Du học sinh về học trường trong nước: Cần chú ý chọn chương trình hợp pháp

0

Nhiều chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam giúp du học sinh về nước tránh dịch Covid-19 có nhiều lựa chọn nếu muốn học tiếp đại học.

Một trường đại học tại TP.HCM có nhiều chương trình quốc tế sẵn sàng đón nhận du học sinh Việt Nam về nước học tập

Một trường đại học tại TP.HCM có nhiều chương trình quốc tế sẵn sàng đón nhận du học sinh Việt Nam về nước học tập

Một trường đại học tại TP.HCM có nhiều chương trình quốc tế sẵn sàng đón nhận du học sinh Việt Nam về nước học tập
Theo Bộ GD-ĐT, hiện trong nước có 352 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Điều này giúp các du học sinh về nước tránh dịch Covid-19 có nhiều lựa chọn nếu muốn học tiếp đại học, nhưng sinh viên cũng cần lưu ý để chọn chương trình hợp pháp.
Mới đây, kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid 19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường đại học (ĐH), nhất là các trường có liên kết đào tạo với nước ngoài, chất lượng cao, để có phương án tiếp nhận học sinh, sinh viên (SV) về học tại Việt Nam khi có nhu cầu, hoặc đón học sinh, SV nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo này, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn cho các cơ sở giáo dục ĐH yêu cầu các trường xem xét, tiếp nhận du học sinh Việt Nam và SV quốc tế có nhu cầu, có đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Bộ GD-ĐT yêu cầu việc tiếp nhận này cần phù hợp với điều kiện tuyển sinh và năng lực đào tạo của trường. Người học được tiếp nhận phải đáp ứng yêu cầu đầu vào không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến.
Các trường cần căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung, yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần cho người học. Đồng thời tiến hành rà soát, mở rộng các đối tác để phát triển các chương trình trao đổi SV quốc tế, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các hình thức hợp tác giáo dục khác.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo duc ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết hiện cả nước có 352 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Trong đó, ở bậc ĐH có 195 chương trình, thạc sĩ có 150 chương trình và tiến sĩ có 7 chương trình. Số lượng SV, học viên và nghiên cứu sinh đang theo học ước tính khoảng gần 30.000 người, hầu hết là trình độ ĐH, số ít còn lại là học viên thạc sĩ. Trong đó, liên kết với các trường ĐH của Pháp có 91 chương trình; Vương quốc Anh: 71; Mỹ: 38; Úc: 27; Đức: 20; Đài Loan: 19; Trung Quốc :10; Hàn Quốc: 8…
Bà Thủy cũng khuyến cáo, người học có dự định theo học chương trình liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam và cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài cần lưu ý lựa chọn chương trình liên kết đào tạo hợp pháp là các chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bằng một quyết định cho phép thực hiện liên kết đào tạo (Bộ GD-ĐT phê duyệt hoặc các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ phê duyệt).
Theo phân tích của cán bộ phụ trách mảng đào tạo của các trường ĐH, việc về nước học thì đơn giản, nhưng sau khi hết dịch, SV có tiếp tục ra nước ngoài học tiếp hay phải học trong nước cho đến khi tốt nghiệp ĐH thì còn tùy vào việc SV học chương trình nào trong nước.
                                                                                                                                                          Theo Thanhnien
Share.

Leave A Reply