với những nước chưa có hệ thống kiểm định phát triển).

Cần cảnh giác với các chương trình có điều kiện đầu vào không chặt chẽ; những chương trình đào tạo với thời gian quá ngắn; những chương trình liên kết đào tạo ở nước ngoài không có nhiều sinh viên của nước sở tại tham gia; hoặc các chương trình đào tạo từ xa.

Đối với các chương trình liên kết đào tạo trong nước, cần cảnh giác với các chương trình đào tạo không yêu cầu điều kiện đầu vào về ngoại ngữ và không dạy bằng tiếng nước ngoài.

Hong Kong cảnh báo người học

Nhiều người Việt tham gia học thạc sĩ, tiến sĩ của các trường ĐH Philippines có liên kết với công ty Hong Kong. Các chương trình tiến sĩ chỉ học trong 2 năm. Đầu vào tiếng Anh không quy định rõ chứng chỉ nên nhiều người Việt Nam không biết ngoại ngữ vẫn học qua phiên dịch. Các lớp học được tổ chức dưới dạng khóa học ngắn ngày. Mỗi đợt kéo dài 3-5 ngày tại cơ sở của trường ở Malaysia hoặc Hong Kong.

Trang web Cục Quản lý giáo dục Hong Kong chỉ rõ các chương trình không phải của Hong Kong cung cấp. Việc đào tạo do cơ sở nước ngoài tự thực hiện theo hình thức đào tạo từ xa hoặc kết hợp với một công ty ở Hong Kong. "Một công ty thì không thể có chức năng và đội ngũ giảng viên giống như trường đại học ở Hong Kong" – Cục Quản lý giáo dục Hong Kong nêu rõ.

Đối với các khóa giống như liên kết đào tạo ở Việt Nam, đối tác nước ngoài phải liên kết đào tạo với trường đại học ở Hong Kong. Các chương trình này sẽ được đảm bảo chất lượng và do hai bên tổ chức thực hiện. Các chương trình đào tạo từ xa không đăng ký với Cục Quản lý giáo dục Hong Kong, họ cảnh báo người học cần phải lưu ý trước khi nộp lệ phí.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Tuổi Trẻ

Share.

Leave A Reply