SSDH – “Nhiều thanh niên Việt Nam muốn theo học các trường đại học ở Mỹ, nên họ cần phải biết rằng tình trạng nợ nần hiện nay đang đặt gánh nặng lớn lên cả sinh viên và nhà trường.” GS David Pickus, Trường ĐH bang Arizona, chia sẻ.
Lời tòa soạn: Giáo dục Mỹ vẫn được coi là đứng đầu thế giới về chất lượng nhưng học phí cao đã khiến một bộ phận lớn sinh viên phải vay tiền để trang trải chi phí học hành. Điều này ảnh hưởng như thế nào tới những sinh viên Việt Nam khát khao tới Mỹ du học? GS David Pickus, giảng viên lịch sử trường ĐH bang Arizona, chia sẻ một vài tư vấn của ông cho sinh viên Việt Nam trong chuỗi bài viết riêng cho VietNamNet.
|
GS David Pickus |
Ở thời điểm hiện tại, nước Mỹ đang thể hiện một sự hỗn loạn ghê gớm. Đó không phải vì những vấn đề mới nảy sinh mà vì những bất cập đã tồn tại từ lâu nhưng trước đó nhưng người ta thường không để ý đến và giờ thì không thể không thờ ơ được nữa. Một trong số đó là vấn đề nợ sinh viên.
Công chúng Việt Nam có lẽ cũng nên tìm hiểu rõ hơn vấn đề này bởi nó ảnh hưởng đến các bạn theo hai cách.
Trước hết, do nhiều thanh niên Việt Nam muốn theo học các trường đại học ở Mỹ, nên họ cần phải biết rằng tình trạng nợ nần hiện nay đang đặt gánh nặng lớn lên cả sinh viên và nhà trường.
Thứ hai, nền chính trị Mỹ đang trở nên cảm tính và thiếu ổn định hơn. Vấn đề nợ sinh viên đến nay đã gây nên những bức xúc trong nhiều bộ phận xã hội Mỹ. Khi các chính trị gia Mỹ tìm cách đối phó với vấn đề này, thái độ của cả nước Mỹ sẽ thay đổi và thế giới, trong đó có Việt Nam, cũng vậy, sẽ sớm chịu ảnh hưởng.
Vậy đằng sau những điều này có gì không ổn? Xin đưa ra hai lý do cơ bản giải thích cho tình trạng trên.
Trước hết, tỷ lệ thanh niên Mỹ mong muốn có bằng đại học khá cao, khoảng 60%.
Thứ hai, học đại học tại Mỹ rất tốn kém và thường chỉ những ai rất khá giả hoặc những ai nhận được khoản học bổng tương đối, mới có thể học hết chương trình mà không phải vay thêm tiền. Dù khó đoán biết con số chính xác, nhưng có lẽ phải tới 2/3 sinh viên Mỹ sau khi tốt nghiệp ít nhiều mang trên mình một khoản nợ, ở hình thức này hay hình thức khác, trung bình khoảng 24.000 USD.
Khủng hoảng kinh tế năm 2008 không gây ra vấn đề này. Mà đúng hơn, xu hướng đi xuống của nền kinh tế chỉ làm trầm trọng hơn và khiến nó hiện ra rõ hơn. Trước khủng hoảng, nợ sinh viên đã là một vấn đề rồi, nhưng số sinh viên tìm được việc sau khi ra trường tương đối cao nên đủ để nó không lộ ra. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ hiện nay giống như một cơn sóng ngầm, hé mở ra những điều từng ẩn giấu bấy lâu.
Tại sao vay sinh viên lại gây ra rắc rối? Dù sao đi nữa, Mỹ vẫn là một đất nước rất giàu có. Là một giảng viên đại học, bản thân tôi biết rõ một số thanh niên Mỹ có khi còn vay nợ tới hơn 100.000 USD để đi học.
Tuy nhiên, những người được đào tạo tốt này có triển vọng thành công và kiếm được nhiều tiền khá cao. Vậy nhưng, đây chỉ là những trường hợp đặc biệt. Những thay đổi trong nền kinh tế Mỹ, trong các trường đại học và trong suy nghĩ của chính người Mỹ đã biến vấn đề vay sinh viên thành rắc rối lớn hơn, có thể sẽ ảnh hưởng đến toàn nước Mỹ và lan ra cả thế giới.
Tôi xin giải thích lần lượt từng vấn đề.
Trước hết, nền kinh tế Mỹ đang ở trong tình thế lưỡng nan về tín dụng. Để nền kinh tế tiếp tục phát triển, tín dụng phải được cấp cho người dân đủ lớn để họ mua những thứ như nhà cửa và thanh toán chi phí học hành.
Tuy nhiên, các ngân hàng chỉ chịu cho vay số tiền này khi họ có thể đảm bảo thu lợi nhuận dưới hình thức lãi suất đối với các khoản cho vay.
Chừng nào người vay còn có thể thanh toán nợ thì hệ thống này vẫn vận hành ổn thỏa.
