Du học những điều được và mất?

0

SSDH – Chuyện du học được gì, mất gì đã từng được nhiều bạn đề cập, trong những hoàn cảnh, cuộc sống, thời điểm khác nhau. Từ lúc bắt đầu blog này, mình đã mong muốn chia sẻ câu chuyện du học của riêng mình, góp một mảnh ghép vào trong bức tranh 25,000 sinh viên Việt Nam rời quê hương.

Mình muốn mọi người hiểu rằng quyết định du học là lớn lao, là một chuyến đi dài đầy đủ những cung bậc cảm xúc khi tâm hồn còn rất trẻ dễ lay động. Và hoàn cảnh, trải nghiệm của mỗi người sẽ khác nhau, đừng so sánh hay nghe người khác khoe khoang mà hoang mang, vì có ai thích tự nhận là mình cũng sợ hãi, cũng cô đơn, đôi lúc cũng thiếu thốn đâu? Trong kinh nghiệm của mình, cuộc sống du học được mất không phải được hết mất hết, mà là một sự cân bằng, lựa chọn, và đánh đổi.

Được sống là người tự do. Sự tự do đáng sợ như giông bão.

Tự do ở đây có nhiều mặt. Tự do khỏi gia đình. Tự do khỏi nền văn hoá đã nuôi dạy mình 15 năm đầu đời. Tự do được có suy nghĩ và ý kiến, được sống, được yêu. Tự do được hiểu biết và thực hiện quyền con người nhất định trên một đất nước phát triển mà không sợ hậu quả, dù không phải là công dân của nước họ.
Nhưng cái tự do đó có nhiều đáng sợ lắm bạn ạ. Nhiều lúc nó giống như trời sau cơn mưa, mát mẻ, ta tha hồ vẫy vùng trong cơn gió. Có thể ăn uống đi chơi mà không bị soi mói sao con gái mà thế này thế nọ. Có thể đi đến khuya mà không mang tiếng con nhà hư đốn, không phải giả vờ hiền dịu, hay nịnh nọt những bạn bè họ hàng mình không thích. Tự do khám phá, học hỏi, kết bạn.

Nhiều lúc khác nó như bão táp giữa đêm tối, mù mịt, cô đơn, sợ hãi. Tự do khỏi gia đình là những lúc không có bố mẹ bên cạnh để đi xin phép thầy cô khi mình phạm lỗi, lỡ thi; là lúc bệnh nằm trùm chăn rên hừ hừ ước gì có ly chanh nóng mẹ pha. Là những chiều tối khi dự hoạt động ở trường ai cũng có gia đình đón trừ mình. Là những lúc mất phương hướng muốn chạy về hỏi bố mẹ nhưng chỉ bước về căn phòng trống một mình, gọi cho bố mẹ thì không thể nào diễn tả cuộc sống ở đây để tìm lời khuyên. Tự do mang đến sự cô đơn.

Được làm quen với những con người từ khắp nơi trên thế giới. Đánh đổi bằng thời gian bên chính gia đình mình.
Những năm tháng học đại học, đi làm là lúc mình được gặp nhiều người rất giỏi, có những trải nghiệm rất lý thú từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi lúc đi ăn cùng, một bàn 10 người thì 10 quốc tịch và nói 15 ngôn ngữ khác nhau. Nhờ đó mình học được những nền văn hoá khác, con người và đất nước khác, biết tôn trọng sự khác biệt trong suy nghĩ và tín ngưỡng của họ. Điều lớn nhất bạn có thể học được từ những tình bạn này là hãy giữ một tâm hồn rộng mở (open-mind) để đón nhận những sự khác biệt đó một cách không phán xét.

