SSDH – Bạn thân bốn bể là nhà. Du học mất bạn hay là càng thêm bạn hãy xem tâm sự dày dưới đây nhé các bạn.
Có người nói:
Bạn thân là để 500 nghìn trong cuốn sách cho nó mượn thì lúc trả lại còn nguyên vẹn. Nhưng nếu để quên túi hướng dương trước mặt nó thì lúc về chỉ còn đống vỏ.
Thực ra bạn thân với mình thì không như vậy. 500K có thể cũng mất nhưng lúc mình cần tiền hay chỉ một người ngồi cùng nói chuyện thì chúng nó sẽ không bao giờ để mình cô đơn.
CHUYỆN THỨ NHẤT
Người bạn thân đầu tiên của mình có lẽ là con bé hàng xóm nhà đối diện. Nhà mình với nhà nó chuyển đến cùng khu chắc cũng cùng một đợt. Ban đầu mình chẳng ấn tượng gì nhiều ngoài việc mỗi lần nhìn sang nhà nó từ ban công nhà mình là thấy nó đang đếm tiền. Lúc đó nghĩ trong bụng: “Chắc con nhà giàu. Chắc sẽ hư.” Thời gian sau vì nó là đứa duy nhất trong khu có xe đạp nhỏ, nên cả xóm nhờ nó mà tập xe lúc mới 7 8 9 10 tuổi. Mình cũng chẳng hiểu tại sao sau này thân với nó.
Cứ thế từ cấp 1 cho đến cấp 3, nó lôi kéo mình từ truyện tranh đến nghe nhạc, cái gì mình cũng thích. Hai đứa học còn không cùng trường, cũng chẳng đi chơi với nhau mấy. Thế mà cứ mỗi lần ngồi kể chuyện với nhau là ra một đống tên lạ, kiểu con Minh Anh thế này, thằng Tú thế kia. Rõ ràng không đứa nào biết bạn đứa nào mà sống động như thật. Mình đi Mỹ, nó đi Tây Ban Nha và về Việt Nam, mối quan hệ vẫn không hề thay đổi.
Có thay đổi chăng là ngày bé mình mượn tiền, mượn truyện nó có lần mình ẵm luôn không trả (chủ yếu là vì quá thân với nó và mình đọc quăn sách truyện rồi). Còn lớn lên thì thi thoảng nó vay tiền tiền mình, vô kì hạn trả cũng không sao.
CHUYỆN THỨ HAI
Người bạn thân thứ hai của mình là đứa ngồi cùng bàn năm lớp tám. Nó tiểu thư đài các, tính tình nền nã bình hòa, chơi đàn piano, giỏi tiếng Anh, ai mà chả thích. Mình ngông cuồng nóng nảy và có phần vô lối, chẳng hẳn ai cũng ghét nhưng mà rất khó chơi cùng. Có chẳng biết vụ gì mà mình lên tiếng đanh đá với bạn trai đồng tính trong lớp mà mình là đứa vô lý. Thế là nó đang từ một đứa rất hiền lành, quay sang tát cho mình một cái lật mặt. Mình im luôn.
Cơ mà cái lạ ở tính cách của mình có lẽ chính là mình không những không giận nó mà còn thấy nó thật là chí khí. Sau này không biết bao nhiêu lần mình nói dối mẹ chuyện bài vở trên lớp. Lần nào nó cũng không chủ động nói nhưng mẹ mình hỏi nó thì nó cứ đường hoàng mà thưa. Mình ăn không biết bao nhiêu trận đánh vì thế nhưng vẫn coi nó là công chúa trong lòng mình, chỉ bởi vì mình thấy nó sống có nguyên tắc và chính trực thực sự. Mình cũng chẳng muốn động đến nguyên tắc đó của nó mà ngược lại rất tôn trọng.
Suốt thời cấp hai của mình, nó toàn lấy xe đạp mình chở mình về nhà nó vì tiện đường. Hai đứa thi thoảng ngồi trong lớp nhìn trời mưa, hát “25 minutes” của MLTR. Thế nhưng ai hỏi hai đứa có phải bạn thân hay không thì hai đứa cương quyết chối. Có lẽ vì phong cách sống khác nhau quá mà.
