SSDH – Có nhiều bạn dù sống ở Mỹ hay không đều có thể chưa hiểu hết về dược phẩm tại quốc gia này. Bạn muốn học ngành y hãy theo dõi bài viết sau nhé.
Gần đây mình có cơ hội gặp một giáo đầu ngành ở một trường top 10 để trao đổi nghiên cứu trong mảng chuỗi cung ứng và sản xuất dược phẩm. Thầy bảo nghiên cứu cái này khó vì FDA (đơn vị quản lý thực phẩm dược phẩm Mỹ) không công bố danh sách nhà máy sản xuất của từng hãng vì lý do “cái này là bí mật thương mại được bảo vệ bởi bản quyền.” Bốn năm trước, FDA kêu thầy vào biên chế để tiếp cận dữ liệu này. Thầy nghiên cứu sâu và thuyết trình với FDA xong thì ba ngày sau được lệnh không cho xuất bản, công toi hai năm cày cuốc.
Thầy không bỏ cuộc. Nhóm của thầy phát hiện ra rằng quy định bảo bì của Mỹ yêu cầu phải có thông tin về nơi sản xuất trên bao bì (dù nó được che đi ở mặt sau). Vậy nên nhóm đã thiết kế một phần mềm lấy và lọc thông tin bao bì để rút được đúng mã, đối chiếu nó với thông tin về dược phẩm thu hồi công khai của Mỹ. Kết quả, dù cùng một loại thuốc thông dụng, nhưng nếu nó được sản xuất ở nước phát triển thì tỉ lệ thu hồi vì lý do ảnh hưởng sức khỏe thấp hơn hẳn so với nếu nó có nguồn gốc từ nước đang phát triển.
CÓ MỘT CHUYÊN RẤT NHIỀU BẠN DÙ SỐNG Ở MỸ HAY KHÔNG ĐỀU KHÔNG BIẾT VỀ DƯỢC PHẨM.
-
Quá trình nghiên cứu và tạo ra một loại thuốc mới rất khắt khe nhưng sản xuất đại trà thì lại là một câu chuyện khác. Ban đầu khi thuốc mới ra thì sản xuất chất lượng tại Mỹ hoặc các nước phát triển khác.
-
Sau đó khi thị trường đã quen với loại thuốc đó thì luật Mỹ lại cho phép bên cung ứng thay nó bằng các loại thuốc có giá trị sinh hóa tương đương (khoảng 85٪, tiếng Anh gọi là Bioequivalent). Lúc này bên cung ứng tìm nhà máy nước ngoài mà cứ làm rẻ hơn là sẽ ưu tiên.
-
Các nhà máy nước ngoài này cũng phải được kiểm định bởi FDA. Tuy nhiên, vì nhà máy ở nước ngoài, có nhiều yếu tố chính trị, nên việc kiểm định được FDA thông báo trước hàng tháng. Khi được đề cập đưa người vào sứ quán sở tại để kiểm định bất chợt, thì FDA từ chối luôn và đóng cửa chương trình này.
-
Vậy nên kể cả bạn có uống cùng một loại thuốc hàng ngày, cũng không chắc bạn đã được hưởng đúng công dụng của nó khi nó mới được điều chế ra.
Và thực ra nghiên cứu ở trên cũng nêu rõ là chất lượng của thuốc nhập từ ngoài vào có khả năng năng gây nhiều vấn đề sức khỏe hơn.
MẢNG KHÔNG HƯỜNG NÀY CỦA NƯỚC MỸ CŨNG ĐƯỢC GHI NHẬN Ở NHIỀU BÀI BÁO CHƯA LÊN TẦM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC:
-
Một bác sĩ tim mạch ở John Hopskin từng phát hiện ra bệnh nhân của ông cứ điều trị được một thời gian đang tiến triển thì lại thụt lùi nhanh. Về sau ông mới phát hiện là phía nhà thuốc đổi thuốc có công dụng tương tự cho bệnh nhân (dù bảo hiểm vẫn đánh cùng giá)
-
Một bác sĩ ở bệnh viện Stanford có con bị rối loạn tăng động phát hiện ra biểu hiện bất thường ở con và cũng tra ra việc đổi thuốc này.
Vậy nên nhiều người không để ý chứ Mỹ cũng nhiều thứ giống thế này lắm đó.
THẾ NÓ LIÊN QUAN GÌ ĐẾN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC?
Kì thực thì nếu bạn làm doanh nghiệp bạn đâu có cơ hội để tìm ra và cung cấp bằng chứng cho những việc có ý nghĩa xã hội như vậy. Mà có tìm ra trong doanh nghiệp có lẽ vì lợi ích công ty bạn vẫn sẽ quay đi chỗ khác không nhìn mà thôi.
Mình cũng trao đổi thêm với thầy làm nghiên cứu về thu hồi thuốc ở trên. Tình cờ thầy cũng trên dưới chục năm doanh nghiệp giống mình. Thầy bảo:
Doanh nghiệp thì lúc còn trẻ khỏe mình thăng tiến được thấy hay. Nhưng lên đến tầm quản lý cấp trung thì không còn chỗ để lên. Việc làm nhiều mà tiền không xứng đáng. Thầy có bạn 55 tuổi, ở vị trí Vice President rồi bị sa thải vì có bạn trẻ hơn chịu làm. Xong thì làm gì có vị trí việc tương đương nữa mà tìm. Còn lên đến tầm CEO rồi thì công ty sở hữu người đó rồi. Làm việc đâu có tâm tư tự đó nữa.
Mình cười. Thực ra mình rất hiểu cảm giác đó. Khi đã ngồi ở một vị trí ở bộ Tổng, mọi quyết định đều vì công ty nhiều hơn bản thân. Chỉ cần mình sảy một bước là rất nhiều người chịu trận. Vậy nên nhiều khi công ty có làm gì đó không đúng với chuẩn mực đạo đức bản thân thì mình cũng không cục cựa được. Mình đã có thời nhiều đêm mất ngủ như thế.
Thế còn lúc làm nghiên cứu thì sao? Thầy bảo:
10 năm đầu đúng là gian nan nghiên cứu xuất bản để lên hợp đồng dài hạn (tenure). Nhưng nếu mình nghiên cứu cái mình thích thì cũng vui mà. Đến khi qua đoạn đó rồi thì mình cứ tiếp tục nghiên cứu cái mình thích nhưng chậm hơn giá trị hơn. Miễn cứ lâu lâu ra một bài giá trị thì có làm đến 70 tuổi hay ngỏm luôn cũng không ai đuổi việc. À mà điểm cộng của ngành chúng ta là lương cao hơn Vice President trong doanh nghiệp nữa”
Mình lại cười. Ừ thì Thomas Mentzer trường mình đến 2 năm sau khi mất bài vẫn xuất bản cơ mà.
KẾT LẠI
Mình chẳng có khuyên ai theo nghề nghiên cứu cả vì nó nhiều gian truân. Nhưng nhìn lại chỉ khi làm nghiên cứu mình mới đi vào được những vấn đề xã hội mà nhiều người không biết tới nhưng rất cần. Với cả chỉ có thế này thì tinh thần mình mới thực sự tự do mà tài chính vẫn thoải mái. Từ khi mình làm nghiên cứu, mình đặt lưng xuống là ngủ tới sáng, không còn “trằn trọc băn khoăn” như hồi làm doanh nghiệp. Nên vẫn là Trang thôi, một đi có lẽ sẽ không quay đầu lại.
SSDH (tác giả Jenny Hoàng)