Đổi lại cho những mối quan hệ mới này là gì? Là một năm chỉ được gặp gia đình một lần, với một số bạn thì còn lâu hơn nhiều. Mỗi lần về nhà nhìn bố mẹ già thêm, tự hỏi thời gian đi đâu? Những mùa Giáng Sinh hay lúc sum họp gia đình, lẩn quẩn không biết nên về nhà bạn không. Vì ở kí túc xá một mình cũng tủi, mà về nhà bạn phải nhìn gia đình người khác quây quần mà ước đó là gia đình mình.

Từ bỏ bình yên đổi lấy nhiều lênh đênh và những bất ngờ

“Nếu giờ này vẫn còn ở nhà, cuộc sống của mình sẽ ra sao?” Nhiều lúc mình hay nghĩ. Cuộc sống của mình có lẽ sẽ bớt chông chênh hơn, ra trường, đi làm, vẫn ở với bố mẹ, có lẽ bây giờ chuẩn bị lấy chồng. Không phải lênh đênh nay đây mai đó, không biết có trúng xổ số không, không có visa thì đi về, tạm biệt bạn bè, chia tay người yêu. Be careful what you wish for. Nếu bạn ước một cuộc sống thú vị, sống động thì hãy sẵn sàng đón nhận nhiều bất ngờ dù tốt hay xấu, muốn hay không, vì bạn sẽ nhận ra rằng có rất nhiều thứ không nằm trong kiểm soát của mình và học cách chấp nhận hay từ bỏ.

Sống là không hối tiếc

Vì cuộc đời là một hành trình, không phải là đích đến. Mình biết các bạn có mục đích riêng để hướng đến và lao động rất vất vả để đạt được. Nhưng đừng quên tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc nhỏ mỗi ngày, đón nhận trải nghiệm mới với một tình thần rộng mở, dù có phải điều mình muốn hay không. Vì những trải nghiệm đó, tốt hay xấu, cũng sẽ trở thành một phần trong cuộc đời bạn, hình thành tính cách con người của bạn hôm nay. Nếu được sống lại lần nữa, mình cũng sẽ lựa chọn con đường như vậy. Vì mình thấy được nhiều hơn mất, và mình yêu con người mà mình đã trở thành.

Nói vậy nhưng nhiều khi nghĩ khi mình có con, mình sẽ không cho con rời xa gia đình sớm như vậy. Mình đã tự trưởng thành mà không có sự kèm cặp của bố mẹ từ năm 15 tuổi, trở thành một thanh niên đàng hoàng, là công dân tốt của xã hội. Nhìn lại, chặng đường đó nó chông gai và nhiều chua chát, hoang mang lắm. Nhưng trong thời điểm và hoàn cảnh đó, đây là lựa chọn tốt nhất mà mình và ba mẹ có thể chọn. Nếu lúc đó không đi thì bây giờ mình sẽ không có được những cơ hội hôm nay, không có bằng cấp để có thể đi nước nào cũng làm việc được, nhất là trong tình cảnh quê nhà bây giờ.

Chỉ hi vọng mấy mươi năm sau, mình không phải lựa chọn xa con để hi vọng mang đến cho nó một tương lai tươi sáng. Mà tương lai đó có thể được thành hiện thực trên chính quê hươngcho bất cứ ai, dù giàu hay nghèo, đến từ nông thôn hay thành thị, gia đình bình thường hay danh giá chức quyền. Ai muốn đạt được thành công cũng phải đánh đổi, và đối với những sinh viên Việt Nam xa nhà như chúng ta sự đánh đổi đó là khá lớn.
“Nếu bạn mãi làm những việc mà bạn luôn luôn làm, thì bạn sẽ chỉ đạt được những thành quả mà bạn luôn luôn đạt được.” Henry Ford

Chúc mừng bạn đã quyết định làm một việc rất khác để được những thành quả khác! Và cầu chúc cho bạn sức khoẻ, bình an, và nhiều dũng cảm để bắt đầu hay bước tiếp cuộc hành trình.

SSDH (theo Linh Ngọc Nguyen)

Share.

Comments are closed.