Thế mà thành ra thân thật. Nó đi Anh cuối cấp 3. Sinh nhật mình một năm nào đó nhận được tin nhắn từ số lạ ở nước ngoài. Mình còn vô tâm đến mức lúc nhìn số còn không nhớ được ra nó luôn. Mãi sau nó về mới nhớ lại tin nhắn đó. Nó từ Anh về mình đi Mỹ. Mình đi Mỹ một thời gian thì nó đi Ý. Quay về hai đứa sống một thời gian ở Sài Gòn. Gần 30 tuổi đầu nó vẫn không lái xe máy, toàn mình trở nó đi ăn, chơi, các thể loại, xe ôm không công cho nó. Du lịch cũng đi cùng nhau
Mình sau bao lần lột xác đã thành một hình tượng thành công mĩ miều nào đó trong mắt các bạn. Có lần chẳng nhớ hai đứa nói gì mà mình hỏi: “Mày chứng kiến tao lột xác có ngạc nhiên không?” Nó bảo: “Từ xưa tao đã biết mày sẽ như thế.” Nó vẫn đài các như thế. Đêm buồn rủ nó đi uống cà phê đến sáng. Hai đứa không cần nói gì, mỗi đứa một việc, chỉ cần ngồi cạnh nhau cũng vui. Rồi nó buột miệng nói: “Tao sẽ không có kiên nhẫn tiếp thêm một đứa như mày trong đời. Mất quá nhiều năng lượng của tao.” Mình cũng cười phì một cái: “Tao cũng không có kiên nhẫn tiếp nhận thêm một đứa mà nguyên tắc sống đi ngược lại lợi ích của tao ngoài mày.“
CHUYỆN THỨ BA
Có lẽ đời đã đủ may mắn với hai người bạn thân nhưng mình còn may mắn hơn với những người bạn không thân cũng thật trên cuộc sống của mình. Đại học mình cũng có một vài người bạn. Ban đầu thì cái cá tính “gồng lên vùng vẫy” của mình cũng khiến nhiều người phát sợ. Thế nhưng không hiểu sao lại luôn có một cô bạn dịu dàng, chắc hồi xưa cũng sợ mình lắm, cơ mà nói chuyện với mình nhiều phát hiện ra mình miệng ác thôi chứ tay lại làm rất nhẹ. Sau này, cô bạn đó trải qua sóng gió với việc bị cướp người yêu thất tình rồi du học, xin việc, chuyện gì cũng có một chút dấu ấn của mình ở mặt tích cực hơn.
Ra trường mình trở thành sếp bạn ấy, thành một trong những người bầu bạn với bạn ấy trước hôm ăn hỏi. Cưới xong thì bạn ấy chồng chồng con con và có nhiều mối quan tâm khác nên bọn mình ít nói chuyện hơn. Thế nhưng mình biết mình viết bài nào có ý nghĩa bạn ấy vẫn lặng lẽ bấm “thích” và rồi bẵng đi khá lâu, mới hôm rồi bạn ấy đọc được một bài nào đó của mình rồi nhắn: “Trang có biết Trang luôn là một ảnh hưởng vô cùng lớn và tích cực trong đời vợ không?” Mình lại bất giác mỉm cười.
Thực ra có thể bạn ấy không biết, bạn ấy cũng là một ảnh hưởng rất tích cực trong đời mình. Khi mình trở lại Việt Nam và phải học ở Việt Nam, mình đang ở trong trạng thái tâm lý rất “đê hèn”, mất tự tin. Việc có một người bạn nhìn mình không xét đoán như bạn ấy thực sự là khởi điểm của cách mình lột xác.
CHUYỆN THỨ TƯ
Cũng từ người bạn dịu dàng trên của mình mà mình quen với một bạn học cũng giỏi nhưng tính cách xốc nổi, bốp chát đơn thuần. Mình còn hợp với bạn này hơn. Sau khi bạn kia lấy chồng rồi thì mình đi chơi với bạn này liên tục. Chẳng có hội chia tay chia chân nào của mình mà vắng mặt nó.
