Du học Ý ngành Tâm lý học (University of Padova)

0

SSDH – Qua bài chia sẻ từ bạn Đặng Ngọc Linh Trang, mong rằng các bạn đọc sẽ có cái nhìn rõ hơn về chương trình học và cuộc sống du học sinh ở Ý nhé!

Về chương trình học
Chương trình cử nhân ở Ý là 3 năm, ngành của mình yêu cầu một số lượng tín chỉ nhất định, thesis, và internship để tốt nghiệp. Năm học bắt đầu vào đầu tháng 10, muộn hơn khoảng 1 tháng so với đa phần các nước khác. Mỗi năm học gồm 2 học kì, học kì 1 từ tháng 10 – tháng 12, học kì 2 từ tháng 3 – tháng 5. Tháng 1, 2, 6, 7 sẽ là 4 đợt thi cuối kì chính, tháng 8 và 9 sẽ có thêm 1 đợt thi nữa. Điểm đặc biệt đó là mỗi môn mình được phép thi lại 6 lần, nếu thi lần đầu tiên không hài lòng với điểm có thể từ chối điểm và thi lại vào đợt sau. Tuy nhiên không phải vì thế mà thả lỏng được, vì chương trình học khá nặng lí thuyết, nên vẫn phải lên kế hoạch thi kĩ càng để không bị dồn và tốt nghiệp muộn. Điểm chấm theo thang 30 (=100/100), nếu làm thật thật tốt thì sẽ được 30 Laude, 18/30 là pass. Điểm dễ hay không thì tùy người tùy ngành, nhưng theo trải nghiệm của mình thì rất dễ pass, nhưng điểm cao (>27) thì cũng rất khó. Trong thời gian học, trường cũng có một số chương trình exchange với các trường đại học khác trong châu Âu (Erasmus), hoặc với các trường đại học ngoài châu Âu. Các chương trình này apply không quá khó, chỉ đòi hỏi lên kế hoạch kĩ càng, và chi phí đi học trao đổi sẽ được hỗ trợ một phần tùy vào nước mình đi.
Ngành của mình học gì? Mình học chủ yếu cũng như các chương trình đại học ngành Tâm lý học khác, đầy đủ các môn về các ngành tâm lý xã hội và ngôn ngữ, tính cách, phương pháp nghiên cứu, xác suất thống kê, tâm lý lâm sàng, giải phẫu hệ thần kinh và các cơ quan liên quan. Có một số môn tự chọn và mở rộng hoặc chuyên sâu hơn mà mình thấy khá độc đáo, đó là Artificial Intelligence, Animal Psychology, Human Sexuality, hay Cross-Cultural Perspectives on Anthropology. Những môn như vậy tạo cơ hội để mình khám phá xem mình thực sự thích khía cạnh nào của ngành Tâm lý, vì thực sự đó là một ngành học rất rộng và nhiều tiềm năng. Đa phần đều học khá nặng lý thuyết, nhiều thứ phải nhớ, và tùy vào môn mình chọn, nhưng ít nhất năm nào cũng phải học 2-4 môn liên quan đến hệ thần kinh và chức năng thần kinh. Đây cũng là một điểm cần cân nhắc kĩ khi chọn ngành, vì như mình rất thích, rất đam mê, từng đọc và tự học trước nhiều, và cũng đã biết rõ là học những gì rồi, nhưng khi vào học vẫn có lúc nản vô cùng vì đơn giản là đọc không hiểu, mà không hiểu tức là không nhớ nổi. Đa phần những môn mình học đều không có project hay assignments giữa kì gì cả, mà 90-100% điểm đều dựa vào bài thi cuối kì, nên chỉ có tự học và tự đọc, nếu không lường trước thì sẽ thấy khó khăn hơn.
Giáo sư thì đương nhiên như mọi nơi, có người dạy hay có người dạy dở, nhưng tất cả những người mình học qua đều là chuyên gia trong lĩnh vực của họ, đều rất đam mê với những gì mình làm, và luôn luôn sẵn sàng để mình đặt câu hỏi. Giáo sư thường trả lời email rất nhanh, và điểm mình phục nhất ở họ đó là một số người dù họ không nói tiếng Anh trôi chảy, có khi không trôi chảy bằng mình, nhưng họ luôn kiên nhẫn và sẽ giải thích đến khi nào mình hiểu mới thôi. Giao tiếp có thể là một vấn đề do bất đồng ngôn ngữ, nhưng hiện tại mình chưa có nhiều khúc mắc với chuyện này, có thể vì do đa phần giáo sư viết tiếng Anh thông thạo hơn nói, và do dịch COVID nên mọi giao tiếp chủ yếu thực hiện qua email hoặc tin nhắn. Sách giáo khoa và tài liệu thì mình gần như không phải mua, giáo sư sẽ cung cấp bản mềm, hoặc chỉ chỗ cho mình tìm bản mềm.