Tuy nhiên, cũng giống như việc nhiều người Mỹ (kể cả tôi) ôm khoản nợ còn lớn hơn cả giá trị ngôi nhà đang ở, nhiều sinh viên đại học tốt nghiệp cũng vay nợ nhiều hơn mức lương cho phép họ hoàn trả.
Nhiều trong số những thanh niên này có thể thanh toán hết nợ, nhưng với “chi phí” là một phần lớn thu nhập của họ phải dành để trả ngân hàng thay vì để kích thích kinh tế địa phương.
Một phần lớn người đi vay nữa không thể hoàn trả hết số tiện đã vay. Trong trường hợp này, luật Mỹ cho phép các ngân hàng tính thêm mức “phụ phí” và lãi suất rất cao.
Điều đó có nghĩa là số tiền vay nợ ấy sẽ tiếp tục phình to, đến mức ngày càng nhiều người phải thừa nhận họ nợ lãi suất và phụ phí cao đến nỗi sẽ không thể bao giờ trả hết được khoản nợ gốc vay ban đầu.
Tất nhiên, Chính phủ Mỹ có thể giải quyết vấn đề này bằng cách hạn chế mức lãi suất và giải ngân trực tiếp các khoản vay cho sinh viên.
|
ĐH Yale, một trong những trường ĐH hàng đầu ở Mỹ |
Tuy nhiên, chính những giải pháp này cũng gây ra vấn đề mới, và khi mỗi sinh viên không thể hoàn trả khoản vay do chính phủ bảo lãnh (con số thực tế hiện nay là khoảng 9%), thì người đóng thuế Mỹ sẽ phải gánh khoản phí đó.
Rõ ràng vấn đề có thể giải quyết nếu tín dụng được cắt giảm tương đối, nhưng nhiều người sẽ không thể học đại học và sẽ trở nên càng bức xúc hơn. Đây thực sự là thế lưỡng nan đối với Mỹ.
Điều này dẫn tới vấn đề thứ hai. Nếu chi phí học đại học ở Mỹ thấp hơn đáng kể, số nợ của sinh viên cũng sẽ thấp hơn.
Chắc chắn chi phí học đại học tiếp tục tăng rất nhanh. Chi phí cho một khóa học tại một số trường đại học có chi phí học cao nhất của Mỹ hiện lên tới trên 50.000 USD/năm, nếu tính cả phí sinh hoạt, cao hơn nhiều so với 20 năm trước đây.
Tuy nhiên, dù cho việc yêu cầu học phí thấp cung cấp thêm nhiều chương trình và dịch vụ hơn trước nghe có vẻ rất khả thi, dù cho một số người cho rằng các trường đại học Mỹ hoàn toàn có thể cắt giảm ngân sách mạnh mà không ảnh hưởng tới chất lượng, điều này vẫn rất khó diễn ra.
Các trường đại học Mỹ có thể giảm chi phí bằng cách yêu cầu giảng viên thâm niên của mình dạy nhiều hơn, và đây là điều họ nên làm. Nhưng buộc các trường phải hạ chi phí bằng cách cắt giảm ngân sách mạnh có thể lợi bất cập hại.
Tất cả những điều trên dẫn tới vấn đề thứ ba, gọi là vấn đề kỳ vọng của người dân.
Nếu người Mỹ không còn tham vọng vọng học đại học, hay nếu họ đơn giản chấp nhận mức nợ cao hơn và chung sống với gánh nặng ấy, những vấn đề này có thể khó gây ra khủng hoảng. Nhưng người Mỹ luôn chờ đợi cơ hội và họ sẽ phản ứng với đầy sự bức bối khi không thể phát triển.
Nếu nền kinh tế Mỹ cải thiện, sự bức bối ấy tự nhiên sẽ dịu đi. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình hình đang cải thiện và ngay cả khi như vậy, cũng không rõ liệu những vấn đề sâu xa của các khoản nợ sinh viên sẽ được giải quyết ra sao.
Vậy người dân ở Việt Nam nên hy vọng điều gì? Trước hết, ở mức độ thực tế nhất, họ nên tìm hiểu đầy đủ về những rủi ro nếu nhận bất cứ khoản vay giáo dục nào của Mỹ.
Thứ hai, nếu họ theo học đại học ở Mỹ, họ hy vọng trường đó sẽ muốn giảm các khoản học phí và điều này ảnh hưởng ngược lại đến chất lượng đào tạo. Nhưng trên hết, ở mức độ rộng hơn, tất cả người Việt Nam nên thấy rõ sự bất ổn đang tồn tại ở Mỹ.
Như các phương tiện truyền thông đã đưa tin, hàng trăm người Mỹ đã và đang gửi những nhận xét tỏ rõ sự bức xúc của mình trên mạng về vấn đề vay sinh viên nói riêng và vấn đề nợ nói chung.
Nhiều trong số họ có thời gian làm điều này vì họ không có việc làm hoặc bán thất nghiệp. Các chính trị gia từ tất cả các đảng đều đang đối phó với những người này và cố gắng thuyết phục họ. Điều gì sẽ xảy ra tiếp đây xin dành riêng cho dự đoán riêng của mỗi người.
(còn tiếp…)
Theo Vietnamnet