Mình thân với nó hơn một phần là vì tính “gọi anh xưng anh, tứ hải giai huynh đệ” giống mình. Phần nữa là vì không giống như bạn nữ dịu dàng ở trên, cuộc sống của bọn mình không thuần buồm xuôi gió mà phải căng sức lên để gồng gánh nhiều áp lực khác nhau. Thế nên dù không gặp, đôi khi ngồi xuống vẫn nói chuyện như thế rất hiểu nhau và không xét đoán.
Kể cả những việc kiểu nó lằng nhằng với một người đã có vợ, mình cũng không lôi đó ra làm thước đo nhân cách. Mình chỉ đơn giản giới thiệu cho nó một ông anh mình quen mà sau này ông đấy cũng xưng huynh gọi đệ với nó và chồng nó luôn. Sau này nó yên ấm, nó cũng chưa từng dừng hỏi thăm mình.
CHUYỆN THỨ NĂM
Nói chuyện bạn học, mình có một người bạn thân rất lạ. Hai đứa hồi còn học chung tuyệt không nói với nhau một câu nào trừ bài tập. Rất lâu sau không hiểu mình viết bài gì trên trang cá nhân mà tự dưng bạn ấy nhắn tin đi uống cà phê.
Hì hì. Số lần bọn mình cà phê với nhau thực không nhiều. 3 đến 5 tháng thậm chí cả năm 1 lần. Mà ngồi xuống là lại nói chuyện đầu tư với công ty, mặc dù ngạch 2 đứa làm không liên quan gì đến nhau cả. Thế nhưng có cái hay là ở chỗ vì bọn mình đều làm đến tầm chủ doanh nghiệp không ít thì nhiều, có những chuyện nói nửa câu cũng hiểu, dù chẳng cần chi tiết.
Hồi mình ở Sài Gòn, nó không dưng vào rồi hai đứa hẹn nhau đi ăn ốc, đi lang thang sang quận 1. Bọn mình nói nhiều thứ nhưng chốt lại câu chuyện là nó kêu: “Thực ra để lại bộ gene cho đời là cống hiến bền vững nhất.” Mình chả nói gì. Tháng sau mình ra Hà Nội. Nó rủ mình đi ăn kéo theo người yêu nó (là một em khóa dưới mà do chính mính đẩy vào, haha). Tối hết trà đá đi về nó mới nhắn tin: “Hai hôm nữa tớ với Hằng cưới.“
Mình nhắn lại: “Biết ngay mà. Bắt đền bạn tớ mai bay vào Sài Gòn xong quay đầu ra luôn. Đền tiền vé đi.” Chị trưởng văn phòng bị mình kêu đặt vé cũng bảo: “Em đi gì như chảo chớp.” Kết quả ra được ăn cưới nó rồi, được nó nhắn một câu: “Lúc quan trọng có bạn bè thật tốt.” Nó lấy vợ, mình vốn cũng hay nói chuyện với vợ nó, giờ cảm giác như mình càng thêm bạn.
CHUYỆN THỨ SÁU
Hết đại học, đến cuộc đời đi học, đi làm và giờ là đi giảng dạy của mình. Thực ra bạn bè thì rất khó nói lúc đầu không là bạn, lúc sau thành bạn hoặc ngược lại. Cơ mà mình có một người bạn hồi lớp sáu học bán trú mình rất thích chơi cùng. Ngủ trưa bọn mình hay thì thầm những câu chuyện tưởng tượng mà nói trắng ra là “bốc phét” kiểu đầu óc bay bổng của trẻ con. Sau đó thì bạn ấy chuyển sang lớp bên cạnh thế là lại không nói gì nữa.
Bẵng đi rất nhiều năm, bạn này trở thành ngôi sao sáng kiểu con ngoan trò giỏi cận thiên tài trong mắt cả phụ huynh lẫn đồng trang lứa. Còn mình, tuy tình cờ là tên và ngoại hình cực giống bạn ấy, thì không được bằng một góc.