Học xong thì làm gì? Mình chưa học xong nên mình cũng khó nói, nên mình chỉ có thể nói từ việc trao đổi với các anh chị lớn và các giáo sư của mình, và theo quan sát của mình thì ngành Tâm lý thực ra không hề hẹp như nhiều người vẫn tưởng. Hồi mình đi du học bố mình còn hỏi là con đi học nói chuyện với mọi người à. Nhưng học xong không nhất thiết phải đi tư vấn tâm lý, nói chuyện và giải quyết vấn đề, mà có thể đi làm trong lĩnh vực nhân sự và tuyển dụng, có thể học lên và làm nghiên cứu về tâm lý và khoa học thần kinh, có thể làm công tác xã hội, có thể làm về giáo dục và tâm lý gia đình trẻ em, có thể làm về quyền con người và chính sách công, có thể chuyển hướng sang khoa học nhận thức và AI, và cũng có thể như giáo sư môn statistics của mình là đi nghiên cứu về methodology và statistics dùng trong khoa học hành vi. Và mình tin danh sách chưa dừng lại ở đó. Vậy nên mình cho rằng ngành Tâm lý thực ra có rất nhiều tiềm năng, và những kiến thức mình học được vẫn sẽ giúp ích cho mình rất nhiều dù mình ở bất kì ngành nghề nào. Đây cũng là lý do mình thích chương trình học hiện tại của mình, vì mình được học thử nhiều môn trong nhiều lĩnh vực khác nhau để quyết định xem mình thực sự muốn làm cái gì.
Đời sống
Dù người dân đa phần không nói tiếng Anh tốt, không biết tiếng Ý bạn vẫn có thể sống được và sống tốt nếu không ở lại lâu dài. Tiếng Ý cũng khá dễ nghe nên sống một thời gian nghe dần dần cũng vẫn sẽ hiểu được đôi ba chữ. Nhưng mình rất rất thích tiếng Ý, đối với mình nó nghe còn lãng mạn hơn cả tiếng Pháp nữa, nên mình vẫn cho rằng nếu đã sang Ý thì nên học chút tiếng Ý. Có chút tiếng Ý cuộc sống cũng sẽ dễ thở hơn, ra đường thấy tự tin hơn, đi làm thủ tục giấy tờ cũng đỡ bực mình hơn. Mình cảm thấy tiếng Ý cũng không quá khó với người đã học tốt tiếng Anh, hoặc đã từng học qua tiếng Pháp, Tây Ban Nha, hay kể cả tiếng Đức. Có thể học tiếng online bằng các lớp của người Việt (dạy kĩ ngữ pháp hơn) hoặc học ở trường. Mỗi thành phố cũng có trung tâm dạy tiếng Ý miễn phí cho người nhập cư.
Nhà ở không đắt quá mức nhưng vì lượng sinh viên tăng liên tục nên giá đang dần bị đội lên và tìm hơi vất vả, thường phải tìm trước khoảng 2 tháng. Nhà ở là một vấn đề hơi đau đầu ở đây, vì có nhiều chủ nhà ngại cho sinh viên thuê, đặc biệt là sinh viên quốc tế. Nhà thường đầy đủ nội thất khi chuyển vào, giường chiếu tủ bàn bát đĩa nồi niêu có cả, nhưng thượng vàng có thì hạ cám cũng có, tìm nhà phải cẩn thận để không bị scam vì nhiều người lợi dụng tâm lí tuyệt vọng của sinh viên. Khó khăn về nhà lại được bù lại bằng sự đầy đủ đồ ăn thức uống. Đồ ăn dễ mua được tươi, hoa quả rau củ nhiều, nhiều siêu thị lớn và chợ tiện đường đi lại. Ăn ngoài cũng rất ngon và không quá đắt, vì Ý nếu nổi nhất cái gì thì chắc chắn là đồ ăn, bên cạnh pizza, pasta thì các món bánh ngọt và kem cũng là đặc sản. 1 cái pizza là khoảng 6-8 euros, 1 cái bánh croissant hay donut là 0,5-1 euro, 1 ly espresso là 1 euro, và gelato thì 2-2,5 euros là đã có một cốc 2 viên kem to oạch. Vấn đề duy nhất là không có nhà hàng Việt nào, nhưng gia vị để nấu đồ Á thì đầy đủ, có trà sữa và đồ ăn Trung Quốc tương đối ổn.
