SSDH – Làm thế nào để đón nhận sự khác biệt, vẫn là mình, không bị phân biệt đối xử hay áp lực bởi “mác” du học sinh đang là bài toán của nhiều người, nhất là trong thời điểm câu hỏi đi hay ở, về nước hay không đang gây nhiều tranh cãi.
Nhiều áp lực, lúng túng
Khi hỏi ngẫu nhiên 10 du học sinh rằng có quay trở về Việt Nam sau khi du học không, có tới 9 người nói đó là dự định ban đầu. Nhưng khi trở về, những khó khăn trong việc tìm kiếm công việc khiến phân nửa cảm thấy hối hận.
Xuân (1993, du học sinh Mỹ) đã quay trở về Việt nam sau khi đi làm tại Mỹ (một năm sau tốt nghiệp). Xuân chia sẻ rằng mình đã nộp hồ sơ một số nơi nhưng chưa có công việc ổn định. Xuân chia sẻ, quyết định trở về nước khó khăn lớn nhất mà cô gặp phải là áp lực từ sự kỳ vọng quá lớn của gia đình.
“Chúng mình đi du học và khi về nước làm việc thì cũng giống như tất cả các sinh viên khác thôi, vẫn phải khởi nghiệp và đi những bước ngắn nhất, thấp nhất. Thế nhưng, mọi người cứ quan niệm rằng, đã học ở nước ngoài về là phải giỏi, mắc một sai lầm nhỏ nghĩa là không đạt chuẩn rồi. Đã có đôi lúc mình nghĩ, giá như lúc trước quyết định khởi nghiệp tại Mỹ”, Xuân nói.
Cũng như Xuân, Như Anh (du học sinh Anh) cảm thấy phải làm việc quá sức để đáp ứng sự kỳ vọng của mọi người về một nhân viên gắn mác “du học sinh”. Làm việc tại một nhà xuất bản, Như Anh được giao cho hàng loạt công việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm như: dịch sách và các tài liệu chính trị từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Như Anh chia sẻ, đây là những công việc đòi hỏi kiến thức chuyên ngành, cô có thể làm được nhưng cần thêm thời gian để học hỏi và trau dồi kinh nghiệm.
Vì quá lúng túng với môi trường làm việc ở Việt Nam nên dù mới chỉ về nước được 1 năm, Mai (sinh năm 1992, du học sinh Úc) đã phải nhảy việc đến 3 – 4 lần. Ở bất cứ công ty nào, cô cũng bị áp đặt vào quan niệm “là du học sinh thì phải giỏi, ít nhất là giỏi hơn những nhân viên học đại học tại Việt Nam”.
“Hơn nữa, mình thấy xin việc ở Việt Nam quá khó khăn. Các nhà tuyển dụng đều mặc định du học sinh trở về vừa ít kinh nghiệm lại đòi hỏi lương cao nên thường gạt hồ sơ của du học sinh. Mình chỉ mong, mọi người hãy bỏ định kiến này để có cái nhìn khách quan và công bằng hơn”, Mai nói.
Chúng ta thường nghe không ít câu chuyện các du học sinh bị “sốc văn hóa” khi sống và học tập tại nước ngoài. Thế nhưng, một điều khá phổ biến mà ít người biết đó là ngay cả các du học sinh khi trở về nước cũng bị “sốc văn hóa ngược”.
Mới trở về nước làm việc được 2 tháng nhưng Hương (du học sinh Phần Lan) đã cảm thấy ngột ngạt và lúng túng trước môi trường làm việc tại Việt Nam. Cô thừa nhận, mình đang ở trong tình trạng “sốc văn hóa ngược” và khó có thể hòa nhập trong tương lai gần.
“Sự thẳng thắn của mình thường bị nhìn nhận lệch lạc. Một số người còn vì thế mà nảy sinh tư thù, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc. Các ý kiến sáng tạo và khác biệt cũng không được thừa nhận. Đặc biệt, cả những thứ thuộc về cá nhân như cách ăn mặc, đi đứng, nói năng cũng bị đưa ra phán xét. Mình cảm thấy khá ngột ngạt”, Hương chia sẻ.
Đón nhận sự khác biệt
Vậy, làm sao để giải được bài toán lúng túng và khó hòa nhập khi trở về nước của các du học sinh? Trả lời cho câu hỏi này nhiều người nói, du học sinh cần biết cách thích nghi và đón nhận sự khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và đất nước mình từng du học.
Là một du học sinh Mỹ năng động, sở hữu khá nhiều thành tích ấn tượng nhưng Bùi Thái Vĩnh Hà (1993) vẫn quyết định về nước làm việc bởi lý do rất đơn giản: Nếu ở lại thì khó đấu được với các sinh viên bản địa.
“Việt Nam là một thị trường mở, có nhiều cơ hội cho những du học sinh như mình. Vốn tiếng Anh có được trong quá trình sống và học tập ở nước ngoài đem lại cho mình nhiều cơ hội. Hơn nữa, ở Việt Nam có bạn bè và người thân, mình cũng dễ cân bằng cuộc sống hơn“, Vĩnh Hà nói.
Thế nhưng, chàng trai sinh năm 1993 thừa nhận, việc hòa nhập với môi trường làm việc trong nước khá khó khăn. Chia sẻ kinh nghiệm đi xin việc Hà nói, không nên gắn vào mình cái mác du học sinh mà trở nên kênh kiệu, đòi hỏi nhiều. Cần phải nỗ lực cho nhà tuyển dụng thấy những “ngón nghề” nổi bật của một du học sinh đặc biệt là tinh thần làm việc cao, sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong công việc.
Nguyễn Hoàng Trí Dũng tốt nghiệp xuất sắc bằng cử nhân Đại học Hendrix ngành Kinh tế năm 2010. Năm 2011, Dũng bảo vệ xuất sắc luận án thạc sĩ Đại học Hendrix ngành Kế toán (với điểm GPA tuyệt đối 4.0/4.0).
Theo học ngành kinh tế và đã từng làm cho một công ty lớn ở Singapore nhưng Dũng đã từ bỏ công việc đó và trở lại Việt Nam, theo đuổi đam mê của mình.
Dũng khiến nhiều người ngạc nhiên với quyết định đó và càng ngạc nhiên hơn khi anh đã thành công.
Trí Dũng chia sẻ: “Du học sinh có nhiều cơ hội ở Việt Nam nhưng bạn phải cố gắng biết mình là ai, đừng quá kỳ vọng vào mác du học sinh. Lợi thế của các bạn sinh viên Việt Nam là rất hiểu Việt Nam và đã làm việc ở đây rồi bởi vậy không có lý do gì để phải “sốc văn hóa ngược” rồi cảm thấy khó hòa nhập. Hãy thích nghi. Khó bằng việc quen với cuộc sống ở một đất nước xa lạ các bạn còn làm được thì làm quen với nơi mình sinh ra có là gì đâu”.
Trí Dũng cho rằng, một du học sinh cần phải tôn trọng sự khác biệt ở nơi mình làm việc và nơi mình du học nếu quyết định trở về nước. Cái một du học sinh đem về là những kiến thức và cách tư duy, sáng tạo – những thứ học được ở nước ngoài, còn khi làm việc ở môi trường nào thì nên tôn trọng văn hóa chung tại môi trường đó.
Thái Hải (SSDH) – Theo Dân Việt