Nhiều năm sau cả hai đứa đã qua hết cả đại học, thạc sĩ, đi tám phương bốn hướng, thì hai đứa gặp nhau ở một buổi cà phê do một đứa bạn cấp hai mời. Sau đó bọn mình hợp chuyện về học bổng du học đến mức 4 giờ không đứng lên nổi. Haha. Những lần gặp sau của bọn mình rất ít vì hai đứa du hành liên tục ở khắp nơi. Thế nhưng vẫn có bận mình độp được nó ở Sài Gòn chở nó đi ăn với thăm kho. Nó thì vẫn nhắn tin cập nhập cho mình mỗi khi có bài viết nào hay hè về chủ đẻ triết học hay chủng tộc nữa.
CHUYỆN THỨ BẢY
Thực ra với người bạn kể trên có người sẽ nói là: “Thật ra thì bạn với bạn kia vốn rất hợp chuyện. Chỉ là chưa có thời gian kết nối thôi. Nếu là thân từ hồi đó, thì chưa chắc giữ được đến bây giờ.” Hì hì. Thế mình cũng có người bạn học hoàn toàn Việt Nam. Cấp ba bạn ấy còn học thêm cùng mình cả toán lý hóa cơ ấy. Đúng là lúc mình du học rồi quay về đã có lúc nghĩ bọn mình không còn nói chuyện được nữa.
Có những hôm mình và đám bạn chung du học về khá bực bạn ấy vì đã nói rõ là hội chơi riêng mà bạn ấy còn mang thêm một bạn khác chẳng hợp gu tí nào đến. Thế là tụi mình cũng cạch một thời gian. Thế nhưng quan tâm đến nhau thật thì cạch mấy cũng quay về. Mình với tụi bạn thân vẫn mừng khi bạn ấy cưới. Và vì tâm bạn ấy rất tốt nên vẫn luôn chủ động kết nối với mình. Đến khi mình lấy chồng rồi, khủng hoảng chồng con mình lại chia sẻ được với bạn ấy ít nhiều nữa.
CHUYỆN THỨ TÁM
Thế lại có người nói: “Thực ra giai đoạn du học thì không chia sẻ được nhưng đến lúc giai đoạn cuộc sống giống nhau thì lại thân thôi.” Hihi. Cũng có thể, nhưng thời điểm mình chưa có chồng, hai chị bạn thân nhất lại là hai chị rất có chồng. Một chị ban đầu là nhân viên của mình. Ban đầu mình chẳng thích bả đâu, nhưng mà cách chị ấy tư duy, quan sát người khác cũng như trình bày vấn đề lại cảm hóa mình dần dần. Chị tuy vất vả chồng con nhưng không mở miệng ra là bỉm sữa như một số bạn mình biết. Nói chuyện với chị mình có thể nói từ phim ảnh, đến sự nghiệp, đến những giai mà mình đang hẹn hò mà không sợ bị xét đoán nữa. Hai chị em cuối cùng toàn đi ăn với nhau, kể cả lúc chị đổi công việc khác rồi. Ăn nhiều ở một quán đến nỗi suốt ngày đang ăn được tặng thêm đồ, béo tròn. Chị cũng thi thoảng kể chuyện con cái với mình, nhưng ở góc độ ngoài chồng và con chị vẫn luôn có những điều đặc biệt khác, khiến mình không sợ lấy chồng sẽ đánh mất bản thân.
Chị thứ hai thì hơn mình tới gần chục tuổi, ngang vai mình cả về sự nghiệp đi làm lẫn mở cửa hàng. Câu chuyện giữa hai bọn mình cũng chỉ có một nửa là chồng con. Chị toàn kể chuyện ngày xưa chiến với anh người yêu cũ thế nào, còn lại là mình ủ mưu làm ăn. Dù rốt cuộc chị với mình không làm ăn với nhau, như thi thoảng căng thẳng có người nói cái là hiểu cũng hay. Con chị đứa nào mình cũng ấp, lại cũng là một người phụ nữ khác khiến mình chẳng sợ lấy chồng có con vì có rồi vẫn rực rỡ không hi sinh sắc màu bản thân tí nào.