Cộng đồng người Việt ở thành phố Padova thì không đông đúc, chủ yếu là sinh viên hoặc nghiên cứu sinh, cảm nhận của mình là những người mình tiếp xúc đều gần gũi, thân thiện. Ở đây đông người Trung Quốc, nếu ai nói được tiếng Trung cũng sẽ khá có lợi. Sinh viên quốc tế đông, chủ yếu sẽ gặp được nhiều sinh viên đến từ các nước châu Âu khác do chương trình trao đổi Erasmus giữa các trường đại học trong châu Âu. Đây là một điểm rất thú vị, vì mình liên tục có cơ hội được tiếp xúc và học hỏi về văn hóa các nước khác. Đương nhiên không thể tránh khỏi là vấn đề phân biệt chủng tộc, nhưng mình cũng xác định đi ra nước ngoài là kiểu gì cũng sẽ gặp. Về cơ bản mọi người vẫn rất thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ kể cả người lạ, và rất hay chào. Theo quan sát của mình thì người Ý rất vui, ồn ào, tính cộng đồng cao, và nếu người ta chào đón mình thì sẽ chào đón vô cùng nhiệt tình. Ý là một đất nước rất giàu văn hóa và truyền thống, cộng thêm việc thành phố của mình cũng là thành phố sinh viên, giúp mình có điều kiện tiếp xúc với nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, nên cá nhân mình thấy đời sống tinh thần rất phong phú và học hỏi được rất nhiều.
Nếu ai thích sống ở đâu mát hơn Việt Nam nhưng cũng sợ lạnh như mình thì mình thấy ở miền bắc Ý rất hợp lí. Padova ở gần biển nên độ ẩm cao (không cao như Việt Nam nhưng cũng không quá khô), nhiệt độ nhìn chung là ôn hòa, có 2 tháng hè hơi nóng, khoảng 35-37 độ C tối đa, mùa đông thì không quá lạnh, và cũng không có tuyết. Chất lượng không khí thì hơi đáng buồn, vẫn có thể nhìn trời xanh trong lành nhưng cũng có những khu trong thành phố hay tắc đường và rất nhiều khói bụi xe. Thành phố không quá to cũng không quá bé, mọi điểm đến hay ho đều có thể đi bộ hoặc xe đạp, hệ thống giao thông công cộng đầy đủ (xe buýt hơi lề mề nhưng nói chung là không gì hoàn hảo), mọi thứ tiện ích cần gì có nấy (gym, nhà hát, rạp chiếu phim, quán cà phê, etc.). Mình chủ yếu đi bộ trong thành phố vì mọi thứ gần, nhưng xe đạp cũng là một sự lựa chọn phổ biến. Phương tiện công cộng có tram và bus, bus giờ chạy hơi hên xui, nhưng mình nghĩ hệ thống đủ dùng. Đặc biệt là hệ thống tàu mình cảm thấy rất ổn, không cần ô tô vẫn có thể du lịch thoải mái.
Padova nằm ở vị trí rất chiến lược cho việc du lịch, đến các điểm du lịch nổi tiếng ở miền bắc nước Ý bằng tàu rất tiện lợi: 25’ đến Venice, 45’ đến Verona, 1h30’ đến Bologna, 2h đến Milan, etc. Mình đặc biệt thích điểm này của Padova, ở đây 7 tháng mình đi Venice tới 4 lần. Các huyện nhỏ lân cận Padova cũng có nhiều điểm tham quan như thành cổ hay các sự kiện văn hóa, rất vui và phong phú. Ở trong thành phố thì có công viên, không gian xanh, nhiều nhà thờ, nhiều di tích lịch sử văn hóa dành cho những ai thích yên bình, và cũng có bar club đầy đủ dành cho những ai thích sôi động. Cá nhân mình thấy bản thân rất hợp với thành phố, thanh bình nhưng không hẻo lánh, không khí trẻ trung sôi động (vì có trường đại học và nhiều sinh viên) giữ cho tinh thần mình không bị già cỗi, nhưng cũng có bề dày văn hóa lịch sử để mình khám phá mỗi khi chán ở nhà, vì đi bộ vài bước là đụng trúng di tích, nhà thờ, bảo tàng rồi, mà nhìn góc nào cũng thấy xinh đẹp mới lạ.
Dù gì mình cũng mới học năm 2, và cũng mới sống ở Ý được khoảng 1 năm, nên những trải nghiệm của mình có thể chưa đầy đủ, chưa bao quát được hết các vấn đề. Nhưng đến thời điểm này mình vẫn rất hài lòng với cuộc sống và việc học hành ở đây, vậy nên nếu bạn nào như mình – đam mê ngành Tâm lý học nhưng không đủ điều kiện để đi những nước như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Hà Lan – thì Ý là một sự lựa chọn tuyệt vời. Mình mong những chia sẻ của mình phần nào giúp ích được cho mọi người.
SSDH Team (tác giả Đặng Ngọc Linh Trang, Scholarship Hunter)
Share.

Leave A Reply