Sẵn sàng du học – Bà Tracy Ngân Nguyễn, người Việt có bằng cao học về Công tác Xã hội và đang làm việc tại Sở Giáo dục của vùng Peel (Canada) phục vụ du học sinh và những học sinh mới nhập trường có bài viết về "Những nỗi niềm sâu khuất không biết ngỏ cùng ai của du học sinh Việt" từ chính kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở vai trò một nhà tư vấn trong lĩnh vực sức khỏe tâm lý tinh thần.
Trong những năm gần đây, nhờ chính sách mở cửa của Canada, việc làm giấy tờ đi du học tại quốc gia này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với ngày trước. Nhiều cha mẹ cố gắng gồng mình lên để dồn tiền cho con đi nước ngoài, với hy vọng là con mình sẽ tốt nghiệp với một tấm bằng danh giá, sẽ có một công việc tốt đẹp, địa vị cao trong xã hội, và bảo lãnh cho cả nhà sang bên này.
Đã rất nhiều du học sinh học tập tốt, được cả học bổng, làm ở vị trí cao, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, trong mặt trái của việc đi du học, cũng có nhiều du học sinh không theo nổi chương trình giáo dục, thất bại về nước.
Trong quá trình làm việc của mình, tôi đã có cơ hội làm việc trực tiếp với các du học sinh từ Việt Nam qua để giúp đỡ các em và gia đình trong các việc từ liên lạc với thầy cô, gia hạn giấy tờ visa học tiếp, đến chia sẻ tâm tư, chuyện gia đình, để giúp các em yên tâm học hành cho tốt bên này.
Mặc dù nhà trường đã cố gắng hết sức để giúp đỡ và "châm trước" cho các em, các du học sinh vẫn có nhiều nỗi lòng mà các em chỉ giữ trong lòng, rồi sinh ra chán nản và trầm cảm.
Với hầu hết các du học sinh, khi được gia đình gửi đi học nước ngoài thì rất hào hứng và nhiều hy vọng. Trước khi đi, các em hứa với gia đình và tự nhủ với bản thân là mình sẽ cố gắng học tập thật tốt, đồng thời cũng làm việc siêng năng chăm chỉ, để tự lo cho cuộc sống của mình.
Năm đầu mới qua, còn hăng hái, đi học rất đầy đủ, cố gắng hết mình để học tốt. Nhưng khi cố gắng thôi không đủ, kết quả của việc học không được như mong đợi, các em cứ nản dần, càng ngày càng thu mình lại, rồi buông xuôi: đi học muộn hay không muốn đến lớp nữa; điểm ngày càng kém đi; rồi không lên nổi lớp. Các em không nói cho ai biết, lại càng không dám kể cho cha mẹ ở Việt Nam. Đến lúc trường gửi bảng điểm về cho gia đình, cả nhà mới vỡ lẽ, bất ngờ, và thất vọng.
Vì người Việt mình thường tin rằng nền giáo dục ở nước ngoài không đòi hỏi nặng nề như ở Việt Nam, nên cha mẹ tin rằng con mình sang bên này là sẽ học giỏi hơn tất cả học sinh bên này. Nhưng thực ra để hiểu được bài vở bên này, học sinh du học phải dành thời gian ít nhất là gấp đôi, gấp ba lần học sinh sở tại vì phải tra từ điển cho các từ vựng, vừa phải nhớ từ mới, và vừa phải học kiến thức mới.
Thêm vào đó, cách học ở bên này đòi hỏi sự sáng tạo và vận động đầu óc hơn hơn là dập khuôn như ở Việt Nam. Nhiều em, vì không hiểu sự khác biệt giữa hai hệ thống giáo dục của Việt Nam và Canada, nên không ít em vẫn giữ kiểu "học gạo", học thuộc bài để trả bài dẫn tới điểm không cao.
Các thầy cô ở đây không đòi hỏi học sinh phải ghi nhớ hết các kiến thức giảng dạy trên lớp, nhưng các em phải hiểu và áp dụng vào thực tiễn.
Một điều khác biệt nữa là ở Việt Nam, học sinh ngồi nghe giảng trong lớp hiểu được bao nhiêu thì hiểu, còn đâu phải đi học thêm ngoài giờ để hỏi bài thêm và được điểm cao. Còn ở Canada, giáo viên không yêu cầu học sinh phải đi học thêm. Nhưng nếu bài giảng không hiểu chỗ nào, các em nên hỏi thầy cô ngay trong lớp hoặc sau giờ học.
Giáo viên bên này rất thích học sinh hỏi bài, vì điều đó chứng tỏ là học sinh muốn học hỏi, và ham hiểu biết hơn. Các thầy cô có thể hăng hái dành ra hàng tiếng đồng hồ để giải thích bài học cho học sinh. Nhưng nhiều học sinh Việt mình thì không biết điều đó, sợ bị chê cười là học chậm hiểu, nên giấu dốt, không dám đến hỏi bài thầy cô.
Có nhiều học sinh, trước khi đi du học, các em bị áp lực khi cả nhà dồn hết sức cho mình đi, và bắt con là học phải thành tài. Nên khi sang đây, dù không theo kịp được chương trình học bên này nhưng các em cũng không dám về nước.
Có nhiều cha mẹ không hiểu tâm lý con cái, khi thấy con nói không học được thì trách móc, mắng mỏ, thách thức, hoặc coi thường: “Không học được thì về đi” hoặc so bì con mình với con người khác "con họ học được thì con cũng phải học được".
Cũng đã từng qua đây du học, tôi rất thấm thía nỗi khổ của du học sinh. Vì đi du học không hề sướng, nhất là trong thời gian đầu đặt chân đến một đất nước hoàn toàn xa lạ. Sướng sao được khi mình phải tự học và tự làm mọi thứ.
Từ cái lần đầu tiên lúng ta lúng túng vào bếp, tự đặt báo thức dậy đi học sớm đến tự giặt đồ, tự dọn toilet, tự sống ngăn nắp – những việc mà học sinh Việt chưa bao giờ hoặc hiếm khi phải đụng đến ngón tay khi còn ở nhà với cha mẹ. Nhưng nỗi khổ trong cuộc sống là một, nỗi khổ tâm thì còn nặng nề hơn gấp ngàn lần.
Nhiều trường hợp như Tuấn là du học sinh qua đây hồi 18 tuổi, sau 3 năm học vẫn chưa tốt nghiệp được Trung học. Cậu bé trở nên chán nản, không muốn học nữa, chơi bời, phá hết tiền cha mẹ gửi sang, rồi đòi về nước. Cha của Tuấn chia sẻ: “Tôi rất hối hận vì việc cho con đi du học một cách mù quáng. Tiền mất, tật mang khi tôi vừa nợ nần chồng chất, con tôi lại học không được, sinh ra chán nản, bỏ về Việt Nam".
Còn cũng có trường hợp như Liên, cô bé lại khép mình lại, không chia sẻ với ai, chỉ ngồi trong phòng khóc một mình, tự dằn vặt hành hạ bản thân khi học tập không được như ý muốn. Mẹ của Liên đã phải sang bên này để mang em về Việt Nam điều trị tâm lý sau bệnh trầm cảm.
Buồn một nỗi là nhiều khi các du học sinh không biết chia sẻ cùng ai vì sợ bị chê cười, chế giễu. Cha mẹ cần hiểu tâm lý của con mình để động viên khích lệ con mình. Sự ủng hộ về tinh thần là rất quan trọng, nhất là khi con mình ở xa nhà, cô đơn bơ vơ nơi xứ người.
*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi để đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Dân Trí