CHUYỆN THỨ CHÍN
Nói đến làm ăn, mình cũng có bạn làm ăn thân lắm. Mình thích trượt patin, về sau lấy chính đam mê patin và mong muốn bảo hộ an toàn cho trẻ con lúc trượt mà lấy đó làm vốn liếng. Vì vốn mong muốn ban đầu không phải là kiếm tiền mà chỉ đơn giản là có bạn, nên cái đám trượt patin với mình từ thời đại học vẫn còn thân. Có bạn đã làm đến tầm doanh nghiệp độc quyền tại Việt Nam. Có hội “em út” ngày xưa chơi giờ kết hợp với nhau mở một cơ hội hoàn toàn mới giờ đang phát triển. Hồi mình từ Việt Nam quay sang Mỹ, chúng nó đứa nào tụ tập cũng suýt thì nước mắt rơm rớm, mà cả lũ giặc giai luôn chứ không phải phụ nữ gì. Còn đám nhỏ nữa thì mình mới phát hiện một đứa du học Mỹ từ lâu về làm đám cưới ở Việt Nam, hai ba đứa cùng hội patin ở nhà chai mặt đến đưa tiền mừng chụp ảnh (dù chả được mời). Mà chúng nó cũng mới 22, 25 tuổi. Đôi khi chơi với nhau chẳng cần phải qua trường lớp quá nghiêm túc, tình cảm lại đậm sâu hơn rất nhiều.
Người bạn mình làm độc quyền Việt Nam thì hai vợ chồng đặc biệt thân với mình. Nó và chồng đều soằng phẳng. Mình luôn ngưỡng mộ hai đứa nó vì bươn chải, vươn lên dù điều kiện gia đình ban đầu không khá. Hai đứa nó thì luôn ngưỡng mộ mình vì mình đi nhiều, học nhiều và không bao giờ sơ múi chúng nó cái gì. Thi thoảng nếu bọn mình giúp nhau được cái gì đó nho nhỏ thì vẫn giúp. Vậy nên bao nhiêu năm, bọn mình vẫn đối với nhau như cái thời mấy đứa mua xoài 12 nghìn cũng tiếc nhưng vẫn mua đãi bạn. Sau này chuyện làm ăn mình cũng thêm bạn, nhưng thường là đàn anh đàn chị mình có kính nể, có kiêng dè, có thẳng thắn, có chút thân giao nhưng mà quan hệ sâu đến thế thì có lẽ mất thêm chục năm nữa cũng không biết có được hay không.
CHUYỆN THỨ MƯỜI
Hết Việt Nam đến Mỹ. Xa Việt Nam, khởi điểm bao giờ cũng là tự lực cánh sinh. Ai ở đất nước mà mình không mang quốc tịch cũng hiểu rằng ở nơi này, thân cũng là thân ai nấy lo vì thật sự dù có bạn Việt Nam đã trở thành công dân thì cùng lắm cũng chỉ đưa ra được lời khuyên, giới thiệu được công việc hay luật sư, chứ trừ khi cưới xin, chẳng ai đảm bảo được cuộc sống cho ai.
Thế như thân ai nấy lo, bắt đầu lại từ đầu, không có nghĩa là không thể có bạn. Mình từng sống với rất nhiều người Việt. Mình đi tìm nhà cùng mấy bé Việt Nam. Có một bé mình đặc biệt quan tâm và luôn nấu cho mình nấu cả cho nó. Một dạo dài hai chị em rất ríu rít. Bé dạy mình cách trang điểm và cắt móng tay cho nữ tính. Mình thì quan tâm bé đến mức trước khi rời khỏi còn nấu cho bé một tuần thức ăn. Thế nhưng sau này khi mình không còn ở gần nơi bé ở nữa, quan hệ cũng nhạt, không thấy bé hỏi thăm, mình hỏi thăm thì cũng chỉ hỏi gì trả lời nấy nên mình cũng bỏ lại mối quan hệ đó sau lưng dù vẫn có gì đó tiếc tiếc. Tưởng thân mà hình như không phải? Chỉ đơn giản giống kiểu tình “đồng bào”, ở xa đất nước thì dính lấy nhau thì phải? Thế nên kể cả khi ở Mỹ, thì những người bạn thân luôn dõi theo mình và mình dõi theo họ ở Việt Nam vẫn luôn là nguồn động lực rất lớn với mình.
