Hành trình du học cùng con: Tránh sập bẫy của các trung tâm tư vấn

0

Sẵn sàng du học – Nhiều năm nay, nhà báo Nguyễn Thị Bích Hậu dành thời gian tìm hiểu thông tin du học Mỹ và hỗ trợ con mình nhận học bổng của nhiều trường trung học, đại học. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách “Đồng hành du học cùng con” của chị được bạn đọc yêu thích và tìm mua để nghiên cứu cách cho con đi du học hiệu quả.

 

Ngày nay, xu hướng cho con đi du học khá phổ biến, dù cha mẹ có tiền hay không phải vào loại dư dả, liệu đó có phải là một trào lưu không, theo chị?

– Rõ ràng, khi điều kiện sống khá hơn, nhiều người muốn con cái học hành tốt hơn, cũng như muốn con mình được thụ hưởng một nền giáo dục tử tế. Đấy là một xu hướng không tránh khỏi. Xu hướng thứ hai, cha mẹ đầu tư vào tương lai cho con, ít nhất các cháu cũng có ngoại ngữ tốt, kiến thức tốt, bằng cấp tốt và đó cũng là một cách kiếm chỗ làm tốt đầy tính cạnh tranh ở các tập đoàn lớn tại Việt Nam. Đó là xu hướng của các quốc gia đang phát triển.

Có cháu du học thành công, song không ít cháu phải bỏ dở nửa chừng. Chị từng khuyên cha mẹ nên đồng hành tìm trường cho con là vì thế?

– Tôi gặp những người bạn khá giàu có cho con đi học theo lời tư vấn của các trung tâm. Ai chỉ trường nào thì cho con đi học, được chăng hay chớ. May thì cháu học chăm chỉ, vào đúng trường tốt và phát triển nhanh; còn nếu bị rơi vào bẫy của trung tâm du học thì rất khổ.

Có cha mẹ hỏi tôi về trường của con, khi tra trên website thì tôi thấy học phí chỉ 10.000USD/năm, trường chỉ học ban ngày, không có ký túc xá. Có một tổ chức liên kết với trường mở ký túc xá, vậy mà họ chào giá tới 67.000USD/năm!

Tôi tính cho cô bạn cả chi phí ăn ở lẫn học phí chỉ đến 25.000 USD. Còn nếu bỏ ra 67.000 USD thì chất lượng y như vậy. Để thu hút người học, tổ chức đó còn giả bộ trao học bổng chừng 30%, trừ đi thì vẫn lời từ 15.000 – 20.000USD. Đấy là kiểu lừa phổ biến nhất hiện nay.

Cũng có người bạn là CEO của một công ty nổi tiếng, nhưng lại chọn cho con học trường nào rẻ nhất bất chấp chất lượng. Cũng có thể vì họ nghĩ đơn giản, ở Mỹ trường nào chẳng tốt! Đó là ví dụ điển hình về cha mẹ giàu nhưng thiếu hiểu biết, quăng tiền vào trung tâm du học và mắc sai lầm lớn. Chính những bậc cha mẹ không nhiều tiền lại tìm hiểu rất kỹ, có kiến thức và hiểu biết để đồng hành cùng con.

Chị từng cảnh báo những chiêu lừa phổ biến của không ít trung tâm tư vấn du học, vậy làm sao để phụ huynh tránh được?

– Thực ra ở đây cần nhất là thông tin. Nhiều trường ở các nước phát triển trên thế giới khá rành mạch, rõ ràng. Cha mẹ có thể tra cứu trên website của trường, các forum, ngoài ra kiểm tra thông tin bằng cách gửi email đến sở Giáo dục địa phương… Cơ bản là người Việt không nhiều người biết tiếng Anh, không có thời gian và bị một số công ty du học dụ dỗ hoặc đưa thông tin không đúng.

Thực ra, các công ty tư vấn cũng sẽ làm như vậy vì họ là nhà kinh doanh, phải tìm cách hưởng lợi tốt nhất. Nếu cha mẹ không tỉnh táo, không đầy đủ thông tin thì sẽ vào tròng của họ thôi.

Tôi gọi họ là “những khách hàng không trải nghiệm”, cho con đi học mất mấy tỉ, nếu thất bại, coi như lãnh đủ vì không thể cho con học lại; nếu cho con đi sai đường từ bậc trung học sẽ dẫn đến sai cả đại học và sau đại học, vì chất lượng của ngôi trường đầu tiên ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của con.

Nói chung, phụ huynh có thể không biết tiếng Anh giỏi, nhưng họ có thể tìm những nơi hiểu biết để chia sẻ thông tin. Mấu chốt là phải học hỏi, nếu không sẽ bị lừa.

Những lúc rảnh, tôi chia sẻ thông tin như một người mẹ đã kinh qua trải nghiệm, mọi người có thể lên trang cá nhân của tôi tìm hiểu.

Vì sao cuốn sách về du học của chị lại được yêu thích và gây sốt như vậy?

– Tôi có bỏ công mua một loạt sách trên thị trường đọc thử thì thấy chủ yếu những cuốn đó chỉ chia sẻ trải nghiệm cá nhân của các cháu và có nhiều cuốn chỉ nói về kỹ thuật. Cuốn sách của tôi chỉ xuất phát một điểm nhìn là cha mẹ cho con đi học. Mà thực ra, các con thích đi thì không bỏ tiền ra được, hiếm có cháu tự kiếm học bổng, chủ yếu vẫn nhờ cha mẹ, thì cha mẹ lại càng phải hiểu biết.

Tôi chỉ đơn giản kể lại những trải nghiệm và cung cấp các kỹ năng cho mọi người cần. Tôi đang viết cuốn sách thứ hai giúp sinh viên nghèo tìm học bổng vì nhận thấy nhiều gia đình không dư dả nhưng khao khát cho con đi du học, con của họ cũng rất nỗ lực, chỉ cần các cháu có chút may mắn thì mới có cơ hội đổi đời.

Xin cảm ơn chị.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Lao động

Share.

Leave A Reply