CHUYỆN THỨ MƯỜI MỘT
Nói thế không có nghĩa là mình không thân ai ở Mỹ, chỉ là những mối quan hệ lúc ở gần tưởng thân, có lúc đi xa rồi mới nhìn được đâu mới là thân thật. Có một em bé hồi mình thạc sĩ luôn sang ăn chực. Về sau mình về Việt Nam kinh doanh, bé cứ về là hỏi đi chơi vời mình (dù gãy chân). Sau này bé xin học bổng sau đại học, có gì khó nói cũng hay tâm sự. Một bé khác thì chẳng có gì khó nói cả, tình cờ thấy một bài đọc mình viết tư tưởng cởi mở, lúc mình quay về Mỹ, bé tự dưng nhắn tin: “Trang ơi, Trang có đang ở gần khu vực Dallas không? Hai chị em mình đi ăn nhé.” Kết quả bé đón mình, hai chị em tâm sự cả đêm rồi bé tống mình ra sân bay luôn. Mấy năm về sau bọn mình vẫn liên tục nói chuyện. Lúc bé cần mình giới thiệu để nhảy ngang sang công ty khác, mình cũng kết nối bé được với hướng dẫn phù hợp hơn cả mình.
Có lẽ vì du học nên mình càng thấm XA NHAU NHƯNG VẪN HỎI THĂM NHAU, QUAN TÂM NHAU, ĐÓ MỚI LÀ THÂN. Còn ở gần đi chơi được với nhau thì mới ở mức tình bạn rôm rả mà thôi.
CHUYỆN THỨ MƯỜI HAI
Cũng có người nói: “Nhưng những bé đó muốn nhờ bạn nên mới giữ quan hệ.” Haha. Có thể nhưng cũng không hẳn. Lớp trẻ giờ giỏi lắm. Bé ăn chực Tết nhà mình thì chưa hết đại học đã tự có học bổng Tiến sĩ, chỉ là sau này có một số vướng mắc với hướng dẫn nên lúc đó mới tâm sự. Bé đón mình đi chơi thì chả cần mình cũng đã có thẻ xanh. Về sau bé còn thủ thỉ với mình là: “Thực hồi xưa em thấy chị hay đi với đứa A, nên em nghĩ chị tư tưởng vậy, hơi ngược đường nên em giữ khoảng cách. Lúc chị viết ra em mới biết, hóa ra chị mới thực cùng đường.” Thế nên qua thời gian dài bọn mình vẫn quan tâm nhau vậy, dù đã không biết bao nhiêu năm lỡ cỡ không gặp nhau mà vẫn cùng ở Mỹ rồi.
CHUYỆN THỨ MƯỜI BA
Thực ra, định nghĩa sự thân thay đổi khá nhiều khi mình đi du học. Chẳng hiểu sao mình có cảm giác có những người ở xa rất thân mà ở gần lỗi nhịp. Có một cô bạn hồi mình ở Mỹ, bạn ấy ở Việt Nam, mình chỉ giúp phỏng vấn nháp cho một trường đúng một lần. Rồi sau đó lúc bạn ấy tinh thần đi xuống do tìm thực tập khó mình cũng chỉ vài ba câu động viên. Thế nhưng sau này mình quay lại Mỹ, năm nào bạn ấy cũng lái xe từ chỗ bạn ấy làm sang ăn Tết với mình, mà bạn ấy mua hết giò rồi đến bánh chưng.
Cũng có cô bạn ban đầu bọn mình chỉ nói chuyện qua facebook từ hồi bạn ấy còn thạc sĩ. Mình chẳng giúp được gì mấy, chủ yếu là mấy cái tư vấn về tìm việc, học thêm cái gì, cư xử với sếp Mỹ thế nào cho trọn. À còn xem thêm tử vi cộng an ủi quan điện thoại những lúc nhớ nhà. Bọn mình gặp nha ở Việt Nam đúng một lần, mà chả hiểu sao có chuyện gì nho nhỏ như cà chua mới chín đến chuyện gì to to như mua nhà cũng có thể nhắn cho nhau.
Còn có cô bạn nữa ở khu vực Cali, vô cùng nhiều người Việt. Thế nhưng chỉ vì về một mùa hè ở nhờ nhà mình tại Việt Nam, mà chả hiểu sao giờ tâm tư tình cảm đến ủ mưu gạ sếp tăng lương cũng đem trút sang mình hết luôn, xong kêu: “Em không chia sẻ được với ai ở gần.” Chưa kể cái cô ở Canada mà tâm sự vòng vèo một hồi, gửi cho mình mất cái áo dài đẹp hết nước lại còn miễn phí.
CHUYỆN THỨ MƯỜI BỐN
Trong khi đó người ở gần thì hết ba người Việt Nam mình quen, tuy học Tiến sĩ trái ngành nhưng lại rất hay thể hiện trình độ gì gì đó lấn sang sân nhà mình, hết cả hồn luôn. Có năm đầu mình tìm được một anh bạn hợp cạ, hợp cả với vợ nhà đó luôn, cơ mà chỉ được một năm là hai vợ chồng chuyển sang Florida. Cái hay là, kể cả sau khi bạn đó chuyển, bọn mình vẫn thư từ bưu phẩm. Nhà đó sinh con mình vẫn gửi thiệp chúc và cả tiền mừng luôn, cứ cảm giác như cháu mình vậy.
Còn có nhà phụ huynh học sinh giờ đã chuyển sang định cư Mỹ. Mình thời gian đó không giúp được họ nhiều nhưng vẫn thi thoảng từ chị ấy đến con chị ấy vẫn a lô mình. Có bận mình định sang thăm mà lỡ cỡ quá nên thôi nhưng mà bà chị rất xông xáo cử người đi đón nữa chứ. Mình còn rất nhiều phụ huynh khác mà xông xáo mang cả trứng muối từ Việt Nam sang cho mình chỉ vì mình đăng một bài thèm trứng muối. Haha. Khoảng cách thực sự không phải là vấn đề.
Nhưng mà cũng chẳng cứ mình riêng như thế. Mình chứng kiến không biết bao nhiêu nhóm bạn Việt toàn bay chung đến một chỗ rồi đi chơi cùng nhau ấy chứ. Haha. Có lòng thì không bao nhiêu là xa được.
CHUYỆN THỨ MƯỜI LĂM
Mà đi nước ngoài rồi cũng không chỉ cứ bạn Việt Nam là nhất. Thú nhận thật lòng thì có bạn Việt hiểu văn hóa của mình thì mình cảm thấy đỡ nhớ trốn chôn nhau hơn. Cơ mà nếu chịu khó thì bạn nước ngoài cũng giúp mình qua nhiều phong ba lắm. Hồi thạc sĩ mình chơi thân với 3 bạn Mỹ, 2 bạn Ấn, và 1 bạn Tàu.
-
Bạn Tàu thì lúc nào cũng như anh hai của mình vậy. Đi từ Mỹ sang Trung Quốc, dù đi đâu bạn ấy cũng có cái để lưu ý cho mình, tránh mình mắc phải những sai lầm khó coi.
-
2 bạn Mỹ thì tới giờ vẫn lặng lẽ thích một số ảnh rồi nhắn tin riêng hỏi thăm, lúc mình phải chọn giữa nhiều thực tập khác nhau cũng ngồi ủ mưu với mình suốt. 1 bạn Mỹ cuối cùng thì suốt thời thạc sĩ toàn đi mua sắm với mình. Đến lúc bạn ấy có công việc bận trước mình thì suốt ngày alo tâm sự chuyện oánh nhau với bạn trai. Lúc mình kêu mình rời Mỹ thì tá hỏa lái xe mấy thành phố đến thăm mình ngay trước hôm bay. Thế nên việc đầu tiên mình làm khi quay lại là đi ngó bạn ấy phát. Cứ ngồi xuống là câu chuyện tiếp tục như xưa, cũng chẳng khác gì bạn thân mình ở Việt.
-
Còn 2 bạn Ấn thì haha. Một bạn mình cãi nhau ỏm tỏi lúc mới gặp và rất ghét. Cuối cùng nó bị ảnh hưởng của mình đi học Tiến sĩ thật. Lúc mình đi thực tập cứ hôm nào bí code là bắt đền nó làm, giờ làm Tiến sĩ rồi có hôm vẫn vậy. Bạn còn lại thì về Ấn mở công ty riêng. Thời còn thạc sĩ, mình xin hết nó bài đọc miễn phí rồi hướng dẫn bài. Đến lúc nó sang Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh thì nó bị mình lôi đi khắp nơi, muốn tìm cơ hội đãi lại nó mà nó toàn giật trả tiền trước. Thi thoảng nó lại nhắn hỏi mình mấy câu, cả tháng sau mới trả lời mà không thấy đứa nào dỗi đứa nào.
Bạn như thế giờ mình cũng nhiều lắm mà chẳng tẩy trôi được. Học Tiến sĩ mình lại có thêm một lứa bạn mới, lại chia sẻ đam mê sâu nên cứ hỏi là có người giúp đó. Thật hạnh phúc lắm thay.
NÊN THỰC SỰ THÌ ĐI DU HỌC VỪA LÀ PHÉP THỬ TÌNH BẠN, VỪA LÀ CÁCH ĐỂ MỞ RỘNG GÓC NHÌN THẾ NÀO LÀ BẠN BÈ
Mình đi bao nhiêu năm, về Sài Gòn vẫn có thể mượn xe máy một người bạn đi cả năm. Có rất nhiều bạn mình chẳng mấy khi buôn chuyện nhưng lúc cần thì chẳng bao giờ thiếu mặt, không phải làm quen lại, không phải ngại ngùng chi, chỉ đơn giản ngồi xuống thở dài, nghe chúng nó nói và nói chúng nó nghe mà thôi.
Vậy nên đừng bao giờ nghĩ đi du học là mất bạn, giờ công nghệ thông tin tốt vậy, muốn biết về nhau, hiểu nhau, nói chuyện với nhau chỉ cần CÓ LÒNG LÀ SẼ LÀM ĐƯỢC. Chuyện bạn thân trở thành người dưng thực tế chỉ đơn giản các bạn định nghĩa thế nào là thân mà thôi. Nếu “rôm rả” là thân thì tự dưng xa rồi không rôm rả nữa sẽ không thân. Mà cái sự xa rồi này cũng có phần lỗi của chính các bạn. Bận rộn quá, quên không hỏi thăm người ta, trả lời qua loa thì thân mấy cũng hết thân. Vậy nên có bận cũng thi thoảng chọt chọt hỏi người ta một câu hoặc trả lời khi người ta cần bạn nhất nhé.
Thân với mình là có thể mặc kệ lúc người ta không cần mình, nhớ sinh nhật người ta trước cả chục ngày nhưng đến ngày thì quên mất. Thế nhưng lúc người ta chơi vơi nhất, mình có chút năng lượng thì bận mấy cũng sẽ ngồi nghe. Thế nên nều nhiều bạn thân quá thì cũng tốn năng lượng lắm, một vừa hai phải thôi. Bản thân mình cũng chỉ có hai đứa đầu tiên là được xếp vào nhóm THÂN NHẤT: “Dù thế nào mình cũng không bỏ chúng nó.” Còn lại thì mức ưu tiên năng lượng của mình cho nhóm thân còn lại cũng giảm đi khá nhiều.
Cuối cùng thì về cơ bản thì thân vẫn là thân ai nấy lo. Chỉ cần ngồi xuống nghe được chuyện của nhau mà không phán xét để cho bạn của mình tự nghĩ ra hướng giải quyết thì đó chính là sự thân của người trưởng thành. Chỉ như thế thì khoảng cách mới không xóa nhòa sự thân thiết của chúng ta thôi.
SSDH (tác giả: Jenny Hoang)